Friday, April 19, 2024

‘Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình,’ thi phẩm cuối của Du Tử Lê?

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Nhìn vào hình bìa cuốn “Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình,” tuyển tập thơ mới nhất của thi sĩ Du Tử Lê (2016-2019), bức tự họa đơn sắc với nét vẽ tối giản, mô phỏng một khuôn mặt vô tư lự với tròng kính phải hoàn toàn không đúng chỗ, khẽ gợi một cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng cũng khơi dậy không ít thắc mắc.

Phải nói, như một chữ ký riêng, Du Tử Lê không câu nệ chính tả của “nhân gian.” Ông không dùng chữ  lớn (caps), kể cả tên mình và tựa đề.

Về hình bìa, Du Tử Lê, nhà thơ đào hoa bậc “sư tổ,” hiền hòa cười: “Tôi nghĩ chúng ta không cần đến hai con mắt để nhìn nhận được sự việc. Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần một mắt thôi cũng đủ để có được những nhận xét chính xác rồi.”

Thi sĩ cho biết “Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình” muốn nhắc nhở mọi người rằng cái hồn nhiên, ngây thơ, vụng dại của thuở ấu thơ là cái ta không nên quên vì đó chính là điều làm cuộc sống đáng sống.

Ông chia sẻ nhận định: “Nếu cứ nhớ mãi những ấu thơ của mình, có lẽ người ta sẽ bớt đi hận thù mà vui sống bên nhau.”

Cho nhau ấu thơ, do đó là cho nhau món quà quý báu nhất.

Ông tin tưởng: “Đó là những thứ muôn đời vẫn còn đấy, như một dòng sông. Nhưng vấn đề là ta phải nhớ và nhắc nhở nhau.”

Khi nàng thơ lên ngôi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Và trong bài “Còn Thơm Tay Quý Phi,” vị thi sĩ, như một lần nữa, nhắc lại lời khuyên rằng tình yêu trong nhau mãi mãi là cứu cánh để gìn giữ ký ức ấu thơ, ký ức đẹp như trang cảo thơm cổ tích:

“tìm nhau mưa bụi trên đầu núi
thiên đàng trong mỗi bước em đi
mắt thơ lên ngút mùa hoa huệ
khăn áo còn thơm tay quý phi
tìm nhau cổ tích trong hương tóc
xao xuyến nghìn năm đêm lãm ca
chiều xanh tâm tưởng dòng Quan Thế
ôi vết son đời sau Âu Cơ

tìm nhau thần thoại trong môi ngọc
đôi nhánh vai gầy thương thế gian
trái tim nhật nguyệt vào năm tháng
vóc lụa em về rất Mỵ Nương
tìm nhau thao thiết hồn chim biển
chở hết mùa đi, đợi tái sinh
dáng em công chúa lìa cung điện
nên lãm ca buồn mắt thiếu niên.”

Thi phẩm “Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình” là cuốn sách thứ 77 (tổng cộng thơ, văn, tùy bút và biên khảo) của nhà thơ năm nay cũng đúng 77 tuổi.

Như thơ Du Tử Lê, họa phẩm Du Tử Lê chứa nhiều ẩn dụ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông tâm sự: “Từ lâu lắm, tôi ao ước có được số sách phát hành cùng với số tuổi mình. Và, năm nay, vui lắm, tôi đạt được ý nguyện.”

Ở khoảng cao của cái tuổi “cổ lai hy,” Du Tử Lê vẫn mải mê gói ghém ý tưởng lóng lánh nét suy tư trong những vần thơ ngỡ như đơn giản.

Bất chấp tuổi đời, “bắp thịt” nhào nặn thi tứ của nhà thơ vẫn sung mãn như xưa và ánh nhìn trẻ trung, mới mẻ của ông vẫn hau háu, háo hức như nhãn quang của chàng trai vừa lớn.

Qua bài “Pleiku, Tháng Chạp, Cũ,” nét thơ ông vẫn còn tinh nguyên mùi bảng đen, phấn trắng, dù có thoang thoáng làn thở dài của ít nhiều mỏi mòn năm tháng:

“ký ức tôi, một trưa nào, nắng: sốt!
và ngang vai, hạt nhớ vịn hiên ngoài
ai trước bảng, còn e rừng thảng thốt:
gọi tên người, buốt một góc chia phôi.

ký ức tôi, những ngày mưa Tháng Chạp
và, con đường lát gió, lá đưa chân
môi thơm thảo, nỗi buồn nêm bất trắc
sân trường xưa, theo ngấn lệ thương thân.

ký ức tôi, vẽ hình ai rạng rỡ
để hôm nay, tôi vẫn biết ơn người.
ngày qua vội, tôi ngồi đây tự nói:
-quỹ thời gian, tôi sắp hết theo đời.

dù người có nhớ hay quên thì, cũng vậy
chúng ta đà chạm đến đáy thương yêu.”

Thế đấy, tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại ký ức của thương yêu.

Từ cõi thơ, Du Tử Lê ung dung vào cõi họa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vẫn cùng mạch tư duy về một thuở xa rồi, một thời quá khứ, bài “Nụ Hôn Sâu” cũng bàng bạc màu hoài niệm:

“Tay úm lửa những mùa Đông quá khứ
mẹ chưa từng nguôi nỗi nhớ thương cha
em chớ bỏ tôi đi, ngày nước lớn.
chim trời còn xao xuyến nụ hôn, sâu.”

Rồi bài thơ chủ đề “Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình,” thi sĩ nhẹ nhàng nhưng cương quyết khẳng định sự vĩnh viễn của cái thuở còn “lon ton”:

“nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ,
cần bàn tay của mẹ thuở lên năm.
như mưa/ nắng, rất cần cho cây trái;
em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình.”

Nhấm nháp những tứ thơ ẩn hiện suốt thi phẩm “Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình,” nhiều người tự hỏi không biết bài thơ nào sẽ được phổ nhạc để đi sâu hơn nữa vào lòng chúng ta, vì thơ Du Tử Lê vốn ăm ắp nhạc tính, rất thường chạm vào phạm trù tần số của âm thanh, nên hơn 300 bài thơ của ông đã được “mượn hồn” để chuyển thể thành nhạc phẩm, làm ông trở thành thi sĩ Việt Nam có nhiều tác phẩm được phổ nhạc nhất.

Được hỏi về kho tàng sáng tác đồ sộ của mình, Du Tử Lê nhỏ nhẹ: “Đây là một lời khen của người đọc thơ, nhưng đây cũng chính là sự bất hạnh của người làm thơ.”

Ông giải thích: “Nếu không có những bi kịch thì thi sĩ không thể có những sáng tác như vậy. Gọi đây là tài sản của thi sĩ, nhưng không ai mong được có ‘tài sản’ này, kể cả chính thi sĩ.”

Ông khẳng định: “Nói một cách siêu thực, định mệnh đã chọn thi sĩ, văn sĩ mà trao những bi kịch để kích thích sự sáng tác của họ.”

Nếu được chọn, không ai chọn có một đời sống “gập ghềnh,” bất hạnh, không đầm ấm cả, theo ông Du Tử Lê.

Thi văn chỉ là một cách để giải tỏa những uẩn khúc, những nỗi niềm sâu thẳm của tác giả mà thôi.

Và nội tâm càng sâu thì sáng tác càng loang rộng và càng bắt rễ vào tri thức đại chúng.

Thi sĩ Du Tử Lê, một buổi chiều tản mạn chuyện thơ văn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cho đến nay, thơ Du Tử Lê đã âm thầm đi vào ngôn ngữ phổ thông. Nhiều lần, chúng ta đã “trộm thơ” ông trong câu nói thường nhật mà không hay.

Khi gặp một vấn đề trúc trắc, gồ ghề, gai góc, nhiều người nửa đùa, nửa thật thoát ra với câu: “Ồ, chuyện này ‘ở chỗ nhân gian không thể hiểu.’”

Hoặc khi cần làm sáng tỏ một vấn đề quanh co, khúc chiết một cách giản dị, người ta hay nhún vai: “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau.” Hoặc khi cần than van, tả oán lập công với người đẹp, nhiều người hay ta thán: “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời.”

Đó là những vần thơ óng ánh sắc màu bi kịch của nhà thơ đã kết tinh thành ngôn ngữ “nhân gian.”

Thi sĩ đào hoa Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, Việt Nam.

Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam, từng là học sinh Chu Văn An, Trần Lục rồi sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

Ông đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc tại Sài Gòn năm 1973 (Thơ Tình Du Tử Lê 1976-1972).

Ông định cư tại Mỹ năm 1975.

Thơ ông từng xuất hiện trên báo Los Angeles Times và New York Times trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1990.

Thơ ông được dịch vào tuyển tập Understanding Vietnam do liên đại học UC Berkeley, UCLA và London ấn hành và là sách giáo khoa cho nhiều đại học tại Âu Châu.

Ông là một trong sáu nhà thơ Việt Nam có thơ được chọn vào “World Poetry – An Anthropology of Verse from Antiquity to Our Time” (W.W. Norton New York, 1998)

Ông từng thuyết trình về sáng tạo thơ ca tại một số đại học tại Mỹ, Pháp, Đức và Úc.

Ông hiện cư ngụ tại Garden Grove, California.

“Em Cho Tôi Mãi Nhé: Ấu Thơ Mình” được nhà xuất bản Văn Học của dịch giả/ văn sĩ Trịnh Y Thư phát hành vào trung tuần Tháng Tư, 2019.

Thi phẩm giá trị này có bán tại nhà sách Tự Lực, 14318 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92843, hay tại Amazon trên Internet.

Muốn mua sách có chữ ký của tác giả, gởi email về: [email protected].

Giá sách là $18.

Khi hỏi có thật đây có thể là tập thơ cuối cùng của ông, nhà thơ Du Tử Lê đắn đo suy nghĩ rồi khẽ nói: “Viết một bài thơ không phải dễ. Mỗi bài, có khi tôi mất vài tháng. Mà một tập thơ như vậy cần rất nhiều bài. Ở tuổi này, làm gì, tôi cũng cẩn thận hơn xưa.” (Đằng-Giao)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT