Tuesday, April 23, 2024

Tưởng nhớ anh Tôn Thất Niệm

Nguyễn Tường Cường

Điếu văn đọc trong đám tang anh Tôn Thất Niệm, tại Cali

Xin cám ơn chị Nguyệt đã cho phép Cường được lên đây có đôi lời từ biệt anh Niệm trước khi chia tay, đưa anh về lòng đất, trở về với cát bụi.

Dù biết rằng, lý trí đã chứng minh: chết chỉ là phần không thể tách rời của sự sống,… và Đạo pháp đã dạy chúng ta: cuộc đời là vô thường… nhưng hôm nghe cháu Quế Phương báo tin anh vừa ra đi, lòng Cường và Điệp vừa đau buồn và sửng sốt: không đau buồn sao được khi đã mất đi một người anh rể  tuy rất nghiêm khắc nhưng lại rộng lượng và tốt bụng; sửng sốt vì cuộc đời thành đạt và gần như tuyệt hảo của anh, bỗng chấm dứt, như tấm màn của một vở kịch đang vui tươi, bỗng chợt buông xuống, mang lại ngẩn ngơ và bâng khuâng cho mọi người.

Thưa quý vị quan khách và thân bằng quyến thuộc, tôi tên là Nguyễn Tường Cường và là em út của chị Nguyệt:

Một khi nói về anh Niệm, có lẽ nhiều người trong chúng ta biết đến anh như là một bác sĩ chuyên về thần kinh có phòng mạch ở đường Bolsa rất gần đây, hoặc nghĩ đến anh như một “celebrity” của xứ tị nạn Nam Cali này, nhưng, nếu đi ngược giòng thời gian chút nữa, khi còn đất nước, chúng ta nghe đến anh như một bộ trưởng trong chính phủ của VNCH, hay là một “chính khách” thời loạn lạc… hoặc xa xưa, khi anh là trưởng Ty Y Tế ở thành phố cao nguyên Buồn Muôn Thủa, và xa xôi hơn là vị y sĩ của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1958.

Luôn luôn bên cạnh cuộc sống múa may quay cuồng của anh, như hình với bóng, đó là giọng hát bay bướm và lãng mạn của anh, đã mua vui cho thính giả nhiều thế hệ. Và cách đây trên nửa thế kỷ, anh đã đem tiếng hát lan đi trên các Đài Pháp Á, hay đài phát thanh Đà Lạt, hoặc trong các buổi sinh hoạt thanh niên, sinh viên, mục đích không để kiếm cát-sê, mà  để ru lòng người… và có lẽ tiếng hát đó cũng đã làm mê hoặc bà chị của chúng tôi nữa!

Tiếng hát của anh quả đã vượt thời gian và không gian và nó sẽ phảng phất mãi trong lòng nhiều người:

Như chỉ cách đây vài tháng, trên giường bệnh, đau nặng, có người vẫn nhớ và hâm mộ đến ca sĩ Tôn Thất Niệm, muốn liên lạc, thăm hỏi, khi biết vậy, anh rất cảm động và đã thốt lên:

“Mình tưởng mình đã làm được nhiều việc quan trọng, thế mà, cuối đời chỉ có tiếng hát là, được nhớ tới thôi!”

Lời như trăn trối đó khiến tôi nhớ tới câu chuyện của anh với nhà văn Nhất Linh, vào khoảng những năm 50, cùng sinh sống ở Đà Lạt, sau khi nghe anh hát, đã nói: “Cháu hát hay thế mà đi học bác sĩ làm gì!” Nhưng có lẽ lời khuyên của chú chúng tôi, không hiệu quả bằng sức thuyết phục của chị Nguyệt: luôn nhắc nhở anh cần phải có nghề vững chãi hầu bảo đảm cho gia đình,… và quả nhiên, suốt đời, anh chỉ hát cho vui và đôi khi chỉ hát họa theo tiếng đàn piano của vợ mà thôi.

Có lẽ vì đã mang trong người giòng máu của các vị Chúa Nguyễn, tổ tiên anh, đã bao đời tranh đấu chống chọi với hoàn cảnh khắc nghiệt để khai phá bờ cõi nước ta… nên anh có một thái độ sống nhập thế mãnh liệt.

Đã sanh ra đời, với anh là phải tranh đấu, và phải chiến thắng, và phải cần có can đảm vì thế anh đã dấn thân cho đến cuối đời. Đối với anh , như lời cụ Nguyễn Công Trứ: “Làm trai đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.” Và quả nhiên, anh đã đạt được mục đích anh đặt cho, và có được danh vọng và tạo được sự nghiệp hiếm có trên đời.

Nhưng theo tôi, anh là một con người phức tạp hơn thế, phức tạp đến nỗi có người cho là anh khó tính, vì với vỏ ngoài cứng rắn, nghiêm khắc đến khó khăn, anh khó khăn với người bởi vì anh khó khăn với chính mình, sâu trong lòng, anh là một người dễ mến, đôi khi muốn che giấu quá nhiều tình cảm và đã  hết lòng giúp đỡ người chung quanh.

Sống đến 90 tuổi là đã trường thọ, nhưng tôi vẫn không khỏi oán hận định mệnh đã mang anh đi…

Xin anh yên nghỉ và tiêu diêu miền cực lạc.

Xin chị Nguyệt giữ gìn sức khỏe để thay anh an vui với con cháu.

Xin cảm tạ quý vị.

Mời độc giả xem phóng sự Việt Nam “Những tiểu mộ vô danh”
[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm