Friday, April 19, 2024

Thoại ơi! Thoại ơi! Không biết khóc

Thanh Tâm Tuyền

Không phải người ta hết tình yêu trong lòng. Trái lại đó là sự biểu diễn của một thứ tình bất lực. Chúng tôi mang thứ tình bất lực ấy đối với Quách Thoại. Thoại nghèo, Thoại bệnh, Thoại thi sĩ. Chúng tôi chẳng thể thay đổi được những điều ấy ở Thoại. Và tàn ác chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại.

Nhật ký của tôi còn ghi ngày 22 tháng 7 năm 1956 những dòng này: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.”

Một nhân vật của Dostoievski thắc mắc: Có thể nào có một người được quyền phán đoán kẻ khác, quyết định kẻ nào đáng sống và kẻ nào không đáng sống chăng? Câu trả lời: Người ta có quyền ước mong cái chết của kẻ khác. Chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại. Và bây giờ thì Thoại đã chết.

Ước mong mới chỉ là khởi đầu sự tàn ác trong tâm hồn. Sự tàn ác ấy có thể nhập vào hành động. Tôi hiểu tại sao Plisnier đã để cho một nhân vật của ông bắn chết người vợ đau khổ yêu quý của y. Vì y không mang lại hạnh phúc cho người vợ đau khổ mà y yêu hơn thân mình nên một buổi sáng kia y nói những lời âu yếm với vợ và nổ đạn vào ngực người đàn bà khốn nạn.

Thì chúng tôi cũng đã tàn ác không kém với Thoại. Chúng tôi bỏ rơi, chúng tôi quên Thoại trong những ngày cuối cùng của đời chàng. Thoại chết bao giờ, ở đâu? Cho đến khi viết những dòng này tôi cũng chẳng hay. Chỉ nghe kể lại sau ba ngày không ăn uống, Thoại đã từ biệt vĩnh viễn cuộc đời trong một bệnh viện Trung hoa ở Chợ lớn. Không một người bạn đưa Thoại tới nơi an nghỉ. Người anh của Thoại, anh Lý Hoàng Phong, lo chôn cất em và dấu [sic] kín tin tức về cái chết ấy. Khi chúng tôi biết thì Thoại đã ngủ yên ở một nghĩa địa nào ngoài Phú Thọ. Có thể anh Lý hoàng Phong không muốn làm phiền mọi người vì cái chết được ước mong ấy. Có thể đó là ý muốn của Thoại.

Ngày tôi gặp Thoại, chúng tôi – Doãn quốc Sỹ, Nguyễn sỹ Tế, Trần thanh Hiệp và tôi – đang làm những số Người Việt đầu tiên. Thoại trao cho tôi tập thơ dày của Thoại để tôi giới thiệu trên báo. Tôi đưa Thoại vào làm chân sửa bài ở nhà in. Nhưng Thoại không đến được vì bệnh. Một buổi chiều Thoại tìm tôi, dưới những bóng cây lớn, nói cho tôi hay chứng bệnh nguy hiểm và nhờ tôi chạy một món tiền vào nằm nhà thương. Anh em Người Việt góp được hơn một ngàn đồng và Thoại vào nằm ở một nhà thương bên Thị Nghè. Thỉnh thoảng Thoại vẫn phải ra phố tìm gặp tôi vì hẹn tôi vào thăm chẳng bao giờ thấy tôi cả. Tôi lười và bận công việc. Thoại tả cho tôi nghe chỗ giường nằm của Thoại với cửa sổ cao nhìn lên trời, gác chuông nhà thờ, đồng rộng, bà Phước hiền từ mà Thoại yêu ngông cuồng của thi sĩ (Phải tôi có biết bà Phước đó!). Người Việt ra đến số 3 thì lực lượng kiệt quệ, chúng tôi quyết định ra số đặc biệt rồi tạm đình bản. Một buổi trưa nắng Thoại tìm tôi ở nhà in Thanh Long đưa cho tôi bài thơ “Còn Sáng tạo ta hãy còn Sáng tạo” để đăng vào số Sáng Tạo của Người Việt và Thoại sửa soạn về Huế vì hết tiền nhà thương.

Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo.

Bây giờ không còn là lỡ nữa. Đúng là Thoại chết trần truồng không cơm áo. Và chúng tôi chẳng thể làm gì hơn cho Thoại được. Nhưng ngày ấy tôi đã viết cho Thoại, tự dối mình và dối bạn:

Không chết trần truồng, không thể được
Chúng tôi đập vỡ những hình hài

Và tôi hy vọng:

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời

Bài thơ ấy tôi gửi ra Huế cho Thoại trước khi đăng báo. Không bao giờ tôi trao tặng Thoại vòng hoa nào cả, dù là một vòng hoa phúng viếng.

Ít lâu sau Thoại trở vào Saigon khỏe mạnh hơn trước. Mọi người đều vui mừng. Những số hấp hối của Người Việt được đánh dấu bằng cuộc triển lãm của Duy Thanh và Ngọc Dũng. Chúng tôi đã sống những giờ vui nhất với nhau. Không ngày nào chúng tôi không có mặt quây quần trong cái quán nước đặc khói trong ngõ hẻm Phạm ngũ Lão sau nhà in Dân Chủ. Chúng tôi ăn những cái bánh gọi là ngói, nhìn ngõ hẻm ra ngoài đời. Những ngày triển lãm chúng tôi la cà tụ họp ở đường Tự Do ngồi trong phòng ngó ra thiên hạ. Phòng triển lãm đóng cửa. Người Việt đóng cửa. Và chúng tôi trở thành những kẻ thất nghiệp gặp nhau hằng ngày: Duy Thanh, Quách Thoại và tôi. Quách Thoại dự định in thơ, Ngọc Dũng chạy nhà xuất bản và tôi viết tựa. Nhưng cuộc sống thất thường làm cho bệnh Thoại nặng trở lại. Một buổi sáng chủ nhật tôi được tin đêm trước Thoại thổ ra huyết. Khi ấy Thoại ở khách sạn Đại Nam đường La Somme gần chợ Bến Thành. Tôi không xuống thăm Thoại ngay mà ngồi nhà ghi nhật ký: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.”

Buổi trưa tôi xuống gặp Duy Thanh. Thanh đã ngồi suốt buổi với Thoại và cản tôi vào vì Thoại ngủ. Ngọc Dũng đạp xe từ Hòa Hưng mang lên cho Thoại một ống thuốc. Chúng tôi tính một món tiền thuốc nhưng không thành. Tôi thất nghiệp, kết quả tài chính cuộc triển lãm của Thanh và Dũng không được khả quan. Buổi chiều chúng tôi kéo nhau ra bờ sông uống rượu như khi thất tình. Tôi về viết tựa cho tập thơ Thoại sợ Thoại chết. Và tôi viết bài thơ “Tĩnh vật Duy Thanh Quách Thoại Tôi” mà khi đăng báo theo lời yêu cầu của Mai Thảo chỉ còn vỏn vẹn là “Tĩnh vật”:

Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống

Tôi đã ghi trong nhật ký rằng tôi muốn chửi tục để kết luận bài thơ ấy.

Nhưng Thoại không được in thơ mà tôi in thơ. Và Thoại không chết. Tôi có nói ý nghĩ muốn Thoại chết với Thoại và Thoại cười. Trong những tháng này có một đứa con gái, tôi không biết tông tích, Thoại bảo người miệt Hậu Giang, mê thơ Đông Hồ và về chăm sóc giặt rũ [sic] cho thi sĩ Quách Thoại. Những buổi chiều tối mở cửa phòng tôi gặp Thoại đứng xoay lưng nhìn xuống đường chuyện trò với đứa con gái. Đứa con gái ấy thường mặc quần áo trắng và im lặng như một cái bóng. Tôi không muốn thi vị hóa mà gọi đấy là bà tiên hay vị thiên thần của đời Thoại, vì nếu biết đứa con gái ấy tầm thường như thế nào chắc có kẻ dám khinh Thoại. Vì người con gái tử tế nào lại tình nguyện chung sống với một thằng thi sĩ ho lao ngông cuồng là Quách Thoại – Đứa con gái ấy – hiểu tại sao tôi gọi bằng đứa – đến với Thoại không vì tiền, Thoại không có tiền ở khách sạn là nhờ [sic], cũng không vì thú vui xác thịt, Thoại bệnh, chỉ vì một lẽ giản dị: nó nhìn thấy Thoại là thi sĩ.

Thời kỳ ngặt nghèo ấy qua khỏi, Thoại không chết. Và chúng tôi quên điều ước mong. Cho đến hôm nay nghe tin Thoại chết chúng tôi sửng sốt đến nỗi không thể cảm động. Cái chết đến với Thoại khi chúng tôi không nghĩ tới nữa, chúng tôi quên Quách Thoại. Đó là một thứ tàn nhẫn của tâm hồn con người.

Tôi gặp Thoại lần cuối tại nhà tôi một buổi trưa khi tôi sửa soạn đi dạy học. Thoại lại về Huế lần nữa và mới trở vào. Thoại mặc áo cà sa và mang theo tập “Những bài thơ tình đầu tiên” hy vọng tìm một nhà xuất bản. Thoại giảng cho tôi nghe phép tu luyện “yoga”, dạy tôi cách đi bộ hai tay mở ngửa để có thể đi xa đi nhanh không mệt. Thoại dự định học tiếng Phạn để sang Ấn Độ. Tôi đưa xe Thoại lên Saigon và đến trường. Và tôi quên Thoại, quên một cách tàn nhẫn.

Tôi ước mong Thoại chết, và Thoại chết:

Có kể gì tôi ăn mày
Có kể gì anh bệnh hoạn
Những người chết đi là chết đi
Em tôi thành hoàng hậu
Giữa đô thành Paris
Thoại đã “ngủ một giấc không nhớ lại tý gì”.

Điều ân hận nhất trong đời Thoại là Thoại đã không được in thơ. Tôi nhớ khi còn sống tôi với Thoại đã giao ước: kẻ nào chết trước, sau một năm, sẽ được kẻ sống lập một giải thưởng thơ để kỷ niệm. Tôi không hiểu tôi có giữ trọn lời ước với Thoại không?

Có một điều là tôi sẽ phải viết lại bài tựa cho tập thơ của Thoại vì bài tựa trước hình như Thoại chưa hài lòng. Dù viết lại tôi cũng không bỏ ý này:

Giả thử không có Quách Thoại cuộc đời của chúng ta cũng chẳng thay đổi chút nào. Những Quách Thoại đã có mặt và chúng ta sẽ chẳng bao giờ cởi bỏ được sự có mặt ấy. Thế giới Quách Thoại vây lấy chúng ta. Và tiếng nói Quách Thoại đã ném vào vĩnh viễn mãi mãi còn là những gì thân yêu quen thuộc.

Với chủ quan của một người bạn, tôi chẳng ngại ngần gì không bảo: Cái chết của Thoại không những chỉ làm đau đớn bằng hữu của chàng là chúng tôi mà còn là một cái tang lớn cho văn học trong mười năm trở lại đây!

(Sáng tạo số 16, 1/1958, tr. 12-15)

Mời độc giả xem phóng sự “Nước đổ vào chum thành rượu – rượu của người K’Ho”
[disqus_shortcode_codeable]