Thursday, March 28, 2024

Tưởng nhớ Nhạc Sĩ Lam Phương, cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã ra đi

LTS: Bài vở và hình ảnh liên quan đến Trang Tưởng Nhớ, xin gửi về phan.tuyen@ngươi-viet.com

***

Nhạc sĩ Lam Phương cùng các bạn. (Hình: Nhạc sĩ Xuân Điềm cung cấp)

Với Nhạc sỹ Lam Phương, Xuân Điềm có một sự kính trọng, thương mến và cảm phục đặc biệt, tôi quý ông như một người anh lớn trên con đường nghệ thuật, và là một người bạn tâm giao thân thiết nhất của mình trên quê hương thứ hai, khi gặp lại nhau nơi đất khách.

Còn nhớ hơn nửa thế kỷ qua, lúc tôi còn là một học sinh trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn, những sáng tác của ông như: Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Kiếp Nghèo, Ngày Tạm Biệt, Chiều Hành Quân, Duyên Kiếp, Ngày Hạnh Phúc, Trăng Thanh Bình, Nắng Đẹp Miền Nam v.v… là những kỷ niệm êm đềm khắc ghi sâu trong đời học sinh trung học của tôi nơi một tỉnh lỵ miền Trung xa xôi mà cho đến nay vẫn còn nhớ mãi không thôi.

Ngày đó, mỗi lần tổ chức Đại Nhạc Hội có Nhạc Sĩ Lam Phương đến thì Qui Nhơn vui hẳn lên như có một chuyện trọng đại sắp xảy ra trong thành phố. Những sáng tác của ông trình diễn trong Đại Nhạc Hội ghi sâu trong tiềm thức của tôi cho đến giờ này không hề phai nhòa, và sau đó khi đoàn văn nghệ đã chuyển đi nơi khác, nhưng dư âm vẫn còn lưu mãi trong lòng người mộ điệu.

Nhớ lại trong đêm nhạc hội cuối cùng, tôi đã đánh bạo ra phía sau sân khấu để xin gặp Nhạc Sĩ Lam Phương, nơi đang có mặt nhiều nghệ sĩ nổi danh như Vân Hùng, La Thoại Tân, Túy Hồng…, đẹp như những thiên thần làm mê hồn khán thính giả. Tiếng đàn guitar điện của Nhạc Sĩ Lam Phương réo rắc ngân vang, đệm cho các tình khúc của ông trong các vở diễn Kiếp Nghèo, Ngày Tạm Biệt, do những ngôi sao danh tiếng Kim Cương, Vân Hùng, La Thoại Tân trình diễn làm mê mẩn cả tâm hồn khán thính giả.

Đêm đó tôi được Nhạc sĩ Lam Phương tặng cho một tấm hình nhỏ có ghi địa chỉ của ông tại cư xá Lữ Gia Sài Gòn, tuy lúc đó tôi chưa hề biết Sài Gòn ở đâu và đẹp như thế nào, nhưng cũng ao ước làm sao có dịp đi Sài Gòn một chuyến để tìm thăm thần tượng của mình là Nhạc Sĩ Lam Phương.

Nhạc sĩ Lam Phương và ban Tù Ca. (Hình: Nhạc sĩ Xuân Điềm cung cấp)

Nhạc sĩ Lam Phương, người sáng tác nhạc có tâm hồn rất phong phú qua tình tự quê hương thật đậm đà, yêu tự do, và tình yêu là khúc nhạc lòng muôn thuở trong đời ông, để mỗi khi một bóng hồng đến với ông rồi đi thì một tình khúc mới được ra đời.

Nhạc Sĩ Lam Phương không những đơn sơ, đôn hậu, ít nói và  luôn nhỏ nhẹ  khiêm nhường cho nên rất được khán thính giả quý trọng và thương mến, ở ông còn là một nhạc sĩ đấu tranh tuy nhẹ nhàng nhưng thật cương quyết.

Hai biến cố lịch sử đau thương nhất cho quê hương dân tộc Việt Nam, đó là sự chia hai miền Nam Bắc nơi vĩ tuyến 17, và ca khúc Chuyến Đò Vĩ Tuyến đã gây thổn thức, thương tiếc và xốn xang hàng triệu tâm hồn con dân Việt, và biến cố mất nước năm 1975, qua hai ca khúc Một Phút Suy Tư hoặc Chiều Tây Đô “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ??” đã khẳng định lòng yêu nước của ông, và còn nữa nhiều ca khúc khác.

Trong thời kỳ đất nước chìm trong chinh chiến điêu linh, Nhạc Sĩ Lam Phương cũng từng là người lính chiến, đau đớn thay khi người lính chiến xa nhà thì người yêu của ông đã cất bước sang ngang, lại một tuyệt tác mới ra đời qua nhạc phẩm Chiều Hành Quân, và sau đó tôi cũng theo bước chân ông nhập ngũ tòng quân giữ vững tay súng, tay đàn phục vụ Tổ quốc.

Sau biến cố 1975 khi tôi cởi bỏ bộ đồ tù, được sang Mỹ định cư năm 1990. Đến năm 1993 Xuân Điềm và Thanh Liễu hợp tác với chương trình Anh Vẫn Sống trên Đài Radio Little Saigon ở Nam Cali, chuyên trình bày những sáng tác trong tù do các bạn tù Nguyên Huy, Việt Tiến, Chu Tất Tiến, Minh Hòa,Trần Gia Toản, Đoàn Khôi… thành lập và tiếp tục duy trì Ban Tù Ca sinh hoạt đấu tranh cho đến ngày nay.

Thời gian trôi qua rất nhanh, hàng ngày khán thính giả khắp nơi biết nhiều về Ban Tù Ca qua những sáng tác đấu tranh của Xuân Điềm, lồng vào những  nhạc cảnh gồm nhạc phẩm của Nhạc Sĩ Lam Phương và các nhạc sĩ khác trên các phương tiện truyền thanh truyền hình. Những đồng hương ở  tiểu bang xa cũng như ở California đều gọi điện thoại đến để yểm trợ tinh thần và cùng đồng hành với Ban Tù Ca, lúc ấy tôi chưa biết Nhạc Sĩ Lam Phương đã đến Mỹ.

 

Gặp lại nhau nơi đất khách quê người

Tôi còn nhớ vào một buổi sáng, Thanh Liễu bà xã tôi, nhận một cú điện thoại do một người gọi đến cho biết ông muốn gặp nhạc sĩ Xuân Điềm nhưng không cho biết tên. Tôi cầm điện thoại và lên tiếng :

– “A lô thưa ông, tôi là Xuân Điềm xin ông cho biết tôi đang được nói chuyện với ai đây?”

– “Tôi là một người mến mộ việc làm của anh nên muốn được làm quen,” đầu dây bên kia có tiếng người đàn ông trả lời.

– “Dạ cám ơn anh nhưng xin anh cho biết quý danh của anh để tiện xưng hô,” tôi tiếp lời.

– Bên kia ngập ngừng im lặng giây lát rồi có tiếng trả lời: “Tôi tên Phương.”

– “Cám ơn anh Phương tôi muốn xin anh cho biết rõ hơn tên của anh được không?” tôi hỏi tiếp.

– Im lặng một chút người khách lạ trả lời: “Tôi tên Lam Phương!”

Nghe tên Lam Phương tôi giật mình hỏi nhỏ: “Xin lỗi anh có phải là Nhạc Sĩ Lam Phương không?”

– Im lặng một giây, ông nhỏ nhẹ trả lời: “Đúng tôi là Lam Phương đây!”

– Tôi thảng thốt: “Trời ơi Ông thầy… làm sao em dám quên anh được!”… và sau đó câu chuyện giữa chúng tôi vô cùng thú vị miên man không dứt. Tôi xin anh địa chỉ để đến thăm anh một ngày gần nhất, và chúng tôi đã gặp nhau tại nhà cũ của anh lúc đó đang ở gần góc đường Brookhurst  và Katella. Sau đó chúng tôi thỉnh thoảng đến thăm anh nhiều lần, cùng nhau chuyện trò rất vui vẻ ăn ý, hết chuyện âm nhạc đến những chuyến lưu diễn, cho đến chuyện chiến trường,…

Nhân đó anh kể lại, một hôm đi sinh hoạt về tới nhà, khi bước lên cầu thang vài bước, bổng cảm thấy đầu óc xây xẩm choáng váng và muốn té nhào nhưng anh cố gắng bám chặt tay vịn cầu thang và kêu cứu. Người nhà đưa anh đi cấp cứu và bác sĩ đã cho anh biết căn bệnh từ đó… và khi ấy anh đang chữa trị hàng ngày tại nhà, có người đến giúp đỡ.

Thỉnh thoảng nhớ nhau anh cũng thường hay gọi chúng tôi đến để anh vui. Trong một lần tâm sự và kể về những kỷ niệm vui buồn của mình, Nhạc Sĩ Lam Phương cho biết tại sao anh sáng tác ca khúc “Lầm”… Tôi nhìn anh với nỗi cảm thông khi thấy anh rất tự trọng và cương quyết.

Tôi không bao giờ quên kỷ niệm khi anh Lam Phương có lần cũng đã được vợ chồng Cô Bảy và Lâm đưa xuống thăm nhà tôi ở tận Long Beach, hôm đó có ca sĩ Thế Sơn và ông anh thứ ba cùng các cháu của chúng tôi là những người hâm mộ Nhạc Sĩ Lam Phương, buổi hội ngộ giữa ba thế hệ xoay quanh đề tài âm nhạc rất là vui.

Nhạc sĩ Lam Phương (ngồi) – Nhạc sĩ Xuân Điềm và Thanh Liễu. (Hình: Nhạc sĩ Xuân Điềm cung cấp)

Mãi sau này khi anh dọn về địa chỉ mới ở thành phố Fountain Valley, gần Mile Square Park thì chúng tôi cũng thường lui tới thăm anh. Trong thời gian này các Nhạc Hội của Ban Tù Ca tổ chức đều có sự tham dự của anh, rất ít khi  anh muốn ngồi ghế danh dự dưới khán giả, mà yêu cầu cho anh ở sau cánh gà sân khấu để vui với anh em nghệ sĩ. Một lần Nhạc Sĩ Lam Phương nói với tôi: “Xem chương trình Ban Tù Ca trình diễn từ đầu cho đến phút cuối, tôi rất thích thú và không thấy nhàm chán!” Thật lòng tôi rất cám ơn anh và chỉ sợ anh ngồi lâu không tiện vì lúc đó tôi vừa điều hợp chương trình vừa tiếp anh. Anh chỉ vui cười và nói: “Mình quen việc tổ chức này lắm, Xuân Điềm cứ lo cho chương trình đi đừng lo cho mình, mình ngồi đây được rồi. Cám ơn bạn!”

Cách đây hơn một năm anh khi vào nursing home, Xuân Điềm và Thanh Liễu vào thăm, anh được nằm riêng một phòng rất thuận tiện. Nhiều văn nghệ sĩ và khán thính giả liên tục đến thăm, sợ anh tiếp khách nhiều không nghỉ ngơi được bệnh tình khó thuyên giảm, nên thỉnh thoảng chúng tôi chỉ gọi điện thoại thăm anh.

Sau khi anh về lại nhà để tịnh dưỡng do cô Bảy và chú Lâm săn sóc, cách đây vài tuần lễ, vẫn còn trong mùa COVID, chúng tôi cũng đã cố gắng ghé thăm anh vì liên lạc điện thoại không được. Lúc đến thấy anh đang ngủ nên không đánh thức sợ làm mất giấc ngủ của anh, chúng tôi chỉ đứng nhìn anh mà thôi. Tôi thấy anh gầy ốm và có vẻ hơi mệt. Cô Bảy nói “Anh chị Xuân Điềm lại mà anh Phương không gặp được khi ảnh thức dậy em nói lại chắc ảnh tiếc lắm!”

Không thể ngờ đó là là lần cuối cùng chẳng còn gặp lại anh nữa để được tâm sự cùng anh. Khi nghe Cô Bảy cho biết tin anh đã ra đi nhẹ nhàng, vợ chồng tôi bàng hoàng xúc động biết rằng anh đã ra đi thật rồi… thương quá anh ơi!

Anh ra đi để lại bao thương tiếc cho người thân, cho bạn bè, cho hàng triệu khán thính giả từ quê nhà đến hải ngoại. Từ đây hình ảnh của anh mãi mãi trong tim mọi người cùng với những sáng tác bất hủ một đời của anh!

Xuân Điềm và Ban Tù Ca xin cám ơn anh và luôn ghi nhớ về những kỷ niệm đẹp giữa chúng ta, những người lính đã tay súng, tay đàn để bảo vệ quê hương miền Nam. Cũng xin thành kính phân ưu đến Cô Bảy-Chú Lâm và tang quyến, nguyện cầu cho hương linh Nhạc Sĩ Lam Phương sớm về an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Xin vĩnh biệt Anh-Nhạc Sĩ Lam Phương.

Xuân Điềm

 

[disqus_shortcode_codeable]