Friday, April 26, 2024

Đoàn Hoa Sen hát rạp Thuận Thành Đa Kao

Ngành Mai/Người Việt

Những năm đầu thập niên 1950, hầu hết các gánh hát cải lương đều mong muốn về rạp Thuận Thành ở Đa Kao để chắc chắn hốt bạc, thì đoàn Hoa Sen của Bảy Cao cũng không tránh khỏi chen chân để được treo bảng hiệu ở rạp Thuận Thành.

Trong tờ chương trình của đoàn ca kịch Hoa Sen diễn tại rạp Thuận Thành vào tối Thứ Bảy, 23 tháng Hai, 1952, người ta thấy trình bày bốn bức hình gồm: Bảy Cao, Ba Túy, Phi Yến, và Việt Hùng.

Căn cứ vào bức hình thì thời điểm 1952 này Việt Hùng còn rất trẻ chưa đầy 30, không biết lúc này có bà Ngọc Nuôi hát chung hay chưa, chứ sang năm 1953 khi đoàn Hương Hoa của bầu Sinh khai trương thì Việt Hùng, Ngọc Nuôi là đào kép chánh của đoàn.

Bảy Cao là bầu gánh kiêm kép chánh, vì không thấy hình Kim Luông (vợ Bảy Cao) nên có thể Phi Yến là đào chánh. Còn Ba Túy là kép độc, về sau hát ở đoàn Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa.

Bài vọng cổ tài tử “Trụ Vương Thiêu Mình”

Khoảng 1937, bài vọng cổ “Trụ Vương Thiêu Mình” ra đời, do tài tử Tám Thưa ca thu thanh dĩa hát Asia.

Thời bấy giờ “tài tử” là người ca cổ nhạc, chớ không có danh từ nghệ sĩ hay ca sĩ gì hết. Trong thư tịch cổ đờn ca tài tử có nhiều tài liệu về danh từ “tài tử” này.

Mãi đến khoảng 1957 khi cuốn phim “Người Đẹp Bình Dương” xuất hiện thì điện ảnh bắt đầu lấy danh từ “tài tử” áp dụng cho mình, rồi xài luôn cho tới bây giờ.

Sai khi dĩa hát “Trụ Vương Thiêu Mình” phát hành thì hầu như khắp miền Lục Tỉnh và miền Đông Nam Việt, nhóm đờn ca tài tử nào cũng có người ca.

Tám Thưa có lời ca ngân thật dài và có biệt tài sử dụng dây “hò ba” nghĩa là hơi ca lòn lúc ca chung với nữ tài tử.

Tám Thưa đã làm nên tên tuổi qua bài vọng cổ “Trụ Vương Thiêu Mình.”

1-Muôn tâu với lịnh thánh hoàng, nơi môn quan, Khương Thượng, nó truyền cho chúng tướng phải bắt cho được bệ hạ đem về đặng có đền lại những cuộc đời dẫy đầy tội ác.

2-Trên thì Cơ Phát xưng vương, dưới thì Khương Thượng mưu sâu, tựu các chư hầu phân binh bốn phía, chủ động những thành kiến cao xa, rơi thơ khắp cả hoàng thành để hài tội lỗi của bệ hạ, mà làm cho rúng động lòng dân.

3-Cái chủ tâm của Khương Thượng trước khi muốn đả đảo lòng tín ngưỡng tôn thờ của bệ hạ, sau mua chuộng lòng dân, nhìn thấy cảnh tang thương, có ảnh hưởng lớn lao sẽ dẹp sau màu cờ đắc thắng khải hoàn thì cơ nghiệp Thành Thang nầy đây phải hóa ra bãi sa trường.

4-Lời nói của Võ Vương có mòi kết quả, cho nên khắp chư hầu, mới hàng phục dưới lá cờ Châu, quân binh tướng sĩ thảy thảy hàng đầu, mong cho đến ngày mà tấm lòng nhiệt huyết ái ưu, sẽ kết thành bông tuội, của màu cờ rực rỡ, trở lại Tây Kỳ thì bệ hạ còn trông mong gì bảo thủ lấy thành trì. (Ngành Mai)

MỚI CẬP NHẬT