Thursday, April 25, 2024

Mối duyên tình với bác Nguyễn Đình Hữu và ARCWP

ThaiNC

Đã khá lâu chúng tôi không liên lạc được với bác Nguyễn Đình Hữu, nhất là suốt mùa COVID-19 vừa qua. Hôm nay, nhận tin bác đã ra đi vĩnh viễn lòng đầy bồi hồi, thương tiếc một người với trái tim nhân ái tràn đầy. Bác luôn luôn là người tôi kính trọng nhất trên đời.

Cáo phó ông Nguyễn Đình Hữu (Hình: Facebook ThaiNC)Khoảng năm 1988, một hôm tôi thấy thằng bạn cùng phòng thay đồ chững chạc đàng hoàng chuẩn bị đi. Hỏi đi đâu, nó nói đi gặp một người có tên là Nguyễn Đình Hữu. Ông Nguyễn Đình Hữu, trước năm 1975 nguyên là Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Nay, ông là một nhân viên xã hội làm việc cho Santa Clara County, California.

Nhớ lại khoảng thời gian trước năm 1988, phong trào vượt biên của người Việt sang các quốc gia lân cận như Malaysia, Phillipines, Hong Kong…và nhất là Thái Lan còn rất cao. Các trại tỵ nạn đường biển cũng như đường bộ đều dầy đặc những người Việt tỵ nạn sống chen chúc nhau trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Trong mấy dịp thăm viếng các trại tỵ nạn Viêt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Đình Hửu đã nhận ra một vấn nạn trầm trọng cần được xã hội lưu tâm và giúp đỡ, đó là các trẻ em tỵ nạn mồ côi hay vì lý do nào đó không có cha mẹ hoặc người bảo vệ đi kèm đang bơ vơ, thiệt thòi và bị kẻ xấu lợi dụng thật tội nghiệp ngay tại trại.

Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tỵ Nạn Không Cha Mẹ (Aid To Refugee Children Without Parents -ARCWP) được bác Nguyễn Đình Hữu sáng lập, mục đích để trợ giúp và bảo vệ các trẻ em tỵ nạn cơ khổ này. Bác kêu gọi mọi người góp một bàn tay.

Có lẽ không cần thiết nhắc đến tôn chỉ, địa bàn các trại tỵ nạn hoạt động cũng như phương pháp làm việc của họ. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái duyên đã đưa tôi đến cùng bác Hữu và hội ARCWP.

Thằng bạn đọc lời kêu gọi của bác Nguyễn Đình Hữu trên báo nên quyết đi gặp mặt. Tôi chỉ là tên tình cờ do hôm đó cuối tuần ở nhà rảnh rỗi, chưa có chỗ nào đi chơi nên tò mò xin đi theo, chứ trước đó hoàn toàn không có khái niệm gì về hội này.

Sau khi đến và nghe bác trình bày về hoàn cảnh khó khăn của các trại tỵ nạn nói chung, đặc biệt nỗi bất hạnh của những bé tỵ nạn không cha mẹ ở đây, thằng bạn của tôi về nhà suy đi tính lại rồi quyết định không tham gia vì nó vốn mang chí lớn, muốn làm việc với một hội đoàn nào đó có lập trường và hoạt động chính trị đấu tranh với cộng sản, không phải chỉ làm việc xã hội.

Tôi là kẻ hôm đó chỉ đi theo cho vui, lại trùng hợp là người có…chí nhỏ, và chỉ muốn làm những việc nho nhỏ trong tầm tay như vậy mà thôi nên quyết định theo bác Nguyễn đình Hữu, gia nhập hội Cứu Trợ Trẻ Em Tỵ Nạn Không Cha Mẹ.

ARCWP hoạt động cho đến khi chương trình tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc chấm dứt. Các trại tỵ nạn trên các quốc gia Đông Nam Á đều giải thể. Tuy không còn những trẻ em tỵ nạn bơ vơ nữa, nhưng vẫn còn vô số những trẻ em khác đủ mọi hoàn cảnh cơ khổ và rất cần sự giúp đỡ cuả xã hội, nhất là ở Việt Nam. Do đó, hội vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay dưới một danh xưng khác là ACWP-Aid to Children Without Parents.

Bao nhiêu năm qua, nhiều thế hệ những lớp người trẻ tuổi đã đến góp một bàn tay, một con tim, một chí hướng cùng ARCWP và ACWP. Mỗi năm, những cựu hội viên của ARCWP mọi thế hệ đều dành một ngày tìm về để gặp gỡ, hàn huyên, chia sẻ niềm vui buồn cùng nhau trong cuộc sống. Và dĩ nhiên, cũng là dịp gây quỹ hoạt động cho hội.

Với tôi, bác Hữu và hội ARCWP là một cái duyên may mắn trong đời. Tôi tin rằng ngày đó, duyên số đưa đẩy tôi đến với bác Nguyễn Đình Hữu, người mà tôi bao giờ cũng kính mến và ngưỡng mộ vô cùng. Tại đây, tôi đã gặp những người bạn tâm giao cùng chí hướng, cùng niềm tin và nhất là nhờ làm những việc nho nhỏ nên có cơ hội quen biết, gặp được người bạn đời Michelle và có một mái ấm gia đình như hôm nay.

Thử tưởng tượng ngày ấy mà tôi không vô tình ở nhà để tò mò đi theo tên bạn và từ đó biết bác Hữu cùng hội ARCWP, thì có lẽ cuộc đời mình đã khác, rất khác.

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm