Friday, April 19, 2024

Vũ Đức Tô Châu, thơ không biệt, lìa đời sống

Du Tử Lê/Người Việt

Dõi theo hành trình chữ, nghĩa của nhà thơ Vũ Đức Tô Châu, tôi thấy dường như mỗi một bài thơ gửi đi, là một nỗ lực làm mới. Chí ít, cũng với chính những sáng tác của ông, trước đó.

Trong số rất ít, những bài thơ tôi được đọc của Vũ Đức Tô Châu, thì trăng có vẻ chiếm giữ một tỷ lệ đáng kể. Thí dụ trong bài “Luân Khúc Cổ Cầm,” mấy câu mở vào bài thơ (khá dài), đã là:

“Đêm nguyệt vàng
Thu tàn trước ngõ
Trăng chờ ai mờ tỏ bên trời
Điệu cổ cầm thổn thức chơi vơi…”

Nhưng khi qua tới bài “Chờ Tình” viết theo thể lục bát, Vũ Đức Tô Châu lại cho trăng của ông cảm, nhập tính thiền:

“Ta còn say chén hoàng hôn
Vầng trăng đã tịnh trên cồn bãi xưa”

Và, đây, một vầng trăng khác nữa, cũng đi ra từ cõi giới thi ca Vũ Đức Tô Châu, nhưng đó lại là “Trăng rơi đáy nước hồ không động” trong bài thơ nhan đề “Chớm Rụng” chỉ có bốn câu. Vô tình dung chấp cùng lúc hai đặc tính liên tưởng nghịch và liên tưởng xuôi:

Trăng rơi đáy nước hồ không động
Trên bến lòng ta muôn sóng xô
Mắt đượm u hoài thu chớm rụng!
Sương khói gieo hồn rưng lá khô”

Dường không chỉ với trăng, một hình ảnh quen thuộc tới nhàm chán, cạn kiệt “khí huyết” đã lâu, được nhà thơ cố gắng gắn cho nó một “hồn tính” khác, mà ngay cả với những hình ảnh cũng đã từng được thi ca tận tình khai thác là cây nến, cũng được ông cho nó tương quan lạ… Thay vì viết “lệ nến” hay  “tim nến” thì Vũ Đức Tô Châu viết:

“Đêm mở ngỏ tàn canh vầy nến nát”
(Trích “Luân Khúc Cổ Cầm”)

Tôi không nghĩ tôi hiểu rõ động từ “vầy” trong câu thơ “vầy nến nát” của ông. Nhưng hiển nhiên, đấy là một cụm từ ít thấy hoặc, chưa từng thấy trong thơ của chúng ta.

Tuy nhiên, dù ông có hý lộng chữ, nghĩa thi ca của ông qua những kênh, mạch lãng mạn như một đối lực với thực cảnh xã hội hôm nay, thì, ông vẫn không che đậy, không sử dụng lượng ma túy tình yêu cao độ để phủ dụ, hoặc để nguôi ngoai những vết thương thời sự lở loét tử sinh; trơ, bày nhục nhã. Tôi nhìn ra khía cạnh này trong thơ Vũ Đức Tô Châu qua những câu thơ như:

“… Mùa xuân ta ngắm biển
Núi sông buồn miên man
Biển ngoài kia bật khóc
Có ai sầu quan san
…”
(Trích “Mùa Xuân Ta Ngắm Biển”)

Hoặc:

“… Bên hiên chiều xứ lạ
Trôi về đâu mây ơi?
Ta gửi hồn rưng lệ
Nhớ quê sầu chơi vơi!
Đôi khi nâng cốc rượu
Uống như thuyền ra khơi
Nghe sóng cuồng bão nổi
Thương cánh buồn… lẻ loi…

(Trích “Bên Hiên Chiều”)

Ở đây, tôi không nói tới câu thơ có thể nói là khá mới của Vũ Đức Tô Châu; câu “đôi khi nâng cốc rượu/ uống như thuyền ra khơi” mà, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, bi kịch tổ quốc đã được ông ghi nhận bằng nỗi đau đớn và nhục nhã theo cách của ông. Ông không dùng những danh từ đao to, búa lớn. Ông cũng không ồn ào lên án, gào thét thê thiết trong thơ. Nhưng, theo tôi, chính tính chất lặn vào bên trong, lắng xuống những nỗi đau nhục giống nòi, tưởng như không thời sự mà, người đọc thấm thía, ngậm ngùi hơn!

Tôi không biết có phải bắt nguồn từ quan niệm thi ca tới một mức độ nào đó thì phải nhìn nhận (như nhà thơ), rằng: “Những tài hoa thi khách chạm tay đời,” trích từ bài thơ “Mộng Đêm Qua” của Vũ Đức Tô Châu:

“Ta thấy mình đi dạo
Bước quanh triền quỹ đạo Năm Châu
Gặp (Homer) và hội ngộ (Nguyễn Du)

Khói trầm hương thoảng ngát quyện đôi bờ
Bi tráng đời ai hát thành thơ
Dường bão tố! Biển muôn triều dậy sóng
Mấy nghìn năm (Sử Thi) đồng vọng
Tửu Đồ say trên chiếu rượu quên sầu!
Khóc ư?
Sông núi cũng đổi dời!
Cười ư?
Mơ (Odyssey) ngày trở lại
Ta mộng thấy một trời thơ rất lạ
Những tài hoa thi khách chạm tay đời.

“Nam việt 2017
“Homer, Odyssey: Các vị Thần Hy Lạp cổ đại ở thế kỷ thứ X Trước Công Nguyên.”

Tôi hiểu, tuy là một bộ môn văn chương quan yếu, nhưng thành kiến từ xưa, vẫn cho thi ca là một trò chơi trí tuệ phù phiếm. Vô bổ. Thậm chí còn được “định danh” là… “thơ thẩn,” là “khùng điên” nữa!

Nhưng Vũ Đức Tô Châu không nghĩ thế.

Cái nhìn về thi ca của ông, hoàn toàn ngược lại. Đó là khi “Những tài hoa thi khách chạm tay đời”…

Theo tôi, tùy trình độ, ý thức, vị trí… mà chúng ta có nhiều quan niệm đối nghịch nhau về sự có mặt của thi ca. Cùng lúc với sự xuất hiện của loài người, trước khi nhân loại có chữ viết thì chúng ta đã có thơ truyền khẩu… Sự kiện này cho thấy tính song hành giữa đời sống tinh thần của con người với thi ca.

Nên có thể không ít người đã lên án thơ Hồ Xuân Hương, là thơ của một người phụ nữ bị ẩn ức sinh lý… Nhưng ngược lại, thơ của bà lại được các nhà nghiên cứu văn học ghi nhận, đó là tiếng nói đòi hỏi sự bình đẳng nam/ nữ sớm nhất trong lịch sử đấu tranh cho nữ quyền của Việt Nam. Nó không hề thuần túy là tiếng than trong đêm trường lạnh lẽo của một người đàn bà bị “bỏ quên” trong cuộc hôn nhân mà, người phụ nữ ấy, chỉ là một thứ vợ lẽ, “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” (Hồ Xuân Hương).

Cũng thế, người ta có thể dễ dàng kết luận mấy bài thơ của T.T.Kh. chỉ là những bày tỏ thất vọng của một phụ nữ không được phép tham dự vào cuộc hôn nhân của mình, vì những ràng buộc khe khắt của xã hội thời phong kiến (*). Nhưng cũng không thiếu những nhà phê bình văn học, nghiên cứu xã hội, lại cho rằng, thơ của nữ sĩ T.T.Kh., cho thấy bà là nạn nhân của chế độ cưới gả theo tập quán “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy,” vì “môn đăng hậu đối,” hứa hẹn trước đó của hai gia đình…. Và, thơ T.T.Kh. chính là tiếng nói (tình cảm nhưng mạnh mẽ) tố cáo tập tục này…

Tại sao những bài thơ của Hồ Xuân Hương, của T.T.Kh. còn truyền tụng đến hôm nay, và sẽ mãi mãi?

Theo tôi, bởi vì giá trị tự thân của những bài thơ đó. Là những bài thơ của “Những tài hoa thi khách chạm tay đời,” theo cách nói của Vũ Đức Tô Châu. (Du Tử Lê)


Chú thích:
(*) Vì hiện tượng T.T.Kh. gây chấn động lớn trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, thời tiền chiến, nên đã có rất nhiều bài viết về hiện tượng này. Thậm chí, thời đó, có người còn nhận mình chính là người đàn ông trong mấy bài thơ của T.T.Kh. nữa.

Mời độc giả xem bình luận “Tập Cận Bình củng cố ngôi vị trong đảng?”(Phần 2)
[disqus_shortcode_codeable]