Thursday, April 25, 2024

Tháng Chín, nhớ Françoise Sagan: Một cuộc đời ngoại hạng

Trần Doãn Nho/Người Việt

Ngày mai, 24 Tháng Chín, đúng 13 năm trước đây, nước Pháp mất đi một trong những khuôn mặt văn chương quan trọng của thời hiện đại: Françoise Sagan.

Françoise Quoirez, tên thật, tục danh là Kiki, sinh vào ngày 21 Tháng Sáu, 1935, ở Cajarc, một ngôi làng ở miền Tây Nam Pháp, là người con thứ ba của Paul Quoirez, một thương gia giàu có.

Khi lên 15, gia đình dời về sống ở Paris, ở đó, Françoise theo học trường dòng “Couvent des Oiseaux” trước khi vào Sorbonne. Hai năm ở Sorbonne, cô học trò này chẳng học hành gì nhiều, phần lớn thời gian dành cho đi chơi và uống cà phê và đọc truyện và tập tành viết lách.

Năm 12 tuổi, cô viết truyện và làm thơ; 13 tuổi, đọc “Nourritures Terrestres” của André Gide; 14 tuổi, đọc “L’Homme Révolté” của Albert Camus; 16 tuổi, đọc “Marcel Proust, Rimbaud.” Biết uống rượu vào năm 15 tuổi. Kết quả là thi hỏng tú tài. Gia đình phiền muộn, la rầy.

Ðể xoa dịu nỗi buồn bực, cô học trò cảm thấy phải “làm một cái gì,” bèn ngồi xuống và bắt đầu viết. Chỉ trong vòng 32 ngày (có báo nói là bảy tuần), một truyện dài hoàn tất với cái tựa đề nghe khá khác thường: “Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi Chào Mi).

Viết xong, cô gửi ngay cho nhiều nhà xuất bản. Một trong số đó, nhà xuất bản René Julliard, nhận xuất bản nhưng với một điều kiện duy nhất: phải có phép của cha mẹ, vì Francoise mới 18, vẫn còn trong tuổi vị thành niên (lúc đó, phải 21 tuổi mới thành niên).

Hỏi ý kiến cha, được đồng ý ngay nhưng không cho Françoise dùng họ thật mà phải dùng bút hiệu. Dễ thôi! Cô bèn lấy tác phẩm yêu thích nhất của mình “À la recherche du temps perdu” của Marcel Proust, giở ra một trang, thấy đoạn tả quận công Sagan đi ngang trên chiếc xe ngựa, thế là chọn ngay tên Sagan. Và bắt đầu từ đó, Françoise Quoirez trở thành Françoise Sagan.

Tháng Ba, 1954, “Bonjour Tristesse” chào đời. Như một cơn địa chấn! Françoise Sagan, lúc đó, 18 tuổi. Và không còn là cô học trò nữa.

Năm sau, một bản dịch tiếng Anh được phát hành và lập tức nằm đầu trên danh sách “bestseller” của tờ New York Times. Năm 1958, sách bán đạt con số kỷ lục là 810,000 ấn bản ở Pháp và hơn một triệu ấn bản ở Hoa Kỳ. Sau đó, nó được dịch ra 20 thứ tiếng.

Tác phẩm tạo nên một sự thành công lạ thường. Nó chiếm được giải “Prix des Critiques,” mang lại cho Sagan 500,000 bảng Anh, nhưng bị vị Giáo Hoàng La Mã thời bấy giờ là Pius XII lên án mạnh mẽ, khiến cho một linh mục Công Giáo đã phải từ chối làm phép hôn phối trong lễ cưới lần đầu tiên của bà.

Sau này, Sagan gọi đó là một “thành công đầy tai tiếng” (succès de scandale). Ba thập niên sau, nhớ lại, bà hiểu ra rằng sự giận dữ xuất phát từ mối quan hệ giữa nhân vật nữ, Cécile, và anh bồ của cô ta. Người ta không thể chấp nhận được chuyện một cô gái 17 hoặc 18 tuổi lại làm tình với một đứa con trai trạc tuổi mình mà chẳng hề bị la mắng hay trừng phạt gì cả. Ðã thế, cô gái lại còn biết thảo luận chuyện tình ái lăng nhăng của cha mình, đề cập đến những đề tài lúc đó vẫn còn là điều cấm kỵ giữa cha mẹ và con cái.

“Ðối với đại đa số độc giả, tai tiếng của tác phẩm là do chỗ một nhân vật thiếu nữ trẻ lại ngủ với trai mà không có thai, lại chẳng cần cưới nhau. Riêng đối với tôi, tai tiếng của câu chuyện là một nhân vật lại có thể – do vô thức, do ích kỷ – đưa đến cái chết của một người khác,” Sagan nói.

Thành công bước đầu tạo động lực cho Sagan hăng hái cầm bút tiếp. Trung bình cứ hai năm bà cho ra đời một tác phẩm. Những tựa sách của Sagan chất đầy trong thư viện, trên các kệ sách gia đình và nằm trong trí nhớ mọi người. Hơn 30 triệu ấn bản các tác phẩm của bà đã được bán ra. Nhiều luận án về bà và tác phẩm đã được viết tại nhiều đại học trên thế giới, nhất là tại Hoa Kỳ. Hầu hết trong số hơn 40 tác phẩm của bà, dù hay hoặc dở, đều được dịch ra tiếng Anh và nếu không nằm ở danh sách “bestseller” thì cũng được tiêu thụ nhanh chóng.

Nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ John Updike, viết trong tờ The New Yorker 20 năm sau khi “Bonjour Tristesse” xuất hiện, ca ngợi tác phẩm là “sôi động như biển cả” (sparkling sea), “hẻo lánh như rừng hoang” (secluding woods), “nhanh nhảu theo bản năng tự nhiên” (animal quickness), cốt truyện thì rất hiệu quả (academically efficient), các nhân vật nam, nữ được xây dựng một cách hoàn hảo. Theo ông thì tác phẩm được viết bởi niềm tin hồn nhiên của tác giả trẻ vào tính chất khêu gợi của các sự kiện.

Với một khuôn mặt gầy, nhỏ, đôi mắt tinh quái nhô ra từ một mớ tóc cắt ngắn, hút thuốc lá hiệu Gauloises, tay bưng cốc cà phê, Sagan trở thành một dáng dấp cấp tiến của Paris trong hai thập niên 1950 và 1960. Cùng bạn bè lập ra nhóm tiền phong “La Bande Sagan,” trong đó có cả ca sĩ Juliette Greco, bà thường xuyên xuất hiện ở các quán cà phê, hộp đêm, các quán ăn với những nhân vật nổi tiếng trong văn giới như Jean-Paul Sartre, Ernest Hemingway, Henry Miller và cả trong chính giới như chính trị gia trẻ tuổi tả phái Francoise Mitterand, sau là tổng thống Pháp.

Một trong những mốt của Sagan là đi vào hộp đêm với một người bảo vệ và đi ra với một người bảo vệ khác, luôn luôn đậu xe thể thao ngay trước cửa nhà hàng bất chấp luật lệ giao thông. Ðể minh họa cho rõ hơn hình ảnh độc đáo của Sagan, hình bìa của một trong những tác phẩm in hình bà cỡ tuổi 19, 20 khoác trên người chiếc áo da dài đứng cạnh cửa của chiếc xe hơi hiệu Jaguar, với đôi mắt viền đậm.

Xuất phát từ quan niệm riêng mà cũng do tiền bạc và tiếng tăm thúc đẩy, bà lăn xả vào một cuộc sống ồn ào, sôi động ngay lúc chưa tới tuổi 20: uống rượu thâu đêm suốt sáng, say mê bài bạc, khoái lái xe thể thao với tốc độ cao. Táo tợn hơn, Sagan yêu đương bừa bãi, buông thả mình trong sinh hoạt tình dục gần như vô độ với nhiều bạn tình khác nhau. Hậu quả của những năm tháng đó là về cuối đời, Sagan không còn là Sagan nữa. Bị tai nạn, bà trải qua nhiều lần giải phẫu, phải ngồi xe lăn, chống nạng. Đã thế, nợ nần chồng chất, bà phải bán căn nhà ở Normandie, và sống qua ngày ở nhà những người bạn. Cuối cùng, bệnh nặng quá, bạn bè đưa vào nhà thương.

Vào lúc 7 giờ 35 phút tối 24 Tháng Chín, 2004, tại bệnh viện Honfleur, miền Nam nước Pháp, Françoise Sagan trút hơi thở cuối cùng, vì bị máu nghẹt ở phổi. Thọ 69 tuổi. Sagan được an táng tại ngôi làng Seuzac, gần Cajarc nơi bà chào đời, vào ngày 28 Tháng Chín, 2004.

Cả nước Pháp xúc động.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac bày tỏ nỗi thương tiếc ngay sau khi nghe tin bà chết qua một bản tuyên bố trong đó, ông cho rằng: “Bà chết đi, nước Pháp đã mất đi một trong những tác giả độc đáo nhất và nhạy cảm nhất, một khuôn mặt sáng giá trong sinh hoạt văn chương của chúng ta. Với sự sắc sảo, trí tuệ và tinh tế, Françoise Sagan đã thăm dò những nguyên động lực và những đam mê của tâm hồn con người” (…) Bà đã góp phần vào sự tiến bộ của vị trí người phụ nữ trong xã hội chúng ta.”

Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin phát biểu: “Françoise Sagan, đó là một nụ cười, sầu muộn, khó hiểu, xa cách nhưng mà vui.”

Báo chí Âu Châu cũng như báo chí Pháp thương tiếc bà qua nhiều hàng tít lớn lấy từ tựa đề những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. Dưới tựa đề “Tristesse,” tờ Liberation nói Sagan, mà những hình ảnh thời tuổi trẻ tràn đầy các trang đầu báo Pháp, không bao giờ làm cái gì nửa chừng.

“Ðời bà y như một cơn gió xoáy… Rộng lượng, đầy cảm hứng, nhanh nhảu, nổi loạn, không thể phân loại, không thể bắt chước. Chúng ta yêu mến Sagan, ngay cả nếu chúng ta chưa hề đọc sách của bà hay không còn đọc sách của bà nữa. Sagan là một cái gì còn hơn cả chính Sagan, còn hơn là một hiện tượng viết văn: một nhà văn, một phụ nữ, một kỷ nguyên. Bà vội vã đi hết tốc lực xuyên suốt cuộc đời và tác phẩm của mình, chẳng thèm quan tâm đến bản thân.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT