Thursday, April 18, 2024

Đinh Trường Chinh, phút trải lòng với hội họa, thơ ca

Phương Thảo

WESTMINSTER, California (NV) – Họa sĩ Đinh Trường Chinh, một cái tên không xa lạ trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Người viết đã có dịp gặp và trò chuyện với anh về thi ca – hội họa, lắng nghe phút trải lòng của anh đối với niềm đam mê này.

Hoạ sĩ Đinh Trường Chinh. (Hình: Facebook Đinh Trường Chinh)

Thi ca – hội họa là hai thứ không thể tách rời trong cuộc sống của anh. Anh có sức sáng tác mãnh liệt, sự đam mê không ngừng nghỉ và chưa bao giờ ngưng vẽ.

Anh không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp theo nghĩa có bằng cấp và cũng chưa bao giờ tốt nghiệp trường mỹ thuật hay một ngành Fine Arts nào. Tuy nhiên, cái “vốn” lớn nhất mà anh có chính là niềm đam mê dành cho hội họa – sự đam mê thật sự mà không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ chắc chắn là từ rất sớm. 

Anh hầu như có thể vẽ bất cứ lúc nào. (Tranh: Đinh Trường Chinh)

Anh chia sẻ: “Khi lớn lên, tôi có ghi danh học các lớp vẽ, kỹ thuật căn bản, bố cục, chân dung, anatomy, v.v… để giúp mình thêm kỹ thuật vẽ. Nhưng tôi vẫn cho rằng, điều quan trọng nhất để làm được cái mình thích: Niềm đam mê, trong một tâm hồn yêu nghệ thuật tự nhiên. Điều quan trọng thứ hai là tư duy về nghệ thuật. Cái đó cũng khó ‘học’ được. Nó thường gắn liền với cái ‘tạng’ con người, bản chất và bản ngã trong mỗi một con người, cộng với môi trường sống mà họ đã kinh qua.”

Với anh, phần kỹ thuật vẽ thì có thể trau dồi thêm, mỗi ngày sẽ học hỏi được từ những cái “xấu,” “thô,” những đường nét bố cục vụng của chính mình vẽ ra, rồi cải thiện qua thời gian. Một khi mình quên đi được kỹ thuật, thả lỏng người khi sáng tác, thì lúc đó mình mới có sự “tự do” cần thiết cho sáng tạo. Điều này đòi hỏi sự miệt mài làm việc. Và anh đang trong giai đoạn “làm việc” như thế. Mỗi ngày anh đều vẽ, khi có dịp. Anh hầu như có thể vẽ bất cứ lúc nào. Có khi cả giữa giấc ngủ, 2, 3 giờ sáng thức dậy. Giống như một người đàn/ nhạc sĩ, thì rất có thể ngày nào họ cũng thấy cần thiết rải xuống vài bài nhạc, hay thậm chí chỉ vài đoạn nhạc. Vì vậy, các tranh “hằng ngày” của anh hầu hết trong dạng chưa hoàn chỉnh. Mỗi năm, anh vẽ đâu chừng 10-15 bức tranh tạm gọi là hoàn chỉnh, nhưng lại có cả trăm ký họa, tranh… “chưa hoàn chỉnh.”

Vẽ xong rồi tôi để đó, ngắm nhìn. Thường tôi ngắm nhìn tranh mình vẽ vào buổi sớm. (Tranh: Đinh Trường Chinh)

Anh tâm sự: “Vẽ xong rồi tôi để đó, ngắm nhìn. Thường tôi ngắm nhìn tranh mình vẽ vào buổi sớm. Lúc ấy hồn mình có lẽ trong nhất, khi mọi thứ trong ngày chưa vấy đọng vào bạn. Nơi một góc nhà, đun một ấm nước, pha cho mình ly cà phê. Bắt chiếc ghế ngồi xuống và nhìn lại ‘bức tranh’ mình vẽ đêm qua, còn dựng nơi góc tường. Mới đêm qua thôi, vậy mà sáng đã nghĩ về nó. Có khi, chỉ nhớ một nét cọ, một đường bay quẹt xuống, từ khuya khoắt. Có lẽ buổi sáng mình nhìn lại bức tranh bằng một tâm cảm khác. Giống như bạn làm thơ, mỗi ngày đọc lại, muốn sửa một chữ, thêm một dấu phẩy, bỏ đi dấu chấm… Tôi cũng nhiều khi muốn xóa đi vết đỏ kia, chuyển màu trắng sang bên phải một tí, kéo màu xanh xuống dưới chút đỉnh. Hoàn toàn chỉ là những ý nghĩ vô cớ, tự nhiên, không giải thích được tại sao. Đôi khi tôi xóa hẳn bức tranh bằng cách bôi trắng vào để làm lại hết.”

Và thế, chung quanh anh lúc nào cũng hăng hắc mùi dầu xăng, màu, cả mùi thơm của những tấm bố mới.

Đinh Trường Chinh và hai con Như Tranh, Như Thơ. Phía sau là tranh Đinh Trường Chinh vẽ bố – họa sĩ Đinh Cường. (Hình: Facebook Đinh Trường Chinh)

Anh có hai cô con gái, tên Thơ và Tranh. Anh đặt tên cho hai con đơn giản vì hai niềm đam mê thời trẻ của mình: thi ca và hội họa. Như anh lúc còn bé, các con anh cũng lớn lên loanh quanh bên mớ tranh, cọ, toile, dầu xăng… của bố. Và một cách tự nhiên, Thơ và Tranh thi thoảng cũng vẽ. Hoặc ít ra, hội họa hiện diện thường trực và quen thuộc với chúng. Anh không biết hai con mình có thiên hướng về nghệ thuật hay không.

Thật ra, anh cũng là dân kỹ thuật chuyên nghiệp. Khi thời trẻ anh học Đại Học Bách Khoa Sài Gòn rồi học tiếp tục về Computer Science khi di cư qua Mỹ, và hiện làm việc trong ngành IT hai mươi năm nay. Quanh anh mỗi ngày là những con số, những “programs.”

Nhưng sau tám tiếng làm việc, anh bỏ lại tất cả ở công ty. Anh nói: “Tôi ráng cân bằng cuộc sống, và nhận thức được sự cần thiết của đời sống thực tế. Nhưng tôi đã xác tín, con người ‘nghệ thuật’ trong tôi đã lấn lướt rất nhiều con người ‘kỹ thuật’ của mình, dù tôi vẫn có thể tập trung vào chuyên ngành và phạm trù công việc mình một cách tốt nhất có thể.”

Khi tôi cầm cọ để vẽ, là tôi thở, khi tôi ở bên cạnh sơn, màu, bố… (Tranh: Đinh Trường Chinh)

Cũng có thể nói, vẽ tranh như một thứ “therapy” anh tự tạo cho mình. Với riêng anh, hội họa là hơi thở: “Khi tôi cầm cọ để vẽ, là tôi thở, khi tôi ở bên cạnh sơn, màu, bố… là tôi sống. Hội họa có một khả năng làm hồi sinh mạnh mẽ, nhất là những lúc tôi rơi vào vực sâu, rơi vào tuyệt vọng: Tôi vẽ. Có lẽ không có cách nào hơn chăng? Chắc chắn là có, có thể lên một đỉnh núi cao hay đi bộ dọc bờ biển. Nhưng không hiểu sao, quán tính đầu tiên với tôi là vẽ, tôi có thể vẽ bất cứ lúc nào. Hội họa như một thứ tôn giáo. Nói ra như có vẻ cường điệu, nhưng thật ra là thế, thực tế đã xác minh điều đó với tôi.”

Mấy năm gần đây, anh sáng tác rất nhiều. Anh không vẽ tranh mô phỏng, không vẽ nhiều chân dung, không vẽ tĩnh vật từ mẫu. Anh chỉ vẽ khi một ý tưởng nào đến, lóe sáng trong đầu. Như nhà văn ghi xuống ý tưởng mình bằng chữ viết, anh ghi xuống ý tưởng mình có được bằng tranh vẽ: “Và lúc ấy, nó thôi thúc bạn phải ghi xuống ngay. Lúc này, tôi may mắn có được một ý thức sáng tạo khá nhanh.”

Đinh Trường Chinh còn là người làm bìa sách cho rất nhiều sách văn học gần đây, góp phần minh họa cho rất nhiều các tờ báo như Việt Báo, Người Việt… trong mảng văn thơ. Đó cũng là một cách để anh gần gũi với sinh hoạt văn học, văn hóa của cộng đồng.

Anh cho biết: “Hôm nọ, trong một cuộc nói chuyện với nhà đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, chị ấy kể một câu chuyện về nhà thơ, ký giả tài hoa Lưu Quang Vũ: Anh Vũ là kịch tác gia, có lúc anh viết nhiều quá, bị nhiều người chê là coi chừng nhiều nhưng không chất, anh nói nhà anh có cây hồng xiêm, đang thời nó ra trái, tới lúc cạn nhựa, ép mấy nó cũng không ra, anh nói với chị chắc cũng viết được đến 40 tuổi thôi là hết nhựa, nên cố trút hết nhựa vào lúc đang sung sức… Rất có thể một lúc nào đó ý tưởng sẽ thôi đến với tôi, hay niềm đam mê hội họa sẽ giảm dần hoặc cạn đi trong tôi, nên lúc nào còn vẽ được thì tôi vẽ. Thế thôi. Chuyện xấu, đẹp có khi là chuyện vô cùng. Bạn sáng tác cho bạn trước, và dĩ nhiên ai cũng có nhu cầu chia sẻ với người khác. May mắn, thì bạn tìm được một sự chia xẻ lại, từ phía người xem.”

Con người tôi đã lớn lên mơ mộng về cuộc sống và luôn trăn trở về nó. (Hình: FB Đinh Trường Chinh)

Và để kết cho câu chuyện về hội họa, thơ ca, anh trải lòng “Con người tôi đã lớn lên mơ mộng về cuộc sống và luôn trăn trở về nó. Rồi bước qua những vực thẳm, có khi thất lạc chính mình… nên có lẽ cách để tiếp tục sống, là tiếp tục giữ sự mơ mộng đó. Trong thời buổi nhiễu nhương tột cùng này, có lẽ đó cũng là một cách tốt để dằn xuống những con sóng lên cao trong tâm hồn con người giữa cái bát nháo hư phù của đời sống hôm nay.” (Phương Thảo)

—–

Thơ Đinh Trường Chinh

Dạo khúc

 

trăng nhuộm xanh góc phố
gió thất giạt giữa đời
tìm riêng nhau một cõi
trốn vào bóng đêm vơi
kìa trăng xanh thưở nọ
hiu hắt giữa lòng sông
ta mịt mù cổ độ
buồn nhớ gió phiêu bồng
lá cuối mùa thấm mệt
lãng đãng giữa trùng sương
trên ta còn mảnh nguyệt
soi chiếc bóng vô thường
_____
Hôn
bài thơ cho Hong Kong 2020 (viết cho hình ảnh một cặp đôi đang hôn nhau qua mặt nạ khi đang biểu tình cho dân chủ bên HK)
hãy hôn vào ban mai
dù ban mai sẽ tắt
hãy hôn vào hoàng hôn
dẫu hoàng hôn sẽ phai
hãy hôn nhau bằng mắt
hôn bằng cánh tay đôi
không được hôn bằng môi
vẫn hôn bằng tim đập
hãy hôn vào tự do
tự do nung trong lửa
hãy cùng nhau mở cửa
hãy là nước vô bờ
hãy hôn vào giấc mơ
giấc mơ từ sự thật
hãy hôn vào sự thật
sự thật, từ giấc mơ
______
Đóng

tôi đóng lại chiều
bằng con phố rạn
tôi đóng lại đêm
bằng hơi rượu khan
tôi đóng lại ngày
bằng cơn nắng giậy
tôi đóng lại tôi
bằng bóng tối mù
đóng lại cuộc tình
bằng nghĩa trang, thu …

MỚI CẬP NHẬT