Friday, April 26, 2024

Phạm Tăng và, bức tranh được huy chương vàng hội họa UNESCO, 1967


Du Tử Lê


(Tiếp theo kỳ trước)


Sau khi được đọc bài viết của một nhà phê bình hội họa Mỹ, ở Denver, Colorado, và nhất là phần thư riêng, của họa sĩ Phạm Tăng, gửi cho học giả Hữu Ngọc, giải thích rõ hơn về những hạt tế bào (cellule) nguyên sắc (1 màu) của Vance Kirkland và mỗi tế bào trong tranh họ Phạm là “…một tổ hợp, có từ 2 tới 3 khoanh tròn cùng tâm (concentrique) màu đối nhau (contraste) nên bức tranh linh động hơn…” (4) – – khiến tôi chợt nhớ một trong những biểu lộ tình thân đầu tiên của họa sĩ Phạm Tăng dành cho chúng tôi là, ông đã đưa cho T. và, tôi, mỗi người một kính lúp khá to – – Lúc ông thấy chúng tôi, ngẩn ngơ trước bức tranh “Vũ Trụ” rất lớn, màu sắc bao la, bát ngát như một giải ngân hà lấp lánh những vì sao, muốn tràn khỏi canvas… (5)


Tôi thấy mình như bị hút vào hố đen do Big Bang để lại, cách đây nhiều triệu năm, theo thuyết tương-đối-rộng của Albert Einstein. (6)








Họa sĩ Phạm Tăng và bức tranh Vũ Trụ. (Hình Phạm Hải Nam)


Tôi không hỏi cảm nhận của T. sau nhiều phút ngẩn ngơ trước từng mảng tranh nhỏ, được soi rọi bởi kính lúp. Phần tôi, khi đưa kính lúp sát vào bất cứ một phân tranh nào của bức “Vũ Trụ,” lập tức nó cho tôi thấy, đó là những… “hố đen” lấp lánh nhiều màu sắc. Mà, khi rời kính lúp khỏi mảng tranh, nhìn lại, tôi lại chỉ thấy đó là những chấm mầu đen, nhỏ như những hạt đậu, được bao quanh bởi những họa tiết (tinh vân?) màu xanh nhung, vàng ươm, đen và đỏ thắm,… Những gì thị giác tôi nhận bắt được trước đấy, đã tức thì, biến mất! Tựa như tôi bị ném khỏi cái vũ trụ lóng lánh ánh sáng của những vì sao, để trở lại thực tại đời thường!?!


Trước kinh ngạc tới bàng hoàng, tôi chưa kịp định thần để có câu hỏi thì, dường như thấu hiểu, tâm trạng của chúng tôi, họ Phạm đã từng tiếng, chậm rãi:


“Tôi không ngoa ngôn đâu, tôi tự hào là người đầu tiên mở được con đường để người xem tranh có thể tham dự vào bức tranh của tôi… Tùy theo trình độ, cảm nhận của mỗi người…”


Tôi buột miệng:


“Có phải anh muốn cho người xem tranh của anh, trở thành tác giả thứ hai, hay là người cùng vẽ với anh bức tranh ấy?”


“Ðúng thế! Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói về kỹ thuật ấy.” Họ Phạm trả lời. Dứt khoát.


Cùng lắng nghe với chúng tôi về những giải thích ngắn, gọn của họa sĩ Phạm Tăng là nhà văn Vũ Thư Hiên (một trong vài người viết truyện ngắn đáng bậc thầy, hiện nay, theo tôi) – – Và cô em Lê Hoàng Vân của ông (thỉnh thoảng mang đến cho họ Phạm một vài món ăn tiêu biểu đất Bắc, không thể tìm được ở Paris.) Tôi nghĩ hai người này đã nhiều lần được nghe họ Phạm nói về… nội hàm tranh của người họa sĩ VN, đứng ngang tầm thế giới này. Nhưng không vì thế mà, họ suy giảm niềm hân hoan, rạng ngời trên gương mặt.


Tôi hiểu họ thường xuyên viếng thăm họa sĩ Phạm Tăng để tác giả “Vũ Trụ” vốn ít giao tiếp, bớt cô đơn, sống với dăm ba bức tranh còn giữ được – – Tựa đó là những người bạn thân thiết nhất, sẽ ở với ông đến phút lâm chung; cùng với người bạn đời thứ hai của ông (hiện trong tình trạng bấp bênh, sức khỏe!?!)








Bức tranh Vũ Trụ. (Hình: dutule.com)


Sau nhiều ngày trở lại đời thường, trong tôi hôm nay, vẫn còn vẳng tiếng nói chậm rãi (không một chút… “ngoa ngôn” khi họ Phạm kể, ông đã từ chối vinh dự được mời vào Viện Hàn Lâm Nghệ thuật Ý – – Vì tự thấy, ông là một họa sĩ VN lẻ loi, cô độc giữa xứ người, nên không muốn các bạn họa sĩ Ý của ông xì sầm, ganh tỵ. Nhưng ông lại không dấu một vinh dự khác trong cái “nghiệp” của một “thằng thợ vẽ” (lập lại, chữ của chính ông), khi ông được trao huy chương vàng cuộc triển lãm hội họa, do cơ quan Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa UNESCO, thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Roma năm 1967.


Tôi hiểu, thành tích đạt được kể trên của họ Phạm, đã phần nào xoa dịu “vết thương” quá sâu: Nỗi nhục của một nghệ sĩ sinh trưởng trong một đất nước chậm tiến, có một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ và khinh bỉ! (7)


Nhớ lại những gì người họa sĩ VN ngoại khổ này kể, trong lần gặp gần nhất, tôi nghĩ, tôi hiểu thêm phần nào mối hận của ông, khi tổ tiên dòng họ Phạm, trải qua nhiều đời với những thảm kịch khủng khiếp,… Như bị người Pháp vứt xuống biển hoặc, phải tự tử,… Cụ thể là cụ cố Phạm Thận Duật, Thượng Thư Triều Nguyễn, đại diện Việt Nam ký hiệp ước Patenôtre với thực dân Pháp, bị tiểu đường, thay vì được chữa thì đã bị người Pháp vứt xuống biển. (8) Hay cụ Phạm Bành, chiến đấu ở mặt trận Ba Ðình, Thanh Hóa, bị quân Pháp bắt. Nhưng cụ đã tự vẫn trong tù v.v…


Nếu mỗi tài hoa tự thân đều ẩn tàng những bi kịch nhiều đời sau vẫn còn chảy máu thì, họa sĩ Phạm Tăng là một tiêu biểu cho những trường hợp ấy – – Dẫu ông có trải lòng, cũng không thể nói hết!!!


(Kỳ sau tiếp)




(4) Mời đọc cùng một người viết: “Phạm Tăng và, đóng góp độc đáo cho khuynh hướng nghệ thuật Op-Art,” nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, ngày 16 tháng 1, 2016; hoặc trang nhà dutule.com


(5) Họa sĩ Phạm Tăng cho biết bức tranh “Vũ Trụ” của ông, được nhiều người hỏi mua, kể cả một vài Bảo tàng viện. Nhưng ông không bán, dù với giá nào.


(6) Theo Wikipedia-Mở thì: “…Lỗ đen (hố đen hoặc hốc đen) là một vùng trong không-thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, bao gồm cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng (của Albert Eisntein) tiên đoán một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không-thời gian để trở thành lỗ đen…”


(7) Họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1925 tại Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu như: Trần Triệu Cơ, Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật, Tạ Uyên, Vũ Xuân Hồng…


Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí có nói đến “Trường Yên thất hào,” bảy người Ninh Bình nổi danh đời Lê. Ðó là Hiển Trung Ðại Phu Hoàng Trọng Cung, người huyện Yên Khánh; Tham Nghị Nguyễn Tử Dự, người Giá Hộ (Hoa Lư); Thừa Chính Nguyễn Ðoan Tước, người Phúc Am (thành phố Ninh Bình); Thị Ðộc Ninh Tốn, người Côi Trì (Yên Mỹ, Yên Mô); Hiến Phó Sứ Nguyễn Ðình Chí, người Bồ Xuyên (Yên Thành, Yên Mô); Thiêm Sự Trịnh Xuân, người Yên Liêu (Khánh Thịnh, Yên Mô) và Tham Chính Phạm Kiêm Huyền, người Thiên Trì, Yên Mạc, Yên Mô (một ông tổ khác của họa sĩ Phạm Tăng). (Nguồn Wikipedia-Mở)


(8) “Hiệp ước Patenôtre hay còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân 1884, là hiệp ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế… gồm có 19 điều khoản. Ðại diện của phía nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật-Toàn quyền đại thần, Tôn Thất Phan-Phó Toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường-Phụ chính đại thần và phía Pháp là Jules Patenôtr -Sứ thần Cộng Hòa Pháp.” (Theo Wikipedia-Mở)

MỚI CẬP NHẬT