Monday, April 29, 2024

Tiễn biệt chị Nguyễn Đắc Điều

Phạm Tín An Ninh

Tôi được diễm phúc quen biết, để rồi sau đó là một đứa em tinh thần của anh chị Điều trong một trường hợp khá đặc biệt, bất ngờ như nhiều cuộc hạnh ngộ khác trong cuộc đời mình. Anh chị Điều vốn là những người nặng lòng với tha nhân, luôn giúp đỡ mọi người.

Anh chị Điều và vợ chồng Phạm Tín An Ninh, Tháng Tư, 2023. (Hình: Phạm Tín An Ninh cung cấp)

Chị là một nhà giáo của nhiều thế hệ học trò, còn anh vốn là một cán bộ hành chánh cao cấp nhưng cũng là một ông thầy trong ngành, nên học trò của anh hầu hết là những ông bà công chức lớn tuổi thời VNCH. Có lẽ vì thiên chức này nên anh chị luôn mở rộng tấm lòng, nâng đỡ khuyến khích những mầm non.

Tôi cũng là một mầm non khi tập tễnh cầm bút viết chuyện đời mình, chuyện tang thương dâu bể của quê hương, đất nước, chuyện khốn cùng của thân phận một người lính sa cơ, bại trận, tù tội oan khiên, có lẽ vì vậy mà được anh chị đem lòng cảm thông, quý mến.

Thêm một điều kỳ diệu khác làm sợi dây thân tình của chúng tôi ngày một thắt chặt thêm, để rồi trở thành huynh đệ. Đó là chúng tôi có những người bạn chung, rất quý mà trước đó chúng tôi không được biết. Tôi có một cô bạn học cùng lớp những năm cuối ở trường trung học Võ Tánh Nha Trang, là một cô bạn rất hiền từ khả ái, và học rất giỏi.

Bao nhiêu năm biền biệt mất tin nhau, nhưng trong lần đầu tiên gặp anh chị Điều tại một buổi ra mắt tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường của tôi, tại Nam Cali, bất ngờ tôi gặp lại cô bạn này cùng đến với anh chị Điều, Hỏi ra mới biết cô bạn của tôi từng là đồng sự với anh Điều tại Hoa Kỳ, và vợ chồng cô cũng đang là bạn láng giềng rất thân thiết với anh chị ở San Diego.

Thêm một anh chị bạn khác nữa thì ngược lại, sống rất xa anh chị Điều nhưng lại gần tôi, là bạn văn cũng là láng giềng của tôi ở tận vùng Bắc Âu băng tuyết. Điều đặc biệt lý thú là cả hai vợ chồng người bạn này lại đều là đồng môn QGHC và anh chồng từng là đồng sự thân thiết của anh Điều nhiều năm trước Tháng Tư 1975.

Có lẽ nhiều vị ở đây có quen biết hoặc nghe danh hai anh chị bạn này: Anh chồng, Ngô Thanh Tâm với bút hiệu Tâm Thanh, là tác giả của một số tác phẩm nổi tiếng: Thiên Nga Giữa Cõi Người, Gỗ Thức Trên Rừng, đặc biệt là tác phẩm Lênh Triệu Ban Rồi do chính anh Nguyễn Đắc Điều in ấn xuất bản để cho bạn mình dùng làm kỷ vật gởi lại cho bạn bè trước lúc ra đi. Chị vợ là nhà thơ Khánh Hà, cũng được biết tới với một số thi phẩm: Cõi Thơ, Ở Đây…

Chị Điều (ngồi bên trái) muốn ngồi lại cái ghế mà ba năm trước anh Tâm Thanh đã ngồi với anh Điều. (Hình: Phạm Tín An Ninh)

Cách đây gần 10 năm, mùa hè năm 2014, lúc này tôi đang ở NaUy, khi biết tin anh Tâm Thanh bị ung thư trong thời kỳ cuối, anh chị Điều liền mua vé may bay sang thăm người bạn quý, nhân dịp này anh chị cũng thăm gia đình tôi. Anh Tâm đang trong thời kỳ trọng bệnh nên chị Tâm phải ở bên cạnh săn sóc cho chồng. Vợ chồng tôi được vinh dự nhận lãnh trách nhiệm đón khách đường xa. Nhưng đến giờ chót, khi vừa quá cảnh dừng chân tại Paris, anh Điều mới báo là anh chỉ đến NaUy một mình, vì chị Điều vừa phải qua giải phẫu một căn  bệnh ung thư. Hôm ấy, thay vì cùng đến với chị Điều, thì anh Điều đến vợ chồng người bạn, anh chị Phạm Kế Viêm & Trần Diệu Tâm, hai vị này tháp tùng theo anh từ Paris.

Chúng tôi có những ngày bên nhau, vui cũng nhiều nhưng buồn cũng không ít, vì đây là lần cuối cùng chúng tôi được ở bên cạnh anh Tâm Thanh.  Anh đã qua đời chỉ sau đó vài tháng,  khi chúng tôi đang ở California.

Ngay sau khi trở lại California, gặp lại chị Điều, tôi nghĩ ngay tới căn bệnh hiểm nghèo của chị, đã làm chị phải tiếc nuối bỏ lỡ chuyến đi rất đặc biệt này, tôi hỏi nhỏ: “Tình hình sức khỏe của chị giờ ra sao rồi?”

Chị nhoẻn một nụ cười thật bình thản như mọi khi, bảo là: “Đang có nhiều bạn bè yêu thương mình, nên bỏ đi sao được.”

Nghe chị nói, dù có thể là chị nói đùa, nhưng tự thâm tâm, tôi tin đó là những lời tâm huyết của chị, khi chợt nhớ tới lời xưa của cụ Phan Bội Châu:

Con chim sắp chết hót tiếng bi thương
Con người sắp chết nói lời tâm huyết

Cụ Phan Bội Châu viết những dòng này trong “Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư” năm 1903, nhưng mãi đến 37 năm sau (năm 1940), Cụ mới qua đời tại Bến Ngự trong cảnh bị giam lỏng.

Tôi liên tưởng tới bà chị họ Đỗ của tôi, cũng vừa bị định mệnh lên án treo. Chị có được ân xá và diên trì sự sống một thời gian dài như cụ Phan hay không? Tôi nghĩ, trong viễn ảnh Phật giáo mà chị là một Phật tử, tiếng gọi về ngay hay lệnh hoãn không nhất thiết là tốt hay xấu, mà chỉ là duyên nghiệp trong luật tử sinh chung, và việc ở hay đi nào có gì quan trọng nếu người ta sống xứng đáng và biết yêu thương cũng như được yêu thương tới giờ phút cuối cùng!

Và một con người bình dị, khiêm cung, hiền lành cùng với trái tim nhân hậu như chị Điều, tôi tin là chị đã và đang sống theo chiều hướng ấy.

Là một người luôn nặng lòng với bạn bè, chị hối tiếc vì đã không sang NaUy thăm anh Tâm Thanh trước lúc anh ra đi, nên ba năm sau, tuy sức khỏe chưa ổn định lắm, chị đã giục anh Điều và cùng vợ chồng cậu con trai, bay sang NaUy để thăm chị Khánh Hà và thắp hương trước bàn thờ anh Tâm Thanh, người bạn thân quá cố của chồng mình.

Rồi hơn hai năm trước, một đôi lần, anh Điều buồn bã nói nhỏ với tôi: “Bà nhà tôi lại đang trở bệnh nặng, tháng ngày còn lại của bà không còn biết được bao nhiêu?” Anh dặn tôi đừng nói với ai, và khi gặp chị đừng tỏ ra điều gì cho chị biết. Nhưng sau đó gặp chị, trông chị vẫn bình thản, vẫn với nụ cười thân thiện và lời nói hiền hòa như ngày nào, tôi chẳng nhận ra một dấu hiệu đau yếu, buồn bã, tiêu cực nào ở chị. Tôi lại càng tin tưởng là chị đã ngộ ra từ lâu rồi, cái  lẽ vô thường của nhà Phật.

Cách nay vài tháng, anh lại gọi cho biết tình trạng sức của chị khá bi quan đã phải đưa vào bệnh viện điều trị. Và rồi vào khuya ngày 11 Tháng Ba vừa qua, tôi nhân được một tin nhắn ngắn gọn của anh trên điện thoại, báo tin chị vừa ra đi lúc 9 giờ 15 phút tối.

Tôi không bất ngờ, nhưng rất xúc động, tuy vẫn giữ được bình tĩnh, vì đã biết trước điều gì sẽ phải xảy ra hôm nay. Hơn nữa tính ra, từ khi lâm trọng bệnh cho đến lúc ra đi, dù không kéo dài được 37 năm như Cụ Phan Bội Châu, nhưng chị cũng đã sống hơn 10 năm, trong vòng tay yêu thương của chồng, con, gia đình và bằng hữu, khi tuổi đời của chị trên 80, cũng đã vào hàng thượng thọ, trong lúc cụ Phan chỉ sống được đến tuổi 73.

Đặc biệt, trong những ngày tháng cuối cùng chị đã được chồng con gần gũi, lo lắng chăm sóc rất chu đáo. Cháu trưởng nam của chị là một bác sĩ có tài nên đã tìm mọi cách chữa trị tốt nhất cũng như lo đầy đủ thuốc men đặc biệt cho chị. Tôi tin rằng chị đã ra đi với lòng mãn nguyện.

Chị Điều ơi!

Xin chị hãy ra đi thanh thản. Chị đã sống một cuộc đời xứng đáng, được tất cả mọi người quý mến yêu thương. Chắc chị còn nhớ, trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết “thác là thể phách, còn là tinh anh.”

Chị ra đi nhưng hình bóng, tấm lòng với bao điều quý giá của chị vẫn còn ở lại, vẫn luôn hiện hữu trong lòng mọi người. Những đức tính bình dị, hiền hòa, khiêm cung và nhân ái của chị vẫn mãi mãi in đậm trong ký ức chúng tôi, những người còn ở lại với một thế giới bất an, nhiều nỗi âu lo, phiền muộn và nhân thế ngày một phức tạp, lòng bao dung và sự yêu thương dường như ngày cũng một phôi pha trong trái tim của con người.

Sau cùng, xin phép được tỏ bày cùng anh Nguyễn Đắc Điều và các cháu.

Tôn giáo nào cũng có những điều rất hay để an ủi tín đồ khi có người thân vĩnh viễn ra đi. Bên Công Giáo mặc định rằng chết là được Chúa gọi về và cái chết chỉ là ngưỡng cửa để bước vào đời sống vĩnh hằng, Phật giáo thì dạy rằng chết là trả nghiệp, là giải thoát xong một kiếp người ở cõi tạm, khi cuộc đời này chỉ là vô thường, sắc sắc không không. Em không biết, từ những lý thuyết, giáo lý, kinh kệ này đến thực tế của cảm xúc khoảng có xa lắm hay không? Trong ý niệm đó, dù rất thành tâm, em không biết nói lời phân ưu nào với anh và các cháu. Hơn nữa, em nghĩ là khi nói lời phân ưu có thực sự chia sớt được phần nào nỗi đau buồn của anh và các cháu hôm nay. Em chỉ mong anh và các cháu luôn hãnh diện là mình đã có một người vợ hiền trung hậu, một bà mẹ, một người bà xứng đáng mẫu mực, đã hết lòng chăm lo, thương yêu con cháu, và sống hết lòng với bè bạn cùng tất cả tha nhân,

Cầu mong anh và các cháu có thêm nhiều sức khỏe và nghị lực để sớm vượt qua nỗi mất mát lớn lao này.

Xin cúi đầu bái biệt chị!

[disqus_shortcode_codeable]