Sunday, April 28, 2024

Đọc ‘44 năm văn học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)’ tập 5

Trần Doãn Nho/Người Việt

Tập 5 “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” dày 627 trang, gồm 47 tác giả, có mặt khá nhiều khuôn mặt văn chương nổi tiếng miền Nam trước 1975: Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Thế Uyên, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Sĩ Trung, Song Hồ, Tiểu Tử, Trần Hồng Châu, Thi Vũ…

Kế đó là “những cây bút trẻ” cũng trước 1975: Trần Hoài Thư, Thành Tôn, Trần Doãn Nho, Thái Tú Hạp, Trang Châu… Ngoài ra là những tác giả thành danh ở hải ngoại như Thường Quán, Trần Mộng Tú, Thụy Khuê, Song Thao, Tâm Thanh, Quan Dương, Trang Châu, Song Nhị, Thu Nga, Thu Thuyền, Song Vinh, Trần Thị Diệu Tâm, Trần Thị Hương Cau, Trần Diệu Hằng…

Tập 5 có đủ các thể loại: biên khảo, truyện ngắn, tùy bút và thơ. Xin ghi lại vài nét điển hình ở cả ba lãnh vực.

Về biên khảo 

Có hai bài biên khảo, một của Trần Đại Sỹ và một của Thụy Khuê. “Mai Thảo,” một bài biên khảo rất hay của Thụy Khuê, dựng nên chân dung toàn diện của một trong những cây bút hàng đầu của văn học miền Nam, cả người lẫn văn. Đọc một trích đoạn:

“Người ta ca tụng Mai Thảo, nhưng dường như không mấy ai đọc Mai Thảo, may ra vài dòng Sổ tay, dăm ba câu thơ ‘Ta thấy hình ta những miếu đền.’ Được xưng tụng, Mai Thảo có cả một triều đình nhưng quần thần lơ láo, quan quân tán tác, phần đông dừng lại ở ‘Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời,’ ở Mai Thảo 63, trong khi Mai Thảo vẫn đi, một mình, đi đến 98 và đi mãi về sau… Bởi sau 75 Mai Thảo vẫn còn là ‘đầu tàu.’ Mai Thảo hải ngoại nhập vào con người, con người di tản, đi thêm một chặng đường, như chưa nhà văn di tản nào có được, như chưa nhà văn lưu vong nào nhập sâu được như thế, ngọn hải đăng ấy vẫn chiếu nhưng… hình như không ai cần nó nữa, không ai tha thiết với nó nữa, nó đã bị mù trong đôi mắt đồng loại quá nhiều ánh sáng.” 

Về truyện ngắn 

Tôi rất thích thú được đọc lại truyện ngắn “Thằng Người Có Đuôi” của Thế Giang, một tác giả từ lâu ít thấy xuất hiện, “Thiên Nga Giữa Cõi Người” của Tâm Thanh, một tác giả vừa ra đi cách đây không lâu; cũng rất thích thú đọc hai truyện ngắn rất ngắn của Thận Nhiên, “Người Thầy” và “Rồng” hay “Thiếu Nữ và Con Mắt Trái” của Trần Thị Diệu Tâm. Trần Mộng Tú, nổi tiếng như một nhà thơ tình, lại xuất hiện với một truyện ngắn, “Sau Đám Tang.”

Xin ghi lại ở đây tóm tắt hai trong số nhiều truyện ngắn đặc sắc xuất hiện trong tập 5 này:

-“Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào” của Thảo Trường. Đây là một chuyện tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản, đề cập đến những đứa trẻ sinh ra trong trại tù.

“Chúng sinh ra và lớn lên trong trại giam. Chúng không có trách nhiệm gì về tội phạm và luật pháp nhưng chúng lại là những kẻ bị tù đày.” Trong số sáu tù nhân trẻ đặc biệt này, Thảo Trường kể cho ta nghe câu chuyện điển hình của một cậu bé tám tháng tuổi. Mẹ nó trước kia là một cô con gái con nhà giàu, khiêu vũ giỏi, đánh bạc cũng không thua ai. Cô vượt biên không lọt lại có súng, nên bị bắt, ở tù dài hạn. Cha là một tay anh chị, giết cán bộ địa phương, bị tù chung thân. Hai người ở hai trại khác nhau, trại nam và trại nữ, nhưng có cùng chung sân trại. Họ gặp nhau nhiều lần ở đó, quen và rồi yêu nhau. Chị muốn có con với người tình, bèn tự lên kế hoạch rồi rủ người tình cùng thực hiện.

“Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thun nhẹ. Chỉ thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự.”

Đúng hẹn, hôm đó, trời mưa lất phất. Chị mặc áo mưa tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Ở khu bên kia, anh mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về, hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy cán bộ, cả hai đến chỗ hàng rào kẽm gai đan thưa thớt.

Ở phía bên này, chị “đứng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới… Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi vội bước về buồng giam của mình. Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng và xót xa.”

Sau đó, chị có thai. Bị tra hỏi, hành hạ đủ kiểu nhưng chị cương quyết giữ cái thai, không khai tên anh ra. Còn anh, trái với lời hứa với chị, tự khai vì “anh thấy là anh cần phải nhận,”“anh là bố của con anh,”“anh có trách nhiệm với nó.” Rốt cuộc, “Đứa con ra đời ban đêm trong trại tù, trong sự đùm bọc của rất đông nữ tù đồng cảnh với mẹ nó.”“đứa trẻ lớn dần lên trong trại giam cùng với những đứa đồng cảnh của nó.”

-“Bài Ca Vọng Cổ” của Tiểu Tử. Tuy đã biết tên, nhưng thú thật đây là lần đầu tiên tôi được đọc truyện của tác giả này. Nhân vật trong truyện là “Tôi,” một người đàn ông, vượt biên, định cư ở Pháp, sau đó, qua làm việc ở một nước Phi Châu, Côte d’Ivoire, phá rừng trồng mía. Là người Á Đông duy nhất ở trong công ty, ông được gọi là “thằng tàu” (le chinois). Một hôm, trong lúc ra phi trường chờ máy bay đi về họp ở thành phố, thiu thiu ngủ, ông nghe tiếng ai ca vọng cổ. Đi tìm xem ai hát, thì ông gặp một thanh niên da đen đang nằm hát trên võng. Sau khi trò chuyện, ông mới biết đó là một anh chàng Tây lai, cha Pháp da đen, mẹ Việt Nam.

“Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dày… Hắn sinh ra ở Sài Gòn, là dân Tây lai, nên sau 1975, được hồi hương về Pháp, đi quân dịch xong rồi về Côte d’Ivoire ở với bà nội. Gặp được người Việt, hắn rất mừng.

Hắn vẫn nói như hắn thèm nói từ lâu:

-Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường Về Quê Ngoại” đó bác.

(…)

Giọng của hắn bỗng như hăng lên:

-Vọng cổ là cái chất miền Nam đó bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.

Khi chia tay, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho ‘thằng Jean le vietnamien.’ Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.”

Về thơ

Tôi có dịp đọc thơ của nhiều tác giả khác nhau, mỗi người một vẻ: Thi Vũ, Thường Quán, Quỳnh Thi, Thái Tú Hạp, Tôn Nữ Thu Dung, Trạch Gầm, Sương Mai… Xin trích một bài thơ, ngắn nhưng nhiều hàm ý, của Trầm Phục Khắc:

“mùa Xuân gẫy xuống
phố
gieo xuống bờ
con đường một
cửa nhà
nảy mầm lên
thương
phế

rừng

vốn em không chắc được
có con đủ chỗ để thiêu đốt
phơi hong

trái mụ mẫn con nít ham mến

suối tắt tiếng
khe
hoãng”
(Xóm Mới)

Và một trích đoạn thơ của Song Nhị, nói về kiếp tù đày trong trại tù Cộng Sản:

“Tôi tưởng như mình vừa sống lại
tự nghìn kiếp trước nỗi oan khiên
oằn lưng gánh lấy hồn sông núi
hiu hắt trong lòng đóm lửa thiêng”
(Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá)

“44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” là một đóng góp có ý nghĩa vào việc giữ gìn và phát triển một nền văn học nằm ngoài sự chi phối và kiểm soát của nhà nước Cộng Sản Việt Nam. (Trần Doãn Nho)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT