Friday, March 29, 2024

Đinh Hùng và thi phẩm đầu tay ‘Mê Hồn Ca’

Du Tử Lê

Năm 1954, thi sĩ Hồ Dzếnh, giám đốc nhà xuất bản Tiếng Phương Đông, sau đổi lại là Bình Minh, cho in thi phẩm “Mê Hồn Ca” của Đinh Hùng.

Nhưng bất hạnh cho ông cũng như cho thi sĩ Hồ Dzếnh là Hiệp Định Genève thình lình được ký kết giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Đinh Hùng đành phải lên máy bay với 200 cuốn thơ đầu tay cùng vài bộ quần áo cũ!

Rất may cho tác giả “Mê Hồn Ca” là ở Sài Gòn, vùng đất mới, ông đã được một số anh em quen biết cũ, mời cộng tác với tờ Tự Do cùng Như Phong, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan… Sau đấy, ông cũng nhận lời cộng tác với các báo khác như Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền Phong, Người Việt Tự Do, Tiểu Thuyết Tuần San… Ngoài ra ông còn dạy học, viết truyện, làm đài phát thanh, đóng kịch…

Tóm lại là ông làm rất nhiều nghề. Năm 1961, ông được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc với thi phẩm “Đường Vào Tình Sử.”

***

Thi sĩ Đinh Hùng không bao giờ đặt vấn đề “cũ, mới” trong thi ca. Ông quan niệm tất cả chỉ là hình thức diễn tả ý tình. Điều quan trọng là có nói được điều mình muốn nói, và người đọc có hiểu, hay cảm được không? Kỹ thuật cũng không mấy quan trọng (?).

“Cần nhất người làm thơ thể hiện được bản sắc thi sĩ…” Hay bốn chữ mà ông thường dùng “gương mặt linh hồn.” Ông nhấn mạnh, bản sắc đó là sự không trộn lẫn; không vay mượn. Và, một điều nữa là phải luôn tìm đường hướng mới cho thi ca. Vẫn theo ông, thế giới thi ca là thế giới mênh mông vô cùng tận…

Nói về tình trạng thi ca bây giờ, ông cho rằng nhờ phương tiện ấn loát cũng như phổ biến dễ dàng hơn trước rất nhiều, nên thi ca đã bành trướng mạnh, nhanh nhưng chỉ lan tràn về chiều rộng, về lượng mà thôi. Về phẩm, trái lại rất ít.

Nói riêng về thơ xuất bản trong năm 1964, thi sĩ Đinh Hùng cho biết, ông thấy đa số những thi phẩm gửi tới cho ông, tức cho ban Tao Đàn, là loại thi ca phục vụ giai đoạn! Ông kết luận: “Cái mình khác và hơn Cộng Sản là ở chỗ mình còn tình, còn mộng. Mình không thể sống như mất tự do theo lối Cộng Sản được. Mình còn cái giá trị làm người, còn giữ được thiên chức cao quý đó. Dù có cưỡng bức nghệ sĩ phải sáng tác theo một đường lối nào đó như Cộng Sản đã áp dụng ở ngoài Bắc, thì rồi cũng có lúc bản năng tự do vùng dậy… Như trường hợp Nhân Văn Giai Phẩm là thí dụ điển hình.”

***

Thi sĩ Đinh Hùng “kết nghĩa” với nàng tiên nâu khá sớm. Nhưng ông vẫn giữ được vẻ hào hoa, tao nhã của một văn nhân. Nhiều người tỏ ý khắt khe với thi sĩ Đinh Hùng ở khía cạnh này.

Tôi nghĩ với một người như Đinh Hùng, nếu không có chất kích thích trên, chắc đâu chúng ta đã có một “Mê Hồn Ca.” Nói thế không có nghĩa là tôi ca ngợi hay đề cao sự kiện trên. Tôi chỉ muốn nói, nếu chúng ta đã chấp nhận một Đinh Hùng thi sĩ tài hoa, thì chúng ta không nên hẹp hòi mà từ chối, hay lên án một Đinh Hùng “đi mây về gió.”

Cũng như phần đông những nghệ sĩ khác, thi sĩ Đinh Hùng quen làm việc khuya, kể cả đọc sách. Ông làm việc khi không còn trông thấy mặt người trong nhà.

Ngoài “Mê Hồn Ca” (1954), “Đường Vào Tình Sử” (1961), thi sĩ Đinh Hùng còn một tác phẩm loại dã sử võ hiệp, là truyện “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu,” do nhà Nguyễn Đình Vượng ấn hành, dưới bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang. Tác phẩm chưa xuất bản của ông có gồm có “Tiếng Ca Bộ lạc” (thơ), “Tiếng Ca Đầu Súng (ký sự), và tám truyện dài loại dã sử tiểu thuyết.

***

Dưới đây chúng tôi xin lục dẫn tùy bút “Cảm Thu” đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của thi sĩ được đăng trên báo, đồng thời cũng đã được in trong cuốn “Việt Nam Văn Học Bình Giảng” của Phạm Văn Diêu, như chúng tôi đã viết ở trên.

Cảm Thu,

Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ…

Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung Nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?

Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá.

Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa Thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.

Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa Thu… Thế rồi cũng một mùa Thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn Thu mới…

Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.

…Từ hôm rời chân ở bến sông vàng.

Từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật.

Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn…

Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!

Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ. (Đinh Hùng, trích trong “Việt Nam Văn Học Bình Giảng” của Phạm Văn Diêu).

Như “từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn,” qua đoạn văn này, Đinh Hùng cho ta cái cảm tưởng bắt gặp hồn mình, một tâm hồn thơ trẻ, đang bay bổng cùng hồn Thu hiu hắt. Cùng cánh bướm đồng nội, cùng hoa nắng dĩ vãng… Để thấy: “…buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.”

Nhưng sự thực linh hồn chúng ta, nhất là một thứ “linh hồn còn trẻ” làm gì có hình thù, có màu sắc cho ta cầm bắt hay nhìn ngắm được chân dung. Chính ở điểm đó Đinh Hùng đã thành công khi ông cho ta cảm tưởng giáp mặt với linh hồn thơ trẻ mà thời gian đã tàn nhẫn cướp mất. Chỉ để lại cho chúng ta những ngậm ngùi, những dư âm thảng thốt, những mùi hương đã tàn, bay theo từng cánh bướm, từng sắc hoa bông phù dung một sáng nào nở trắng…

***

“Mê Hồn Ca” (1940-1954)

Sự nghiệp thi ca của Đinh Hùng, cũng như mọi người, nghĩa là cũng bắt đầu với vài bài thơ nho nhỏ, ý vay mượn, ảnh hình khuôn sáo. Mãi cho đến khi ông gặp thi sĩ đàn anh Thế Lữ, dần dà ông tự tìm được cho mình một bản sắc, một lối thoát cho tiếng thơ.

Ta có thể coi Thế Lữ là người khuyến khích và nâng Đinh Hùng rất nhiều trong bước khởi đầu. Chính ông cũng nói: “Hồi đó mỗi khi làm xong một bài thơ tôi thường tìm Thế Lữ, đọc cho ông ta nghe. Nhưng lần nào cũng vậy, nghe xong Thế Lữ lắc đầu bảo: Chưa được, chưa được, cậu cần phải chịu khó, tìm kiếm hơn nữa. Tôi buồn quá, tự ái nổi dậy, tôi nghĩ thế nào cũng phải làm cho được một bài thật hay, không lẽ cứ để hắn (Thế Lữ) chê hoài?…”

Sau một thời gian, khi yêu thầm một nàng cô đầu ở Khâm Tiên, ông làm một bài thơ lấy tên là “Kỳ Nữ,” đem cho Thế Lữ coi. Lần này Thế Lữ im lặng một lát, gật đầu bảo: “Được lắm! Cậu nên làm theo loại này.”

“Mê Hồn Ca” từ đó hình thành. (Du Tử Lê)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT