Friday, March 29, 2024

Tưởng nhớ anh Nguyễn Đình Phú

Biệt Ly

(để nhớ anh Nguyễn Đình Phú vừa đi xa, không trở về!)

Biệt ly… giây phút ngắn ngủi nhưng âm hưởng lại trĩu nặng cả một đời.

Bài “Biệt Ly” (1939) của Doãn Mẫn sáng tác trên sân ga Hàng Cỏ (Hà Nội) khi tác giả thấy những cặp tình nhân ngậm ngùi tiễn chân nhau lên đường tòng quân. Đi lính trận, có người lỡ hẹn mà cũng có kẻ vinh quang trở về… Tôi xem đây chỉ là cảnh tạm biệt chia tay.

Biệt ly thường diễn tả một tình huống xót xa hơn nhiều ví như vĩnh viễn chia lìa, đôi người đôi ngả. Biệt ly là hai thế giới cách ly đồng nghĩa với sự chết… ra đi không trở về!

Biệt ly tiếp diễn trong đời tôi nhiều lần kể từ mấy thập niên đến nay. Sinh ra sau thế chiến, tuổi đã trên 70, thuộc thế hệ “baby boomers” nên tôi đành ngậm ngùi chứng kiến người thân, bố mẹ, anh em, bạn bè… lần lượt ra đi.

Cảnh biệt ly gần nhất với tôi là ngày 25 tháng 4, 2017 giờ Dần canh 5, người anh cọc chèo thân thiết đã ra đi sau 2 năm chống chỏi với bệnh tật. Cùng làm rể trong một gia đình, anh ấy lấy chị, tôi lấy em. Tình cảm hiền hòa giữa chúng tôi nảy nở như đôi bạn nên thầm hiểu rằng mình vừa mất một đối tượng tâm giao tri kỷ luôn mang đến những giờ phút vui đùa hay bàn bạc về khoa học và cuộc sống.

Tôi đến thăm anh đêm cuối cùng… Anh nằm bất động, mắt nhắm như đang ngủ giữa căn phòng ấm cúng bỗng đượm màu tang tóc thê lương. Có lúc tiếng thời gian ngừng trôi vì chỉ nghe nhịp thở của anh nặng nề kéo lên từng hồi. Chúng tôi thay phiên nói lời từ biệt. Nước mắt chảy vòng quanh, con cháu đứa cầm tay vuốt ve, đứa ôm chân xoa bóp, sụt sùi trăng trối lời yêu thương vội vàng lần cuối. Giữa khoảnh khắc sinh tử “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, có một người sức tàn lực kiệt mà vẫn đơn côi chống lại định mệnh an bài… Đó là chị tôi!

Chị chưa tuyệt vọng nên chưa bỏ cuộc… cho dù 2 năm ròng rã từng tháng, từng ngày, từng đêm, từng giờ lo cho chồng chữa bệnh và sinh sống. Nửa đêm về sáng, bao lần chị thức giấc chỉ để trở mình cho anh khuây khỏa. Một tình yêu vô bờ bến hiếm có ở thời đại văn minh mới.

Khuôn mặt chị lúc nào cũng đăm chiêu, ít nói, biếng cười, đôi mắt đỏ hoe… Khi ở bên anh, chị thổn thức những lời yêu thương, cố vực chồng thức dậy, ra khỏi hôn mê để dành lại sự sống làm cả gia đình chột dạ. Tôi tiến đến gần chị vỗ về… hình dung một nỗi buồn mãnh liệt đang âm ỉ chờ dịp bung ra. Thân đứng đó nhưng hồn chị ở đâu? Chị khóc! Trái tim vùi dập, co thắt bất thường vì ý thức cảnh cô đơn góa bụa đang đợi chờ.

Biệt ly… nghìn trùng xa cách! Biệt ly… giây phút ngắn ngủi nhưng âm hưởng từ nay lại trĩu nặng cả một đời vì mối tình này trên cả tuyệt vời! Tại sao thế? Năm 1970, xem phim “Love Story” tôi thích lời tỏ tình của Jenny Cavilleri “Love means never having to say you’re sorry” nhưng nói thì dễ, mấy ai đã làm được? Vậy mà chính mắt tôi vừa chứng kiến một người sống cho tình yêu trọn vẹn đúng ý nghĩa với câu trích dẫn đó.

Qua chuyện tình hy sinh và chung thủy này, tôi lạc quan hơn về dây tơ hồng Nguyệt lão linh thiêng kết duyên vợ chồng. Cảm ơn chị đã tô điểm nét đẹp muôn màu của mối tình trăm năm tưởng chỉ thấy trong văn chương mà có thật ở ngoài đời. Vâng! Đã yêu một người tất có hy sinh và phải chấp nhận biệt ly… một lần trong đời.

Biệt ly… “nhớ nhung từ đây” (nhạc Doãn Mẫn) khi con tàu đời ghé bến, bỏ trên sân ga một người đứng bơ vơ khóc một người vừa nằm xuống. Biệt ly… “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Kiều) nếu cơn mưa chưa qua thì trời vẫn chưa sáng, lòng người nặng trĩu đau thương nhưng rồi sớm muộn gì con tàu đời cũng sẽ hụ còi lăn bánh và có mang theo người thân bơ vơ ấy tiếp tục cuộc hành trình hay không hẳn còn tùy vào nỗi buồn biệt ly ít nhiều… phôi pha!

Cao Đắc Vinh

05/17/2017

[disqus_shortcode_codeable]