Sunday, April 28, 2024

Tuồng ‘Cao Hoàng Phục Quốc’ Nguyễn Ánh thắng hai mặt trận

Ngành Mai/Người Việt

Sự tích vua Gia Long thống nhứt sơn hà đã được soạn thành tuồng cải lương với tên tựa “Cao Hoàng Phục Quốc,” trình diễn ở hai thời kỳ đều đông đảo khán giả.

Năm 1918 lúc chiến tranh Pháp Đức đến hồi quyết liệt, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut mở cuộc bán phiếu quốc trái “Rồng Nam Phun Bạc Đánh Đổ Đức Tặc.”

Để ủng hộ phong trào, các nhà trí thức thời bấy giờ có ý kiến thành lập ban hát lấy tên “Pháp Việt Nhứt Gia,” và các cụ tự soạn vở tuồng “Cao Hoàng Phục Quốc” trình diễn ra mắt ngày 1 Tháng Mười Một, 1918, tại Nhà Hát Tây (trụ sở Hạ Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa sau này).

Các cụ chia nhau đảm trách các vai trò: Châu Văn Tiếp, Lê Văn Duyệt, Bá Đa Lộc, Hương Sư, Xã Trưởng… và dàn đờn thì cũng chính các cụ là nhạc sĩ của nhiều loại đờn, kể cả thổi sáo.

Buổi hát thành công mỹ mãn, thiên hạ mua vé vào coi đứng chật nhà hát. Sau đó ban hát đi miền Lục Tỉnh, đến đâu cũng được hoan nghinh nhiệt liệt, buổi hát nào cũng đông đảo khán giả.

Không biết nội dung tình tiết vở tuồng lúc ấy ra sao, nhưng 30 năm sau đến đầu thập niên 1950, một gánh hát nhỏ ở thôn quê đã dàn dựng lại vở hát “Cao Hoàng Phục Quốc.” Người ta không thắc mắc có phải kịch bản cũ thời đó, hay là soạn giả là người từng đi coi tuồng, rồi giờ đây viết trở lại có thêm thắt trong đó, đúng sai ai mà biết!

Khán giả khen đáo để nhờ có cô đào trẻ đẹp ca hay đóng vai hoàng hậu Tây Sơn. Theo dõi tình tiết vở hát thời này thì tuồng có ba màn.

Màn đầu là cảnh Chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh bại phải rời bỏ kinh thành Phú Xuân lánh nạn ở Nam Kỳ. Cảnh này Nguyễn Ánh trang phục dân dã của miền Lục Tỉnh với bộ đồ bà ba đen, các quan cũng thế. Triều đình họp tại rừng U Minh.

Tướng Lê Văn Duyệt quỳ tâu: Xin Chúa Thượng cho Hoàng Tử Cảnh theo Đức Cha Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nguyễn Ánh nhậm ngôn, kế ôm Hoàng Tử Cảnh vào lòng một hồi rồi trao cho Đức Cha. Tiếp đó Nguyễn Ánh ra lệnh tất cả xuống thuyền vượt biển sang nước Xiêm (Thái Lan) chờ đợi ngày phản công khôi phục giang sơn.

Màn 2: Cảnh Nguyễn Ánh mang quân về, các quan trang phục võ tướng. Phân công các tướng, đường bộ và thủy lộ tiến về Phú Xuân.

Cảnh trận chiến diễn ra, quân của Nguyễn Ánh hùng hậu với súng đạn, tàu chiến hiện đại giao chiến với quân Tây Sơn vũ khí gươm giáo thô sơ, và kết quả là quân Tây Sơn đại bại rút lui. Quân của Nguyễn Ánh bồng súng đuổi theo, súng nổ liên hồi…

Màn 3: Cảnh cung điện, Hoàng Hậu Tây Sơn, tức Công Chúa Ngọc Bình (em Công Chúa Ngọc Hân) đang ngồi buồn thảm lo âu. Một tên quân vào quỳ tâu: Bẩm lịnh bà, quân Nguyễn Ánh đã chiếm Phú Xuân, Vua Cảnh Thịnh rời bỏ kinh thành bôn tẩu, và mới đây một tên quân chạy được về báo tin nhà vua đã bị giặc bắt.

Nghe xong hoàng hậu đứng dậy thét lên: Trời! Rồi bất tỉnh sắp ngã, một nữ tỳ đỡ kịp đưa hoàng hậu đến chiếc băng ghế dài (đờn trong hậu trường trỗi điệu buồn).

Hoàng hậu thở than mấy lời rồi ca bản Văn Thiên Trường:

-Thôi rồi! Còn chi là triều đại Tây… Sơn… Định mạng do Trời, xui cho cơ nghiệp nát tan…

Soạn giả đã khéo xử dụng bản Văn Thiên Tường cho cô đào đóng vai hoàng hậu ca rất hay, rất thảm sầu ai oán khiến cho nhiều nữ khán giả rơi lệ.

Ca dứt bản hoàng hậu đứng lên nói lớn: “Thiếp còn sống làm chi nữa”! Kế chạy đập đầu vào tường, tỳ nữ chạy theo nắm tay kéo lại kip đưa hoàng hậu trở lại chiếc băng ghế, thì ngay lúc ấy có tiếng chân người mỗi lúc đến gần hơn.

Đoạn nầy sử sách ghi lại như sau:

Một người đàn ông tráng kiện uy nghi trong bộ võ phục, đến đứng trước mặt hoàng hậu cúi chào một cách lịch sự.

Hoàng hậu thốt lên:

-Này tướng quân Gia Định, ngươi muốn gì ở ta?

Người được gọi là “tướng quân Gia Định” (tức Nguyễn Ánh tiến quân từ Gia Định ra) cười và đáp:

-Không can chi đâu, bà đừng sợ. Tướng Gia Định cũng là người, và có lẽ sẽ nhân từ hơn tướng Tây Sơn.

Hoàng hậu lặng thinh. Vị tướng Gia Định nói tiếp một cách bóng bẩy:

-Dù triều đại có đổi thay như thế nào đi nữa thì cung điện nầy cũng vẫn là của bà.

Bà Ngọc Binh đã lấy lại bình tỉnh, đáp một cách cương quyết:

-Nhưng thưa tướng quân, đối với chúng tôi cung điện này chỉ còn là một nhà tù.

Nói xong bà ôm mặt khóc. Nét mặt bà càng khổ đau càng quyến rũ làm cho vị “tướng Gia Định” mềm lòng say đắm, chung quanh bà tỏa ra một mùi hương khêu gợi, khiến vị “tướng Gia Định” dù đã từng trải da thịt mỹ nhân cũng cảm thấy lạ đến ngây ngất… Vị tướng gượng giọng cố giữ bình tỉnh để an ủi người đẹp rồi nén lòng lui ra…

Ở nội cung bà Ngọc Bình với nỗi sợ hãi khôn lường.

Một lúc không lâu, vị “tướng Gia Định” trở lại nội cung với trang phục uy nghi, vương hiệu lóng lánh trên ngực áo… Bà Ngọc Bình nhận ra ngay đó là Nguyễn Vương, người cừu địch của nhà Tây Sơn. Nỗi sợ hãi căng tăng thêm, bà ôm mặt rú lên…

Cảnh nầy kép đóng vai Nguyễn Ánh ca bài Nặng Tình Xưa đoạn đầu người nghe rất cảm động. Bà Bình ca nối tiếp đoạn cuối. Nguyễn Vương đến gần bên vừa vỗ về vừa vô vọng cổ:

-Dù có những đổi thay lịch sử, bà hãy dẹp nỗi sợ hãi ưu… phiền, nước Nam vẫn như cũ, cung điện này vẫn thuộc về bà…

Bà Bình vẫn ôm mặt khóc nức nở. Nguyễn Ánh ca luôn đến hết câu 3. Bà Bình buông tay ôm mặt và ca vọng cổ nối tiếp câu 4, câu 5 với nội dung biết không thể nào ngăn được ước muốn của Nguyễn Vương, bà Ngọc Bình đành phải xuôi theo số phận.

Nguyễn Vương ca tiếp câu 6. Vừa dứt câu liên nắm tay hoàng hậu đi chầm chậm hướng về phía cánh gà sân khấu. Màn từ từ khép lại. Vãn hát.

Khán giả thở phào nhẹ nhỏm, bắt đầu rời khỏi rạp bán tán xôn xao. Có người nói lớn: “Vậy là Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn nơi trận tiền, lại còn thắng luôn mặt trận tình ở hậu cung Tây Sơn phải không bà con? Mọi người cười rần lên và tản mác về.

Phải chăng là trò chơi định mệnh? Nguyễn Huệ Quang Trung, chồng Ngọc Hân Công chúa, Nguyễn Ánh Gia Long, lấy bà Ngọc Bình, hai kẻ cừu địch không đội trời chung ấy lại trở thành anh em “cột chèo!” Về phần công chúa út của Vua Lê, bà Ngọc Bình lấy hai đời chồng đều làm vua (Cảnh Thịnh và Gia Long). Do đó, dân gian có câu hát:

“Số đâu có số lạ lùng!
Con vua mà lấy hai chồng làm vua”

Bài này chúng tôi viết dựa theo tuồng cải lương, có nghĩa chỉ là kịch bản giải trí cho khán giả hâm mộ nghệ thuật sân khấu. Còn sự kiện lịch sử thế nào thì chúng tôi không có ý kiến. (Ngành Mai)


Đờn ca tài tử sinh hoạt vào Thứ Năm hằng tuần

Đờn ca tài tử hải ngoại sẽ sinh hoạt vào mỗi Thứ Năm hằng tuần, lúc 6 giờ chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức xin thông báo với tất cả giai nhân tài tử từng tham gia sinh hoạt thời gian qua, cũng như người tài tử ở các tiểu bang Hoa Kỳ về Nam California đến tham dự. Đồng thời cũng mời bà con mộ điệu. Vào cửa miễn phí.

Theo truyền thống tài tử thì những ai có đờn cổ nhạc bất cứ loại gì thì cứ mang đến để cùng hòa điệu tiếng tơ. Và những người biết ca cổ nhạc dù ít, ban tổ chức cũng mời lên ca chứ không phân biệt gì cả.


 

MỚI CẬP NHẬT