Thursday, March 28, 2024

Thơ và ảnh Nghiễm năm Đinh Dậu

Từ trái qua: Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhà thơ Trần Dạ Từ, tháng 7-1957.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học ở trường tiểu học Hàng Than, trung học Chu Văn An. Năm 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau vào Nha Trang. Ông sống hẳn ở Sài Gòn từ mùa hè 1957.

Bút hiệu Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo số Tháng Giêng 1959. Từ 1962, cùng Lý Hoàng Phong làm Tạp chí và Nhà xuất bản Văn Nghệ. Đã xuất bản trên 20 tác phẩm. Tập truyện đầu tay Cũng Đành (1963). Truyện dài Gia Tài Người Mẹ (1964), Ông được trao giải Văn Chương Toàn Quốc VNCH 1966. Từ 1967, sau khi nhập ngũ, làm phóng viên quân đội. Lập gia đình năm 1971, với Hồ Thị Ngọc Trang, giảng viên Anh ngữ.

Sau 30 tháng Tư 1975, bị công an cộng sản bắt giam trong chiến dịch đốt sách và cuộc hành quân bắt giam văn nghệ sĩ miền Nam. Từ 1977, sau khi ra tù, làm sơn mài thủ công và sống tại Sài Gòn.

Nhà văn mãn phần ngày 2 tháng Tám 2016.

 

Ngày 30 tháng Tư mỗi năm, dân Bắc Âu có lệ đốt lửa ban đêm mừng xuân tới. Cái đêm xuân ấy, năm 1988, khi đứng với Toàn trên một đỉnh đồi ở Thụy Điển, cùng nhìn những ánh lửa xa xa bập bùng trong gió đêm, tôi đọc thơ: Một người ở trên đồi đi xuống…

Toàn cười, nói ừ, tiếc là không có nó ở đây.

Tôi nói nó không ở đây mà nó vẫn có đó.

Đó là lúc chúng tôi cùng nhớ Nghiễm, thời lang thang qua những đồi thông, những thác, những hồ và tấm ảnh ba thằng ở Đà Lạt hơn 30 năm trước. Thơ Toàn làm và đọc trên đường đi, chỉ mấy câu, nghe qua là nhớ. Thơ nhớ có thể đọc thành tiếng. Nhưng ảnh trong trí nhớ thì khó làm hiện hình. Nào ngờ lại được nhìn thấy nó, nhờ Nghiễm. Tấm ảnh được gửi đi, khi anh biết Toàn – Quyên từ Montreal bay sang với chúng tôi. Nghiễm là vậy, luôn biết cách giữ nguyên vẹn những thứ tưởng đã tiêu vong, không thể còn lành lặn.

Mấy chữ Nghiễm ghi về tấm ảnh nhắc tôi cái thời “đã xa kinh” ấy là tháng Bẩy 1957, một năm Đinh Dậu.

Ngày ấy, Nghiễm vào Sài gòn lần đầu, mặt mũi đăm đăm như ông già, khi đứng bên cái cầu thang ọp ẹp phía sau nhà Bác Long. Bò lên mấy nấc thang, chui vô cái gác xép mái tôn hừng hực máu nóng thời tuổi trẻ, Nghiễm nhập bọn với nụ cười lặng lẽ. Đó là nơi có bài viết đầu tiên của Dương Nghiễm Mậu ở Sài gòn: Dưới Chân Cầu Thang. Tuần báo Tin Bắc đăng bài này. Nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh cầm tờ báo, nói tôi đọc nó mà quặn cả ruột gan, đây là nhà văn mới lạ nhất của chúng ta.

Một lần đâu đây, từ Sàigòn về, Toàn bảo tôi là Nghiễm khỏe, rất khỏe mà rất trẻ, hơn bọn mình xa. Vậy mà Nghiễm đi trước. Các bà mẹ của Toàn, của Long của chúng tôi không còn nữa. Lũ con vô tích sự của các cụ cũng lần lượt ra đi. Sau tin mất Nghiễm, Toàn gửi cho tôi bài thơ cũ, hình như lần đầu viết thành chữ, với lời đề tặng nhắc nhớ Nghiễm có đó, còn đó.

Một người từ trên đồi đi xuống
Cầm trong tay một nắm củi thông
Hai người từ trên đồi đi xuống
Hốt lá úa mang gom lại cùng
Ba người từ trên đồi đi xuống
Ngồi bên nhau chụm thành ngọn lửa
Bốn người từ trên đồi đi xuống.
Nói cho nghe rừng núi chập chùng.

Bài thơ Toàn làm và đọc khi chỉ có ba thằng. Ở đâu ra, người thứ bốn từ trên đồi đi xuống. Có phải đó là cái bóng, cái hồn của những đồi thông, những thác, những hồ… Nghiễm ơi, ông chắc đã gặp nó. Nó nói cái gì mà cứ rì rào mãi.

Trần Dạ Từ

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 7 tháng 8 năm 2017
[disqus_shortcode_codeable]