Tuesday, April 23, 2024

Vĩnh biệt Thầy Nguyễn Văn Trường!

Đoàn Xuân Thu

Thầy Nguyễn Văn Trường, tuổi Canh Ngọ, sinh năm 1930, tại quận Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long!
“Tôi là con út trong nhà, mà lại là dân ‘cậu’: Bên ngoại là điền chủ–không gieo mạ, mà góp lúa; bên nội là hương cả trong làng và cũng có chút đất điền, theo đó bên nào tôi cũng được người dân quê gọi là ‘cậu’.

Cậu, ‘ngồi mát ăn bát vàng’, nên: Yếu lắm! Đã vậy mà còn là cậu út, nên: Quá yếu!
Trên tôi, ngoài sự “kềm kẹp của ba má tôi”-“gọi dạ, bảo vâng” một chiều, năm nầy sang năm khác- còn thêm một tá anh chị.

Cho nên, trong bản chất, tôi nhút nhát. Với bạn bè thân, thì thoải mái, cãi lý, chí chóe đến nơi đến chốn. Ở chỗ lạ, thì thận trọng, ít nói, ít lời.

Tôi là một đứa bé của đồng quê, học Trường Tiểu học Vũng Liêm, từ lớp tư đến lớp nhất, cách nhà 4 cây số, đường đất, phải qua bốn cây cầu – cầu tre lắc lẻo, khó đi.

Cả quận Vũng Liêm, năm 1943, chỉ có hai trò trúng tuyển vào Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thằng cháu tôi đậu cao, nhưng vì không được học bổng, nên bỏ học, và tôi, hạng chót.

Với cái tuổi 12-13, đi học Trường Phan Thanh Giản, là rời làng mạc, lên thành thị, lần đầu đi học xa, như đi du học…”

***

Rồi Thầy qua Mỹ Tho, học trường Collège Le Myre de Vilers. (Tháng Tám, năm 1945 khi Việt Nam mình giành được độc lập từ tay Thực dân Pháp, trường đổi tên là Trung học Nguyễn Đình Chiểu) trước khi sang Pháp du học và tốt nghiệp Cao học Toán ở Toulouse. Từ Pháp về, Thầy dạy ở Đại học Huế.

Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh lật đổ! Chính trường Việt Nam Cộng Hòa trải qua nhiều biến động, chỉnh lý, đảo chánh liên miên.

Đến khi Giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ tướng lần đầu (1964-1965), Thầy Nguyễn Văn Trường được mời làm Tổng trưởng Giáo dục.

Thuộc nhóm người trẻ, (34 tuổi), đầu óc cởi mở, tiến bộ, Giáo sư Nguyễn Văn Trường rất thiết tha, rất tích cực với nền giáo dục nước nhà.

Thời này cũng là thời hổn loạn ngoài xã hội lan tới học đường!

Một số đảng phái đầu cơ chính trị, xúi giục học sinh biểu tình, chống đối chính phủ, tạo cảnh bất ổn trong các trường trung học lớn ở Đô thành Sài Gòn như Petrus Ký, Gia Long và ngay cả cả tỉnh lớn v v… khiến cho an ninh trật tự bị xáo trộn, chẳng còn dạy dỗ học hành gì được cả.

Giáo sư Nguyễn Văn Trường phải dùng biện pháp quyết liệt để đối phó với tình thế: “Không ai có quyền, dù với bất cứ danh nghĩa tôn giáo hay đảng phái nào, xúi giục học sinh trung học chưa đủ tuổi trưởng thành, lợi dụng sự hăng say bồng bột của tuổi trẻ, đẩy họ vào những công cuộc chống đối, đấu tranh cốt để phục vụ cho quyền lợi riêng tư của phe nhóm mình.!”

Nhờ vậy, Thầy và trò mới tiếp tục được việc dạy và học một cách bình yên như cũ.

Năm 1966, khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương trong Nội các Chiến tranh, Giáo sư Nguyễn Văn Trường lần thứ hai, lại được mời ra làm Ủy viên Giáo dục (tương đương với chức Tổng trưởng Giáo dục).

Công lớn nhất của Thầy Nguyễn Văn Trường, lúc nầy, là cùng nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam khác như: Thầy Nguyễn Duy Xuân, Thầy Nguyễn Trung Quân (vốn là cựu học sinh và đang làm Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản) và Kỷ sư Canh nông Võ Long Triều, Ủy viên Thanh niên… vận động ráo riết để thành lập cho được Viện Đại học Cần Thơ, vào năm 1966, để học trò miền Tây Nam Phần, đa số là con nhà nghèo, vừa đậu Tú tài hai không phải dở dang con đường học vấn.

(Như Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Phụ tá Đặc biệt Tổng trưởng, đặc trách Trung, Tiểu học và Bình dân Giáo dục, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, Việt Nam Cộng Hoà cho biết)

***

“Tiến vi quan; thoái vi sư!”. Không còn tham gia nội các nữa, Thầy trở về dạy ở Đại học Sư phạm Huế và Sài Gòn, Đại học Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh…

Rồi vận nước bỗng đổi thay, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ!

“… Sau 1975, được ‘giải phóng’, vậy mà sợ. Tôi sợ. Khuya, nghe chiếc xe jeep, ngừng trước nhà: tôi sợ. Sợ chính quyền cách mạng chiếu cố.

… Cách mạng, không là cải cách, không là sửa đổi, mà là đập phá, dẹp mọi cái cũ, mà Miền Nam thuộc cái cũ.

Cả não bộ Miền Nam đang ở trong các trại tù cải tạo tập trung, chỉ vì nó thuộc cái cũ!”

Trong những ngày tối tăm nhất của Miền Nam Việt Nam mình thuở đó, như lời Thầy từng tâm sự:

“Giống như cây sậy của La Fontaine; Tôi cong, rạp mình, nhưng không gãy gục!”

Nhưng cuối cùng Thầy cũng phải đành bỏ nước ra đi, về định cư tại Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

***

Tuổi đời đang trôi dần vào bóng hoàng hôn, dẫu là một Giáo sư Đại học, dạy toán nhưng Thầy vẫn cầm bút để trải lòng mình.

“Viết xong, như thường lệ, tôi có trình cho tiện nội duyệt khán. Đây là một thủ tục, cũng không rõ có từ lúc nào, và lý do hình như vì tiện nội là một giáo sư Việt văn – có môn bài – mà tôi thì chính tả lôi thôi, pháp cú lộn xộn, ý tứ có khi không ổn. “thiếu trách nhiệm”. Có nàng, ngữ pháp sẽ trong sáng, tư tưởng có thể rõ ràng, súc tích và mạch lạc hơn…”

Bài của Thầy chỉ đăng trên web của trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm ở Houston, Texas.

Thầy từng nói lớp hậu sinh của trường cũ rằng: “Chúng ta có nhau , đồng tình, đồng đội, trong cái dễ thương nhất của tình người. Trong dị biệt các em đã tìm được tương đồng và hòa đồng. Tôi cám ơn các em về bài học nầy mà tôi học được ở các em!”

***

Tôi cũng có một số bài viết ‘làng nhàng’ nhưng may mắn được nhà văn Trần Bang Thạch đưa lên web. Lâu lâu vắng bài, thì Thầy gọi hỏi anh Trần Bang Thạch lý do là tại làm sao?”

Anh Trần Bang Thạch gởi ’email’ cho tôi, nói: “Thầy Trường nhắc bài của Đoàn Xuân Thu đó! Vậy là tôi lại lui cui leo lên bàn phím, gỏ lóc cóc!”

Tôi cười he he, đùa với anh Trần Bang Thạch là: “Phải chi hồi xưa tụi mình là giáo làng mà hân hạnh được Thầy Nguyễn Văn Trường, Tổng trưởng Giáo dục để ý tới, chắc đở biết bao vì mình sẽ được ‘dựa hơi’ Thầy!”

***

Bài viết mới nhứt của Thầy Nguyễn Văn Trường, là bài ai điếu, cách đây không lâu, khi tiễn 3 người bạn cùng trường Phan Thanh Giản về cõi vĩnh hằng là: Trương Hữu Đạt, ra đi ngày 24, tháng Chín; Trần Văn Kỳ, ra đi ngày 11 tháng Mười và Võ Văn Nghi, ra đi ngày 25, tháng Mười, năm 2017.
“Các anh đã để lại ở chúng ta một niềm tiếc thương vô hạn, một nỗi buồn vô biên!”

Rồi Thầy Nguyễn Văn Trường tự hỏi: “Trăm năm đời người như bóng ngựa qua cửa sổ. Mới đó, mà giờ đã quá 80. Và Ông Xanh không cho một ai biết tuổi thọ của mình đến ngày nào, tháng nào, năm nào?”

***

Chiều nay khi lên net, đọc tin dữ từ nhà văn Trần Bang Thạch, Houston, cách tôi, Melbourne, cả một biển Thái Bình!

“Tin buồn: Xin trân trọng khấp báo: Giáo sư nguyên Tổng trưởng Giáo Duc Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Trường, cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản, sanh năm 1930, vừa được bác sĩ tại bịnh viện Methodist Houston rút ống trợ sinh lúc 12 giờ 30 phút trưa nay, ngày Jan 3rd, năm 2018.”

Dẫu biết rằng ‘sanh ký tử qui’ nhưng bất ngờ nhận hung tin hỏi lòng ai không đau xót?

Thuở sanh tiền, Thầy thường nói: “Con người được gặp nhau là do bởi cái ‘duyên’. Tôi chưa được cái ‘duyên’ may đó! Nếu có, chỉ là cái tình văn nghệ với nhau, giữa một già và một không còn trẻ nữa!

Thầy trò chúng ta như hai hạt phù sa của dòng Cửu Long yêu dấu định lắng xuống để bồi cho đất quê hương mình nhưng dòng nước cuồng nộ của thời thế đã đẩy hai hạt phù sa đó trôi luôn ra biển. Thầy trò mình đành phải tha hương vì đã mất quê hương!

Em xin gởi theo Thầy bài viết nầy, như là một nén hương lòng để tưởng nhớ một trí thức, một nhà giáo khả kính, một nhân cách lớn của Việt Nam Cộng Hòa mình.

Xin vĩnh biệt Thầy Nguyễn Văn Trường!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne

[disqus_shortcode_codeable]

Ông Phạm Hoài

Ông Nguyễn Chí Thông

Ông Huỳnh Nhâm

Ông Trương Văn Liêu