Tuesday, March 19, 2024

Kỳ nữ Kim Cương đưa ‘Lan và Điệp’ vào thoại kịch

Ngành Mai

Sau khi chen chân vào làng tân nhạc được đón nhận nồng nhiệt, “Lan và Điệp” không dừng lại tại đây mà lấn sang địa hạt thoại kịch, và cũng được khán giả hoan nghinh không kém gì “Lan và Điệp” sân khấu cải lương.

Năm 1970, kỳ nữ Kim Cương viết thành thoại kịch do chính kỳ nữ đóng vai Lan đưa lên truyền hình. Và do câu chuyện khá dài nên đài truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ phải chia ra phát làm hai kỳ mới hết vở kịch. Đây là vở kịch được khán giả chờ đón xem chẳng khác chi những buổi chờ coi cải lương vậy.

Vở kịch hay là do bởi tình tiết câu chuyện đã ăn sâu vào lòng khán giả, mà người đóng vai Lan lại là kỳ nữ Kim Cương, thành thử ra được khán giả đi xem đông đảo. Nói về diễn kịch thì hầu như đại đa số khán giả đều có nhận định rằng, khó có nữ kịch sĩ nào sánh được với kỳ nữ Kim Cương.

Nếu như ngược thời gian trở về đầu thập niên 1950 thì người ta biết rằng, Kim Cương xuất thân từ cải lương, rồi về sau mới chuyển sang đóng kịch. Khoảng 1952, chính nghệ sĩ tiền phong Bảy Nam (mẹ của Kim Cương) đã soạn vở tuồng “Phấn Hậu Cung” để Kim Cương hát trên sân khấu Phụng Hảo. Và kế đó thì kịch sĩ Duy Lân (cha nuôi của Kim Cương) cũng soạn vở cải lương “Giai Nhân và Ác Quỷ” cho Kim Cương đóng vai giai nhân.

Thế nhưng, dù sinh ra trong gia đình cải lương, nhưng Kim Cương không thể sáng chói trong lãnh vực này, bởi vì kỳ nữ không ca được vọng cổ, mà cải lương thì phải có làn hơi ca vọng cổ thu hút người nghe thì mới đảm trách vai trò quan trọng của tuồng.

Khoảng 1972, một hãng dĩa nọ đã thu thanh Kim Cương trong vở hát “Đắc Kỷ Thọ Hình.” Ai cũng nhìn nhận cái giọng nhõng nhẽo của kỳ nữ thì tuyệt diệu. Nhưng tới hồi mà Kim Cương phải ca vọng cổ: Rằng là… nó làm cho thiếp thần phải đau khổ ờ ơ… hờ hơ… thì nghe sao mà giống giọng hát ru em của mấy chị nhà quê vừa biết hát quá chừng!

Người ta nói hình như tổ nghiệp sân khấu chỉ cho Kim Cương thành công ở địa hạt thoại kịch mà thôi, còn cải lương thì để cho người khác chớ, chiếm hết một mình hay sao? Do đó mới khiến cho kỳ nữ nhà ta không ca được vọng cổ.

Tuy nhiên về thoại kịch thì khó có ai đóng vai Lan bằng Kim Cương, bởi vì vai Lan trong vở kịch này đã cho người ta thấy lúc đầu thì cô Lan quê mùa hết cỡ, chỉ nội cái mở gói lấy tiền ra cho Điệp với nhiều lớp giấy gói lại cũng khiến khán giả cười rần lên. Cũng như câu dặn dò Điệp rằng: “Đi xa nhớ gởi chứng chỉ về cho em (thay vì gởi địa chỉ).”

Đó là đoạn đầu, còn đoạn cuối từ lúc Lan vào chùa cho đến khi chết, thì không một khán giả nào mà không cảm thương Lan. Kim Cương quả đúng là đào thương số một của ngành kịch vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 3)

Điệp nói: Ông đạo ôi!

Huệ Thông nói: Mô Phật.

Điệp nói: Tôi từ xa tìm tới đây là mong mỏi cùng người quen được gặp xin ông niệm chút từ tâm.

Huệ Thông nói: Không phải tôi muốn làm khó thầy, song vừa rồi tôn sư mới ra lịnh nghiêm nhặt, nếu tôi còn nói chuyện gì lôi thôi với chú ấy, lỡ tôn sư gặp tôi phải quỳ hương tới một tháng lận thầy.

Điệp nói: Vậy bây giờ ông không còn cách nào giúp tôi được sao? Thế là tôi phải về.

Huệ Thông nói: Thiệt thấy tình cảnh của thầy, tôi muốn giúp giùm nhưng biết làm thế nào? À, hay là chỉ có cách này.

Điệp nói: Cách nào ông?

Huệ Thông nói: Thầy bước tới lại đây tôi chỉ cho thầy xem, đây sợi dây này là để cho khách thập phương, mỗi khi tới chùa, giựt chuông cho chúng tăng ra mở cổng, bây giờ tới chiều, phiên chú ấy gác chuông để tôi đi tránh vào trong rồi thầy cứ giựt chuông cho chú ấy ra mở cổng, chừng gặp nhau thì thầy muốn nói gì thì nói.

Điệp nói: Tối hết sức cám ơn ông.

Huệ Thông nói: Mô Phật, thôi tôi vào. Kìa chú ấy đương ngồi tưởng niệm và lần chuỗi bồ đề dưới gốc cổ thụ, kia đó, đây phía bên này đây.

Điệp nói: Ôi! Chưa đầy hai năm, mà một vẻ đẹp thùy mị kín đáo trước kia, bây giờ đã hóa ra hình dạn một nạn nhơn khốn khổ.

Ca Chuồn Chuồn

Em Lan ôi! Tội tình chi mà em phải đọa đày,
Cho khổ sở kiếp hồng nhan,
Hỡi này em Lan,
Nay anh đã dứt rồi nghiệp oan,
Anh tìm đến đây cùng em tạ tội, đặng rước em trở về.
Mối duyên xưa cùng nhau ta nối lại,
Để đền bù những lúc khổ đau,
Ôi tiếng chuông rung chắc trái tim em phập phồng,
Em không ngờ anh đã tới đây,
Nỗi mừng vui nào hơn được lúc này. (Ngành Mai)

MỚI CẬP NHẬT