Friday, April 26, 2024

Cuộc ‘đụng độ nháng lửa’ giữa GS Trần Thái Đỉnh và nhà thơ Bùi Giáng

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Bùi Giáng gỡ kính cất đi, mời chúng tôi ngồi bộ salon nhỏ, lối đi xuống sân sau, nhà bếp.

Tôi lấy cuốn thơ đề tặng từ trước đưa cho ông. Ông ngắm nghía bìa trước, sau, đọc vài trang trong, rồi đăm chiêu, im lặng. Không biết ông nghĩ gì, nhưng được dịp, tôi quan sát kỹ khuôn mặt đầy những vết sậm loang lổ (có thể ông bị nhiều tàn nhang).

Đầu ông đã to, lại thêm tóc húi “cua,” chắc cũng có tới 3, 4 tháng không được bàn tay ông phó cạo sờ tới, nó đâm tua tủa, che lấp một phần trán rộng, to, vuông vắn. Trán ông như bị xẻ hai vì tôi thấy ngay ở giữa trán, một vệt dài lõm xuống. Không phải là sẹo. Cặp mắt nhỏ sâu. Miệng rộng. Hai gò má nhô cao, cằm bạnh.

Ông cầm cuốn thơ của tôi cất đi và nói:

“Để tôi tìm ít sách biếu các anh.” Lát sau, ông mang ra cho tôi 3 cuốn “Mưa Nguồn,” “Màu Hoa Trên Ngàn,” thơ và cuốn mới nhất “Dialogue” (2).

Chúng tôi say sưa nghe ông nói chuyện về những vấn đề liên quan tới văn hóa, nghệ thuật, tới một vài nhân vật hiện có uy tín đối với giới sinh viên. Nhưng theo ông, họ lại là những người thiếu ý thức, vô trách nhiệm trong việc hướng dẫn sinh viên! Họ dùng những tiểu xảo, để đánh lừa, dối gạt sinh viên. Họ không dám viết những lời nói đó thành sách hay trên báo, mà chỉ phát ngôn trong vòng 4 bức tường… Nên dù ông rất muốn cho họ nhìn thấy lầm lỗi vô cùng tai hại của việc làm thiếu ý thức ấy, mà đành chịu.

Ông nói tới trường hợp cố văn sĩ kiêm nhà cách mạng Nhất Linh. Ông bảo:

Nhất Linh có tài viết văn, dựng tiểu thuyết. Nhưng Nhất Linh có lầm lỗi lớn, khi đề cập tới những tệ đoan của xã hội Việt Nam, và đã đi quá xa hiện tượng, khiến bọn ngoại quốc nhìn vào, những tưởng xã hội Việt Nam mà căn bản là gia đình, lại nát bấy như vậy. Thực ra, tình trạng ấy không đến nỗi bi đát đến thế.”

Bùi Giáng nhấn mạnh:

“Chính mấy ông trong TLVĐ tạo cho nó một bộ mặt xấu xa, rồi cũng tự các ông ấy lên án, đập phá. Một Loan của Đoạn Tuyệt mới chỉ có bề mặt phảng phất Việt Nam, nhưng thiếu hẳn chiều sâu tư tưởng. Tuy nhiên cái chết thật đẹp của Nhất Linh đã cứu vãn lại rất nhiều những gì không hay mà ông ấy đã để lại cho xứ sở này.

Họ Bùi cũng nhắc tới Thạc Sĩ Phạm Duy Khiêm. Ông cho rằng người ta chửi rủa Phạm Duy Khiêm mất gốc, vong bản, khi ông ta dám nói rằng tiếng Việt Nam không ra gì cả. Nhưng theo tác giả “Mưa Nguồn” thì Phạm Duy Khiêm lại là người yêu nước rất nhiệt thành.

Bùi Giáng đặt vấn đề đã có ai làm như và hơn được Phạm Duy Khiêm, khi ông này đem những chuyện cổ tích Việt Nam, viết lại bằng tiếng Pháp cho  thế giới, nhìn thấy rõ được cái thâm thúy, trầm sâu của dân tộc ta.

“Chứ bọn văn sĩ lăng nhăng không những chẳng giúp ích gì được cho đất nước này mà chỉ khiến người ta coi thường, lầm tưởng dân mình mọi rợ man di mà thôi…”

Bị quyến rũ bởi giọng nói chuyện và nhất là chiếc miệng có duyên của Bùi Giáng, tôi quên cả giờ đi làm. Tới lúc đứng dậy, buổi trưa đã qua từ lâu. Khi ra khỏi ngõ, giọng nói đặc biệt Quảng Nam nhỏ nhẹ, hơi rè của ông còn văng vẳng bên tai tôi:

“Với tôi, điều quan trọng bây giờ là phải làm sao đặt định lại đúng tầm mức quan trọng của văn hóa. Phải làm sao tạo được sự bình đẳng. Vấn đề bình đẳng quan trọng lắm, lớn lắm. Từ đó Đông Tây mới có thể nói chuyện với nhau được.

Bùi Giáng sinh năm 1926, tại Quảng Nam (Vĩnh Trinh). Ông là người con thứ 6 trong số 13 anh em. Ông chỉ có một người em gái út duy nhất. Người này hiện ở Đà Nẵng. Ông rất quý cô em gái. Ông cho biết, có một thời gian ông đã sống cùng một nhà với cô.

Bùi Giáng có tất cả 12 anh em trai. Hầu hết đều là giáo sư hoặc, sĩ quan. Dù ông rất ít khi nhắc tới họ.

Ông kể, thuở bé, ông đã từng chăn trâu, làm ruộng. Có thể nói, phần lớn tuổi thơ của ông trôi qua nơi đồng ruộng.

Năm 18 tuổi, ông lập gia đình. Nhưng chiến tranh và nạn lụt lần lượt cướp mất người vợ và 2 con thơ thân yêu. Riêng trường hợp vợ ông là cả một dĩ vãng đau buồn, ở đây, tôi tự thấy không nên nhắc tới.

Cho đến bây giờ, mỗi khi nghe ai hỏi tới gia đình vợ, con, ông thường ôm đầu, gục mặt, ra dấu đừng nhắc tới.

Bùi Giáng bắt đầu hoạt động văn nghệ từ năm 1953, năm ông 27 tuổi. Cũng thời gian này, ông là giáo sư Việt Văn tại các trường trung học tư thực. Trước khi xuất bản cuốn sách đầu tiên “Tư Tưởng Hiện Đại,” ông đã viết rất nhiều sách giáo khoa (6 quyển) loại bình giải cho nhà xuất bản Tân Việt. Một trong những thói quen viết lách của Bùi Giáng là ông viết rất nhanh; viết không biết mệt… Như cuốn “Tư Tưởng Hiện Đại” ông đã viết liên tiếp, ròng rã bảy ngày đêm không ăn…

Ông nói, với ông, chỉ có thời gian thai nghén tác phẩm là lâu mà thôi, còn khi đã đặt bút viết, bao giờ ông cũng viết một mạch. Ông đã từng nằm dài ở nhà in nhiều ngày đêm liền, viết tới đâu, ông quẳng cho thợ sắp chữ tới đó.

Họ Bùi kể, sau khi in cuốn “Tư Tưởng Hiện Đại,” ông mới cho xuất bản “Mưa Nguồn,” rồi “Martin Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại” (tập I và II); kế tiếp mới tới “Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger” – là cuốn sách nhằm trả lời Giáo Sư Trần Thái Đỉnh, ở đại học Huế…

Nguyên khi Bùi Giáng cho xuất bản cuốn “Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại” tập I, Giáo Sư Trần Thái Định ở đại học Huế có viết một bài tựa đề “Heidegger Và Thi Ca” đăng trên Đại Học số 33 có ý ám chỉ Bùi Giáng là kẻ:

“…Chuyên nghề quảng cáo biết nhãn hiệu hơn là nội dung.

Và trước đóng trong phần “lời tòa soạn,” người đọc cũng thấy:

“Triết gia ý thức được bản lĩnh của mình thì đôi khi ưa sáng tác hơn là tìm hiểu người khác. Nhưng đối với đa số chúng sinh, triết lý đối thoại, là tìm hiểu người khác, chứ không phải là gán cho họ tư tưởng của mình, thì cho dù thiên hạ đã viết nhiều bằng tiếng Việt Heidegger, có cố gắng để tìm hiểu Heidegger cũng không phải là một công việc dư thừa vậy.” (Thiên hạ ở đây là ai nếu không phải là Bùi Giáng vì ở V.N mới chỉ có Bùi Giáng viết về Heidegger mà thôi. Do đấy, cụm từ “gán cho họ tư tưởng của mình”, tác giả bài báo nói trên có ý bảo Bùi Giáng đã gán tư tưởng của riêng ông cho Heidegger?).

Sau khi tờ Đại Học kể trên phát hành, giới văn học thời đó đã xôn xao, bàn tán khá sôi nổi… Bùi Giáng liền viết bài trả lời, nhưng báo Đại Học Huế không đăng.

Họ Bùi nói, không lẽ đành câm lặng? Cuối cùng ông cho in bài trả lời của ông, thành một tập sách nhỏ có tên “Sao Gọi Là Không Có Triết Học Heidegger” để trả lời giáo sư họ Thái. Để bạn đọc nào chưa có cơ hội đọc qua cuốn sách đó, người viết xin trích dẫn một vài đoạn, hầu rộng đường suy luận…

(Kỳ sau tiếp)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT