Friday, May 17, 2024

Ra mắt sách ‘Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại’ tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” do Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam ấn hành vừa được giới thiệu ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuốn sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải ngoại” góp phần giữ gìn, phát huy và giúp đỡ thế hệ sau tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam một cách trung thực, về văn hóa và ngôn ngữ Việt. Nội dung cuốn sách qua ba phần với chín chương, gồm 449 trang in ấn công phu bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh, gồm nhiều tài liệu và hình ảnh lịch sử.

Trong sách nói rõ về lý do sự có mặt của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới và sự thành đạt của người Việt tị nạn hải ngoại, đồng thời nêu lên những tấm gương sáng tiêu biểu đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Cô Luyện Thụy Vy, trưởng ban tổ chức buổi ra mắt sách hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Chín, chia sẻ: “Cuốn sách ‘Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại’ là một nỗ lực không ngừng của các tác giả, các thành viên, các nhà nghiên cứu, cũng như các dịch giả, trên 20 vị ở xa cũng như gần đã bỏ biết bao công sức trên hai năm trời. Hy vọng đây là bước đầu của những cuốn sách trong tương lai, vì chúng ta đã có Đạo Luật AB167 của Hạ Viện, dự tính đem kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt, người Cambodia, và người H’Mong, để đem lịch sử vào học trình chính của trường học.”

“Con em chúng ta và cả người ngoại quốc sẽ tiếp tục tìm hiểu, để biết được lý do vì sao dân Việt Nam phải tị nạn, và những sự thành công, cùng những phát triển của chúng ta tại hải ngoại. Đó cũng chính là những ao ước và mục đích của Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam,” cô nhấn mạnh.

Sử gia Phạm Trần Anh, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam, phát biểu trong buổi ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tất cả thành viên của Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam, gồm Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Đồng Điều Hành và các Ban Chuyên Trách, được giới thiệu trên sân khấu, đều là những nhân tố đầy nhiệt huyết để có thể hình thành được những công trình văn hóa có thể để lại cho các thế hệ sau.

Quyển sách “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải ngoại” được chia làm chín chương:

Chương 1 – Pháp đánh chiếm Việt Nam.

Chương 2 – Sự chấm dứt chế độ quân chủ tại Việt Nam.

Chương 3 – Hiệp định Geneve và cuộc di cư 1954.

Chương 4 – Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975).

Chương 5 – Từ Hiệp Định Paris đến Ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Chương 6 – Đóng góp của người Việt tị nạn trên thế giới.

Chương 7 – Những lý do rời xa đất nước của người Việt tị nạn.

Chương 8 – Hội nhập và phát triển.

Chương 9 – Phát huy văn hóa Việt và thành tựu trên thế giới.

Giáo Sư Lê Ngọc Loan (thứ hai từ trái) và Bác Sĩ Nguyễn Song Anh Tú (bìa trái) nhận kỷ niệm chương tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Song Thuận. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sử gia Phạm Trần Anh, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam, phát biểu: “…Khi bước vào thư viện các trường đại học, thấy sách sử viết một chiều của Cộng Sản bằng tiếng Anh, mà con em chúng ta thì không rành tiếng Việt, nên vô tình bị tiêm nhiễm luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản. Chính vì vậy, các Trung Tâm Việt Ngữ ở khắp các nơi được thành lập để dạy tiếng Việt, dạy lịch sử và văn hóa Việt Nam cho các học sinh theo học vào mỗi cuối tuần.”

“Mục đích của Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam là góp phần làm sáng tỏ lịch sử nước nhà một cách khách quan trung thực, cho các thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, kể cả các học giả ngoại quốc, hiểu rõ lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phản bác những sai lầm hay cố ý xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam, phát sinh từ ý thức hệ hay bất cứ từ đâu tới,” ông tiếp.

“Để lưu lại di sản lịch sử của những câu chuyện từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu chuyện của các Chiến Sĩ Quân Lực VNCH và người Việt tị nạn phải hy sinh, chịu đựng những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được vì tự do, sẽ được tất cả học sinh toàn tiểu bang California học hỏi. Các em có bổn phận phải hội nhập đóng góp vào quốc gia sở tại là quê hương thứ hai đang sinh sống. Mặt khác, các em phải nhớ tới Quê Mẹ Việt Nam yêu dấu nên cố gắng thành đạt để mai sau đem tài năng về xây dựng lại đất nước, một khi quê hương thực sự được xây dựng trên nền tảng dân tộc, khoa học, nhân bản, và khai phóng,” ông nhắn nhủ đến giới trẻ.

Nhóm Sóng Xanh trong nhạc cảnh “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giây phút xúc động nhất là khi ban tổ chức buổi ra mắt sách kính mời Giáo Sư Lê Ngọc Loan, phu nhân cố Giáo Sư Nguyễn Song Thuận, lên sân khấu để trao kỷ niệm chương tưởng nhớ đến ông, người có công lớn trong các công cuộc phục hưng văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, và cũng là chủ tịch sáng lập Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam.

Giáo Sư Phạm Thị Huê, được mời phát biểu, cho hay: “…Ở chương 6, lý do thứ nhất vì sao chúng ta phải bỏ quê hương ra đi, đã tóm tắt những lý do chính đáng cho sự hiện diện của người Việt tị nạn trên mọi nẻo đường ở mọi quốc gia trên thế giới, và cha mẹ phải chia sẻ những câu chuyện vượt biên cho con cái mình biết.”

Đến chương 8 và 9, bà cũng cho thấy sự phát triển và đóng góp của người Việt tị nạn và cộng đồng Việt Nam hải ngoại, với sự cần thiết của các hội đoàn, đoàn thể các hội ái hữu tại hải ngoại rất hữu ích.

Giáo Sư Phạm Thị Huê phát biểu, trong buổi ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà cũng nhắc đến lý do khi người Việt chưa có một thể thức chính trị thì ít nhất những hội đoàn hay tất cả các hội ái hữu đã cho chúng ta một cơ hội hợp quần để gây sức mạnh. Và yếu tố tâm lý xã hội là để giữ gìn nòi giống, gặp gỡ để kết bạn và tiến tới hôn nhân đồng chủng, khi trước 1975, tại Mỹ qua những dịp hội hè, sinh viên Việt Nam có dịp gặp gỡ và tiến tới hôn nhân. Chắc chắn là văn hóa, xã hội, gìn giữ ngôn ngữ và các tập tục văn hóa là lý do tại sao tất cả các trường Việt Ngữ và các hội ái hữu vẫn tiếp tục tồn tại.

Bà kết luận: “Chúng ta ra đi đã mất hết chỉ còn lại hai bàn tay trắng, nhưng có vinh hạnh rất quý giá vì chúng ta còn căn tính của người tị nạn. Cần phải ý thức về sự tồn tại của căn tính này, giúp chúng ta nối liền được tiếng nói lịch sử cận đại của Việt Nam với cộng đồng Việt Nam tị nạn hải ngoại.”

“Các em sẽ có dịp học hai ngôn ngữ Việt-Anh và sẽ là người giữ gìn những điều trung thực mà lịch sử Việt Nam đã trải qua, với ID căn tính của người Việt tị nạn phải được bảo tồn. Mỗi người tị nạn Việt Nam phải ý thức được cái vinh hạnh của căn tính này, đã đưa tới những hành động cần thiết để thực hiện bộ sách ‘Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại’ mà hôm nay chúng ta được đón tiếp,” Giáo Sư Huê chia sẻ.

Nhạc cảnh “Việt Nam Ơi, Việt Nam Ơi” do các em thiếu nhi và ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, cho hay: “Chúng ta cần nỗ lực và lớn mạnh hơn nữa để chuẩn bị những văn kiện, tài liệu, sẵn sàng để các thầy cô nghiên cứu và biên soạn giúp các học sinh có thể tiếp thu và học hỏi. Cái khó của cộng đồng Việt Nam hiện nay là có đủ khả năng viết nên những dòng lịch sử chân thật và chính xác để đối chọi lại những khuynh hướng lịch sử của phía bên kia, từ đó hy vọng sẽ được các thành phần học vấn tiếp nhận.”

“Quyển sách này là một bước đầu rất tốt, cộng đồng Việt Nam khắp nơi nên hỗ trợ những dự án này, để có nhiều sách và tài liệu được phổ biến nhiều hơn nữa. Làm sao để đưa được chương trình giảng dạy lịch sử Việt Nam trung thực vào những giáo trình khuôn mẫu (Model Curriculum) giảng dạy ở các trường lớp rộng rãi trên khắp tiểu bang. Làm sao học sinh thích thú rủ nhau đi học về lịch sử người Mỹ gốc Việt, lúc đó mới thành công,” ông tiếp.

Bác Sĩ Lê Đình Phước, cựu giáo sư Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Đà Lạt trước 1975, giáo sư Đại Học USC, chia sẻ: “Cuốn sách này cho tới hôm nay ra mắt cộng đồng có thể là hơi muộn, nhưng tôi vẫn mừng vì có còn hơn không. Tôi rất thông cảm vì một công trình như thế này cần có một lực lượng nhân sự có tâm huyết và tài trí, tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, sàng lọc kỹ càng. Cần thiết nhất là phải nói lên đúng sự thật lịch sử, vì chúng ta là những nhân chứng sống từng trải qua những kinh nghiệm đau thương trước và sau 1975.”

Cô Luyện Thụy Vy (thứ sáu từ trái), thành viên Hội Đồng Quản Trị, giới thiệu Hội Đồng Điều Hành của Viện Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hóa Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Các bậc phụ huynh cũng cần thiết phải nhắc nhở con em mình phải biết nguồn cội, uống nước nhớ nguồn. Phải giúp con em mình hiểu rõ vấn đề người Việt tị nạn, vì sao người Việt mà không sống ở nước mình, mà phải chạy qua nước Mỹ hay các nước khác để sinh sống. Đó là then chốt của vấn đề người Việt tị nạn mà các thế hệ trẻ gốc Việt cần phải biết, vì các em sinh ra ở Mỹ, là người Mỹ nhưng gốc gác vẫn là người Việt Nam,” ông kết luận.

Trong buổi ra mắt sách, giới trẻ Việt đóng góp những tiết mục văn nghệ xuất sắc qua Nhóm Sóng Xanh, gồm các thành viên trẻ đã tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, cùng các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, ca sĩ trẻ Hugo, cho thấy một sinh khí mới trong thời đại chuyển mình vươn lên của người tị nạn gốc Việt. (Văn Lan) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT