Friday, April 26, 2024

Nguyễn Đình Nguyên, kẻ tự băng bó vết thương mình

Du Tử Lê/Người Việt

Nếu để ý, ta sẽ thấy, viết về tuổi “teen,” tuổi mới lớn hay tuổi dậy thì, thường dễ hơn viết cho tuổi thiếu nhi. Lý do, các tác giả rất khó vào sâu thế giới buồn/ vui của những độc giả, khán, thính giả tuổi nhi đồng.

Tâm lý của các em ở tuổi này còn rất mơ hồ, chưa hình thành rõ ràng… Tôi muốn nói, chính các em cũng không biết rõ mình thích, muốn gì? Chưa kể xu hướng thích hay không thích luôn bị thay đổi một cách nhanh chóng!

Do đấy, khi một số ca khúc viết cho thiếu nhi của Nguyễn Đình Nguyên, vượt qua ngưỡng một triệu lần truy cập, với tôi là một thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, khi đề cập tới thành tựu vừa kể của họ Nguyễn, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, nếu nhạc sĩ không có khả năng “nhập vai,” nhờ nhạy cảm với tâm lý nhi đồng, ông sẽ không thể có được cho mình, những thành tựu như đã nói.

Từ đó, tôi tin rằng, nếu Nguyễn Đình Nguyên bước vào lãnh vực thi ca, nhiều phần ông sẽ mang đến cho người đọc ông, những mới, lạ bất ngờ. Và, tôi nghĩ, tôi đã không sai lắm, khi có cho mình kết luận, như thế, về cõi giới thơ Nguyễn Đình Nguyên.

Bất cứ ai, từng dõi theo hành trình thi ca Nguyễn Đình Nguyên, đều dễ dàng nhận ra rằng: Thị phần chính trong thơ Nguyễn Đình Nguyên là những thao thức, đau đớn, nhục nhằn trước những biến động lớn của lịch sử đất nước, như cụm từ “muối nhoài ra khỏi biển,” khởi đầu cho ít nhất bốn khổ thơ của bài “Lời Oán Cạn Của Muối” – tựa những lượng máu ồ ạt tuôn chảy từ trái tim bị thời thế xé nát, vỡ tan nhiều mảnh:

“Muối nhoài ra khỏi biển/ Gào thét, cuồng nộ chỉ mặt nhân gian/ Muối nhoài ra khỏi biển/ Tôm cá nhoài ra khỏi biển phơi xác bạc trắng bờ ứa máu/ Muối nhoài ra khỏi biển/ Ghì chặt lưng cha oằn cong một đời khổ hạnh/ Muối nhoài ra khỏi biển/ Oán hờn nuốt lấy đồng khô…”

Hoặc hai chữ “Ngày ấy” trong bài “Norodom, Tôi Xin Được Quỳ Xuống Hôn Người” khi họ Nguyễn viết về biến cố 30 Tháng Tư, 1975:

“Ngày ấy…
Cánh cổng sắt sập đè lên nỗi khiếp hãi/nghiền toát chuỗi giá trị quyền lực
Một luân hồi/hoán đổi
.
Ngày ấy…
Rền vang âm vọng
Ra rả điều thiện màu xám trên tầng sóng FM
.
Ngày ấy…
Biết bao người cha không được về với các con thơ dại/ngóng
Người vợ trẻ chờ chồng từ chiến tuyến ghì chặt một vòng tay/bại trận…”

Hay bài “Sài Gòn Này Đâu Phải Của Mày,” họ Nguyễn không chỉ cho thấy ông lưu vong giữa quê hương, đất nước của mình mà, nơi ông sống cũng dứt khoát khước từ ông, như một thị dân của chính nơi chốn đó:

“Thành phố này treo ngược nó lên
mắt nó thấy lịch sử ngược dòng
đen kịt màu sông Thị Nghè
chảy ngang sở thú
tiếng voi rống
cọp gầm
khè khè loài King Cobra
nghe quen thời của nửa thế kỷ đã qua
tiếng rừng rú tràn ra phố thị
.
Nó quáng quàng
Khụy gối
Gập bụng
Áp tai nghe đất nghiến răng
Trái tim này đâu phải của mày
Loài người này đâu phải của mày
Sài Gòn này cũng đâu phải của mày…”

Họ Nguyễn cũng không quên đem vào trong thơ ông, những sự kiện nhỏ bé hơn, nhưng chẳng vì thế mà sự ô nhục được thu nhỏ: Hiện tượng trẻ thơ chưa kịp lớn, đã bị bán vội cho ngoại nhân:

“Mùa nước nổi quê mình chưa kịp lớn
Mà con bé bên nhà đã vội vã xa quê
Bên kia sông con vịt nhỏ lạc bày
Kêu cạp cạp vắn dài như chuyện kể
.
Con bé đi ngơ ngác một dòng sông
Trăng thì khuyết và ngực vừa chớm nhú
Xa ngàn xa nhà chồng chưa lần ngụ
Dập dềnh Xuân. Đông lạ. Vạn dặm thu…”

(Trích “Bỏ Quê Theo Người Ta”)

Bên cạnh những bài thơ như những nhát dao tự chém thân thể mình, như kẻ tự bạo hành vì bất lực trước hiện thực xã hội tuyệt vọng, tối tăm, Nguyễn Đình Nguyên cũng có những bài thơ tình viết cho thời đã qua, hay hiện tại còn đó (?)

Nhưng thơ tình của họ Nguyễn, dù ở dạng nào, quá khứ hay hôm nay, với tôi, chúng vẫn là những bài hát tự ru lấy mình. Như kẻ tự băng bó vết thương tâm cảm với hy vọng ném một điều gì đó, về phía trước. Dù cho chính anh cũng không khẳng định được, đó là “phía trước” nào? Phía của hạnh phúc hiếm hoi hay, phía của tai ương vốn đã giăng lưới cùng khắp:

“…Anh bên em, ta bên nhau. Yêu dấu
Xe thời gian in đậm dấu chân mây
Ngàn mơ ước bâng quơ bên sách vở
Nghe bước xuân nảy lộc giữa bàn tay
.
Em cứ đi dẫu trời mưa hay nắng
Đã có anh tự nguyện đứng canh chừng
Đường dẫu xa người dẫu nhiều nghi ngại
Nụ hồn đầu vẽ một lối đi chung.”

(Trích “Nụ Hôn Đầu Vẽ Một Lối Đi Chung”)

Hoặc:

“Nơi thượng nguồn ánh mắt
Là hò hẹn bắt đầu
Nơi cuối trời xanh thấu
Là chấm đỏ buồm căng…”

(Trích “Ngồi Trên Đồi Và Nhớ”)

Hoặc nữa:

“Trao cho nhau chút hồn nhiên trong mắt
Chút bơ vơ tuổi lá ngủ trên vai
Trao cho nhau góc phố áo xanh bay
Chiều bước khẽ nhịp hoàng lan rũ tóc
.
Chiều hoàng phố bên nhau trong quán cóc
Nhạc mênh mang thời gian rớt bên thềm
Chiếc lá bàng đỏ mặt giả vờ quên
Khi ta nói nhớ nhau lời rất thật”

(Trích “Ngày Của Tôi Về Em. Là Vậy…”)

Trong những đoạn thơ tình Nguyễn Đình Nguyên, ngoài câu “chiều hoàng phố bên nhau trong quán cóc,” với ba chữ “chiều hoàng phố” có phần tối nghĩa thì, tôi rất thích những so sánh, liên tưởng trong nhiều câu thơ còn lại của họ Nguyễn khá mới, lạ.

Như: “Nghe bước xuân nảy lộc giữa bàn tay,” “Nơi thượng nguồn ánh mắt…/ Là chấm đỏ buồm căng,” “Chiều bước khẽ nhịp hoàng lan rũ tóc…/ Chiếc lá bàng đỏ mặt giả vờ quên.”

Hay: “Nụ hôn đầu vẽ một lối đi chung.” Hoặc: “Đóng đinh lên kiếp trước” trong bài “Quay Lại, Cúi Nhặt Lấy Niềm Tin.”

Cũng thế, trong bài lục bát “Mẹ Ôi… Con Lạc Lõng Giữa Phố Xá Đông Người” có câu: “Tóc con bạc trắng nào hay/ Mẹ thì già lắm bàn tay khoai sùng” ví bàn tay của mẹ già như “khoai sùng,” Nguyễn Đình Nguyên không chỉ là nhà thơ đầu tiên cho người đọc hình ảnh dữ dội này mà, ở mặt ẩn ngữ, ông còn cho thấy bàn tay người mẹ bị hư, hoại vì một đời quên mình cho con.

Tôi trộm nghĩ, sẽ khó có một so sánh, liên tưởng nào khác, tiêu biểu hơn, đại diện hơn, cho sự hy sinh cao cả của tình mẫu tử, như câu thơ trên của Nguyễn.

Tôi chọn ra khỏi bài viết ngắn này, bằng câu thơ “Mẹ thì già lắm bàn tay khoai sùng” của Nguyễn Đình Nguyên, dù vẫn còn một số điều muốn nói… (Du Tử Lê)

Mời độc giả xem chương trình “Sức khỏe tâm lý của cha mẹ có ảnh hưởng gì trong việc nuôi dạy con?(Phần 2)(1/2)

MỚI CẬP NHẬT