Monday, March 18, 2024

Thanh Nam, giấc ngủ cô đơn

Viên Linh/Người Việt

“Nếu kể từ chia cắt đất nước 1954 thì chỉ sau hai năm, báo chí Sài Gòn đã thay đổi. Nhiều thì chưa nhiều, nhưng ít ra cũng có khoảng năm tờ báo mới bắt đầu được nhắc nhở, như Tự Do, Dân Chủ, Ngôn Luận, Cách Mạng Quốc Gia, Văn Nghệ Tiền Phong… Đó là những tờ mới, báo cũ vẫn ra đều có Thần Chung, Sài Gòn Mới, Tiếng Dội, Đuốc Nhà Nam, Lẽ Sống, Phụ Nữ Diễn Đàn…”

Tôi đã viết như thế trong một bài viết trước. Đó chỉ là nhắc đến những cái tên báo, chưa nói chút gì về những tờ báo đó. Những dòng sau đây hy vọng bổ sung được chút gì theo trí nhớ, phần tài liệu thì nay đầu thế kỷ 21 ở hải ngoại, thật là hiếm hoi.

Nhưng may mắn, do bước vào nghề báo sớm, tôi đã gặp những đồng nghiệp tiền bối và đương thời, nhất là những người chỉ hơn mình năm ba tuổi, mà vài người gặp sớm nhất sau trở thành bạn văn suốt cuộc đời.

Tóm tắt một cách vô tính, dưới đây là tên những tờ báo và những cộng tác viên của những tờ báo đó, chỉ ghi tên chưa vội thêm chi tiết. Và chỉ kể qua những tờ báo xuất bản từ năm 1954 tới năm 1960. Trong năm 1960 có tới ba tạp chí cùng xuất bản, là Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi và tờ Sáng Tạo bộ mới (Sáng Tạo bộ nguyên thủy ra từ 1956-59 nghỉ hơn một năm rồi tục bản Tháng Mười Hai, 1960).

-Điện Ảnh: Mai Châu, Nguyễn Ngọc Nhạ.

-Phổ Thông, Dân Ta: Nguyễn Vỹ, Thu Nhi, Trần Tuấn Kiệt, Hoàng Trúc Ly.

-Tự Do: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng (ký Thần Đăng khi làm thơ trào phúng), Phạm Tăng họa sĩ.

-Ngôn Luận: Lê Tâm Việt, Thái Lân, Tử Vi Lang.

-Văn Nghệ Tiền Phong: Văn Giang, Hồ Đình Phương.

-Kịch Ảnh: Quốc Phong, Thanh Nam, Văn Quang, Lê Hoàng Hoa đạo diễn, Trần Nhã dịch thuật.

-Văn Nghệ: Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Nhã Ca.

-Sáng Tạo: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thạch Chương (Cung Tiến).

-Hiện Đại: Nguyên Sa, Trịnh Viết Thành.

-Thế Kỷ Hai Mươi: Nguyễn Khắc Hoạch, Ngọc Dũng.

Nhà văn Thanh Nam tên khai sinh là Trần Đại Việt, sinh năm 1931 tại Nam Định (tỉnh lỵ thủ đô của tỉnh Hà Nam), Bắc Việt Nam, mất năm 1985 tại Seattle, Hoa Kỳ, vì căn bệnh ung thư.

Ông viết văn và có tác phẩm được nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh Hà Nội in thành sách rất sớm. Ông cùng thế hệ với Nguyễn Minh Lang, xấp xỉ lớp Ngọc Giao, là những nhà văn đang lên của thủ đô văn nghệ Việt Nam thì xảy ra cuộc chia cắt đất nước 1954, tuy Thanh Nam đã rời Hà Nội từ 1952, vào Sài Gòn hai năm trước khi hiệp định Geneve được ký kết. Cuối thập niên 1960 ông thành hôn với nhà văn nữ Túy Hồng.

Cả hai cùng cộng tác với các đài phát thanh tại Sài Gòn về phương diện bài vở, riêng Thanh Nam còn cộng tác với vài ban kịch phát thanh vừa viết bài, vừa diến xuất khi thấy có vai trò thích hợp, trong đó có ban kịch Sông Hồng của Viên Linh trên Đài Phat Thanh Quốc Gia.

Trong làng báo Sài Gòn thập niên 1950, ông là một tiểu thuyết gia, một người viết truyện dài từng kỳ cho các tuần báo, điển hình là loại báo nhắm vào lớp độc giả nữ giới như Phụ Nữ Diễn Đàn, sau này có thêm tờ Thẩm Mỹ trẻ trung hơn, bìa báo là hình các minh tinh “màn nhung màn bạc,” (sân khấu kịch, cải lương, hay điện ảnh). Không lạ gì các nhân vật của Thanh Nam là những người sống về đêm, trong ánh đèn của vũ trường, trong âm nhạc Tây phương, trong “điệu vũ trong bóng mờ,” là mấy chữ rất điển hình cho cuộc sống ấy.

Trong tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Việt Nam thời 1954-1975, nhà văn Thanh Nam cho nhà phê bình tuyển chọn Nguyễn Đông Ngạc biết như sau: “Thanh Nam sinh ngày 26 Tháng Tám, 1931, bắt đầu viết văn năm 1950. Khởi đầu làm thơ nhiều hơn viết văn xuôi, trong khoảng 23 năm đầu đã xuất bản trên 30 tác phẩm, phần lớn là tiểu thuyết, vừa truyện ngắn lẫn truyện dài. Tờ Thẩm Mỹ bài này nhắc ở trên la do Thanh Nam làm chủ bút, từ 1953 đến 1955. Mười năm sau, tức 1965, ông làm tổng thư ký tuần báo Nghệ Thuật.”

Thanh Nam nhận định như sau về thể loại văn truyện ngắn: “Truyện ngắn là một thể loại văn xuôi vừa khó viết vừa khó thành công, không thể là một thứ truyện dài rút gọn, hoặc một thứ lấy ra từ những đoạn rời của một truyện dài. Càng không thể là những đoản văn, những tùy bút ngụy trang. Trong văn chương tiền chiến và hiện nay, tôi đã thấy niều nhà văn thành công trong truyện dài nhưng sang tới địa hạt truyện ngắn lại thất bại nặng nề.”

Thanh Nam nổi tiếng với tập truyện ngắn nhan đề “Buồn Ga Nhỏ.”

Một số tác phẩm của Thanh Nam đã in thành sách có thể kể: Hồng Ngọc, Giấc Ngủ Cô Đơn, Thuế Sống, Cho Mượn Cuộc Đời, Xa Như Dĩ Vãng, Người Kéo Màn…

Theo ý người viết bài này, con người thật và xúc cảm thật của Thanh Nam nổi bật ở lãnh vực thơ. Thơ ông vô cùng truyền cảm, có thể xếp ông vào trường phái lãng mạn, lãng mạn với cuộc sống nói chung, không chỉ lãng mạn trong tình yêu. (Viên Linh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT