Thursday, April 25, 2024

Phản ứng của Bùi Giáng trước dư luận vùi dập bộ sách ‘Tư Tưởng Hiện Đại’

Du Tử Lê/Người Việt

Ngay ở phần đầu của bài trả lời Giáo Sư Trần Thái Đỉnh, nhà thơ Bùi Giáng đã có những câu hỏi mỉa mai.

“Triết học thực sự nó ra như thế nào? Những thể hiện của ông chưa đáng gọi…? “

“Muốn đáng gọi và đáng kể thì phải làm sao? Phải viết theo lối viết ‘Heidegger và thi ca?’ Phải đăng ở phần đầu tờ Đại Học? Phải nấp sau lời tòa soạn để công kích những kẻ nào là ‘Thiên hạ đã viết nhiều – bằng tiếng Việt – về Heidegger?’”

Sau đấy, tác giả bộ sách “Tư Tưởng Hiện Đại” đặt vấn đề “nguyên cớ” khiến người chê bai ông, qua bài viết về cái gọi là tư tưởng triết học Heidegger của ông:

“Từ đó về sau trái đất đã âm u, và trên mặt đất chỉ còn có những “les derniers hommes quicligment de l’oeil.” Nhà tư tưởng viết sách, lắm khi đứng trước sự đời đảo điên, đã đành lòng thốt lời chua chát.

‘Chém cha cái số ba đào
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa’

Nhưng không phải vì vậy mà hạng người “les derniers hommes” được phép tự cho mình là tài.

‘Nọ nghe rằng có con nào ở đây
Hãy xem có biết mặt này là ai’

Sự việc đã sờ sờ ra đó. Sự thật quá rõ. Nhân tình đã biết rồi ra sao! Ai đã gây nên tội lỗi?”

(…)

Họ Bùi kết luận: “Nguyên cớ chỉ như vậy. Không viết nổi một quyển sách. Chỉ lo cản đường. Làm bóng ma dọa dẫm. Xuyên tạc mãi một tiếng ‘Hiện hữu,’ ‘Hữu thể,’ nhắc đi nhắc lại mãi một điều vô ý thức, và đăm đắm việc lũng đoạn tư tưởng. Do đó, tiếng nói lộn phèo.”

Vừa ỡm ờ bảo: “Những thể hiện trước đây của ông (Bùi Giáng) chưa đáng kể chi và chưa đáng gọi là một triết học thật sự…”

Và Giáo Sư Trần Thái Đỉnh viết tiếp: “…Sở dĩ ông nghĩ thế vì ông (Bùi Giáng) cho rằng tự khi có triết học đến nay, các triết gia vẫn chỉ mới nhận ra những hữu thể (les étants) mà thôi, chưa vị nào đắm nhìn thấu vào bản chất (daswesen, l’être) của những hữu thể đó.”

Bùi Giáng gay gắt hỏi lại: “Tại sao có sự ăn nói như trẻ con vậy? Lý luận gì vu vơ như ngáy ngủ vậy? Vừa mưu toan cản lối kẻ tài giỏi hơn mình (mặc dù chỉ quen đọc nhãn hiệu và quen viết quảng cáo) vừa lo sợ bốn phía chị em cười mình hàm hồ xuyên tạc! Phải chăng đó là nguyên cớ xui giáo sư viết văn bất thành chương cú?” (Trích “Bùi Giáng – Sao gọi là không có triết học Heidegger” trang 7 và 8).

Tác giả “Mưa Nguồn” tiếp tục mỉa mai họ Trần bằng chính những gì họ Trần đã tròng vào cổ ông: “…Trần Thái Đỉnh không phải là kẻ chuyên nghề quảng cáo, Trần Thái Đỉnh biết nội dung hơn là nhãn hiệu, Trần Thái Đỉnh nhiều thận trọng trong cuộc xuyên tạc ra sao? Hãy xem ông nói về Heidegger và tác phẩm Kant et Le problème de la métaphysique:

“Trong cuốn Kant và vấn đề Siêu Hình Học, Heidegger đã trách Kant nặng lời, rằng ‘Kant đã lùi bước trước cái nền tảng mà ông đã xây được với cuốn Phê bình Lý trí Thuần túy của ông.’” (Bùi Giáng, trích bài Trần Thái Đỉnh ở tạp chí Đại Học Huế, trang 298).

Họ Bùi nhấn mạnh: “Trần Thái Đỉnh vớ vào một câu trong sách Heidegger và lôi nó ra khỏi mạch nguồn tư tưởng, dịch lệch đi một chút ngắt trên, bớt dưới, để bảo Heidegger đã trách Kant nặng lời.”

“Thật ra chưa có một nhà tư tưởng nào như Heidegger đã mở rộng viễn tượng suy tư của Kant. Chưa bao giờ có kẻ đã phơi rộng phần vô ngôn của Kant như Heidegger. Heidegger trách nặng lời là trách triết gia Âu Châu đã bỏ lạc “MỘT KẾT QUẢ CÓ TÍNH CÁCH QUYẾT ĐỊNH” – un résultat décisil – của Kant trong công việc thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học kể từ Platon tới nay. Heidegger đã dành cho Kant một chỗ ngồi hầu như độc tôn trong lịch sử triết học: thiết lập được, kết se được Mối Liên Hệ – La connexion – giữa bản thể và bản thể của căn sơ Siêu Hình Học.”

(…)

“Hãy nghe Heidegger nói:

Mais le Véritable Résultat de l’instauration Kantienne n’était pas d’avoir établi la connexion de la question concernant l’essence de l’homme avec celle du fondement de la métaphysique?

Cette connexion ne doit-elle pas lournir le fil directeur de la répétition de l’instauration?

(…)

La critique de l’idée d’une anthropologie philosophique montre cependant qu’il ne suffit pas simplement de poser la question de l’essence de l’homme; au contaire, son imprécision même nous indique que finalement nous ne sommes pas encore entrés, même maintenant, en possession du résultat décisil de l’instauration Kantienne du fondement.” (Kant el le problème de la Métaphysique – page 2710)

“Thật là quá rõ.” (Trích Bùi Giáng: “Sao gọi là không có triết học Heidegger” trang 9-10).

Và một đoạn cuối trong tập sách trả lời Giáo Sư Đỉnh của nhà thơ Bùi Giáng:

“Trần Thái Đỉnh không nắm được chỗ cốt yếu nọ trong suy tư. Những tiếng: thực rõ ràng, triết lý không thể là thi ca và thi ca chưa phải là triết lý… thi ca chưa bộc lộ… mối tiếp thông… ý thức phản tỉnh… cái nền chưa phản tỉnh… (Đại Học – trang 297) – Những lời lủng củng, va chạm kia bởi đâu mà có? Trần Thái Đỉnh yên trí rằng: không kẻ nào nhận thấy ông đã mập mờ đem tư tưởng Socrate ra, cho len lấn vào lời Heidegger? Để làm chi vậy? Thiên hạ ngờ nghệch cả sao?

Nhưng tư tưởng Socrate có chứa một phần Vô Ngôn của Platon. Ông nên khám phá sự vụ này trước khi ‘tiếp tục luận điệu kia.’” (Trích Bùi Giáng: “Sao gọi là không có triết học Heidegger” trang 38).

Sau cuốn “Sao gọi là không có triết học Heidegger?” Bùi Giáng còn cho in tiếp cuốn “Trả lời chung nhân một tiếng Dasein.”

Khi bộ sách “Tư tưởng hiện đại” của Bùi Giáng ra đời, có rất nhiều nguồn dư luận khen, chê, xuyên tạc, đả kích.

Hồi đó, họ Bùi kể, nhật báo Tự Do, trong một bài phê bình mà ông không nhớ tên tác giả, đã dùng những lời chê bai thật tồi tệ dành cho ông. Nhưng khi ông lên tiếng, thì báo này chẳng những không đăng bài phản bác mà còn trả lời một… độc giả nào đó rằng: “Với một người như Bùi Giáng phải dùng những tiếng đó mới xứng.”

Dù vậy, trước những chuyện ấy, họ Bùi nói, ông không quan tâm lắm. Ngay cả trường hợp Trần Thái Đỉnh, ông bảo: “Tuy thế, hắn còn biết điều là im luôn và điểm đáng khen là dám đăng lên báo. Nhưng cái bọn nguy hiểm hơn cả vẫn là bọn trí thức dùng cái uy tín của mình, hướng dẫn đám hậu sinh vào con đường vong bản, lầm lạc bằng giọng ‘trịnh trọng, uyên thâm, lấp lửng.’”

Một số người theo dõi sinh hoạt viết sách của Bùi Giáng, đã ngạc nhiên thấy ông in nhiều sách! Nhưng không mấy ai thấu rõ cảnh đau lòng, chua xót của họ Bùi: Vì mỗi khi in một cuốn sách là một lần ông phải bán ruộng đất hương hỏa của song thân để lại, và đã từ lâu, ông không còn một mảnh đất cắm dù tại nơi ông sinh trưởng nữa.

Những người thành khẩn, thiết tha với nền văn học nước nhà như Bùi Giáng không có bao người! Ngoài khía cạnh đam mê, nhiệt thành, ông Bùi còn là một người có sức chịu đựng bền bỉ hiếm có. Ông có thể nhịn ăn một tuần liền để đọc sách hay viết sách. Nhờ có căn bản ngoại như Anh, Pháp và Đức, lại thông minh và có một trí nhớ lạ lùng – chỉ nhớ những gì cần nhớ – còn quên hết, luôn cả ngày sinh tháng đẻ; do đấy, ông sở hữu một mức độ hiểu biết rất sâu rộng…

Có không ít người gọi ông là “mọt sách.” Nhưng nói thế là không biết gì về Bùi Giáng: Ông là người đọc biết tiêu hóa, lọc lựa những gì hấp thụ được. Bằng chứng cụ thể là bộ sách “Tư Tưởng Hiện Đại” (ba quyển).

***

Khi nói chuyện về lãnh vực vẽ tranh, ông kể, ông từng có ý định tổ chức một kỳ triển lãm từ lâu. Nhưng sau khi nhờ bạn xin phép giùm không được, ông chán nản không thiết vẽ nữa. Gần đây, ông định đốt bỏ tất cả số tranh hiện có (khoảng trên dưới 100 bức).

Ông nói: “Tôi không muốn triển lãm nữa anh à! Tôi sẽ đốt hết. Tôi vẽ lúc tôi thích, lúc chán thì thôi! Đốt đi chứ để làm gì! Đời này có ai hiểu mình đâu anh!”

Với một mẫu người đặc biệt, khác thường như họ Bùi, tôi nghĩ, dẫu có viết hàng trăm trang sách ấy về ông, e vẫn chưa đủ!

Nên chi tôi xin được tạm ngừng tại ở về khuôn mặt đời thường Bùi Giáng; để mời độc giả bước qua phần thứ hai. Phần tôi ghi lại những cảm nghĩ của riêng tôi, về tiếng thơ của một người được thời đại mệnh danh là “cuồng sĩ?” Hay gã “chăn trâu trên đồng cỏ Việt Nam?” Như thỉnh thoảng ông vẫn tự nhận bằng giọng bỡn cợt, khinh bạc cố hữu của mình. (Du Tử Lê)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT