Monday, April 29, 2024

Tưởng nhớ anh Nguyễn Trọng Hiền

Bảo Sơn

Chúng tôi, nhóm cựu nữ sinh trường Trung Học Trưng Vương Sàigon (trước năm 1975), đã có cuộc họp mặt đầu tiên với anh Nguyễn Trọng Hiền, vào một buổi trưa đầu năm 2013 tại nhà hàng Song Long ở Quận Cam, Nam California. Anh Hiền có nhã ý mời chúng tôi cùng anh thực hiện một chương trình mà anh mong ước và đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian để tìm kiếm, góp nhặt những tài liệu, bài viết và hình vẽ của thân phụ của anh, Hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường.  Hoài bão lớn nhất của anh Hiền là cố gắng làm sống lại những y phục thời trang Lemur đã một thời vang bóng, bị mai một vì chiến tranh năm 1942 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Trọng Hiền (đứng giữa) và các cựu nữ sinh Trưng Vương trong buổi trình diễn Y Phục Phụ Nữ Lemur tại đài truyền hình SBTN. (Hình: Bảo Sơn cung cấp)

Lúc ban đầu, chúng tôi đã rất là hoang mang và dè dặt, chưa dám quyết định ra sao, nhưng sau vài lần cùng nhau hội thảo thêm với anh Hiền, chúng tôi đã được hiểu biết rõ hơn về lịch sử những kiểu áo dài, quần áo, giầy dép nón và áo lót do ông Lemur Cát Tường thiết kế, vừa hoà hợp đươc nét thanh nhã đẹp sang của Âu Tây nhưng vẫn nâng cao được vẻ thuỳ mị, kín đáo của phụ nữ đông phương. Chúng tôi lại được biết thêm, bà hiệu trưởng trường Trưng Vương Hà Nội đã cho phép các nữ sinh được đầu tiên, mặc áo dài trắng đi học thời bấy giờ, và chúng tôi đã nhận lời trong niềm vinh dự, hãnh diện và hạnh phúc, gạt bỏ những băn khoăn lo lắng, (vì số tuổi cũng không còn được trẻ, vì không có chút nào kinh nghiệm trong cách đi đứng trên sân khấu, và cũng có chút hơi e ngại vì sẽ phải xuất hiện  qua truyền hình, truyền thông và mạng xã hội khắp nơi.) Chúng tôi đã cùng anh Hiền bắt đầu từng giai đoạn cho một chương trình biết rằng sẽ khó khăn, nhiều công sức, cả về tinh thần sáng tạo lẫn vật chất.

Sau hơn ba tháng, ngày 6 Tháng Bảy năm 2013, anh Nguyễn Trọng Hiền và chúng tôi đã hoàn thành được một buổi trình diễn Y Phục Phụ Nữ Lemur tại đài truyền hình SBTN.  Đối với chúng tôi, chương trình đã thành công ngoài sức tưởng tượng.  Chúng tôi rất là hãnh diện và tự cho như thế là vì trong những ngày tháng bận rộn, lo lắng sửa soạn cho chương trình cùng với nhau, chúng tôi đã có được một phần thưởng tinh thần rất là to lớn. Chúng tôi đã có nhiều thời gian gần nhau, đi bao nhiêu chuyến xuống LA chọn mua vải, vất vả tìm thợ may, những buổi tập trễ, đi ăn tối, hỷ nộ ái ố, và từ đó gia tài của chúng tôi là những Kỷ Niệm không quên, thật là đẹp về tình đoàn kết, cố gắng, nhẫn nại, tha thứ, và “bonding”, có nghĩa là chúng tôi có anh Nguyễn Trọng Hiền là người anh Lemur mà chúng tôi rất là quí mến và sẽ mãi không quên anh.

Anh Nguyễn Trọng Hiền, sinh ngày 2 Tháng Năm năm 1943 tại Hà Nội. Cha mẹ của anh, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường và bà Nguyễn Thị Nội đã sinh được năm người con.  Cô gái đầu lòng là Nguyễn Cát Minh Nguyệt, ba người con trai là Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Quốc Hưng và cô út Nguyễn thị Vân Anh.

Sau khi ông Cát Tường mất, một mình vất vả tảo tần lo cho năm con, ngày 8 Tháng Hai năm 1952, mẹ anh đã quyết định gởi ba người con trai ở tuổi 11, 9 và 7 từ Hà Nội đi học ở một trường Quốc Gia Nghĩa Tử tại Đà Lạt (do Hoàng Tử Bảo Long đỡ đầu). Những ngày tháng sống nhờ chính phủ, vì là trẻ mồ côi, ba anh em cũng đã trải qua những nỗi lúc nhớ gia đình và thiếu thốn.  Anh Hiền tuy là con thứ nhưng được mẹ yêu và cưng nhất vì anh rất có hiếu lại thông minh, hay lo lắng cho mọi người.

Năm 19 tuổi, anh Hiền nhập ngũ vào binh chủng Không Quân.  Anh được gởi đi học lớp bay khu trục tại Hoa Kỳ  năm 1962 Khi trở về, phi đoàn anh đóng ở Biên Hoà rồi anh chuyển ra Nha Trang làm huấn luyện viên (L-19 máy bay quan sát) cho các khoá sinh Không Quân quốc nội.

Năm 1972, vì bị bệnh xuyễn không bay ở độ cao được nên anh giải ngũ và đi làm tại hãng Flying Tiger (nay là Federal Express) cho đến tháng 4, 1975, anh đã định cư tại California, Hoa Kỳ.

Năm 1977, anh kết hôn với cô bé rất là xinh đẹp tên Phan Thị Cẩm Thi. Họ đã có được cháu gái Nguyễn Phan An Thi và cháu trai Nguyễn Cát Linh Nam.

Khi di cư vào Nam, Gia đình anh còn giữ lại một vali với tất cả hình ảnh, tài liệu của Hoạ sĩ Lemur Cát Tường.  Gần ngày cuối Tháng Tư năm 1975, anh Hiền đã gởi chiếc vali ấy cho một người bạn Hoa Kỳ để khi về nước mang theo và cất giữ hộ nhưng chẳng may, anh bạn đã bị lạc mất vali quí giá ấy trên đường chạy loạn.

Thua keo này, ta bày keo khác! anh Hiền luôn tự hứa rằng sẽ cố gắng tìm lại được “Bố” anh, dù tốn kém thời gian chi phí, sẽ có một ngày anh đem cho thế giới thấy lại những hình ảnh mà các người tiền bối năm xưa đã để lại.

Ở tuổi 62, anh về hưu sớm và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm di tích của ông Lemur Cát Tường. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiền đã đến thư viện, bảo tàng viện Pháp ở Paris.  Trong chuyến về Việt Nam để dạy về cách chụp hình máy digital, anh đã có cơ duyên liên lạc được với ông Toichi Nizoma,Tiến Sĩ người Nhật chuyên nghiên cứu về lich sử Việt Nam.  Anh được ông Nizoma chia sẻ nhiều tài liệu rất quí và giới thiệu cho anh cô Martina Nguyễn, tiến sĩ tại trường đại học UC Berkley.  Cô gái trẻ này đã cho anh thêm nhiều tài liệu cần thiết.  May mắn hơn nữa, Chị Pham Thảo Nguyên (con dâu út của thi sĩ Nguyễn Thế Lữ) đã tặng anh một kho tàng vô giá là 300 số báo Phong Hoá Ngảy Nay.  Một chứng tích lớn lao của lịch sử mà anh Hiền đã có được, tìm được cha của anh, ông Lemur Nguyễn Cát Tường.

Và chúng tôi biết anh Hiền đã rất là mãn nguyện vì anh đã làm được ước muốn của anh và anh có một đàn em Lemur mãi mãi cùng đồng hành với anh!

Gởi anh “Hiền Lemur”, những ý nghĩ của các cô em đã có nhiều kỷ niêm những ngày chúng ta cùng làm sống lại những di tích của cây bút thần Lemur Nguyễn Cát Tường để lại cho ngàn sau.

*Trưng Vương Bảo Sơn

Khi gặp anh lần đầu ở Song Long, anh có nói là đã biết gia đình em từ lúc em còn nhỏ xíu vì anh có biết bố mẹ và anh cả của em khi anh ở Đà Lạt. Em nhớ những lần làm việc với anh, chọn từng những tấm ảnh và lời viết cho chương trình, quyết định xem ai sẽ là người mặc chiếc áo nào cho hợp với vóc dáng. Anh luôn từ tốn, nói chuyện rất sinh động hài hước nhưng lịch sự và phóng khoáng.

Từ đây, em cũng sẽ nghĩ về anh vì nhớ hồi đó anh rất thích ăn mì mà phải nấu ngon như hồi ở Sài Gòn.

Em sẽ mãi không quên anh và kỷ niệm về Lemur anh Hiền nhé.

* Trưng Vương Minh Thanh và Trung

Năm 2013 lần đầu tiên gặp anh Hiền đến với ban Văn Nghệ Trưng Vương. Với lòng tha thiết và mong mỏi của anh Hiền muốn thực hiện một chương trình trình diễn đủ các loại áo dài được thiết kế bởi bác Cát Tường vào thập niên 1930.

Thời gian đó chúng em làm việc gắn bó và thân thiết với anh Hiền. Anh em mình đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp và êm đềm với nhau.

Một kỷ niệm đáng nhớ riêng với Minh Thanh là anh Hiền đã cố gắng về miền Bắc Việt Nam để lục lọi ra cái hình mẫu áo dài bolero cuối cùng của bác Cát Tường và anh đã chọn Minh Thanh mặc chiếc áo dài bolero này. Điều đó làm Minh Thanh rất cảm động.

Bây giờ được tin anh mất chúng em thật bàng hoàng hụt hẫng và thương tiếc.

Anh ra đi nhưng tinh thần LeMur vẫn còn mãi trong lòng mọi người.

Nguyện xin hương linh anh sớm được về hưởng nhan thánh Chúa.

 * Trưng Vương Đỗ Mai Phương

Thế là anh Hiền đã ra đi thanh thản trong mùa lễ Phục Sinh 2024 này rồi. Chúng tôi đón nhận tin này mà lòng buồn man mác.

Ngày đầu gặp anh qua chị Hồng Tước với mấy tấm ảnh kỷ niệm anh chụp cho chúng tôi vẫn còn đây. Thế mà cũng hơn 11 năm qua rồi, ngồi đây ôn những ngày tháng đó , tôi rất vui mừng vì nhờ thời gian sinh hoạt trong ban chấp hành của hội CNSTV Nam California nên mới được tiếp xúc với anh nhiều lần – khi anh đề nghị muốn hợp tác với ban văn nghệ Trưng Vương để thực hiện một buổi trình diễn làm sống lại “Y Phục Phụ Nữ Tân Thời LeMur Nguyễn Cát Tường” tức Họa sĩ Cát Tường thân phụ anh Hiền.

Anh vẫn giữ tác phong một phi công của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, rất lịch lãm thêm chút…galant. Anh vui vẻ trình bày, cho chị em chúng tôi xem những tài liệu và hình ảnh Y phục Phụ Nữ Tân Thời của thân phụ anh đã bị thất lạc mà anh đã vất vả, chịu khó mất nhiều thời gian để tìm kiếm, thu thập qua những lần về quê hương, đến khi trở lại Mỹ lại cố gắng thực hiện làm sống lại công trình sáng tạo của thân phụ . Anh thật là người con hiếu đễ đáng ngưỡng mộ!

Thôi anh đi trước nhé, cầu chúc linh hồn anh sớm hưởng Nhan Thánh Chúa. Rồi cũng có ngày chúng tôi lại được gặp anh.

* Trưng Vương Ngô Thị Lý

Mỗi lần mở tủ áo, nhìn áo dài Lemur lại nhớ đến anh Hiền và bao nhiêu kỷ niềm tràn về.  Lý vẫn nhớ như in ngày tập final để hôm sau lên quay hình ở SBTN.  Lý lo sợ quá nên lúc bước đi cat walk, Lý bước nhưng đầu cúi nhìn xuống đất làm anh Hiền phải la lên “không có bạc cắc đâu mà kiếm”, làm Lý buồn cười quá.

Lại còn chuyện tập đến tối mịt, anh Hiền, Sơn và Lý vì ở cùng tỉnh nên đi xe chung.  Freeway 405 đóng để sửa chữa, ba anh em đi đường trong đồng không mông quạnh, sợ quá nhưng anh Hiền trấn an hai cô em, kể nhiều chuyện vui nên gần hai giờ khuya mới về đến nhà. Cũng may trời thương nên ngày trình diễn thành công, Lý được anh Hiền khen nên mừng lắm. Sẽ nhớ anh mãi mãi.

 * Trưng Vương Vân Hương

Vân Hương thật sự phải cảm ơn anh Hiền rất nhiều vì nhờ có anh giới thiệu với chúng ta về Y Phục Lemur, Vân Hương mới có được nhiều thời gian với các bạn và anh Hiền để lo sửa soạn cho một chương trình rất là đại qui mô đối với sức hiểu biết về văn nghệ của chúng mình.  Từ những lúc đi lựa vải, chọn màu áo nhã nhặn cho hợp với ý của ông Lemur đến những lần tập dáng đi sao cho nhẹ nhàng, tất cả bây giờ sẽ không bao giờ tìm lại được nữa.

Những cảm giác vui mừng khôn tả khi chương trình hoàn tất ngoài sự mong muốn, những tiếng vỗ tay, những nụ cười rạng rỡ của tối hôm ấy, làm sao mà còn tìm được!!!! Sẽ không bao giờ cho nên Vân Hương sẽ giữ mãi cảm súc ấy với mình và mãi mãi.

Cảm ơn anh Hiền và các bạn TV đã cho Vân Hương cùng trong niềm Hạnh Phúc với Lemur.

* Trưng Vương Hồng Anh

Một ông anh hào hùng không quân, một ông anh nghệ sĩ lãng mạn với đam mê bảo tồn lịch sử và văn hoá làm sống lại chiếc áo dài LeMur cho phụ nữ Việt!

Anh Hiền Lemur, em gọi tên anh như thế khi mình làm lại lịch sử áo dài LeMur qua sân khấu SBTN với các chị và các cô bạn thân Trưng Vương vào năm xưa ấy.

Em còn nhớ anh cứ nhắc mãi nhắc hoài là áo dài Lemur mình mặc thì tà áo phải ngắn hai phần ba (2/3) so với quần hé lộ ra một phần ba (1/3) và phải mầu trắng như mây mới đúng, mới thướt tha, mới thanh thoát…

Anh Hiền LeMur thân mến, chúc anh trên đường bay an lành này có mây thướt tha, có gió thanh thoát anh nhé!

* Trưng Vương Vũ Mai Khanh

Được gặp và quen biết anh đã 11 năm qua trong chương trình “Y phục phụ nữ Lemur Nguyễn Cát Tường.”

Được làm việc chung với anh, mới thấy anh là một người tử tế, hiền lành, kiên nhẫn, và tỉ mỉ.

Em vẫn còn nhớ và vẫn rất áy náy khi nhớ lại những lần đi chọn vải cùng anh, để thực hiện những chiếc áo dài Lemur, mà anh hàng ấp ủ bấy lâu nay, em đã không nghe lời anh chỉ dẫn, để chọn những mẫu vải sao cho phù hợp, nhưng anh vẫn từ tốn, hòa nhã, để chiều theo ý cô em, hoặc dặn dò thật kỹ khi mặc chiếc áo dài Lemur, phải chú ý từ mái tóc, đôi giày, đến chiếc ví cầm tay, đồ trang sức, và nhớ đánh phấn trắng ở cổ và sau gáy, để tôn vinh thêm vẻ đẹp thanh tao của người con gái Hà Nội .

Hôm nay, anh không còn nữa, nhưng trong lòng em luôn nhớ đến người anh hiền hòa, phúc hậu, bao dung.

Nguyện cầu cho anh luôn bình an nơi chân trời mới, và được hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời.

Cảm ơn anh đã cho em có những kỷ niệm thật đẹp, không quên, nhớ mãi cùng anh trong chương trình “Y phục phụ nữ Lemur Nguyễn Cát Tường” đã hơn 11 năm qua.

[disqus_shortcode_codeable]