Thursday, April 18, 2024

Thương nhớ Bà Lâm Ngọc Lang

Chị là con gái nhà giàu. Anh chỉ là anh lính chiến nghèo, theo yêu cầu công vụ mà trôi dạt đến đất Bạc Liêu, nơi mà cha mẹ chị gầy dựng cơ ngơi phồn thịnh bao đời. Vừa có sự chênh lệch giàu nghèo, vừa là người trai xa lạ đến làng, nhưng những điều đó không cản trở khiến họ khó gần nhau. Chị biết anh qua người anh rể của mình, chắc là lời giới thiệu tốt đẹp về anh, cũng góp thêm vào việc khiến anh chị nhanh chóng thân thiết. Hai năm sau ngày biết nhau, họ đã có một đám cưới: Cô dâu xinh đẹp bên anh lính chiến miền xa.

Điều khiến anh bất ngờ là cô vợ xinh đẹp con nhà giàu, những tưởng sẽ không thể xa gia đình với cuộc sống đầy đủ xa hoa, vậy mà chị đã quyết định theo anh. Dù rằng vùng anh đến đóng quân là một nơi heo hút, hoang sơ, nơi mà người dân ít hơn lính. Để có nơi ở, anh chị mướn một cái chòi xập xệ gọi là tạm che mưa nắng. Anh thật ái ngại, nhưng chị nhanh chóng thích ứng với nơi ở tồi tàn thiếu thốn mọi mặt kia, khiến bên cạnh tình yêu thương anh còn lòng kính trọng vô ngần dành cho chị. Nơi đây chị đi dạy để phụ thêm phần tài chánh cho gia đình. Anh thương người vợ đảm biết bao! Cứ ẵm con theo sát gót chồng, chẳng hề quản ngại nơi đến là vùng đang chiến tranh hay đèo heo hút gió.

Lời một bài hát “Anh ở đâu thì em ở đó” được anh diễn đạt rất… Bạc Liêu “Tui ở đâu thì bả ở đó.” Mà đúng vậy, Năm 1975, như số phận của hầu hết quân nhân trong QLVNCH, anh cũng bị bắt vào tù. Chị lại tay xách nách mang thăm nuôi anh. Từ rừng U Minh, Đá Bạc, Cà Mau… đến Lình Quỳnh-Rạch Giá, Thất Sơn, Châu Đốc, Vườn Đào, Mộc Hóa… sang đến Pleiku Kontum… Anh nhớ lại một lần thăm nuôi, khoảng năm 1977-78, chị dẫn 2 con theo, sau những thổ lộ thương nhớ, chị báo cho anh biết gia đình ngoại đã đóng hết tiền đề có mặt trên những chiếc tàu đầu tiên rời Việt Nam, tuy nhiên vì anh, chị sẽ từ chối đi cùng. Cảm động về tấm lòng chung thủy của vợ, nhưng với kinh nghiệm thương đau của người lính bị tù đày, anh nhất quyết bát bỏ lời đề nghị của chị. Anh muốn chị và 2 con ra biển lớn, dù có muôn vàn hiểm nguy. Anh bắt chị phải thực hiện theo ý của anh, mặc dù lòng đau như dao cắt. Cuối cùng anh cũng phải đồng ý, thỏa hiệp với chị: Hai con lên đường với ngoại, còn chị ở lại chăm nuôi anh.

Trái tim hóa ngọc ấy đã chẳng ngại rừng sâu, núi thẳm, nơi nào anh bị lưu đày, thì nơi đó bước chân chị cũng lê đến đích. Có những nơi đường dài hàng chục cây số, chị vẫn kiên trì lê chân với hai vai gánh gồng thức ăn cho chồng. Hủ mắm, chai dầu, gói bột… đã thêm cho anh sức sống trong những tháng năm lưu đày. Tội nghiệp anh với những cơn đói triền miên, tội nghiệp chị với thân gái lao khổ dặm trường.

Hỏi anh điều gì làm cho anh nhớ nhất trong thời xa vắng vợ con? Anh trả lời ngay, như điều đó nằm sẵn trong máu, trong tim. Đó là trong một chuyến đi cuốc đất trồng khoai, cả đội anh dừng chân bên suối. Thì bên kia bờ suối, anh thấy chị, hai vai gánh gồng thăm nuôi anh. Anh nhìn chị sững người, đứng như trời trồng, không khóc mà hai hàng nước mắt chảy dài. Anh lặng thinh nhìn chị mà lòng quặn đau. Anh biết chẳng thể xin xỏ gì với những viên cai tù không có trái tim kia. Anh biết anh vô phương, dù là một cái vẫy tay ra dấu nhận ra nhau. Chị, Anh và cả những cặp vợ chồng đồng cảnh, chỉ biết rớt những giọt nước mắt nhớ thương.

Sáu năm gian khó, anh đã về sum vầy với chị, bị quản thúc tại gia, sức khỏe sút giảm, anh trở thành người sống phụ vào chị. Chị lại tiếp tục gánh gồng thêm 9 năm nữa nuôi anh. 15 năm đoạn trường, anh nợ chị không phải miếng cơm manh áo, mà còn nợ chị cái tình, cái nghĩa vun đầy. 1990 anh chị sum họp với hai con qua chương trình HO. Thật cám ơn nước Mỹ đã là cái nôi cho hai con anh chị thành danh, thành nhân.

Ngày chị nhắm mắt xuôi tay, anh khóc, những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Ơn chị biết sao đáp đền, tình chị biết bao giờ mới trả xong. Anh nguyện, anh xin cho anh sum họp với chị, không phải chỉ ở kiếp này, mà mãi mãi những kiếp sau, sau nữa.

(Viết theo lời kể của anh Huỳnh Văn Nhẫn)

tp

[disqus_shortcode_codeable]