Monday, April 22, 2024

Nhạc Lam Phương, trôi theo dòng đời

LTS: Bài vở liên quan và hình ảnh, liên quan đến Trang Tưởng Nhớ, xin gửi về phan.tuyen@ngươi-viet.com

***

Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Triết Trần)

                      Nguyễn Đan Tâm

Khoảng năm 1947, chàng thiếu niên Lâm Đình Phùng giã từ quê nhà Rạch Giá lên Sài gòn ở đậu nhà người bà con để đi học: học chữ và học nhạc. Bản nhạc đầu tay “Chiều Thu Ấy” ra đời không mang lại kết quả. Đã nghèo lại thêm nghèo. Sống trong xóm lao động, nhà lá, trong hoàn cảnh nghèo, chàng đã cho ra đời bản “Kiếp Nghèo”, nhơn một đêm mưa ngoại ô.  “Đường về đêm nay vắng tanh. Rạt rào hạt mưa rớt nhanh.v.v.” , mô tả vùng Tân Định, Sài gòn lầy lội dưới trời mưa tầm tả. Đường về nhà, phải qua cầu ván trơn trợt, trên những con rạch ngoằn ngoèo, mưa thấm áo mong manh. Chàng cầu xin: “Trời cao có mắt, cúi xin người ban phước cho đời con…” Và rồi lời cầu xin được chấp nhận. Chàng thoát khỏi cảnh nghèo nhờ khắp hang cùng, ngõ hẻm vang lên tiếng hát: “Đường về đêm nay tối thui, tôi đụng cô, cô nói tôi đui…”

Sau đó là những bài tác giả viết cho hướng đạo sinh như: “Đoàn Người Lữ Thứ”, “Nhạc Rừng Khuya…”

Cuộc di cư năm 1954 đã tạo ra biết bao cảnh chia ly đoạn trường. “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” đã đưa người tình của cô thôn nữ vào Nam tìm tự do và cuộc sống thanh bình. Thật vậy, miền Nam sau chiến tranh đã trổi dậy với đồng lúa phì nhiêu, nếp sống sung túc qua các bản nhạc “Nắng Đẹp Miền Nam”, “Trăng Thanh Bình”, “Khúc Ca Ngày Mùa”. Các ca khúc nầy mau chóng phổ biến rộng rãi trong các học đường thời bấy giờ. Tiền bạc, danh vọng đến với Lam Phương, tạo điều kiện cho tình yêu nẩy nở trong giới văn nghệ sĩ. Nhưng người chàng yêu, ca sĩ Bạch Yến, bỏ đi Pháp, tạo nên hụt hẫng đầu đời. “Tiễn Người Đi”, “ Chờ Người”, “Tình Bơ Vơ”, “ Trăm Nhớ Ngàn Thương”, “ Tình Chết Theo Mùa Đông”, “Duyên Kiếp” ra đời. Phổ biến sâu rộng trong quần chúng là bản “Duyên Kiếp” qua câu hát “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời…”

Năm 1958, Lam Phương nhập ngũ và những bản nhạc ca ngợi chiến sĩ VNCH: “Chiều Hành Quân”, “Tình Anh Lính Chiến”, ra đời.

Nhạc Lam Phương. (Hình: TP)

Những người tình kế tiếp như Minh Hiếu, Hạnh Dung đã là nguồn cảm hứng cho những bản tình ca “Biển Tình”, “Biết Đến Bao Giờ”, “Em Là Tất Cả”, “Bọt Biển”, “Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi”, “Lạy Trời Con Được Bình Yên” v.v…

Rồi duyên tình cũng đến với cuộc hôn nhân của chàng và kịch sĩ Túy Hồng vào năm 1959. Cuộc sống lứa đôi được diễn tả qua bài hát “Ngày Hạnh Phúc.” Bản nhạc nầy trở thành nhạc chủ đề cho các đám cưới miền quê, trong đó tác giả đã tưởng tượng thật phong phú “Đêm về nghe con khóc vui triền miên.” Than ôi! Con khóc thì vợ chồng gắt gỏng nhau, chớ vui nỗi gì.

Khoảng thời gian nầy, năm 1960, một tuyệt tác dành cho học sinh “Ngày Tạm Biệt” ra mắt, được giới học sinh nồng nhiệt đón nhận.

Năm 1960, đám Việt Cộng nằm vùng bắt đầu quậy phá. Ôi! Miền Nam thanh bình biến mất.

Ban kịch “Sống” ra đời năm 1968, là sự kết hợp xuất sắc giữa âm nhạc (Lam Phương) và thoại kịch (Túy Hồng). Mỗi vở kịch có một nhạc phẩm minh họa. Chương trình với nhạc mở đầu “Sống, Sống, Sống đây rồi. Sống đem vui cho đời”, đã đem đến cho dân miền Nam những giây phút giải trí thật sảng khoái. Đây là giai đoạn cho những bản tình ca như “Thu Sầu”, “Nghẹn Ngào”, “Ngày Buồn”, “ Thành Phố Buồn”, “Phút Cuối”v.v… trẩy lá, đơm bông. Riêng bản “Thành Phố Buồn” sau năm 1975, đã làm cho cán bộ Việt cộng “có tật nên, giật mình”, kết án nhạc phản động và cho ca sĩ Chế Linh nếm mùi cải tạo.

Ngày 30 Tháng Tư,1975, “Con Tàu Định Mệnh” Trường Xuân ra khơi đưa Lam Phương và gia đình về chân trời mới, bỏ lại tất cả tài sản gầy dựng mấy mươi năm. Cuộc sống ở Mỹ hoàn toàn mới lạ. Lam Phương phải lao động chân tay để kiếm sống. Rồi từng đêm, nghe tiếng thở dài của người vợ. Cuối cùng chàng hối hận “Tôi đã lầm, khi đưa em sang đây…” (Lầm), để tiễn người vợ sang ngang. Chàng đau đớn: “Đêm nay, rượu không uống mà say. Ta say vì rõ lòng người…” (Say), rồi chua chát: “Thà làm cỏ dại trong kiếp sau”. Bản nhạc “Lầm” rất được các đấng mày râu ưa thích vì nói đúng tâm sự mấy ông bị nàng bỏ sau khi về Việt Nam bảo lãnh nàng qua Mỹ.

Năm 1980, chàng chuyển sang sinh sống ở Paris, Pháp quốc với ngụ ý “tị nạn ái tình”. Nào hay, một tình yêu mới đang chờ đón chàng với “Bé Yêu”, “Nửa Đời Yêu Em”, “Tình Hồng Paris”,  “Mùa Thu Yêu Đương” với câu “Đường vào Paris có lắm nụ hồng…” Và nụ hồng có tên là Cẩm Hường đã khiến con tim Lam Phương vui trở lại với hình ảnh thật thơ mộng “Từ ngày có em về, nhà mình đầy ánh trăng thề…”  qua bản “Bài Tango Cho Em”. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và mọi người nghêu ngao: “Từ ngày có em về, nhà mình đầy tiếng chửi thề…” như báo trước cuộc tình sẽ tan vỡ. Một lần nữa, con tim Lam Phương lại đau nhói khi cho ra đời bản “Tình Vẫn Chưa Yên”, khi người vợ thứ hai ra đi.

Hồi trước nghèo, nhờ bản “Kiếp Nghèo” mà khá, bây giờ còn tệ hơn nghèo nên Lam Phương chỉ muốn viết “Kiếp Mạt” mà thôi.

“Chiều Tây Đô” (1984) và “Đường Về Quê Hương” đã nói lên thực trạng của quê hương Việt Nam sau năm 1975, với câu hát chua chát: “Bao năm giải phóng như thế nầy phải không anh?” Đó là những bài hát đã mô tả cái lầm than của dân tộc qua “Trẻ con lang thang vì cơn đói đã bao ngày.”

Năm 1995, chàng quay về Mỹ. Tai họa đột ngột đến với chàng  năm 1999. Stroke và các biến chứng làm người nghệ sĩ phải giam mình trên chiếc xe lăn cho đến ngày cuối đời. Người vợ thứ ba cũng ra đi. Lam Phương đau đớn nói: “Người đàn bà ra đi khi thấy mình hết tác dụng.”

Ba người vợ của Lam Phương đều bỏ ra đi, phải chăng ứng nghiệm vào câu: “Cha ăn mặn, con khát nước” mà cha của nhạc sĩ đã bỏ bà vợ với 6 con nhỏ tại Rạch Giá  năm nào.

Ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, “Con Tàu Định Mệnh” đã đưa chàng đến sân ga cuối cùng, chấm dứt dòng đời qua nét nhạc Lam Phương. (Nguyễn Đan Tâm)                                                                               

 

 

 

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm

Ông Trương Văn Liêu