Friday, April 19, 2024

Tưởng nhớ Ông Nghiêm Xuân Thuyết

Ngày 13 tháng 10 năm 2018, tại phòng số 5 nhà quàn Peek Family, nơi ông Nghiêm Xuân Thuyết giã từ gia đình, bạn bè lần cuối. Nơi có rất nhiều con cháu để tang ông, nơi có rất nhiều người lưu luyến đến chảo ông. Nơi người chị ở tận Virginia đáp vội chuyến bay về thăm em. Nơi những đồng nghiệp cũ, không gặp từ nhiều năm, nghe tin cũng đến… Mới biết khi tại thế ông đã sống thế nào, để mọi người tiếc thương khi ông đi cõi khác.

Nói về sinh tử, Khổng Tử có câu: “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười.”

Có phải đấy là trường hợp của ông:… mọi người khóc khi ông mất đi!

Ông là cựu Phó quận trưởng, quận 1 ở Huế, phục vụ trong ngành hành chánh, đáng ra ông không bị đi học tập cải tạo, nhưng chính quyền bấy giờ kiếm cớ rằng, ông làm chức vụ lớn nên đã bắt ông 1 năm tù. Cũng may có vợ làm trong ngành giáo dục, nên gia đình ông không bị đi kinh tế mới. Ra tù ông phụ vợ làm ăn. Ban đầu họ theo nghề may, sau đó buôn bán bỏ mối khắp nơi. Nhờ làm ăn chân chính, trọng chữ tín, sự thành công đã đến với ông bà thật nhanh chóng. Năm 1990, mặc dù đang thành công trên thương trường, nhưng ông quyết định buông bỏ để cùng vợ và hai con đi định cư ở Mỹ, bởi tương lai của con cái là điều ông quan tâm hàng đầu.

Là một người hiền hòa, chưa bao giờ biết to tiếng với ai, dù đó là thân hay sơ. Với ai, ông cũng đãi họ bằng nụ cười, mọi việc lớn bé trong gia đình, ông giải quyết bằng nụ cười. Ông có nickname là “Toe” cười toe! Thế nhưng ông lại không hay cười với những người có tình cảm trên mức trung bình với vợ ông. Như cậu học trò xưa, quý mến cô giáo, hay đến nhà quà cáp cho cô, ông tỏ dấu không bằng lòng. Ông mắng thẳng cậu học trò. Người bạn gặp qua đường, cười chào vợ ông, ông không đồng ý. Ông cũng quan tâm đến giờ giấc vợ đi làm… Nói chung là ông hay ghen hờn, chỉ muốn độc quyền trên người vợ đầu ấp tay gối của mình. Chính vì tính để mắt đến người vợ một cách quá đáng, khiến suýt nữa ông chẳng cưới được vợ. Chị nhắc lại chuyện cũ, hôm đi sắm bánh trái cho lễ dạm ngõ, anh chở chị, trên đường bỗng dưng gặp bạn người Mỹ đưa tay chào, chị cũng vẫy tay lại chào. Không ngờ anh nổi nóng mắng mỏ. Thế là chị bảo dừng xe lại rồi đưa hộp bánh dạm ngõ cho anh, và đi khuất vào trong một ngõ hẻm bên đường. Ông biết mình có lỗi nên sau đó đã năn nỉ vợ hết lời, cả nhà được dịp cười no bụng, từ đó ngoài nick name “anh Toe” ông còn có thêm nick “Hoạn Thư”!

Nói gì thì nói, ông có Hoạn Thư bao nhiêu thì ông vẫn là “anh Toe”, mọi người lớn bé vẫn yêu quý cái tính hiền lành, nhân hậu của ông. Ngay trong lúc gia đình làm lễ tưởng nhớ ông ở Peek Family, Westminste, thì tại Bắc Ninh, quê ông cách nửa vòng trái đất, con cháu cũng đang làm lễ tiễn đưa ông về cõi Vĩnh Hằng.
tp

[disqus_shortcode_codeable]