Friday, April 26, 2024

Cuộc phỏng vấn tìm truyện ngắn hay nhất Việt Nam

Viên Linh

Năm 2004 ông Huỳnh Văn Lang, nguyên chủ nhiệm chủ bút Tạp chí Bách Khoa cho xuất bản cuốn sách “Có Những Sự Kiện Lịch Sử cần phải xem lại,” một nhan đề hứa hẹn những thảo luận, phản ứng của dư luận, bản thân tôi hoàn toàn đồng ý; nhưng dường như đã không thấy những hứa hẹn ấy xảy ra. Trong phần “ghi nhận” ở đầu sách – trang 3, coi như một bài tựa – tác giả nêu ra ý kiến của ba độc giả đầu tiên đã đọc cuốn sách từ dạng bản thảo là nhà văn Xuân Vũ, nhà ngoại giao Trần Kim Phượng và nhà biên khảo Đoàn Thêm, những phản ứng chân thành và thuận lợi, nhưng về phần quần chúng sau đó, người viết bài này không thấy một kết quả rõ ràng nào? Mà những vấn đề ông Huỳnh đưa ra thảo luận toàn là những vấn đề cực kỳ lớn:

-Năm 2195 Xứ Giao Chỉ (Người Giao Chỉ). -Năm 0000 dân tộc Việt Nam (Thuộc chủng tộc nào?). -Năm 707 Nước Văn Lang. -Năm 257 Nước Âu Lạc. -Năm 207 Nước Nam Việt. -Năm 40 Trưng Nữ Vương (Nước Giao Chỉ). -Năm 544 Nước Vạn Xuân. -Năm 939 Nước Nam Việt.

Đó là những vấn đề quá tầm thảo luận của một cộng đồng di dân, lưu vong. Những đề tài quá bao quát cho một thiểu số người quá hỗn tạp. Tôi lẽ ra sẽ không nêu ý kiến gì về cuốn sách, nhưng là người đã đứng ra tổ chức cuộc xuất hiện ra mắt sách của ông Huỳnh tại Little Saigon lần đầu tiên và phần giới thiệu tiểu sử Huỳnh Văn Lang do tôi viết trên Khởi Hành đã được ông in lại trên mép bìa nhất của cuốn sách này, [Huỳnh Văn Lang theo Viên Linh Báo Khởi Hành], nên nhân đó, tôi viết ra ý kiến của mình, và cũng nhân đó, làm một việc tương tự, thu nhỏ.

Trong phạm vi sinh hoạt của một người viết văn làm báo, nhan đề cuốn sách nói trên sẽ giới hạn với tôi: “có những vấn đề báo chí văn học cần phải xét lại.” Nhân đang nói về tạp chí Bách Khoa, hãy chọn một vài nét trong tờ báo này, mà trên kỳ trước viết về “Nguiễn Ngu Í và báo Bách Khoa,” có một câu vài bạn văn đã viết thư hay nói trực tiếp với ý tán thưởng, đó là câu này: “Nhà văn Nguiễn Ngu Í là người khiến tờ Bách Khoa mạnh nhất về mặt văn học trong 10 năm đầu [1957-1967], phát triển ngành phỏng vấn tới chỗ cao nhất trong làng báo văn học miền Nam.”

Nguiễn Ngu Í đã phỏng vấn những ai và phỏng vấn ra sao?

Cuộc phỏng vấn qui mô lớn nhất và lâu nhất của Nguiễn Ngu í đã được ông “bắt đầu thực hiện trong 6 tháng, nhưng chúng tôi đã nghĩ trên 6 năm [BK 58, trang 49] “ đã nhắm vào tất cả các tên tuổi từ thật già tới thật trẻ [“từ những bậc đàn anh nổi tiếng dạo Nam Phong [1917-1934] … đến những bạn mới trước bạ tên mình… khi một tờ giấy cắt hai tình Sông Núi [1954-1965],” nhằm một mục đích lớn: “chọn lựa một số truyện ngắn hay nhất, tiêu biểu của nước Việt mình, làm cho thế giới hiểu dân tộc mình rõ hơn, đúng hơn: phong tục, nếp sống, tâm hồn, tư tưởng, nỗi khổ, niềm vui, băn khoăn, ước nguyện…”

Để hiểu trực tiếp về cung cách phỏng vấn văn học của Nguiễn Ngu Í, khiến ông nổi bật và vượt lên trên những ký giả văn học khác của Việt Nam, người viết lần lượt dẫn giải và tóm tắt và trích dẫn ông như dưới đây.

1.Đề tài, câu hỏi gửi tới người được phỏng vấn.

2.Trình đăng bài phỏng vấn với hình ảnh và tiểu sử.

3.Chú thích câu trả lời, dẫn giải.

4.Nhận xét sau khi bài đã đăng, tìm ra kết luận.

 

Cuộc “Phỏng vấn Văn nghệ” đầu tiên được mệnh danh “Truyện ngắn Việt và ngoại quốc bạn cho là hay nhất hoặc ưa thích nhất từ xưa đến nay” do Nguiễn Ngu Í phụ trách:

1.Từ xưa đến nay, trong những truyện ngắn Việt bạn đã đọc, truyện ngắn nào bạn cho là hay nhất, hoặc ưa thích nhất?

2.Lý do chọn lựa?

3.Từ trước đến nay, trong những truyện ngắn ngoại quốc bạn đã đọc truyện ngắn nào bạn cho là hay nhất, hoặc ưa thích nhất?

4.Lý do chọn lựa?

 

Lời nói đầu – Những câu phỏng vấn trên đây, chúng tôi đã lần lượt gởi hoặc trao từ lúc Bách Khoa dự bị ra số kỷ niệm đệ nhị chu niên – nghĩa là có trên sáu tháng. Bắt đầu thực hiện trên sáu tháng, nhưng chúng tôi đã nghĩ đến trên sáu năm.

Nguyên năm 1952, do sáng kiến báo New York Herald Tribune, hai mươi ba tờ báo của hai mươi ba nước chung nhau tổ chức một giải thưởng văn chương quốc tế, lấy tên là “Giải tân truyện (1) hay nhất thế giới. Qua năm sau, lại tổ chức giải truyện ngắn (2); có 18 nước dự, đặc biệt là kỳ này có nước Việt chúng ta, do tuần báo Mới đứng ra đảm nhiệm việc tổ chức. Ban giám khảo (3) không chọn được truyện ngắn nào xứng đáng đại diện cho nước Việt. (4)

Vài anh em chúng tôi nhân đây mới bàn với nhau: ví phỏng có người ngoại quốc nào nhờ mình giới thiệu một số truyện ngắn mình cho là hay, là tiêu biểu của nước Việt mình, thì chắc là mình phải lúng túng lắm. Vì thế mà chúng tôi nảy ý thử chọn, lựa, để mong có dịp, làm cho thế giới hiểu dân tộc Việt mình rõ hơn, đúng hơn: phong tục, nếp sống, tâm hồn, tư tưởng, nỗi khổ, niềm vui, băn khoăn, ước nguyện,…”

Một ban giám khảo có mặt tới 15 nhà văn tên tuổi mà không chọn được một truyện ngắn nào gọi là hay, hoặc khiêm tốn hơn, chỉ ưa thích thôi, mà cũng không có, cho toàn một nước Việt Nam lúc chưa chia cắt? Sự chia rẽ hoặc mặc cảm đã lộ ra ở đây. Hay nhìn từ khía cạnh khác, sự tổ chức yếu kém cũng đã lộ ra ở đây. Làm sao có được một đồng thuận giữa một ban giám khảo đông đến thế? Dưới 7 người, không nên hơn. Chín người là lý tưởng [như con số của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ]. Trong 9 người, tìm được một đa số 5 người đã là hãn hữu, đã đầy những nhân nhượng và thỏa hiệp.

Những đoạn văn trên cho người viết kết luận: Nguiễn Ngu Í chính là cây bút đã phát triển thể loại phỏng vấn lên tới mức cao nhất trong sinh hoạt báo chí văn học Việt Nam. Được thế là nhờ trước hết ông yêu văn học, yêu người có văn tài kể cả người có văn tài khác mình và hơn mình, không cắt bỏ ý người nhất là ý người khác mình, nhất là yêu sự thật dù sự thật ấy mình không đồng ý, phỏng vấn và phổ biến nhà văn mình không thích thay vì có những “sử gia văn học” chỉ viết văn học sử về những người mình thích.

Bài học Nguiễn Ngu Í là bài học bắt buộc cho những người muốn thành công khi bước vào lãnh vực báo chí văn học.

Chú thích của Nguiễn Ngu Í:

1.Tiếng Pháp là nouvelle, người Tầu dịch là trung thiên tiểu thuyết. Người Việt ta có người dịch là truyện vừa vừa, có người dịch: truyện lỡ, có người dịch tân truyện. Bạn Bình-Nguyên Lộc sẽ có bài nói về thể và tên loại truyện này.

2.Tiếng Pháp là conte.

3.Gồm có 15 người: Đông Hồ, Đỗ Đức Thu, Lê Văn Siêu, Mộng Sơn, Ngọc Giao, Nguyễn Duy Cần, Nhất Linh, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Thê Húc, Thiên Giang, Thụy An, Triều Sơn, Trọng Miên, Vũ Bằng. [Lưu ý bạn đọc: Chuyển xảy ra trước 1954 nên mới có tên những nhà văn ở ngoài Bắc (hay Paris) như Triều Sơn, Mộng Sơn, Thụy An, Ngọc Giao, và nhóm Đệ Tứ như Thiên Giang, Thê Húc,…].

4.Nhưng sau này vì ban tổ chức quốc tế tha thiết yêu cầu nên vào giờ chót “Con thằn lằn chọn nghiệp” của Hồ Hữu Tường và “Chiếc cầu khỉ” của Thụy An Hoàng Dân đã được lựa chọn và gởi đi. Hai truyện ngắn này không được giải nhưng được ban chấm thi quốc tế chú ý và được nhà Gallimard Pháp xuất bản năm 1955 trong loại “L’Air du Temps” (Không khí của thời đại) chung với các truyện ngắn được chú ý và được thưởng, dưới cái nhan “Les 54 meilleurs contes du monde” (Những truyện ngắn hay nhất thế giới). Bốn chú thích trên của Nguiễn Ngu Í. Theo một chú thích khác sau này, trên một số báo sau, không rõ của Tam Ích hay của người phỏng vấn, truyện ngắn của Hồ Hữu Tường đã đăng vào tháng 3, 1953 trên báo Mới, báo Phương Đông tháng 8, 1954. Truyện “Con thằn lằn chọn nghiệp” bản tiếng tiếng Pháp đăng ở báo France Asie ở Sài Gòn và một tờ ở Thụy Sĩ rồi một tờ ở Paris. Có hai bản Pháp dịch. Một dịp khác chúng tôi sẽ viết rõ hơn về truyện trên, dịch giả hai bản Pháp dịch, và phân tích của T.Í. Truyện trên cũng mới đăng lại trên tạp chí Khởi Hành số 219-220 tháng 5, 2015 trong chủ đề Phong thổ miền Nam.

Cáo lỗi: Trong kỳ trước, người bạn quí đã cho tôi những tài liệu hiếm về nhà văn Nguiễn Ngu Í là người em kết nghĩa của ông, chứ không phải người “gọi ông bằng cậu” như tôi đã ghi lầm. Trân trọng cáo lỗi. VL: [email protected].

MỚI CẬP NHẬT