Thursday, March 28, 2024

Cây chông, một hình ảnh chiến tranh trong ‘Đường Kiến’ của Kinh Dương Vương

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Nhắc đến Kinh Dương Vương là nhắc đến “Đường Kiến,” một trong những truyện ngắn độc đáo của văn học miền Nam (1954-1975). Đây là một chuyện chiến tranh, nhưng cái khác biệt là, thay vì súng đạn, tác giả sử dụng hình tượng của một thứ vũ khí tự chế: cây chông.

Hình chụp ngày 28 Tháng Giêng, 1966, một lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đi trong một khu vực đầy chông trong chiến tranh Việt Nam. (Hình: archives.gov)

Chông làm bằng cây tre hoặc gỗ vót nhọn, thường đặt trong một cái hầm được ngụy trang, vốn để bẫy thú rừng, nhưng được du kích Cộng Sản dùng để sát hại hay gây thương tích cho lính Mỹ và lính VNCH.

Mới đây, chông trở thành một đề tài thời sự khi cô Hoa Hậu Đỗ Thị Hà, dùng bài hát “Cô Gái Vót Chông” để diễn tấu đàn T’rưng trong phần thi “tài năng” tại cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới 2021 tại Puerto Rico, tạo nên một phản ứng tiêu cực từ công luận cả trong lẫn ngoài nước, vì ca khúc đã mang không khí chiến tranh, thù hận vào trong một khung cảnh hòa bình, nhân ái. Chả là, lời ca có đoạn: “Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù/ Xiên thây quân cướp nào vô đây.”

“Nhọn sắc căm thù,” “xiên thây.” Nghe khiếp!

Mà khiếp thiệt: “thủ phạm” chính của thảm kịch trong “Đường Kiến” là cây chông.

Truyện bắt đầu bằng một hình ảnh yên tĩnh nhưng vô cùng đáng sợ:

Khu rừng không giấu nổi bộ mặt tàn nhẫn và thô lỗ (…) Sau một thân cây, trên chòm lá rậm, dưới lớp cỏ mục khô. Mọi nơi,
Một nhát mã tấu
Một mũi tên độc
Một hầm chông
Một viên đạn bắn sẻ
…”

Trong khu rừng đó, sau một trận đánh ác liệt, hai người lính VNCH lạc đơn vị, đi từ trong rừng tìm đường ra ngoài căn cứ. Một trong hai người, tên Hoàng, đi trước người kia vài bước, trong khi đưa hai tay rẽ một bụi rậm, lách mình qua một khe hở giữa hai thân cây thì bị một ngọn lao tẩm thuốc độc do du kích Cộng Sản gài, đâm xuyên qua hông “như mũi chĩa xuyên qua bụng một con ếch.” Chỉ trong chớp mắt, Hoàng chết đứng, “gập đôi người lại, trong thế quỳ mà đầu gối không chạm đất, treo lưng chừng. Đầu chúi về trước, nghiêng trút xuống tựa đang cúi khom mình để bước tới. Hai cánh tay khuỳnh, gập góc vuông. Các ngón bấu víu tuyệt vọng vào những lá cành.”

Người lính còn sống “rút mạnh mũi lao ra khỏi người Hoàng, đỡ xác bạn, để nằm trên lớp lá khô vàng rồi ngồi xuống bên cạnh. Sự ráng sức trong tình trạng suy yếu khiến chàng mệt đứt hơi. (…) Lưng Hoàng kê trên một chiếc rễ cây, phần bụng hơi nhô cao lên. Tay chân Hoàng đặt trong một tư thế khó nhìn. Trên quần áo Hoàng in thẫm những dấu tay bết máu đã bấu víu giằng co trong khi xô xát. Chàng ngồi dưới chân bạn nhìn lên. Hai lỗ mũi Hoàng trống hốc, những sợi lông dài quá khổ ló ra ngoài. Trái mũi to tròn nổi lên như một cái mô dốc nhỏ. Mắt Hoàng còn mở, đục lờ, miệng há. Toàn thể gương mặt còn in rõ nét hãi hùng. Chiếc răng khểnh đóng vàng nhựa thuốc của Hoàng trước đây một hôm, còn là điểm làm tăng thêm vẻ duyên dáng cho nụ cười hết miệng, giờ đây nhô ra làm vểu làn môi trên, gồ một bên mép, trông như một cái nanh mọc chưa đủ dài. Với bộ điệu đó y như Hoàng đang ngủ trong một dáng dấp có vẻ dị thường, nếu đôi mắt mở của Hoàng không bị một lũ kiến đen bu quanh mà Hoàng đã không buồn xua đuổi.”

Kinh Dương Vương là bút hiệu của Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1941. Ông còn là một họa sĩ với bút danh Rừng. (Hình: Tài liệu)

Muốn chôn bạn, nhưng đói quá, anh không đủ sức đào huyệt, mà chỉ lấy lá khô đắp lên xác bạn. Trong cơn tuyệt vọng, anh chợt nhìn thấy “Một đường kiến lúc nhúc hàng ức triệu con đang nối đuôi nhau di chuyển theo hướng nhất định.” Tò mò, anh thử chận bắt một con, nhặt lấy miếng mồi bóp dẹp, và hết sức bất ngờ, tìm thấy “Trên lớp da hai đầu ngón tay nát nhòe, rít chất tinh bột chín dẻo. Cơm! Chữ cơm vang lên trong đầu chàng mạnh như một nhát búa đập. Chàng phải nhắm mắt lại để trấn tĩnh sự xúc động quá đà.”

Thế là, không cần suy nghĩ, với cơn đói thúc hối, anh níu lấy một nhành cây, gượng đứng dậy, bò theo đường di chuyển của đàn kiến, “trên suốt quãng đường đầy gai góc. Những cọng gai của đủ các thứ cây rừng xước hai cánh tay chàng, mặt mũi chàng, máu tuôn ra như bị móng vuốt cào xé. Những cọng gai mắc cứng trong lớp vải áo quần. Chàng phải nhiều lần dừng lại gỡ khó nhọc. Những cử động nhỏ nhặt đó làm chàng kiệt lực. Chàng nằm ra ôm ngực thở, tưởng chừng chàng không bao giờ còn ngồi dậy, chàng sẽ vùi thân trong đám gai cỏ đó. Nhưng rồi hình ảnh những hạt cơm trắng nuốt nhảy múa trước mắt chàng và chàng lại thấy được khích lệ. Chàng gượng dậy bò theo dấu đường kiến. Đường kiến thì cứ nối dài, nối dài xuyên qua những bụi rậm không dứt và chúng đi mải miết…”

Sau cùng, đàn kiến đưa anh đến một xác chết. Đó là một “du kích bị sụp hầm chông của đồng bọn. Một chân giữ sâu dưới mặt đất, chân kia dạng ra. Người rướn lên ngã ngửa trên bụi rậm. Mặt tím bầm, nhăn nhó như một tên hề đang biểu diễn trên sân khấu pha đau đớn và kinh hãi bỗng ngã ra chết thình lình. Ngay dưới chân, chiếc nón tre đan hãy còn mới, bọc lớp vải dầu mầu xanh lá cây sậm. Lũ kiến bu đen một bên hông anh ta, chúi đầu vào cái gói bọc lá chuối đã bị cắn vỡ. Chàng bẻ một nhánh cây xua lũ kiến, gỡ lấy. Chàng run rẫy bóc lớp lá chuối bọc thật cẩn thận. Đến lớp cuối cùng, màu trắng của vắt cơm hiện ra dưới mắt chàng, sáng ngời lên như chất ngọc. Cơm đã có mùi thiu, nhưng không vì thế mà hạch nước miếng chàng ‘không làm việc dữ dội.’ Nhờ vậy, anh được hồi sinh, ‘vươn vai hít thật nhiều hơi vào phổi, dằn lại một chốc cho ngực căng rồi thở ra thật mạnh: sự chết một con người là kẻ thù, đã mang lại cho chàng sự sống!’”

Sau đó, anh ra sức đào huyệt để chôn xác người du kích như một cách trả ơn, trước khi đi ngược theo đường kiến để chôn xác Hoàng, bạn đồng đội. Nhưng mỉa mai thay, trong khi tìm cách gỡ bàn chông để lấy xác người du kích thì những quả lựu đạn gài bên dưới hầm chông phát nổ. Thì ra, hầm chông được thiết kế không chỉ để bẫy một người vô tình rơi vào, mà cũng để bẫy cả người đến cứu. Người lính VNCH, cuối cùng, đã chết chung với người du kích vì chính nghĩa cử của mình.

***

Với cái chết của ba người, không phải trên chiến trường máu lửa, mà trong một cánh rừng lặng lẽ, Kinh Dương Vương đã đẩy bi kịch chiến tranh đến tận cùng biên giới của sự phi lý. Truyện thấm đẫm hiện thực, nhưng vẫn nghe như phi thực. Nhận định về truyện ngắn của Kinh Dương Vương, nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cho rằng “truyện nào của anh cũng ‘nặng’ chất hiện thực. Hình như anh muốn dồn hết vào truyện tất cả tai ương của những người khốn cùng, những kẻ bất hạnh. (…) Thảm kịch trong truyện Kinh Dương Vương là thảm kịch nguyên khối, bề bộn, giống như một bức tranh dã thú đắp bằng chính máu lệ thịt xương của nạn nhân chiến tranh. Đọc truyện của anh, tôi có cảm giác gây gây tê dại như nghe tiếng chát chúa lê thê của hai thanh kim khí cọ vào nhau, hoặc chứng kiến một tai nạn xe cộ thảm khổc ngay trước mắt mình.”

Hầm chông của Cộng Sản qua nét vẽ của Paul Marquis. (Hình: echo23marines6569.org)

Ngoài tính thiện thực, “Đường Kiến” của Kinh Dương Vương có vài đặc điểm khác hẳn với nhiều truyện ngắn khác:

-Truyện có ba nhân vật, thì hai trong đó là xác chết. Và rồi, nhân vật chính, người kể truyện, cũng chết. Truyện, như thế, không những chỉ là hư cấu, mà còn là “hư cấu của hư cấu.” Một hư cấu kép: người chết kể chuyện mình.

-Thảm kịch diễn ra y như thể một tai nạn, không hề mang dấu vết chiến tranh. Suốt cả truyện không có súng đạn, không đụng độ. Chỉ có những cây chông vô tình và một đàn kiến, cũng vô tình, “chứng kiến.”

-Ngoài những độc thoại nội tâm phong phú về thân phận của người lính chiến, tác giả tập trung mô tả thế giới của đàn kiến. Dưới ngòi bút chi li của Kinh Dương Vương, mọi sinh hoạt của đàn kiến hiện ra một cách sống động. “Đám kiến bu trên mặt Hoàng đã tìm đường tẩu thoát, chỉ còn lại một vài con bò quanh quẩn ở vành tai. Trên chóp mũi Hoàng, một con kiến nhỏ loay hoay kiếm cách bò xuống dốc. Nó bối rối, tiến tới, thối lui, xoay dọc xoay ngang để tìm lấy một lối đi thích hợp, Cuối cùng với những bước chân cẩn trọng, nó men theo bờ dốc mũi bò xuống, nhưng những chiếc chân nhỏ bò không vững, nó bị trợt lăn cù, ngã vào chiếc cằm Hoàng râu lún phún. (…) Những con kiến eo thắt mang những chiếc bầu mọng bóng no tròn, đầu cúi gầm sát đất như dáng điệu những người gò lưng, lầm lũi. Thực ra trong im lặng chúng thăm dò, đánh hơi và nhắm hướng. Cách quãng không đều, những con kiến đầu đàn như những vị chỉ huy oai vệ nổi bật lên giữa đám quân sĩ. Không vội vàng, kiến đầu đàn bò chậm rãi, trầm tĩnh như những gã đàn ông đứng tuổi, dày dạn những kinh nghiệm sống đau đớn trong đời, cẩn trọng đặt những bước chân vững chắc. Thỉnh thoảng chúng dừng lại, đầu hơi nghếch lên cao, ngo ngoe hai sợi râu ngắn. (…) Đàn kiến dồn cục, dồn đống đến bu quanh xác chết một du kích quân. Một quang cảnh rộn rịp, náo động. Chúng giẫm nên nhau chen lấn chóng đến nơi mà chúng đã đánh hơi cách xa hàng cây số.”

-Truyện nêu lên tình trạng nghịch lý lạ lùng trong cuộc chiến: người du kích chết vì lọt vào bẫy của chính phe mình gài để hại kẻ thù; trong lúc đó, người lính Cộng Hòa chết vì muốn làm nghĩa cử đối với xác chết của kẻ thù. Cũng nghịch lý không kém: trong một mẩu tin trên báo Sài Gòn, cả hai người đều được gán cho là “Cộng quân”: “Theo giới chuyên môn cho biết thì hình như trong đêm tối bọn chúng đã bị sụp hầm chông của đồng bọn.”

Phải chăng nghịch lý chính là bản chất của chiến tranh, theo Kinh Dương Vương?


Kinh Dương Vương là bút hiệu của Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1941, mất ngày 8 Tháng Sáu, 2022, tại California, Hoa Kỳ. Ông xuất thân là một họa sĩ với bút danh Rừng. Ngoài ra, ông còn làm thơ với bút hiệu Dung Nham.

Trước 1975, ông cộng tác với các tạp chí văn học ở Sài Gòn: Bách Khoa, Văn, Văn học, Ý Thức, Tân Văn. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1994, ông cộng tác với Văn, Văn Học, Sóng Văn.

Ông triển lãm tranh nhiều lần trong và ngoài nước.

Ông đã xuất bản các tác phẩm: “Những Chiếc Mặt Nạ Cười” (tuyển tập truyện ngắn), “Toàn Tập Văn Xuôi Kinh Dương Vương,” “Toàn Tập Thơ Dung Nham,” “Trên Tầng Thanh Khí” (tập tranh Rừng), “Mắt Trời Mù” (truyện dài).


 

MỚI CẬP NHẬT