Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ Bà Vũ Thị Lư.

Thưa Mẹ,

Cho đến nay, chúng con vẫn chưa thấy một người phụ nữ nào can trường, đởm lược, thông minh, quyền biến như Mẹ.

Mồ côi cha từ thuở còn rất nhỏ, lấy chồng là lính, thường xuyên đóng quân nơi xa, mà lại hay dời đổi từ chỗ này sang chỗ khác. Biết theo chồng thì cuộc sống sẽ không bình ổn, nên Mẹ quyết định sống với Ngoại, để cho Ba rãnh tay thi hành việc nước.

Năm 1954, khi chiếc tàu há mồm đưa từng đoàn người vào Nam. Mẹ lúc ấy đang mang thai anh cả, và biết tin Ba đã dời chuyển cùng đơn vị, nên đã ra đi với ngoại vào Nam. Quyết định này cũng gây khó khăn cho Mẹ. Nhưng suy cho cùng, giữa hai con đường: Chờ tin chồng, hoặc cứ đi cho yên phần mẹ già con nhỏ, rồi sau đó khi an cư sẽ tìm chồng sau. Cuối cùng quyết định đi riêng lẻ của Mẹ đã mang lại một kết quả rất tốt đẹp. Khi vào đến Saigon, Mẹ nhanh chóng tìm tông tích người chú họ đã định cư ở Saigon từ năm 1945, để tá túc. Với sự kiên trì và thông minh, Mẹ đã tìm ra người chú. Vì chú là người duy nhất trong giòng họ sống ở Saigon, nên chẳng bao lâu, như dự đoán của Mẹ, Ba đã tìm ra nơi tá túc của Mẹ. Sự phỏng đoán tài tình, thông minh của Mẹ đã khiến gia đình sum họp nhanh chóng sau đó.

Nói là sum họp gia đình, nhưng thật sự, vì công vụ Ba vẫn rày đây mai đó. Một mình Mẹ, chăn dắt 8 đứa con. Với đồng lương lính của Ba, Mẹ vất vả không bút giấy nào tả xiết, 8 đứa con nheo nhóc, Mẹ chỉ lo được cho con có cái ăn, chứ chưa hưởng được cảnh ăn no mặc ấm.

Cả nhà chỉ sống nhờ đồng lương còm của Ba gửi về. Mẹ có muốn buôn bán kiếm thêm tiền gạo cho con, cũng không thể được, vì quanh chân lúc nào cũng 8 đứa con san sát tuổi, bu lại.

Khi những đứa con đủ lớn để phụ chút chút cho Mẹ thì biến cố Tháng Tư xảy đến. Lời phủ dụ của chính quyền cộng sản: Đem cơm gạo ăn đủ trong vòng 10 ngày, chỉ là lời dối trá. Ba đi trình diện và đi miết không tin tức suốt 5 năm trời.

Ngày xưa một tay nuôi con nhưng hàng tháng có tiền chồng chu cấp. Ngày nay cũng ngần ấy con mà chồng thì trong tù. Mẹ chẳng để phí một ngày, Mẹ lao ra ngoài xã hội kiếm tiền nuôi con. Con cái ở nhà, đứa lớn chăn đứa vừa, đứa vừa chăn đứa bé…, ăn uống quơ quào cho qua bữa. Còn Mẹ thì từ sáng sớm đã ra khỏi nhà, buôn đầu này bán đầu kia. Từ gạo, củi, đến mây tre lá, chơi một lúc mấy dây hụi… Có việc gì kiếm ra tiền mà không phạm đạo đức là Mẹ làm. Suốt ngày dang ngoài nắng, mưa, đen thủi đen thui, người gầy đét như bộ xương khô. Đời vùi dập, khốn khó đã un đúc con người Mẹ, vốn kiên trì, cứng rắn, càng can trường, mạnh mẽ hơn trong mọi tình huống. Cái nạn phường khóm, hà hiếp dân đen ngày một ngày hai gây khó cho Mẹ. Chính sách bắt những gia đình có thân nhân đi học tập phải vào vùng kinh tế mới sống, không loại trừ mấy mẹ con. Suốt ngày này sang ngày khác, phường khóm đến thúc hối Mẹ đi. Ban đầu còn kêu gọi tự nguyện, sau chuyển sang hăm dọa, hăm dọa không xong, chúng quay sang thuyết phục hứa hẹn: Nếu gia đình bà đi, chúng tôi sẽ thả ông ra. Nghe ngon ngọt cũng thấy xiêu lòng, nhưng Mẹ cũng không vừa, trả treo với chúng: Các ông cứ thả chồng tôi ra, vợ chồng và 8 đứa con tôi sẽ đi kinh tế mới ngay. Biết là gặp phải “bà già giết giặc” chúng từ bỏ ý định, và để cho mấy mẹ con yên thân từ đó.

Sau 5 năm Ba về, nhưng Ba không còn là Ba ngày xưa, những ngày trong tù đã biến một con người khỏe mạnh, linh hoạt thành một người ốm yếu, bịnh hoạn, và cuối cùng là bị stroke. Mẹ đã cực nay cực thêm! Tội nghiệp Mẹ, một đời lặn lội nuôi chồng nuôi con.

Rồi thì, tuổi già, sức càng ngày càng yếu, những khốn khó trải qua, khiến cho Mẹ đau ốm liên miên. Cuối cùng thì Mẹ nằm một chỗ. Ngày 15 Tháng Tư Mẹ giã từ cõi tạm để về với Phật giới.
Từ nay chúng con mất Mẹ vĩnh viễn, nhưng lòng chúng con cũng được an ủi khi biết rằng giờ đây những đau đớn không còn hành xác Mẹ nữa.

Cầu xin Phật Tổ và Chư Tiên ở Niết Bàn, đón Mẹ hiền của chúng con.

Các con của Mẹ

[disqus_shortcode_codeable]