Saturday, April 27, 2024

Khóc người bạn đời tri kỷ

Nguyễn Thiện Tống

Loan ơi! Em ơi! Người bạn đời tri kỷ của anh ơi!

Bây giờ em đã đi vào giấc ngủ ngàn Thu nên anh khóc em mà không phải kiềm chế,  không phải khóc thầm như khi em có thể nghe, có thể nhìn thấy nỗi lòng trong mắt anh. 

Chuyến bay từ Sài Gòn đến Sydney vào ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1965, cách đây hơn 57 năm của nhóm 22 sinh viên Colombo Plan du học Úc đã dẫn hai ta dần vào số phận vợ chồng. Chúng ta học chung trong hai tháng ngắn ngủi trước khi vào đại học mà anh và em đã có gì với nhau đâu, khi anh đi Perth và em đi Melbourne trong đợt phân tán nhóm 22 người chúng ta đi năm bang của Úc.

Khóc người bạn đời tri kỷ Lê Xuân Loan. (Hình: Facebook Nguyễn Thiện Tống)

Anh và em gửi cho nhau những là thư tình bạn dè đặt trong năm đầu đại học. Rồi anh trong nhóm bảy nam từ bang Tây Úc, gặp lại em ở Melbourne trong nhóm bốn nữ của bốn bang Đông Úc. Chúng ta dần dần mở lòng với nhau, rồi anh trở về Perth và chúng ta gửi cho nhau những lá thư tình yêu đầu đời giữa Perth và Melbourne, trong suốt năm thứ hai đại học. 

Khi anh chuyển qua học ở Sydney, thì khoảng cách thư tình chúng ta ngắn lại nhưng cũng hơn cả ngàn cây số. Sau khi em tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa BA ở Melbourne rồi chuyển lên học DipEd ở Sydney để thành giáo viên, thì chúng ta gặp nhau hàng ngày trong năm thứ tư. 

Chúng ta cưới nhau cuối năm 1969 rồi có con trai đầu lòng cuối năm 1970. Em là phụ nữ Sài Gòn mà cho con gọi em là Mạ như phụ nữ Huế. Tính cách Sài Gòn của em rất Huế, khiến cho một số bạn bè tưởng em là người Huế. 

Anh học PhD và em dạy Pháp văn ở trường trung học North Syney, rồi em dạy Anh văn cho Sydney Technical College. Ngay sau khi anh nhận bằng PhD, chúng ta cùng con trai ba tuổi rưỡi trở về nước vào đầu Tháng Bảy năm 1974, sau hơn tám năm rưỡi sống ở nước Úc thanh bình và phát triển. 

Chúng ta cố gắng hội nhập với cuộc sống ở Việt Nam đang còn chiến tranh, với hoài bão tuổi trẻ muốn đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Em làm ở Tổng Cục Phát Triển Đầu Tư, anh dạy ở trường Đại Học Kỹ Thuật ở Phú Thọ thuộc Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức.    

Chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Chúng ta cùng nhau trải qua những gian nan vất vả với bao nhiêu biến động, với bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu thất vọng… nhưng chúng ta không hối tiếc quyết định hồi hương, chúng ta không bàn tính chuyện vượt biên.

Chúng ta lạc quan với hòa bình của đất nước và chúng ta có thêm con gái vào cuối Tháng Mười Một năm 1976. Con chúng ta không đủ sữa để uống và may thay đã được ba nhường phần sữa tiêu chuẩn của mình cho cháu ngoại. 

Lương nhà nước không đủ sống nên chúng ta thiếu thốn vô cùng và phải bán dần những gì có thể bán được để sống. Em dạy Anh văn ở Đại Học Ngân Hàng, ở Trung Tâm Bồi Dưỡng Bách Khoa của Hội Trí Thức Yêu Nước, và đi dạy thêm ở nhiều tư gia. Có những buổi chiều tối, em phải đạp xe đạp cả chục cây số để dạy Anh văn thêm ở tư gia. Em nghỉ làm ở Đại Học Ngân Hàng khi trường dời lên Thủ Đức. Rồi em làm việc ở công ty Fideco, rồi dạy ở trường Hoa Sen…

Năm 1992, khi anh từ chối không đi du học ở Harvard thì em đã khuyến khích anh đi. Khi đó, con trai của chúng ta đã đi học ở Úc nhờ sinh ra ở Úc, em và con gái phải rất vất vả trong hai năm anh học ở Harvard. Thêm hai năm cách xa nhau nửa vòng trái đất Boston–Sài Gòn, thì chúng ta có tất cà là năm năm gửi thư thương nhớ cho nhau trong cuộc đời, không kể những lần thời gian chúng ta xa nhau một hai hay nhiều tháng.    

Rồi từ năm 1995, anh lại ngày đêm lo tổ chức mở ngành đào tạo Kỹ Thuật Hàng Không ở Đại Học Bách Khoa, thì em không than phiền gì mà còn ủng hộ việc anh có cơ hội đóng góp chuyên môn cao mà anh đã học ở Úc. Thành quả đào tạo cả ngàn sinh viên hàng không là niềm an ủi cho anh và cả cho em nữa, so với hoài bão tuổi trẻ muốn đóng góp cho sự phát triển của quê hương khi chúng ta về nước năm 1974. 

Em cũng đã vất vả sáng lập Khoa Anh Văn Thương Mại ở Trường Cao Đẳng Bán Công Hoa Sen, và đã giúp đào tạo được nhiều sinh viên chất lượng. 

Chúng ta sống với lương bổng nhà giáo nên không dư dả gì sau khi nghỉ hưu, nhưng em cũng để dành vài chục triệu đồng mỗi năm ủng hộ học bổng Tiếp Sức Đến Trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế. Em còn vận động hai con đóng góp cho học bổng này. Sau khi về hưu, có người hỏi anh vui chơi “hobby,” gì thì em đã nói rằng “hobby” của anh là vận động xin tiền học bổng.   

Chúng ta sống hạnh phúc với nhau và vui với con cháu sau khi về hưu. Em đã dạy thêm Anh văn cho hai cháu ngoại và khuyên bảo hai cháu chăm học. Em đã rất vui khi thấy cháu nội thông minh chóng lớn, đi học được cô giáo khen. Anh mong chúng ta sống đến lúc cháu ngoại tốt nghiệp đại học, cháu nội vào trung học, rồi sống thêm đến lúc cháu ngoại lập gia đình, đến lúc cháu nội vào đại học… 

Nhưng cơn bệnh ung thư hạch quái ác xuất hiện cách đây ba năm. Em đã chống chọi với cơn bệnh đó, phải chịu đựng mệt mõi đau đớn với những đợt hóa trị, rồi xạ trị, rồi lại hóa trị… Có lúc chịu không nỗi em muốn bỏ cuộc và có lần em đã khóc nói “Em không muốn chết.” Anh rất xót xa chỉ biết ôm em cùng khóc. Rồi cũng có lúc chúng ta lạc quan vì cơn bệnh được kiềm chế nhờ bác sĩ cho điều trị với thuốc rất mới. 

Chúng ta nhờ có con gái đưa em đi chữa bệnh và con rể giúp thêm tư vấn về y khoa, nhất là vào thời gian mà bệnh tình em trở nặng. Em rất đau đớn nhưng không hề hay biết thời gian còn lại của em chỉ tính bằng tháng. Anh và các con cháu vẫn vui cười trước mặt em, để em yên tâm chịu đựng với hy vọng được sống tiếp. Có lần em nói “Khổ cho anh quá” và có mấy lần em tỉnh táo mà nói như mê “Anh lui sau lưng ôm em đi” khi em đang nằm trên giường không ngồi dậy được nữa. 

Anh khóc thầm khi nghĩ đến những ngày sẽ không còn em. Vào tuần cuối, có lúc em nhìn anh với ánh mắt rất khác thường khiến anh lo ngại em có thể nhìn thấy nỗi lòng trong mắt anh. Anh mỉm cười để em không biết anh đang thổn thức trong lòng, để em yên tâm và cố gắng ăn uống để có sức chịu đựng tiếp tục điều trị. Nhờ thế cho đến ngày cuối cùng, tinh thần và thân thể em vẫn duy trì được gần như bình thường nên khi em nhắm mắt đi vào giấc ngủ nghìn thu thì nét mặt em vẫn bình thản tươi đẹp. Con trai, con dâu và cháu nội đã về kịp ngay tối 13 Tháng Ba để nhìn mặt em trước khi đóng nắp quan tài.   

Sau hơn 57 năm yêu nhau và sống bên nhau một cuộc đời, với bao nhiêu hy vọng ban đầu mà phải chịu lao đao lận đận với nhiều thất vọng, rồi chỉ một tháng trước đây thôi anh mới hỏi “sao em yêu anh?” Em nói vì anh có “một chút ngang tàng khí phách và một chút nhà quê chất phác”. 

Anh nhìn lại cuộc đời chúng mình thì “một chút ngang tàng khí phách” đó đã làm em khổ lây và “một chút nhà quê chất phác” đó cũng làm em được an ủi phần nào. 

Nếu em hỏi lại “sao yêu em?” Anh không biết trả lời sao vì anh chỉ cảm thấy thích em, chú ý đến em và rồi yêu em mà không biết từ lúc nào và tại sao, nhưng thật ra khi hồi tưởng về em thì anh thấy nét mặt em đẹp dịu dàng đằm thắm và giọng nói em ấm cúng ngọt ngào. Những lúc xa em anh rất nhớ em, muốn gặp để thấy mặt em để nghe em nói.    

Cách đây năm năm, em đã khuyến khích anh nên tập hợp những bài báo, những ý kiến của anh để in thành sách theo một số chủ đề như về giáo dục, về khoa học, về hàng không… Anh chỉ mới tìm và phân loại một số bài có files trong máy tính, mà chưa làm tập trung cho xong theo chủ đề đầu tiên là giáo dục để có thể in một cuốn sách, và rồi làm tiếp các cuốn sau. Từ nay, anh nhất định phải làm việc này theo lời khuyên của em và để nhớ đến em hàng ngày.     

Chúng ta chịu nhiều thiệt thòi so với những gì chúng ta đáng có nhưng vẫn giúp đỡ, động viên được những người khác có những hoàn cảnh thiệt thòi hơn chúng ta. Đặc biệt là em và anh đã giúp thêm động lực học tập và làm việc cho nhiều sinh viên, mà trong số đó có nhiều người rất thành công trong sự nghiệp. 

Trong ba ngày em ở Vãng Sanh Đường chùa Vĩnh Nghiêm, anh em, bà con, bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên của em, sinh viên của anh, hàng xóm làng giềng… đã đến viếng em, chia buồn với gia đình chúng ta, và rất nhiều người đã gửi email, đã viết trên FaceBook lời cầu nguyện cho em và chia buồn với gia đình chúng ta. 

Anh được quy y khi hai tuổi với pháp danh Chơn Phước. Nay, em vừa được quy y với pháp danh Thiện Tâm. Chúng ta có hai pháp danh này do nhân duyên mà nói lên đúng ý nghĩa cuộc đời chúng ta. 

Loan ơi! Em ơi! Anh khóc em, anh thương nhớ em, anh biết ơn em – người bạn đời tri kỷ của anh.

[disqus_shortcode_codeable]