Friday, May 17, 2024

Nhóm và các báo văn nghệ 54-75

Với hai biến cố thời thế do con người tạo ra, văn học nghệ thuật miền Nam đã được tự nhiên định hình, sự phân chia thời kỳ thật rõ rệt.

Hai biến cố đó là hiệp định “vãn hồi hòa bình” tại Đông Dương Genève Tháng Bảy, 1954, và hiệp định ngưng bắn ký kết tại Paris Tháng Giêng, 1975, đưa tới sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa ba tháng sau đó.

Nạn nhân chính của thời điểm đầu là gần một triệu người miền Bắc bỏ quê mẹ lưu vong – rõ nhất là từ giữa châu thổ sông Hồng và sông Mã, với con cháu họ và cả họ nữa, rồi họ lại ra đi lần nữa vào thời điểm hai mươi năm sau, 1975.

Xin không nói đến toàn cảnh, mà chỉ trong phạm vi sách báo; hãy kiểm điểm những nhóm nhà văn nhà báo và các tác giả xuất hiện trong khoảng 20 năm giữa hai hiệp định trên.

Bài này điểm qua những tạp chí và một vài cây bút chủ trương điển hình, sống và viết trong hai thời điểm đó; trên một vài nhóm mà người viết bài này có tham dự, có viết bài, và có tiếp xúc, hoặc với nguời chủ trương của nhóm, hoặc với những thanh viên.

1-Nhóm Sáng Tạo, tạp chí Sáng Tạo.

2-Nhóm Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ.

3-Nhóm Hiện Đại, tạp chí Hiện Đại.

4-Những cây bút biệt lập và báo đoàn thể.

Bài này bắt đầu mục tạp chí trước. Những cây bút biệt lập và những tờ báo đoàn thể, giai đoạn…, có nghĩa là chỉ hiện diện vài tháng, nửa năm. Đó là những tờ báo có hình thức kiểu đặc san, số 1 thật mỏng, bài vở và hình thức nhiều khi không xứng hợp với nhau, có khi ngoài bìa có tên tác giả mà bên trong không thấy bài đâu, nhất là những cái bìa có màu xanh đỏ.

Chuyện giản dị là kỹ thuật ấn loát quá sơ khai, để in lên báo một tấm hình chụp, Sài Gòn lúc đó chỉ có hình như hai xưởng làm bản kẽm, Cliché Dàu và Chíché Mẫn. Tấm hình chụp rồi còn in ra giấy (rửa ảnh), sau khi qua tòa soạn chọn lựa còn phải mang đi làm bản kẽm (miếng thiếc đóng trên miếng gỗ), khi mang được về tòa báo còn phải sắp xếp thành trang cho bìa và nội dung cùng cỡ, để có một trang chữ in, phải mất vài giờ sau khi có hình có chữ. Vì thế có khi một tờ đặc san 48 trang phải mất một tuần mới xong (so với bây giờ khi bài này được viết ra, người ta chỉ mất vài tiếng đồng hồ là nhiều).

Bìa tạp chí Sáng Tạo số 1, ra vào Tháng Mười, 1956, Sài Gòn. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Khi tờ Sáng Tạo của Mai Thảo xuất bản số 1, Tháng Mười, 1956, bìa in đen vàng, không có cái hình nào. May thay tờ báo trình bày rất chỉnh, có thể nói là đạt mức sáng sủa, có nghề. Không ai nghĩ nhà văn Mai Thảo tự trình bày tờ báo của mình, nhưng sau này chính Mai Thảo nói với tôi: “Tôi trình bày lấy hết.” Nếu có ai nghi ngờ là vì trong tờ tạp chí đó có in tên tới mấy họa sĩ cộng tác, Thái Tuấn, Duy Thanh. Tôi tin Mai Thảo nói thật vì muốn nhờ họa sĩ trình bày bìa báo, chủ báo phải trả thù lao cho chuyên viên, chuyện không thể có trong trường hợp Sáng Tạo.

Về phần bài vở, mặc dù Sáng Tạo có nhiều tác giả mới, song người mua báo có thể vững tâm khi thấy ngoài bìa về biên khảo, luận thuyết có những giáo sư đại học Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Đình Hòa, hay lúc ấy, có các ông thầy khác như Nguyễn Sỹ Tế, Lữ Hồ, Doãn Quốc Sỹ hay chậm hơn, Vũ Khắc Khoan. Lấy được bài Vũ Khắc Khoan rất khó, vì khi ra báo riêng của mình, báo tôi có bài Vũ Khắc Khoan, có người bạn tờ báo đàn anh đã hỏi tôi: “Cậu tài thật, làm sao lấy đuợc bài ông Thần Tháp Rùa?”

Họ không biết hồi di cư 1954, khi Chu Văn An phải ở đậu tại khu Ngã Sáu Sài Gòn, Trưng Vương ở đậu tại Nhà Kiếng Lê Văn Duyệt, tôi tuy không học Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế, nhưng học ông Khoan ông Lữ Hồ từ hồi đệ tam lúc 1955. Từ 1955-1956 tôi được trao chân thông tín viên lao động nhật báo Ngôn Luận nhờ trước đó và song song, đã có truyện ngắn và thơ đăng trên các tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Bônácg Lúa…

Viết về tờ Sáng Tạo trước hết phải nói về người chủ trương tờ báo, và ít nhất vài nét về trụ sở tờ báo. Sáng Tạo lúc đầu chỉ đề tên Mai Thảo là người “chủ trương biên tập,” trụ sở 133B Ký Con, Sài Gòn. Có một hôm chính Mai Thảo nói với tôi anh tránh đề chủ nhiệm kiêm chủ bút như thường thấy vì muốn những người cộng tác nhận ra anh coi mọi người cộng tác là những người cùng hàng lớp, tờ báo không có ông chủ. Sự thể như thế nào là do nhận xét của mỗi trường hợp, riêng với bài này, Mai Thảo đã nói với tôi như thế.

Còn nhớ lần đầu tôi tới gặp Mai Thảo là khoảng 6 giờ sáng một hôm Thứ Hai, tôi tin vào giờ đó chắc chắn anh còn ngủ, vì anh ngủ ngay ở phòng trong, phòng ngoài số 133B Ký Con là tòa soạn Sáng Tạo. Tôi gọi không ai trả lời, dù phòng trong có ánh đèn. Tôi rung cửa đâu mới lần thứ hai, mạnh hơn, thì không phải Mai Thảo lên tiếng, mà tiếng của người Tàu bán quán cà phê từ bên kia đường.

Ký Con là một con phố nhỏ từ phía Ông Lãnh đâm vào Đại Lộ Trần Hưng Đạo, hai lề đường chỉ cách nhau khoảng ba chục thước: “Ổng ở trỏng, đèn sáng mà.”

Chắc Mai Thảo cũng nghe tiếng khá rõ của anh chàng Tàu quán cà phê xế cửa.

Tôi nghe tiếng dép trên nền đá hoa lẹp xẹp và tiếng người làu nhàu nho nhỏ tiến ra: “Đi đâu mà sớm thế.”

Tôi thấy Mai Thảo vài lần đâu đó nơi quán xá, đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

Thực tế nhiều lần thấy nhau ở đâu đó, song tôi không có dịp nói chuyện với anh, có thể đã thấy anh hay các nhà văn khác nơi Đàm Trường Viễn Kiến của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh trên đường Hai Mươi, song nói chuyện thì chưa. (Viên Linh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT