Friday, May 17, 2024

Ra mắt sách ‘Tuốt Kiếm Phương Xa’ và ‘Bóng Mây Tình Yêu’ tại Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Hai tác phẩm “Tuốt Kiếm Phương Xa – Những Giấc Mơ Tan Vỡ của Miền Nam Việt Nam” của tác giả George J. Veith, và “Bóng Mây Tình Yêu” tác giả Kim Vui, đều do dịch giả Phan Lê Dũng chuyển ngữ, được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành, vừa ra mắt công chúng vào chiều Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai, tại khách sạn Ramada Plaza, Garden Grove.

Từ trái, dịch giả Phan Lê Dũng, tác giả George J. Veith của sách “Tuốt Kiếm Phương Xa,” và tác giả Kim Vui của sách “Bóng Mây Tình Yêu.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhóm chủ trương buổi ra mắt sách gồm cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã; VATV gồm Võ Thành Nhân và Nguyễn Minh Thúy; Tủ Sách Tiếng Quê Hương gồm các nhà văn Uyên Thao, nhà văn Đào Trường Phúc, nhà văn Trịnh Bình An, và dịch giả Phan Lê Dũng.

Cuốn sách “Tuốt Kiếm Phương Xa” được dịch giả Phan Lê Dũng chuyển ngữ từ cuốn sách “Drawn Swords in a Distant Land” của tác giả George J. Veith. Ông Veith từng là cựu quân nhân Hoa Kỳ, đã bỏ công sức đọc nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam, về chính thể Việt Nam Cộng Hòa và viết nên cuốn sách.

Ngay lời mở đầu ấn bản tiếng Việt “Tuốt Kiếm Phương Xa,” tác giả minh định: “Đối với tôi, bảo tồn những câu chuyện của các sĩ quan cao cấp và các viên chức cao cấp dân sự miền Nam Việt Nam để thế giới biết đến lịch sử của họ là điều tối quan trọng. Tuy trong tâm khảm của đa số người Mỹ cuộc chiến đã mờ dần, tôi không muốn tiếng nói của người miền Nam Việt Nam biến mất… Đây là điều cần thiết vì các sử gia Mỹ thường quên không đưa người miền Nam Việt Nam vào trong sách vở và các bài viết của họ.”

“Sách ‘Tuốt Kiếm Phương Xa’ vạch ra đại cương sự thăng trầm của miền Nam Việt Nam, nhất là vai trò Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong việc xây dựng đất nước. Hãy viết lại ký ức của bạn, hãy kể lại cho con cháu các bạn, và nếu có thể, hãy xuất bản những câu chuyện đó. Đây là cách duy nhất để bảo tồn quá khứ của bạn…,” ông tiếp.

Hai quyển sách “Bóng Mây Tình Yêu” của Kim Vui và “Tuốt Kiếm Phương Xa” bản Việt Ngữ của George J. Veith. Bên phải là cuốn “Drawn Swords in a Distant Land” bản Anh Ngữ của tác giả George J. Veith. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đây là quyển sách thứ tư của tác giả George J. Veith được chuyển ngữ tiếng Việt, dày hơn 800 trang với 24 chương, từ giai đoạn đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, đến nền Đệ Nhị Cộng Hòa do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo, một chính phủ với việc xây dựng công bằng xã hội mới, đối phó với hòa bình, đối phó với cuộc chiến.

Ông Veith cho biết nếu trong quyển “Tháng Tư Đen: Sự Gục Ngã của Miền Nam Việt Nam” đã xuất bản chỉ nói về mặt quân sự, cho nên lần này xuất bản cuốn “Tuốt Kiếm Phương Xa,” ông viết về sự liên hệ giữa chính trị, quân sự, và xã hội của miền Nam, như cuộc cải cách điền địa “Người Cày Có Ruộng,” “Nhân Dân Tự Vệ,” hoặc chương trình chuyển quân sự từ mức độ cao đến thấp, xuống tận làng xóm, thôn ấp, để đối phó với Việt Cộng hữu hiệu hơn, nhưng ít thấy ai nhắc tới.

Điều chính yếu là tác giả muốn cho thấy Tổng Thống Thiệu tìm cách đạt hai mục đích lớn. Thứ nhất, ông quyết thắng kẻ thù. Thứ hai, ông muốn xây dựng một quốc gia hiện đại. Tác giả muốn kể lại những góc khuất lấp ấy để thấy miền Nam đã chiến đấu như thế nào, cả về mặt quân sự lẫn kinh tế, chính trị, xã hội, mà ít thấy sử gia nào nói đến.

Trong buổi ra mắt sách, từ trái, dịch giả Phan Lê Dũng, tác giả George J. Veith, và cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Hoàng Đức Nhã cho biết ông muốn góp sức vào việc quảng bá “Tuốt Kiếm Phương Xa” vì đây là cuốn sách đầu tiên và duy nhất nói về hành trình dân chủ của miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ Đệ Nhất Cộng Hòa qua đến Đệ Nhị Cộng Hòa, xảy ra trong bối cảnh một quốc gia không có một hạ tầng cơ sở nào, chỉ thừa hưởng các di sản của thực dân Pháp để lại, rồi tự mình xây dựng lại với ý chí không chấp nhận Cộng Sản, chỉ đi theo thể chế Cộng Hòa. Đó là điều mà bao nhiêu sách đều không nhắc tới hành trình đó.

Bà Nguyễn Khoa Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Nam California, trình bày rằng đây là cuốn sách với cái nhìn rất khác biệt so với hầu hết những cuốn sách của các sử gia người Mỹ từng viết về chiến tranh Việt Nam trước đây, ít nhất trong hai yếu tố. Thứ nhất “Tuốt Kiếm Phương Xa” xuất bản sau gần 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, thời gian đủ dài để những hình ảnh rõ nét hơn của lịch sử được xuất hiện ở thế kỷ 21. Thứ hai việc nghiên cứu suy ngẫm và phân tích nghiêm túc hơn, cho thấy hình ảnh miền Nam Việt Nam trong sáng, trung thực hơn, ít thành kiến và công bằng hơn.

Dịch giả Phan Lê Dũng cho hay các sử gia thường cho rằng chất liệu “lịch sử” chỉ hiện rõ sau 50 năm, khi những vấn đề gây xôn xao dư luận, những vấn đề thời sự sôi bỏng, đã tan biến để những hình ảnh rõ hơn của lịch sử từ từ xuất hiện.

“Sau 50 năm, chẳng mấy ai bàng hoàng vì những bức ảnh thôi thúc sự suy diễn, chẳng mấy ai còn bị ám ảnh vì những cảm xúc dày vò, dễ làm mờ trí phán đoán người nhìn, như bức ảnh tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, bức ảnh một tù nhân Việt Cộng bị Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu, hoặc bức ảnh “Napalm Girl” của Nick Út,” ông tiếp.

Tác giả George J. Veith (trái) ký tặng sách “Tuốt Kiếm Phương Xa” bản Anh Ngữ cho độc giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong “Tuốt Kiếm Phương Xa,” tác giả George J. Veith không chú trọng vào những bức ảnh, những bản tin chiến sự một thời sôi động đó. Ông nghiêm túc tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam qua ba nguồn tài liệu chính, đó là tài liệu được giải mật của CIA, của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam, và các tài liệu Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những cuộc phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam trong suốt 20 năm. Ngoài ra, tác giả Veith còn có một lợi điểm hơn các sử gia khác, khi ông là một sĩ quan Thiết Giáp trong quân đội Hoa Kỳ đóng ở Đức.

Ông Veith đã dùng tài liệu Mỹ để lấy cái nhìn ban đầu, đối chiếu với những gì được nghe, rồi suy ngẫm, phân tích để tìm hiểu căn nguyên của sự việc, khi miền Nam Việt Nam bỗng nhiên khựng lại vì hai mũi dùi khốc liệt, mũi dùi xâm lược của Bắc Việt và mũi dùi Dân Chủ của Mỹ. Mỗi bước đi của miền Nam Việt Nam là mỗi bước quằn quại, cùng với những khích động, khuynh đảo bên trong bởi hàng loạt gián điệp nội tuyến, những tranh chấp nảy lửa, và những chia rẽ của những người Quốc Gia.

Trong 20 năm nghiền ngẫm, đào sâu vào biển tài liệu của CIA, của Văn Khố Quốc Gia Mỹ, của sách vở, hồi ký của những người miền Nam Việt Nam, ông Veith đã vẽ lại một hình ảnh miền Nam Việt Nam khác, chuyển qua những góc nhìn hợp lý hơn để đưa ra một hình ảnh miền Nam Việt Nam ít thành kiến hơn.

Tác giả Veith muốn nước Mỹ có một cái nhìn khác của thế kỷ 21, khi những biến động thời sự đã thực sự lắng xuống, khi cuộc chiến đã tàn lụi, ông Veith đều muốn ghi lại hết và kêu gọi tất cả những người miền Nam Việt Nam thường im lặng hãy lên tiếng.

Và trong cuộc phỏng vấn của Website Chính Nghĩa Quốc Gia tại Nam California hồi năm 2021, ông Veith đã nói: “Ngày nào chúng ta không lên tiếng, ngày ấy Cộng Sản sẽ chiến thắng.”

Độc giả ái mộ xin chữ ký tác giả Kim Vui cho sách “Bóng Mây Tình Yêu.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong quyển sách thứ hai ra mắt “Bóng Mây Tình Yêu,” tác giả Kim Vui viết bằng Anh Ngữ, dịch giả Phan Lê Dũng chuyển ngữ, với 272 trang, gồm 14 chương, là cả những tâm tình gởi đến người đọc một vài khía cạnh cuộc đời của người nghệ sĩ tài sắc, với những điều hết sức đặc biệt ít có người biết tới.

Tình yêu nghệ thuật và tình yêu đất nước là hai nét nổi bật của Kim Vui trong nỗi ưu tư thời cuộc, khi bà tự thuật: “Hai tình yêu đặc biệt và lâu dài nhất của tôi là tình yêu dành cho quê hương đã sinh ra tôi, và tình yêu dành cho một người đàn ông” (“Bóng Mây Tình Yêu,” trang 20).

Qua quyển hồi ký “Bóng Mây Tình Yêu,” Kim Vui cũng viết về “Chân Trời Tím,” một thế giới gần như phản ảnh cuộc sống thực của tác giả, khi bà là một nhân viên thuộc Bộ Công Dân Vụ thời bấy giờ, đã từng trình diễn trong công tác ở các vùng nông thôn hẻo lánh. Và cũng từ lúc ấy, bà nhận thức được rằng mình có thể có cơ hội đóng góp một phần nhỏ vào hoạt động yêu nước đang ló dạng ở miền Nam. Bà từng đóng vai chính trong cuốn phim “Chân Trời Tím” năm 1971 của Sài Gòn cùng với tài tử Hùng Cường.

Buổi ra mắt sách trong không khí hào hứng sôi nổi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Dịch giả Phan Lê Dũng nhận xét về sách của nữ diễn viên sinh năm 1939: “Cuốn sách là một bài hát trường thiên nói lên nỗi lòng của một đứa bé thơ ngây trên đường tị nạn với những điệp khúc buồn bã của đau thương, chiến tranh, và kết thúc bằng đôi mắt buồn của một người di tản xa xứ, nhìn băng qua đại dương của tâm hồn để tìm lại những gì đã mất.”

Ông chia sẻ: “Nếu ‘Nỗi Lòng’ từng là bài hát Kim Vui dành riêng để tặng người yêu trong những ngày chiến tranh khói lửa, thì ‘Bóng Mây Tình Yêu’ là bài ‘Nỗi Lòng’ truyền cảm, sâu sắc nhất Kim Vui hát dành cho độc giả Việt Nam, đó là ‘Nỗi Lòng’ của một nghệ sĩ sinh trưởng trong một giai đoạn máu lửa tang tóc nhất của đất nước Việt Nam trong thế kỷ 20.”

Độc giả liên lạc mua sách “Tuốt Kiếm Phương Xa” và “Bóng Mây Tình Yêu” của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương qua email: [email protected], hoặc gửi thư đến: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT