Monday, March 18, 2024

Nhạc sĩ Ngọc Chánh, từ soạn sách nhạc tới phát hiện ca sĩ Minh Hiếu

Du Tử Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong sinh hoạt âm nhạc suốt 20 năm (1954-1975) tại miền Nam Việt Nam, rất nhiều người biết tên tuổi nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ông không chỉ là tác giả của hai trong số nhiều ca khúc nổi tiếng là “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” và “Bao Giờ Biết Tương Tư” (1); mà ông còn là người điều hành trung tâm sản xuất băng nhạc uy tín Shotguns nữa.

Nhưng, tôi nghĩ, nhiều người (ngay cả những nhân vật trong giới âm nhạc cùng một thời với nhạc sĩ Ngọc Chánh) cũng không hề biết rằng năm 1952, khi mới 15 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã soạn bộ sách “Tự Học Tây Ban Cầm,” bán cho ông Mỹ Tín, chủ tiệm đàn Mỹ Tín ở Sài Gòn, với giá 24,500 đồng.

Bản chất nhã nhặn, ân cần với tất cả mọi người, lại thêm tính khiêm cung, lần đầu tiên tác giả ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư” cho biết, ông yêu nhạc từ tấm bé. Khi mới lên 9, ông đã theo học guitar với một ông thầy người Phi Luật Tân. Cùng lúc ông cũng học thêm piano, từ chiếc đàn piano ở nhà người chị dâu của ông.

Sáu năm sau, cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh đã soạn bộ sách “Tự Học Tây Ban Cầm,” mang đến cho ông Mỹ Tín, đề nghị ông chủ tiệm đàn Mỹ Tín xuất bản thành sách (2).

Tôi nghĩ, nhiều phần ông Mỹ Tín bị ngỡ ngàng, không tin tưởng bao nhiêu về khả năng cũng như kiến thức chuyên môn của cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh kia… Nhưng là người quý trọng tài năng của bất cứ ai, nhất là những người trẻ, nên ông Mỹ Tín trả lời cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh rằng, cho ông hai ngày để đọc trước khi quyết định có nhận xuất bản hay không.

Tác giả ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” (sau này), thú nhận, trong hai ngày chờ đợi đó, ông rơi vào tình trạng thấp thỏm, hồi hộp cực kỳ: Không biết ông Mỹ Tín đánh giá tác phẩm của mình ra sao, thế nào?

Đúng hai ngày sau, trở lại gặp ông Mỹ Tín, cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh đã không thể hân hoan, mừng rỡ hơn, khi được ông Mỹ Tín cho hay nhận xuất bản tác phẩm âm nhạc đầu tay này. Ông Mỹ Tín cũng cho biết sẽ chia cuốn sách của Nguyễn Ngọc Chánh thành hai phần. Phần một: Hướng dẫn cách chơi Tây Ban Cầm. Phần hai: Các hợp âm của Tây Ban Cầm…

Khi được hỏi tiền bản quyền của cuốn sách là bao nhiêu, thì cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh nói, cậu muốn bán với giá 24,500 đồng.

Ông Mỹ Tín đồng ý, không trả giá, không kỳ kèo thêm bớt gì hết. Khi đó, ông Mỹ Tín chỉ nói, ông không đủ tiền mặt để trả một lần cho tác giả. Nếu bằng lòng, ông sẽ trả làm nhiều kỳ.

Cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh kể, mặc dù tiệm đàn Mỹ Tín nổi tiếng là tiệm chuyên sản xuất đàn Tây Ban Cầm; nhưng ông cũng thấy trong tiệm có trưng một số đàn piano cũ – mà piano vốn là mơ ước thầm kín từ nhiều năm tháng trước của Nguyễn Ngọc Chánh. Cậu bèn đề nghị với ông Mỹ Tín cho cậu được mua một chiếc đàn piano cũ, bằng vào tiền bản quyền của cuốn sách nhạc.

Cuộc “thương lượng” kết thúc một cách chóng vánh với giá 22,000 đồng cho cây đàn piano mà cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh chọn được. Phần còn lại 2,500 đồng ông Mỹ Tín trả ngay cho cậu.

Ca sĩ Minh Hiếu. (Hình: wikimedia.org)

Cậu bé Nguyễn Ngọc Chánh kể, cậu đã trích ngay một khoản trong số tiền này, biếu mẹ cậu. Phần còn lại đãi bạn, ăn mừng bán được sách.

Nhưng “vấn nạn” lớn nhất của tác giả bộ sách “Tự Học Tây Ban Cầm” sau đó là khi đã có piano rồi, cậu lại không biết tìm đâu ra tiền để đóng tiền học dương cầm?

Nhạc sĩ nói, thời đó, Sài Gòn chưa có trường Quốc Gia Âm Nhạc. Lớp dạy piano tư cũng rất hiếm…

“Tôi biết mình là con nhà nghèo, mẹ tôi sẽ không thể đài thọ tiền học đàn cho tôi. Nên tôi phải nói dối mẹ tôi rằng, tôi muốn đi học thêm Anh Văn. Nghe tôi nói muốn đi học tiếng Anh, mẹ tôi thích lắm, cho rằng con mình hiếu học, nên đã đồng ý cho tôi tiền để đi học thêm…,” nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh, trong một buổi sáng ở cà phê Tài Bửu, đường Westminster, thuật lại.

Ông nói, với số tiền mẹ cho, ông ghi tên học piano với thầy Dung – thầy Nguyễn Văn Dung – ở Sài Gòn.

Bốn năm sau, năm 19 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh bị gọi động viên Thủ Đức, cùng một lượt với người bạn thân của ông thời đó, tên là Cổ Tấn Tinh Châu (3).

Nhưng, có dễ số của tác giả “Bao Giờ Biết Tương Tư” không thuận hợp với đời binh nghiệp, cho nên, một ngày trước khi phải nhập ngũ, thì ông được Bộ Công Dân Vụ (thời ông Kiều Công Cung) tuyển dụng vào Ban Văn Nghệ của bộ này. Vì vậy, ông được hoãn dịch.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh nhớ lại, thời gian phục vụ trong Ban Văn Nghệ của Bộ Công Dân Vụ, ông đã gặp một vài người bạn đặc biệt, như ông Nguyễn Văn Cảnh, trong Ban Kịch. Ông Cảnh sau này là chủ tiệm phở Nguyễn Huệ nổi tiếng, ở Orange County, và kịch sĩ Thanh Việt, trước khi nổi tiếng là hề Thanh Việt.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhạc sĩ Ngọc Chánh khi còn là thành viên của Ban Văn Nghệ Công Dân Vụ, là một trong những chuyến lưu diễn tới Ban Mê Thuột của ông, đã  rơi đúng vào ngày cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt… Sự kiện ấy, là một ấn tượng quá dữ dội, khiến ông không thể quên!

Rời Ban Văn Nghệ Công Dân Vụ sau ít tháng phục vụ, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận làm trưởng ban nhạc cho phòng trà ca nhạc Hồ Tắm Cộng Hòa, ở đường Lê Văn Duyệt cũ. Tại đây, do sự giới thiệu, gửi gấm của một người bạn tên Tư, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhận lời tuyển dụng một thiếu nữ tham gia ban nhạc của ông. Đó là ca sĩ Minh Hiếu. Thời gian đó, gia đình ca sĩ Minh Hiếu còn ở Bình Long. Cô lên Sài Gòn, ở nhà người quen để học may…

Có hai mẩu chuyện mà nhạc sĩ Ngọc Chánh vẫn nhớ mãi, đó là khi ông Hoành (chủ phòng trà ca nhạc Hồ Tắm Cộng Hòa), được thông báo nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tuyển thêm một nữ ca sĩ mới… Thay vì phải hỏi người đó hát được không? Thì, vì là người Tàu, nên ông Hoành chỉ hỏi: “Nó có đẹp không?” Câu trả lời của nhạc sĩ, đương nhiên là… “đẹp lắm.”

Và mẩu chuyện thứ hai: Khi nhạc sĩ Ngọc Chánh đưa cho ca sĩ Minh Hiếu danh sách các ca khúc mà ban nhạc của ông thường trình diễn hàng đêm, thì Minh Hiếu cho biết, cô chỉ biết hát có hai ca khúc: Bài “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh, và “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long.

“Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, Minh Hiếu đã thuộc thêm rất nhiều ca khúc mới và nổi tiếng ngay chỉ trong vòng nửa năm thôi,” nhạc sĩ Ngọc Chánh nhấn mạnh.

Một sự kiện cũng đáng ghi nhận nữa vẫn theo tác giả ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” là: “Ở hải ngoại, trong một dịp gặp lại nữ ca sĩ Thanh Lan (dân trong nghề, gọi là Thanh Lan/Cao Xuân Vỹ) đã rất chân thật khi kể lại rằng, thời còn cộng tác với phòng trà Hồ Tắm Cộng Hòa, cô rất ghét nhạc sĩ Ngọc Chánh. Cô thú thật rằng, cô đã mách ông Hoành về việc nhạc sĩ Ngọc Chánh cho ‘con nhỏ’ Minh Hiếu hát một số ca khúc trước đó, vẫn được coi là của riêng Thanh Lan/Cao Xuân Vỹ” (4). (Du Tử Lê)


Chú thích:

(1) Cả hai ca khúc này đều có sự tiếp tay, đóng góp vào phần ca từ của cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013). Riêng ca khúc “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” vốn là nhạc phim của bộ phim cùng tên, dựa theo truyện dài của cố nhà văn Duyên Anh (1935-1997). Phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Hãng Mỹ Vân Phim sản xuất. Chính đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã tìm đến nhạc sĩ Ngọc Chánh để nhờ ông soạn một ca khúc riêng cho cuốn phim ấy.

(2) Đó là năm 1952.

(3) Cựu Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Cổ Tấn Tinh Châu thời trẻ nổi tiếng với ngón đàn guitar classic. Và nhạc sĩ Ngọc Chánh từng có thời gian học thêm Tây Ban Cầm cổ điển, từ người bạn này, của ông.

(4) Khoảng đầu thập niên 1970, trong sinh hoạt tân nhạc miền Nam, xuất hiện thêm một ca sĩ cũng có tên là Thanh Lan. Để phân biệt, dân trong nghề gọi Thanh Lan nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 1960 là “Thanh Lan/Cao Xuân Vỹ” – vì phu quân của ca sĩ Thanh Lan này là một nhân vật được rất nhiều người biết tới, ông là tổng giám đốc Thanh Niên Đệ Nhất Cộng Hòa. Ở hải ngoại giữa thập niên 1980, ca sĩ Thanh Lan/Cao Xuân Vỹ lại nổi tiếng một lần nữa với trung tâm sản xuất băng nhạc Thanh Lan…

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT