Thursday, April 25, 2024

‘Tau Chưởi,’ bài thơ xé lòng của Trần Vàng Sao

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Nhà thơ Trần Vàng Sao, một thời đứng khác chiến tuyến, theo cách mạng để rồi khi chạm mặt với thực tế, ông chỉ biết thở dài qua những vần thơ, và bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trù dập.

Nhà thơ Trần Vàng Sao. (Hình: Lê Vĩnh Thái/Sông Hương)

Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm 1941, tại Huế, đậu tú tài năm 1961 rồi vào Đại Học Huế. Cha của nhà thơ Trần Vàng Sao mất năm ông 7 tuổi, mẹ ông buôn thúng bán bưng nhiều khi phải đi xin tôm cá dọc bờ biển để nuôi năm người con. Trần Vàng Sao lớn lên trong tình thương và cả trong tiếng thở dài nửa khuya của mẹ, để rồi 20 năm sau ông mang thao thức đi vào cuộc chiến.

Ông tham gia các hoạt động công khai trong thành phố dưới sự chỉ đạo của Thành Ủy Huế (Cộng Sản), tích cực trong phong trào sinh viên Huế như rải truyền đơn, vận động sinh viên xuống đường tranh đấu. Tháng Sáu, 1965, vì bị lộ nên “tổ chức” đưa ông lên rừng công tác tại Ban Tuyên Huấn Thành Ủy Huế.

Năm 1970, ông bị thương và được đưa ra Bắc chữa trị. Sau thời gian ra Bắc không lâu, ông thấy thất vọng về những điều ông được tuyên truyền trước đây, khiến ông viết nhật ký miêu tả lại nỗi thất vọng của mình: “Đó là một xã hội nghèo khổ và rất ác liệt, nhất là sự nghi ngờ… Anh Vàng Sao khi ra đó, ảnh viết hồi ký và nó không phải phát biểu công khai mà là nỗi niềm riêng nhưng nó bị chỉ vẽ và đem ra đấu tố. Cái chủ đề của anh ấy trong cuốn nhật ký là thất vọng, một sự thất vọng tuyệt đối đối với xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc,” nhà nghiên cứu lý luận Lữ Phương, từng hoạt động trong phong trào sinh viên học sinh tranh đấu, rồi cũng vô bưng, được làm đến thứ trưởng Thông Tin-Văn Hóa của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, một tổ chức do chính quyền Cộng Sản Bắc Việt xây dựng nên, viết.

Những suy nghĩ riêng tư trong hồi ký của ông về đảng, không nói theo tiếng nói chung của đảng, đã bị các “đồng chí” của ông đọc được và báo cáo lên cấp trên. Từ đó, ông đã trải qua những ngày tháng bị trù dập vô cùng thê thảm. Ông bị giam năm năm trời không qua xét xử.

Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ “vàng sao” làm bút hiệu, ông trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, tàn tệ đến mức, như ông kể, ai cũng gọi ông là “hắn hay thằng Đính,” chỉ có “một thằng bé bị thần kinh gọi tôi bằng chú.”

Trần Vàng Sao trở thành người sống ngoài vòng xã hội trong nhiều năm sau đó.

Chuyện Trần Vàng Sao viết hồi ký và bị bắt, được nhà nghiên cứu lý luận Lữ Phương viết: “Cuốn hồi ký này kể lại cái tai họa đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’ đó, bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này, anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó.’ Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy có trường hợp nào sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.”

Sau năm 1975, Trần Vàng Sao trở về, vì cái quá khứ viết hồi ký chửi đảng, Trần Vàng Sao bị theo dõi và thất sủng. “Ông và gia đình truân chuyên không những vì sự đói rách của một người bị chế độ thải ra mà truân chuyên trên chính mảnh đất đầy phù sa thi ca của cá nhân mình trong một quãng thời gian rất dài, dài và buồn bã,” nhà báo Mặc Lâm của đài Á Châu Tự Do (RFA) viết.

Ông mất ngày 9 Tháng Năm, 2018, tại Huế.

Nhà thơ Trần Vàng Sao. (Hình: Trung Việt/Phụ Nữ TP.HCM)

Sau đây là bài thơ “Tau Chưởi” nổi tiếng của nhà thơ Trần Vàng Sao:

“tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óccó miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá họa
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng
đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật
thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệmbây nhai bây
khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cáxương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đọa xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây.
29 tháng 6 năm 1997”

***

Năm 1984, Trần Vàng Sao 43 tuổi, ông viết bài thơ “Người Đàn Ông Bốn Mươi Ba Tuổi Nói Về Mình.” Bài thơ được đăng trên tạp chí Sông Hương, lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương. Nhà thơ Thái Ngọc San, thư ký tòa soạn, người chịu trách nhiệm chọn đăng bài thơ phải rời khỏi tờ báo.

Thủ bút Trần Vàng Sao. (Hình: Trung Việt/Phụ Nữ TP.HCM)

Người đàn ông 43 tuổi trong thơ chỉ là tự sự, miêu tả cảnh sống lặng lẽ, nghèo khổ, đói rách của chính ông, mà cũng khiến nhiều kẻ quyền hành bất an và ra tay bịt miệng ông:

“1.
tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏ
rồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được

2.
tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết

3.
tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
những người đi bán về nói chuyện to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
trời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống

4.
tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
           lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất

5.
lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
           những đứa đau quan sát những con chuột
                                    chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
           con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh
           giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
           muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
          dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng

6.
nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
        để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
         trở về xách một cái bị lát
mặt cắt không có một hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
         chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàn không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
         ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
hết chuyện nói
hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
          cho nó làm ông địa múa thiên cẩu

7.
cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được
        cái mặt ông địa không

Tháng 9/1984”

***

Nhìn lại, những người trước đây từ miền Nam, đã “nhảy núi” theo Cộng Sản, bây giờ phản tỉnh thì đã muộn. Một Lữ Phương, rồi Trần Vàng Sao…

Trần Vàng Sao với “Tau Chưởi,” “Người Đàn Ông Bốn Mươi Ba Tuổi Nói Về Mình,” là tiếp nối những văn nghệ sĩ phản kháng chế độ, như trước đó, có Trần Dần, Phùng Quán trong Nhân Văn Giai Phẩm với “Lời Mẹ Dặn,” “Nhất Định Thắng”… (Trần Yên Hòa) [qd]

MỚI CẬP NHẬT