Thursday, April 18, 2024

Lạnh lùng Texas!

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Cứ hễ đến cuối năm, mỗi người lại thắp lên niềm hy vọng khi nhìn về những tháng ngày trước mặt: Năm Mới. “Mới” là an khang thịnh vượng, là phát tài phát lộc, là vạn sự như ý, là hạnh phúc, là bình an. Giữa tang thương đại dịch, “Mới” còn là một ước mơ “cháy bỏng”: được sống lại cái “bình thường” của ngày tháng cũ, lúc mà chuyện giãn cách xã hội hay khẩu trang hay vân vân không hề có chỗ đứng trong cuộc sống hàng ngày. Mới mà cũ!

Bên lò sưởi. (Hình: Trần Doãn Nho cung cấp)

Ấy thế mà, vừa bước ra khỏi năm Canh Tý có ba ngày thì toàn tiểu bang Texas lần này được “thưởng thức” một cái “Mới” rất cũ và tràn đầy tai ương: bão mùa Đông (winter storm). Có nơi thì là “bão tuyết” (snow storm), có nơi thì là “bão đá” (ice storm).

Gần như suốt ba, bốn ngày, từ đêm Chủ Nhật (14 Tháng Hai) đến Thứ Tư (17 Tháng Hai), Texas trở thành Bắc Cực. Bão tuyết, vốn đã là điều hiếm hoi ở tiểu bang thuộc vùng nhiệt đới này (nơi mà mùa Hè, nhiệt độ lên đến 110 độ F, khoảng 43 độ C) mà bão đá (ice storm) lại càng lạ hơn. Bão đá, hay đúng hơn “bão nước đá,” là một tiến trình thời tiết đặc biệt diễn ra khi những bông tuyết từ trên cao rơi qua một vùng ấm, biến thành mưa; những hạt mưa này gặp phải lớp không khí “supercooling” (siêu lạnh, nhiệt độ dưới 32 độ F) ở gần mặt đất, chuyển thành “freezing rain” (mưa đông đá). Đó là những hạt mưa bị đông lại nhưng vẫn còn dưới dạng lỏng và khi những hạt mưa này đột ngột va chạm mạnh vào các bề mặt (surfaces), chúng liền chuyển biến ngay thành nước đá tạo nên một lớp vỏ càng lúc càng dày thêm bọc quanh các vật thể như thân cây, cành nhánh, dây điện, cột điện, hàng rào kim loại. Theo ước tính của những nhà khí tượng học, đường kính của những dây cáp điện bọc nước đá có thể dày đến 5 cen-ti-mét. Như thế, chúng nhận thêm khoảng từ 15 đến 30 kilogram trên một mét chiều dài. Sức nặng đó cộng thêm với gió và cây ngã đè thêm lên, khiến chúng không chịu đựng nổi, đứt ngang, làm xáo trộn hoặc cắt đứt toàn bộ hệ thống cung cấp điện.

Tôi cư ngụ ở một thành phố nhỏ thuộc quần thể đô thị Dallas-Fort Worth, miền Bắc Texas. Vùng này, may mắn, không có bão đá, chỉ có bão tuyết. Nhưng lạnh là lạnh. Quá lạnh. Gần một tuần lễ, nhiệt độ chỉ quanh quẩn từ 25 độ F (âm 4 độ C) trở xuống, nằm dưới mức đông đá. Và trong vòng mấy ngày từ Chủ Nhật đến Thứ Ba và Thứ Tư, nhiệt độ ban đêm và sáng sớm tụt xuống từ 1 đến 5 độ, có lúc chỉ còn 0 độ F (âm 18 độ C). Tất cả cuộc sống hoàn toàn bị đông cứng.

Sáng Thứ Hai, đang còn ngái ngủ, thì điện phụt tắt. Qua trang mạng của thành phố, thì được biết, công ty điện lực quyết định thi hành biện pháp “rolling blackouts” (cắt điện luân phiên) để tiết kiệm năng lượng nhằm đối phó với đợt giá lạnh kéo dài nhiều ngày. Mỗi khu vực sẽ lần lượt bị cắt điện từ 30 phút đến một giờ. Tôi yên tâm, lần lượt làm một số công việc cần thiết để giữ hơi ấm trong nhà: chèn các khe hở ở các cửa lớn, cửa sổ, đóng hết các phòng không sử dụng, đốt đèn cầy để ở nhiều nơi, nấu nhiều nồi nước sôi…

Nhưng rồi một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua, điện vẫn chưa trở lại. Gọi điện thoại qua đường dây khẩn cấp của thành phố, đường dây liên tục bận. Ba giờ rồi bốn giờ, vẫn không có gì. Không điện, không vào được Internet. Lại gọi điện thoại, nhưng lần này điện thoại hết pin. Làm sao giờ đây? Sực nhớ điện xe hơi, liền vội vàng mặc ba, bốn lớp áo lạnh, bươn bả lội tuyết ra xe. Cắm dây, bật máy. Chao ơi, xe cạn xăng. Không cần suy nghĩ, vội vàng lái xe đi. Tuyết rơi càng lúc càng nhiều. Đường lầy lội, trơn trượt. Đèn giao thông ngừng hoạt động. Không điện, các trạm xăng đóng cửa. Đành phải chạy tiếp đến khu thương mại khác, vừa chạy vừa lo xe hết xăng dọc đường. Thấy có trạm xăng lớn mở, mừng quá, chạy vào, nối đuôi, chờ. Nhưng khi đến phiên mình, trạm hết xăng. Lại chạy tiếp. May làm sao, rốt cuộc, cũng tìm ra một trạm xăng nhỏ, đổ đầy bình.

Trở lại nhà, điện vẫn còn cúp. Đã sáu tiếng đồng hồ rồi. Không khí lạnh tràn đầy căn nhà, thấm dần vào cơ thể. Mất điện, tất cả trở thành vô ích và vô dụng. Mất điện, con người hoàn toàn bị cô lập. Tôi ngao ngán nhìn không gian rộng rãi của căn nhà. Về mùa Hè, cái rộng, cái thoáng chia đi cái nóng. Bây giờ, cái rộng cái thoáng cướp mất cái ấm. Đành phải đốt lò sưởi lên thôi. Cũng may, đây là lò sưởi dùng gas, và hệ thống cung cấp gas vẫn còn hoạt động. Từ ngày chuyển về ở căn nhà này, thấy lò sưởi lớn nằm ngay giữa phòng khách, đôi lúc tôi tự hỏi chẳng biết ở xứ nhiệt đới như thế này, xây thêm lò sưởi để làm gì, vừa choán chỗ vừa mất thẩm mỹ. Nhưng lúc này đây, nó là cứu tinh. Cái vô dụng trở thành hữu dụng.

Châm lửa. Ba ngọn lửa cháy phừng phực, hòa cùng ánh sáng mấy cây đèn pin cắm trại (camping lanterns), sáng cả một góc nhà. Cả nhà quây quần trước lò, chia nhau hơi ấm. Nhưng sau những phút sung sức lúc đầu, ba ngọn lửa dịu lại, yếu dần đi. Hơi nóng tỏa ra chỉ đủ ấm khi ngồi gần. Xa một chút, lạnh vẫn hoàn lạnh. Thế là, phải chạy ra vườn sau, vườn trước bắt đầu vơ vét hết tất cả những cành, nhánh, gốc cây nằm vương vãi suốt mùa hè, mang vào. Ba đứa cháu giành nhau ném từng khúc củi vào lò. Củi ướt quằn quại bắt lửa, kêu lách tách. Được tiếp sức, lửa bừng bừng reo vui. Lửa nhuộm hồng da thịt. Lửa tỏa hơi ngào ngạt ấm. Bọn trẻ vừa chơi bài, vừa đọc, vừa ăn uống, cùng nhau thưởng thức cái ấm cúng rất gia đình hiếm khi có được.

Nhà hàng xóm bị bể ống nước, nước chảy ra, đông ngay thành nước đá. (Hình: Kim Hằng cung cấp)

Tôi cảm động nhìn lò sưởi, như được gặp lại cố nhân. Chả là, mười ba năm trước đây, khi còn ở xứ lạnh Boston, gia đình chúng tôi cũng đã từng quấn quýt nhau ba ngày ba đêm trước lò sưởi như thế này, khi cơn bão đá dữ dội trút xuống tiểu bang Massachusetts vào năm 2008.

Khung cảnh nhỏ bé này đẩy tôi lùi về hàng chục thập niên trước, bắt gặp lại hình ảnh tưởng như đã đi vào quên lãng: bếp lửa gia đình. Chao ôi, cái thời xa xưa ấy! Không bếp điện, bếp gas, không nồi cơm điện, không xoong, không chảo. Thế giới kỹ nghệ chưa có mặt trong bếp lửa. Tất cả dụng cụ và đồ đạc nấu nướng đều toàn bằng đất sét: ba cục gạch nung châu vào nhau, nồi đất, siêu đất, trách đất. Ngay phía trên bếp là một cái giàn treo chất những cành, nhánh phơi khô để dành từ mùa nắng. Chung quanh bếp, tro than vương vãi. Khói bốc lên làm đen cả phần vách đất che tạm tránh gió, đen hết trần nhà, đen cả cái cụi (tủ) gỗ đựng thức ăn. Sờ tay vào đâu cũng dính phải bồ hóng đen nhẻm.

Hết củi, lò lửa yếu dần. Giật mình, trở lại với hiện thực. Đã gần một ngày trôi qua, điện vẫn bặt vô âm tín. Căn nhà mỗi lúc một lạnh hơn. Tuyết vẫn rơi. Thời tiết càng lúc càng lạnh, từ 0 (không) độ vào buổi sáng nhích lên bảy, tám độ. Đốt lò sưởi lên, cũng chỉ là để chờ đợi điện. Điện không có, đành phải sống với lò sưởi thôi, không còn chọn lựa nào khác. Tôi cùng đứa con lại chạy quanh kiếm củi. Không còn gì ngoài vườn, chúng tôi phải lục trong kho. Nhặt nhạnh bất cứ cái gì có thể đốt được, từ những thanh gỗ nằm lăn lóc đâu đó cho đến mấy tấm pallet, ghế cũ, bàn cũ, rồi cả giường cũ. Rút kinh nghiệm, chúng tôi tằn tiện từng khúc, từng miếng. Suốt đêm, cả nhà nằm quanh lò sưởi, ai nấy quấn chặt vào người năm, bảy lớp vừa chăn, mền vừa áo quần và túi ngủ. Đêm dài trôi qua lạnh lẽo, căng thẳng. Nhìn ánh lửa bập bùng trong lò sưởi như nhìn hơi thở của chính mình. Củi, điện, điện, củi. Điện, củi là năng lượng, là cuộc sống.

Hôm sau, vừa thấy trời hửng sáng là vội vã đi kiếm củi. Lái xe chạy loanh quanh, hết cửa tiệm này đến cửa tiệm khác, từ siêu thị cho đến Home Depot, Lowe’s. Chẳng còn gì. Tuyệt vọng, trở về nhà. Nhìn quanh nhìn quất, chỉ còn một cái nhà chơi trẻ con khá lớn dựng sau vườn. Thế là, khỏi cần suy nghĩ, chúng tôi tháo, chặt ngay ra từng khúc mang vào đốt. Nhà chơi rồi cũng biến thành tro bụi!

Buổi trưa, lại lái xe chạy quanh; lần này đi xa hơn, đến các nông trại ngoài thành phố. Không kiếm được gì. Hết đường, chúng tôi trở lại Home Depot chọn giải pháp cuối cùng: mua hàng chục thanh gỗ làm nhà (lumber), yêu cầu họ cưa ra từng khúc ngắn. Trong tình thế này, gỗ nào cũng là gỗ. Gỗ nào đốt cũng cháy. “Lumber” là “firewood.” Gỗ là củi. Lửa, lửa là tất cả! Chỉ có lửa mới chống được lạnh.

Lò sưởi lại được dịp cháy phừng phực. Đốt gỗ mà như đốt tiền.

Mãi đến tối, sau hai ngày và một đêm căng thẳng, điện mới trở về. Có điện, có sự sống.

Hỡi điện thân thương, ta yêu mi biết chừng nào!

Đầu năm Tân Sửu. [qd]

MỚI CẬP NHẬT