Friday, May 3, 2024

Tưởng nhớ thầy Nguyễn Phi Long

Nguyễn Trần Diệu Hương

Thầy Nguyễn Phi Long là vị thầy thứ 17 dạy lớp chúng tôi vĩnh biệt đời sống. Trước thầy, lần lượt các thầy trực tiếp dạy chúng tôi lần lượt ra đi: Thầy Nguyễn Hữu Lợi (Lý Hóa); thầy Trần Thiện Cơ (Toán); thầy Đinh Văn Sái (Pháp Văn); cô Nguyễn Thị Kim Cúc (Vạn Vật); cô Ngô Bích Liên(Nữ Công); thầy Nguyễn Văn Tỵ (Nhạc); thầy Nguyễn Minh Mẫn (Pháp văn); thầy Phạm Văn Mẫn (Hội Họa); thầy Huỳnh Kim Thân (Toán); thầy Hồ Bá Vạn(Toán); cô Lê Thị Mỹ (Sử Địa); cô  Phạm Thị Khang (Vạn vật); cô Phạm Thị Hạnh (Anh Văn); cô Bạch Thị Bê (Cổ Văn); thầy Dương Thanh Tùng (Sử Địa); cô Nguyễn Thị Diệp (Kim Văn.)

Thầy Nguyễn Phi Long là vị thầy thứ 17 dạy lớp chúng tôi chúng tôi vĩnh biệt đời sống. (Hình: Nguyễn Trần Diệu Hương cung cấp)

Mỗi một thầy cô khuất bóng đều để lại trong lòng chúng tôi nhiều thương tiếc. Chúng tôi không có dịp gặp lại 16 thầy cô quá cố đã trực tiếp dạy mình từ Tháng Tư năm 1975.

Với thầy Nguyễn Phi Long, tôi được may mắn gặp lại thầy năm 2011 qua các sinh hoạt của Hội Cựu Học Sinh NQ ở Mỹ. Thầy trò chúng tôi đều già đi theo năm tháng chồng chất nhưng tôi vẫn nhận ra giọng nói của thầy vẫn ấm áp, sang sảng như thời chúng tôi còn ở lớp Tám1. Thầy cũng nhận ra tôi, con bé học trò là trưởng lớp ngồi đầu bàn nhất, rất thích môn Toán.

Thầy quê ở Thái Bình, mà thầy vẫn đùa là “Thái Lọ.” Cả hai cuộc di cư lớn nhất trong đời thầy gắn liền với lịch sử đất nước. 

Tháng Bảy năm 1954, vừa bước vào trung học, cả thầy và trường Trần Lục đều đi cư từ Bắc vào Nam, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn ở phía Bắc của vĩ tuyến 17. Năm đó thầy vừa 11 tuổi, hình ảnh Thái Bình, Hà Nội vẫn còn nhạt nhòa trong ký ức của thầy.

Tháng Tư năm 1975, một lần nữa thầy cùng gia đình có một cuộc di cư lần thứ hai, lần này xa hơn, từ Việt Nam qua Mỹ ở tuổi 32, bỏ lại cả một thời tuổi trẻ ở Sài gòn, ở Biên Hòa.

Cả hai cuộc di cư đều không có lần quay lại, như một câu hát của Nhạc sĩ Nguyệt Ánh “Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Một lần đi là mất lối quay về.” 

Ở điểm này thầy khá giống hai người học trò cũ của thầy, bạn học cùng khóa 15 với tôi (T. ở Mỹ, và A. ở Pháp).

Vì vậy, Sài Gòn với thầy, với hai người bạn của tôi vẫn còn nguyên “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, vẫn còn nguyên con đường Tú Xương với hai hàng cây thơ mộng. Và dòng sông Đồng Nai ở Biên Hòa vẫn còn  vẻ đẹp tự nhiên của một thành phố hiền hòa, không bon chen, xô bồ.

Trôi theo dòng đời, cũng như nhiều người Việt Nam lưu lạc, thầy đi học, đi làm, gắn bó với Wisconsin, Washington DC, California, rồi Texas.

Gần 49 năm trôi qua kể từ cuộc di cư lần thứ hai vì vận nước, thầy nhắm mắt xuôi tay vào một ngày đầu tháng tư năm 2024. Những ngày cuối đời của thầy, không có con, và cô đã mất từ chín năm trước, thầy được một cựu học sinh Ngô Quyền (NQK10 VQTTV) là bác sĩ ở Houston, cùng chồng của chị, chăm sóc thầy chu đáo từ MD Anderson Cancer Center, qua Rehab Center, đến Hospice Care.

Lần cuối, chúng tôi có dịp thưa chuyện với thầy qua điện thoại khoảng một tuần trước khi thầy vĩnh viễn từ bỏ đời sống, để về đoàn tụ với cô ở thế giới bên kia. Lúc đó, giọng thầy đã yếu, đứt quãng, khác xa với tiếng nói sang sảng trong những giờ hình học năm xưa.

Biết trước là thầy sẽ vĩnh biệt đồng nghiệp, và học trò, nhưng chúng tôi vẫn rất buồn khi nhận được mấy dòng email của chị TV.

“Thầy Phi Long đã ra đi lúc 6 giờ 06 phút chiều nay 4 Tháng Tư năm 2024. 

Thầy ra đi rất bình thản và không đau đớn. 

Xin cầu nguyện cho linh hồn thầy Giuse Nguyễn Phi Long”

Học trò của thầy ở Ngô Quyền, từ khóa 9 đến khóa 17 sẽ nhớ đến ông thầy trẻ dạy Hình học nghiêm khắc, nhiệt tình trước Tháng Tư năm 1975 cùng câu nói với các anh chị Ngô Quyền khóa chín đã đi vào “văn học sử trường Ngô Quyền-Biên Hòa”: “Đừng bao giờ lái xe vận tải vào đời tư của người khác.”

Thầy đi bình yên, thanh thoát, học trò ở khắp nơi trên thế giới sẽ cầu nguyện cho thầy, và kính cẩn chào thầy lần cuối như ngày xưa tụi em vẫn đứng dậy chào thầy mỗi đầu giờ Hình học.

Đồng nghiệp và học trò sẽ nhớ thầy với vẻ nghiêm khắc, nhiệt tình của một ông thầy trẻ của Trung học Ngô Quyền Biên Hòa gần nửa thế kỷ trước.

Vĩnh biệt thầy với chân thành thương tiếc!

[disqus_shortcode_codeable]