Tuesday, April 23, 2024

‘Thấy’ Bùi Giáng ở Sài Gòn

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Tôi nhấn mạnh pê-đan chiếc xe đạp cà tàng, cố đạp xe lên dốc cầu Trương Minh Giảng. Buổi trưa, đoạn đường này rất đông đúc người xe qua lại, nhất là quãng ngã ba Kỳ Đồng-Trương Minh Giảng (cũ).

Nhà thơ Bùi Giáng. (Hình: Thanh Hoài/Thanh Niên)

Trời Sài Gòn nắng chói chang, nắng như đổ lửa. Cái nắng, nóng ập xuống mọi người như cái chảo gang úp lên đầu vậy, khiến ai cũng muốn chạy xe cho lẹ.

Tôi đạp xe lên cầu, nhìn thấy đoàn người đi trước dừng lại, hình như bị kẹt xe hay sao đây? Sài Gòn độ rày hay kẹt xe lắm, nhất là buổi trưa, mà kẹt xe buổi trưa là một khổ nạn, vì cứ đứng dậm chân tại chỗ dưới cái nóng như thiêu đốt của ông mặt trời, rồi còn bị hàng trăm, hàng ngàn những chiếc xe, nào xe gắn máy Nhật, Trung, Hàn chỉa ống “bô” nhả khói tự do vô mặt, vô mũi thì làm sao mà chịu cho thấu.

Nhưng dân chúng ở đây gặp những cảnh  ấy thường xuyên nên ai cũng đứng chịu chết giữa đường, cố gồng mình chứ biết làm sao.

Lần mò theo đoàn xe bị dồn ứ đó, tôi cũng lên cầu. Thì ra kẹt xe vì đoạn đường trước mặt có một ông già mặt mày cổ quái, tóc tai dài phủ ót, rối bời, mắt mang kính cận thị nặng như hai cái đít chai gắn vào, quần áo thì đúng là dân “cái bang” thứ thiệt.

Áo cũng như quần có hàng chục miếng vá, đủ màu sắc, lớn nhỏ. Ông còn cầm một cái gậy nữa, đang múa may quay cuồng trên đường, lúc thì làm như là một cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe chạy, lúc thì múa như một tay võ sĩ biểu diễn các thế võ hay các đường quyền. Thì ra ông già điên này ra choáng đường làm tắc nghẽn giao thông đây.

Một hôm, tôi ghé bỏ hàng tại một tiệm phụ tùng xe đạp ở trên cổng xe lửa số 6, thì thấy “ông già điên” này đang ngồi lù lù trong góc. Có vài ba người đến hỏi chuyện ông. Ông cười nói huyên thiên như trẻ thơ. Người ta xin thơ ông, chỉ nháy mắt, khoảng hai ba phút, đến năm phút là ông viết ngay một bài thơ. Ông viết trên bao thuốc lá, hay xin tờ giấy nhàu nát đâu đó mà viết, nét chữ bay lượn, uốn éo. Người chủ tiệm nói với tôi: “Ông ấy điên mà làm thơ hay lắm.”

Những cảnh đó tôi gặp hoài. Một tuần ba bốn lần ông đứng múa may quay cuồng tại quãng đường trước Đại Học Vạn Hạnh, hay ông lang thang đi trên đoạn đường từ Đại Học Vạn Hạnh lên đến cổng xe lửa số 6, đi một mình hay ngồi trong một xó xỉnh nào đó một mình.

Tôi nghĩ đó là một ông già điên thiệt, không biết con cháu ở đâu mà không đem ông về nuôi dưỡng mà để ông đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi như vậy, tội nghiệp ông!

Một lần sau đó tôi cũng gặp ông ở chỗ tiệm bán hàng tôi thường ghé, ông vẫn viết thơ cho mọi người. Chỉ mấy câu ngắn ngủi. Người chủ tiệm lại nói với tôi: “Ông già điên này là ông Bùi Giáng đó.”

Tôi chưng hửng. Đây là nhà thơ Bùi Giáng sao?

Bùi Giáng tôi đã đọc nhiều trước năm 1975, nhất là những truyện dịch của ông ký tên Vân Mồng như “Khung Cửa Hẹp” hay “Hoàng Tử Bé.” Rồi những quyển sách luận văn ông viết về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ rất hay nhưng đọc cũng mệt cái đầu. Nhất là thơ Bùi Giáng đã nổi tiếng như cồn, tập thơ “Lá Hoa Cồn, Mưa Nguồn” của ông tôi rất thích.

Tôi chỉ gặp ông những lần như vậy thôi, không biết nhau trong tình thơ, tình văn nghệ gì hết.

Cho đến khi tôi qua Mỹ và đến ngày nghe tin ông mất.

Khi nghe tin ông mất, nhiều cơ quan truyện thông, báo chí trong và ngoài nước đã đăng tin buồn này. Ai cũng thương tiếc ông, ca tụng thơ ông.

Và, cuộc đời nhà thơ Bùi Giáng được nhiều người hư cấu khác nhau, nhưng nói chung người ta mến mộ ông, yêu thương ông thật sự. Ông chỉ là một người làm thơ bình thường, lúc chết cũng bình thường như vậy.

Bốn câu thơ Bùi Giáng tiên tri về cái chết của mình lần đầu tiên được giới thiệu. (Hình: Giao Hưởng/Thanh Niên)

Lấy vợ năm 19 tuổi

Bùi Giáng, người thi sĩ quê Quảng Nam, suốt đời làm thơ. Nhân gian đã có những giai thoại về ông, có thể do những người thân, những người cùng quê, những người bạn thiết của ông trong suốt thời kỳ ông lớn lên và sống ở quê nhà Quảng Nam, ở Sài Gòn, kể lại hay viết lại.

Những giai thoại đó có thể đúng, có thể sai, nhưng nói chung đó là những mẩu chuyện vui về ông, nói lên những tình cảm về một thi sĩ có cuộc đời không bình thường.

Về cuộc đời Bùi Giáng, gia phả dòng tộc họ Bùi, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ghi như sau: Bùi Giáng, sinh ngày 17 Tháng Mười Hai, 1926, tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cha là ông Bùi Thuyên (ông Cửu Tý) và mẹ là bà Huỳnh Thị Kiền.

Năm ông 19 tuổi, gia đình cưới vợ cho ông. Vợ ông là bà Phạm Thị Ninh, con ông bà Phán Trai ở Hội An, nhưng chỉ ba năm sau, bà bị bệnh rồi mất. Ông không tái hôn lần nào nữa.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông (có nơi ghi nhà ông bị cháy vào năm 1969, ở Biên Hòa).

Năm 1969, ông bắt đầu “điên.” Sau đó, ông “lang thang du hành Lục tỉnh,” trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc…

Năm 1971, ông về Sài Gòn sau những năm tháng sống lang thang.

Những năm cuối đời ông tá túc tại nhà người anh em chú bác là ông Bùi Văn Võ tại quận Bình Thạnh cho đến ngày mất, 7 Tháng Mười, 1998.

Tìm hiểu cội nguồn

Viết trên báo Thanh Niên, nhà văn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ghi lại như sau: “Tháng Bảy, 2012, tôi trở lại thăm quê nhà ông – làng Thanh Châu (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Ghé thăm nhà thờ tộc Bùi, được người phụ nữ chăm lo hương khói nơi đây cho xem gia phả của tộc. Qua câu chuyện, tôi khẳng định một điều mới mẻ: Nhà thơ Bùi Giáng đã có vợ. Hình tượng của bà và tình thương yêu, tiếc nuối ông dành cho bà là nội dung chủ đạo trong bốn tập thơ của ông: ‘Mưa Nguồn,’ ‘Lá Hoa Cồn,’ ‘Ngàn Thu Rớt Hột’ và ‘Màu Hoa Trên Ngàn’ (in tại Sài Gòn từ năm 1962-1964).

Bà nhớ lại Bùi Giáng được cha mẹ cưới vợ cho năm 1945, khi ông vừa 19 tuổi. Hôn nhân ngày trước thường do cha mẹ đôi bên sắp đặt. Có lẽ, cuộc hôn nhân của Bùi Giáng cũng không đi ra ngoài quy ước đó. Người phụ nữ giữ nhà thờ tộc Bùi xác nhận: ‘Chị Bùi Giáng về làm dâu nhà ông bà bác tôi (cụ Bùi Thuyên và bà Huỳnh Thị Kiền – cha mẹ ông Bùi Giáng) năm 18 tuổi. Chị là người Duy Xuyên, đẹp lắm, tóc dài da trắng cái chi cũng đẹp. Tên thật của chị là Vạn Ninh.’

Tất cả thành viên trong gia đình đều quý yêu bà chị dâu trẻ. Ông Bùi Luân – em ruột Bùi Giáng – tỏ lòng quý mến của mình với người chị dâu trong tập thơ ‘Chớp Biển’ của Bùi Giáng in tại Canada năm 1996: ‘Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được ba năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài hai mươi tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản.’

Người vợ qua đời năm 1948 khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: ‘Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng… Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng – anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu.’”

Bùi Giáng với sư Viên Minh (chùa Kỳ Viên). (Hình: Thanh Niên)

Một bài thơ của Bùi Giáng: “Một Buổi Trưa”

“Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ngước lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời lá rụng úa thu phai”

Một giai thoại nhỏ

Trong một bài viết của Trần Tuấn Kiệt, coi như là giai thoại. Trần Tuấn Kiệt kể lại những ngày sau 30 Tháng Tư, 1975, những cảnh đời của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo miền Nam, có đoạn ghi về Bùi Giáng như sau:

“Hồi chiều qua gặp Bùi Giáng ở Gia Định đang cõng một tảng đá to. Đi sau là một đám sinh viên Vạn Hạnh. Dường như có anh chàng Tiệp Khắc hay Pháp gì đó thấy thế lại gần hỏi:

-Ông già kia, sao vác tảng đá to thế. Sao không bỏ xuống cho nhẹ mình?

Bùi Giáng trả lời:

-Nếu bỏ tảng đá xuống, tôi sẽ bay đi khỏi đất nước này đấy.”

Càng ngày, người yêu thơ Bùi Giáng, người quý mến, kính trọng văn tài của Bùi Giáng càng nhiều. Trần Tuấn Kiệt trong bài viết “Chung Quanh Vấn Đề Bùi Giáng” (Văn 11, ra ngày 18 Tháng Năm, 1973, trang 79) chung quanh vấn đề Bùi Giáng đã xác quyết: “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời ngài mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương quỷ sứ và môn đệ Bà La Môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma quỷ gì đó vẫn là ma quỷ.” [qd]

MỚI CẬP NHẬT