Friday, March 29, 2024

Tưởng nhớ Nhà Thơ Chân Phương

 

Chân Phương là bút danh của Phương Kiến Khánh.

Sinh năm 1951 tại Nam Vang, Cambốt. Hồi hương về Việt Nam Tháng Bảy, 1970. Ông học Đại học Văn khoa Sài gòn (Licencié-ès-Lettres 1973) & Lesley University, Cambridge – USA (Master of Education 1992).

Ông sống và dạy học ở Boston, tiểu bang Massachusetts, U.S.A.

Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, biên khảo văn học và dịch thuật – đặc biệt thi ca hiện đại Âu-Mỹ.

– Có thơ đăng trên các tạp chí nước ngoài: Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Việt, Diễn Đàn (Paris,) VietNam Forum (Đại học Yale,) Illuminations (Đại học Charleston,) Tribuna (Rumania…)

– Các thi phẩm đã xuất bản: Chú Thích Cho Những Ngày Câm Nín (1989, tái bản 2010,) Bản Án Cho Các Vĩ Cầm (1992,) Nghĩa Đen (1993,) Bổ Túc Lý Lịch Cho Loài Di Dân (1994,) Biển là Một Tờ Kinh (199,) trong tủ sách thơ Trình Bầy do cố thi sĩ Diễm Châu chủ biên ở Strasbourg, Pháp.

– Hợp tác với các trang mạng Ăn Mày Văn Chương (Pháp,) Da Màu (California,) Tiền Vệ (Úc,) Blog Lá Xanh (Việt Nam)… (Nguồn: Văn Việt)

Ông qua đời ngày 6 Tháng Năm, 2020 tại Massachusetts.

__________

* Mới nhận tin từ Nguyễn Hoàng Nam lúc 10 AM Cali. và từ Ngu Yên ở Houston – Texas sau đó vài phút, cho hay nhà thơ, dịch giả, một người bạn thân lâu năm, anh Chân Phương, còn một bút danh khác là Khánh Phương, vừa qua đời tại thành phố Boston bang Massachusetts vào ngày 6 Tháng Năm, 2020 do bệnh ung thư.

Chân Phương vốn là nhà thơ tài hoa từ khi anh còn ở Sài Gòn trước 1975.

Chân Phương sinh năm 1951 tại Nam Vang, xuất thân từ chương trình giáo dục Pháp ngữ. Lúc thiếu thời anh ở Nam Vang, sau này anh học đại học văn khoa ở Sài Gòn, tốt nghiệp Master of Education tại đại học Cambridge Hoa Kỳ, năm 1992. Anh có một sở học rộng và sâu về văn hóa Pháp.

Những ngày sau 75, tôi thường gặp anh ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng trên đường Bà Lê Chân, bên hông chợ Tân Định. Trước khi đi định cư, Chân Phương ghé lại nhà tôi mua một bức tranh tôi vẽ bằng chất liệu sơn mài để làm kỷ niệm.

Khi tôi có dịp đến Boston vào năm 2007 nói về Mỹ thuật VN cho tổ chức WJC, đã gặp lại Chân Phương và Nguyễn Trọng Khôi, anh rủ về nhà chơi và chỉ tôi thấy bức tranh Thiền và Sen được treo trân trọng trong thư phòng đầy sách của anh. Chân Phương và Khôi đưa tôi đi dạo quanh Harvard Square vào một buổi chiều mùa Xuân.

 

Tranh “Thiền Và Sen” của Trịnh Cung, được treo trân trọng trong thư phòng đầy sách của anh. (Tranh Trịnh Cung)

 

Một kỷ niệm khác rất đáng nhớ về anh, Chân Phương đã chuyển ngữ bài thơ xuôi “Từ Những Cây Sồi” của tôi đã đăng trên tienve.org mà không do tôi yêu cầu. Bản dịch này cũng đã đi trên tienve.org.

Những năm gần đây, được biết anh mang bệnh ung thư nên không đi lại nhiều, chúng tôi liên lạc qua fb và nói chuyện qua messenger, vẫn linh hoạt và thông thái như không có vấn đề gì nghiêm trọng, Chân Phương luôn dành cho tôi những cảm nghĩ tốt đẹp nhất.

Thật cám ơn bạn hiền và cầu chúc bạn an lạc nơi yên nghỉ cuối cùng.
Adieu Chân Phương, Je t’aime!
Bolsa, May 7-2020

Trịnh Cung

 

_______
*Nhà thơ Chân Phương không còn nữa

Dường như có một mặt trời vừa tan vỡ sáng hôm qua
Hóa ra sự báo tin về một cái chết chói lòa
Của một nhà thơ đương đại không kém tài hoa
Hóa ra có kẻ mộng du đang trên đường mơ màng
Đi sáng tạo một vần thơ lạ ở chốn ngoài kia
Giờ thì chắc thi sĩ đã đến nơi phải đến
Cuộc hành trình 68 năm chắc không thiếu bi lụy nắng mưa có khi phát bệnh
Và chàng thật có duyên được chọn Ngày Phật Đản để nói lời giã biệt
Trần gian mỏi mệt
Nhưng Thơ là cơn co giật ngoạn mục của những con chữ và thần trí
Giúp chàng lấp đầy khoảng trống ghê rợn của ngòi bút có khi loay hoay hết mực
Cũng có lúc chàng ngã xuống trên bãi cỏ hiện thực của đời sống
Có lúc chàng bay bổng cùng trí tuệ xanh ngát
Cuối cùng chàng nhận ra mọi thứ rồi cũng trở về với hư không
Chàng thi sĩ rồi cũng tan vào hư không
Như ngày cũng đã tan vào đêm tối bềnh bồng
Chàng đi rồi, không để lại bài thơ như một di chúc: ‘Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi Ra Biển’
Nhưng bây giờ thì gia đình bạn bè biết phải làm gì với thân xác chàng
Có thể trước khi đóng nắp quan tài gỗ quí đàng hoàng
Nhà quàn sẽ trang điểm cho chàng mái tóc giả dày hơn
Môi chàng sẽ được tô hồng hào trở lại như thời trai trẻ
Họ làm như chàng sắp chuẩn bị đi dạ tiệc uống rượu vang
Dưới một tầng địa ngục địa đàng… nào
Và chàng nằm bất động như đang chìm giấc ngủ ly tao
Cho đến khi, vâng, cho đến khi…
Người con trai là Mặc Trí
Bàng hoàng bấm nút tiễn đưa chiếc quan tài biền biệt cách ly
Chuyển đổi một kiếp người vào lò hỏa tang
Xúc động biết mấy khi chàng thi sĩ của chúng ta
Bỗng muốn được rải tro cốt mình ở quê nhà
Thôi cũng đành
Người thi sĩ đã ra đi
‘Chú Thích Cho Những Ngày Câm Nín’ giờ gởi lại cho đời
Bạn nào trong chúng ta nếu tìm thì sẽ gặp
Lời chú thích không giải mã nổi cơn mơ của một thi sĩ
Tôi đã tìm và bắt gặp một hồn thơ
Luôn bị trì kéo giữa Tây Phương và Đông Phương
Đám tang của một nhà thơ vốn cô đơn lại càng cô đơn hơn
Trong mùa đại dịch
Tôi vừa nghĩ đến những đóa hoa thầm lặng đến cô tịch
Khi mà đám tang của thi sĩ chỉ có thể cử hành
Đằng sau những con chữ
Trên lối đi người thi sĩ chỉ muốn tách mình độc hành
Những trải thảm đỏ chỉ rắc lớp bụi nhỏ phù du
Giờ thì thi sĩ chẳng cần một thứ visa cho phép mình đi đâu về đâu
Cái chết dường như sẽ sắm giùm chúng ta
Thứ visa của đỉnh trời gió lộng
Loài chim di sẽ bay tự do và phiêu hốt mênh mông
Phải không?

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

_______
*Nhớ Chân Phương

Dù biết trước bạn sẽ ra đi nhưng sao vẫn cảm thấy hụt hẫng! Khi gia đình anh báo hung tin lúc đang ăn trưa, bất giác mình buông đũa không ăn được nữa. Thương bạn quá!

Mới đây mà đã 30 năm. Lần đầu gặp nhau tình cờ trong một hiệu sách ở quận 5 Paris. Bắt chuyện với nhau, thấy có vẻ hợp nên kéo ra cà phê ngồi hàn huyên chuyện trên trời dưới biển. Chuyện thơ chuyện họa, chuyện văn chương đông tây kim cổ.

Rồi từ đó không năm nào sang Paris anh không gọi cho mình để hai đứa lang thang với những con đường xưa cũ, tìm những chai rượu ngon trong những nhà hàng thật đẹp. Chân Phương thích thế! mà mình cũng khoái. Nhiều năm sau thân thuộc mới biết anh không chỉ là nhà thơ mà còn là một học giả uyên bác, nói bất cứ điều gì đều có sách mách có chứng… và hình ảnh! Có những điều không kịp nói hết thì thư từ tiếp qua lại khi anh đã về Mỹ.

Có năm anh dắt cả vợ con đến nhà chơi đi thăm những ngôi làng cổ chung quanh khu rừng nơi mình cư ngụ.

Những năm tháng của tuổi trẻ ấy tình bạn thật vui thật đẹp! tất cả mọi người cũng chỉ trên dưới bốn mươi!

Thế mà…

Phan Nguyên

 

 

[disqus_shortcode_codeable]