Friday, April 19, 2024

Tưởng nhớ Thầy Cao Minh Tuyến,

Thầy Cao Minh Tuyến, sinh ngày 3 tháng 12, 1957 tại Mỏ Cày, Bến Tre. Năm 12 tuổi, ông được vài võ sư truyền dạy võ Thiếu Lâm phối hợp với võ Bình Định. Đến năm 17 tuổi, may mắn được cao sư người Việt gốc Hoa tên Lâm Tử Uông truyền dạy môn Thái Cực Quyền của Ngô Gia được 10 năm. Trong thời gian này ông cũng may mắn học hỏi thêm về Thái Cực Quyền của những gia phái khác với nhiều cao sư. Có năng khiếu sư phạm và trí nhớ tốt, học hỏi nhanh, sau khi trải qua khóa huấn luyện của Trung Tâm Thể Dục Thể Thao thành phố, ông làm huấn luyện viên cho môn Thái Cực Quyền trong vòng 17 năm ở VN. Ông cũng có lớp hướng dẫn Thái Cực Quyền ở Công Viên Lê Văn Tám, Công Viên Tao Đàn và Bệnh Viện Y Học Dân Tộc vào mỗi buổi sáng và chiều.

Cuối năm 1999, ông sang định cư HK theo diện bảo lãnh. Thầy Cao Minh Tuyến có hai người con, con trai lớn đang là sĩ quan thuộc binh chủng không quân HK làm việc cho Ngũ Giác Đài và con gái là một nhà thiết kế thời trang. Vợ, con gái và em vợ cũng từng là môn sinh do ông hướng dẫn. Với nguyện vọng mang sự hiểu biết của mình về môn khí công để giúp cải thiện đời sống thể lực và tinh thần cho tất cả mọi người trong cộng đồng.

Vào năm 2007, với sự hỗ trợ hết lòng của người chị cả là bà Cao Ngọc Diệp, (một người có thể nói đã đóng vai người cha và mẹ của Thầy, vì Thầy mồ côi Cha khi lên 6 tuổi và mẹ phải lo tảo tần buôn bán, bà Cao Ngọc Diệp đã một tay lo lắng cho Thầy từ khi còn tấm bé). Lớp Thái Cực Hợp Nhất được thành hình và sinh hoạt vào mỗi sáng Thứ Bảy và Chủ Nhật, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, tại một sân trường tiểu học thuộc thành phố Garden Grove. Từ một nhóm nhỏ khoảng chục người, trong đó có những tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng như Minh Phượng, Chí Thiện, Uyên Thi v.v… Sau gần 10 năm, lớp đã có 120 môn sinh.

Sau một thời gian biết mình lâm trọng bệnh, ông đã cố gắng chống chọi với hi vọng mau chóng bình phục để tiếp tục làm tròn bổn phận của người chồng, người cha và người Thầy của các môn sinh lớp Thái Cực Hợp Nhất mà ông coi như tâm huyết của cuộc đời mình. Nhưng sau cùng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1 tháng 5, 2017 hưởng thọ 60 tuổi, để lại bao nhiêu nỗi bàng hoàng, thương tiếc của mọi người. Sự ra đi của Thầy Cao Minh Tuyến là một mất mát lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, toàn thể môn sinh của Thái Cực Hợp. Cầu mong hương hồn của Thầy sẽ về cõi an lành và xin san sẻ nỗi đau buồn này với toàn thể gia quyến, mong gia đình sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Hương Thơ phỏng vấn Thầy Cao Minh Tuyến

CHIA SẺ CỦA MÔN SINH HƯƠNG THƠ

Tôi trở thành môn sinh của Thầy Cao Minh Tuyến khoảng gần 2 năm trước đây qua lời giới thiệu của một người bạn cũng là môn sinh của Thầy. Vào những ngày đầu tiên, Thầy dường như dành cho tôi sự chú ý đặc biệt. Có lẽ Thầy nghĩ rằng cô nàng ca sĩ, xướng ngôn viên này cũng sẽ là một trong nhóm những người bị rớt đài trước nhất. Vì Thầy thường nói cứ 10 người đến tập một thời gian thì chỉ còn lại 1, 2 người ở lại. Nhưng tôi đã không bỏ cuộc, có lẽ nhờ sự đam mê võ thuật và thể thao từ thời niên thiếu và nhờ lời khuyến khích của Thầy, thường nửa đùa nửa thật nói với tôi rằng, “Hương Thơ cố gắng tập Taichi với tôi đều đặn thì sẽ không cần đi giải phẫu thẩm mỹ”. Đúng như thế, sau một thời gian tập luyện, tôi đã được nhiều người phê bình là trông tôi thon gọn và tươi trẻ hơn trước nhiều.

Lớp Thái Cực Hợp Nhất giống như mái gia đình thứ hai mà Thầy bỏ hết tâm sức và thời gian chăm lo, dạy dỗ, thương yêu hết mực đến từng mỗi môn sinh. Học trò ai cũng yêu mến Thầy. Thầy biết bốc thuốc Nam, trò nào bệnh gì Thầy đều giúp đỡ tận tình, ngay cả người nhà có bệnh, Thầy cũng bỏ thì giờ đến giúp không hề quản ngại. Thầy tôi yêu mến lớp Thái Cực Hợp Nhất, đến nỗi không bao giờ vắng dạy dù trời mưa giông hay bão tố. Ngay cả những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Ta. Mỗi khi tôi lên cơn lười đến lớp, nhưng khi nghĩ đến Thầy, tôi vội vàng tung chăn, ném gối, cố gắng lái xe đến lớp. Những lần bận công chuyện hay đi nghỉ hè phải vắng mặt thì Thầy cũng luôn gửi message nhắc nhở tôi không được bỏ tập Taichi. Một trong những động lực giúp tôi siêng năng tập luyện đó là Thầy tôi luôn yêu cầu tôi vào trong nhóm biểu diễn trước lớp trong những buổi sinh hoạt tập thể. Tôi không dám cãi lời và rất may, những lần trình diễn trước lớp, tôi đã không làm cho Thầy thất vọng. Dù không được may mắn có chiều dài thâm niên với Thầy như các môn sinh khác, nhưng tôi lại có rất nhiều kỷ niệm trao đổi với Thầy qua lãnh vực thi ca và âm nhạc.

Hương Thơ trong một lớp của Thầy Cao Minh Tuyến

Ngoài là một võ sư, Thầy tôi là một người đa cảm và yêu cái đẹp. Thầy tôi làm thơ rất hay và vẽ tranh rất đẹp. Ông còn là một người có giọng hát truyền cảm và trầm ấm. Vì xuất thân là một Phật tử thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo, Thầy thường bàn luận về triết lý của nhà Phật ngay trong khi dạy võ cho đệ tử. Cũng nhờ Thầy mà tôi đã có nguồn cảm hứng phổ nhạc bài Thiền Ca đầu tay đó là bài “Tim Phật”, phổ theo bài thơ có cùng tên của Thầy. Tôi đã trình diễn bài này vào buổi tiệc Tân Niên của lớp với phần nhạc cảnh như món quà xuân tặng Thầy. Sau đó Thầy yêu cầu tôi phổ cho Thầy một bài tình ca có tựa là “Cảm Nhận”. Nhưng khi đọc đến câu đầu tiên: “Nhà sư lên núi lặng ngắm đất trời”, tôi nghĩ bụng than thầm “Có sư ông trong thơ làm sao mà viết được tình ca đây!?”… Thế là tôi cứ ngâm bài thơ đến mấy tháng, vì ngồi ôm đàn cả buổi tôi không nặn ra được một nốt nhạc nào. Nhưng vào một ngày khi biết Thầy lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh và Thầy hỏi tôi đã làm xong bài hát đó chưa. Trong cảm xúc lo sợ “sinh ly tử biệt” đó, nguồn cảm hứng bỗng trào dâng như những giọt nước mắt đang ngập mí mắt tôi, bài thơ “Cảm Nhận” đã được phổ thành ca khúc chỉ trong vòng 15 phút. Tôi thâu vào trong cell phone, chạy như bay đến nhà Thầy và vặn lên cho Thầy nghe. Lúc đó Thầy tôi nằm thoi thóp trên giường bệnh, chỉ còn trò truyện với tôi bằng ánh mắt đầy thương cảm và nuối tiếc. Ngày hôm sau, Thầy tôi trút hơi thở cuối cùng mà tôi không biết Thầy tôi có ưng ý bài “Tình Ca” cuối cùng của tôi, “người nhạc sĩ tay mơ” đã viết cho Thầy hay không? Bài “Cảm Nhận” của Thầy như một lời chia tay cuối cùng đến với những người yêu thương và kính trọng Thầy.

Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là hành trình ai rồi cũng đi qua, nhưng ai cũng cho rằng Thầy tôi còn quá trẻ và còn quá nhiều hoài bão chưa thực hiện, nên sự ra đi đột ngột của Thầy đã để lại trong lòng của mọi người và cho tôi một nỗi bàng hoàng to lớn, một hố sâu tiếc nuối và buồn thảm không nguôi. Mỗi lần có một người thân yêu qua đời, tôi đều cảm nhận rõ ràng hơn về sự vô thường và hữu hạn một của kiếp người. Nhưng sự ra đi nhanh chóng của Thầy, khiến tôi càng thấm thía hơn lời hát mà nhạc sĩ Trần Duy Đức đã phổ thơ thi sĩ Ngô Tịnh Yên “Nếu có yêu tôi, có tốt với tôi, có nhớ thương tôi thì hãy yêu, hãy tốt và hãy nhớ thương tôi bây giờ, đừng để ngày mai, đến lúc tôi qua đời”.

Và sự ra đi không báo trước của Thầy, tôi đã tiếp nhận một thông điệp cho riêng mình, đó là phải cố gắng tháo gỡ hết mọi gút thắt với những người chung quanh, hãy sống chan hòa với mọi người, thay vì phí phạm thời gian với những cảm xúc tiêu cực. Nếu Thầy còn quanh quẩn nơi đây, Hương Thơ xin dâng lên Thầy tấm lòng biết ơn sâu sắc cho công ơn dạy dỗ tận tụy của Thầy trong bao năm tháng qua. Những ký ức đẹp đẽ Thầy đã mang đến cho chúng em sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Hương Thơ chỉ cầu xin rằng nếu còn duyên Thầy & Trò và nếu có kiếp sau, Hương Thơ xin được làm môn sinh của Thầy một lần nữa.

Hương Thơ

(May, 2017)

[disqus_shortcode_codeable]