Thursday, April 18, 2024

Thơ Huy Tưởng ‘air thơ’ khó lẫn với ai

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Thơ Huy Tưởng rất khó đọc và kén chọn người đọc. Có thể nói thơ anh ở một tầm cao, đọc phải suy nghĩ, dàn trải tâm hồn suy gẫm, phải “động não” mới thẩm thấu được ý nghĩa “sâu” của nó.

Tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” do Văn Học Press xuất bản năm 2020. (Hình: Van Hoc Press)

Từ năm 1968 đến năm 2020, trong 52 năm, Huy Tưởng đã phát hành những tập thơ sau đây: “Mưa Trong Vườn Chiêm Bao” (1968), “Một Mùa Tóc Mộ” (1970), “Trăng Kêu Xanh” (1975), “Trong Đá” (1975), “Áo Nguyệt Ca” (1975), “Hỏi Đường Cùng Mây Trắng” (1996), “Người Nuôi Lửa Tịch Mịch” (1998), “Những Màu Âm Xô Giạt” (2018), “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” (2020).

Chỉ đọc tựa đề, đã cho độc giả thấy được mỗi tập thơ của Huy Tưởng, có nhiều điểm đáng chú ý. Nhan đề mỗi tập thơ đều lạ, đọc lên nghe hay nhưng phải suy nghĩ sâu về ý nghĩa tên của mỗi tập thơ.

Những từ như “vườn chiêm bao, tóc mộ, áo nguyệt ca, trăng kêu xanh, lửa tịch mịch, màu âm xô giạt, hình tiếng chuông” đều gợi trong đầu óc người đọc những hình tượng mơ hồ, lãng đãng về một nơi chốn  khác.

Qua quá trình 52 năm, Huy Tưởng chỉ làm thơ và xuất bản thơ (ngoài một số ít sách dịch).

Coi như đời sống của Huy Tưởng là thơ.

Những năm trước 1975, Huy Tưởng chủ trương nhà xuất bản Kinh Thi tại Sài Gòn, xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị của các tác giả cùng thời.

Huy Tưởng hiện định cư ở Úc.

Năm 2020, Huy Tưởng gởi đến nhà thơ Trịnh Y Thư ở Nam California (nhà xuất bản Văn Học Press) in tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông.”

Tôi nhận được thi phẩm này từ nhà thơ Trịnh Y Thư, theo ý của Huy Tưởng từ Úc, gởi tặng.

Một chút kỷ niệm 

Trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ, nằm trên con đường cùng tên, một con đường tỉnh lộ nhỏ và đầy bụi. Lúc tôi vào học, trường còn mái tôn, tường gạch quét vôi màu vàng nhạt. Ngoài gần cổng trường, có một cây đa cổ thụ cành lá sum suê, thường vào những tháng sắp vào Đông, có hàng trăm, nhiều khi đến hàng ngàn con chim sáo, bay về đậu đầy trên cây đa cổ thụ này.

Học ở đây mấy tháng, tôi chợt khám phá ra có một một người học sinh học trên tôi một lớp chống nạng đi học. Người nam sinh dễ thương, da trắng, môi hồng như con gái, dáng người mảnh khảnh, nhưng tiếc thay anh bị bại liệt hai chân nên đi học phải chống nạng. Bởi vì có sự đặc biệt này nên tôi chú ý đến anh.

Anh tên là Nguyễn Đức Hiệp.

Tôi biết thêm, thời gian còn là học sinh, Nguyễn Đức Hiệp đã làm thơ đăng trên các báo văn học Sài Gòn,  nhưng tôi chưa đọc một bài thơ nào của anh.

Tôi lạc dấu Nguyễn Đức Hiệp từ ngày Hiệp lên lớp đệ nhất, vì trường lúc đó chưa có mở lớp đệ nhất. Không biết Hiệp đã chuyển đi học trường nào?

Năm 1967-1968, cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu lan rộng, khốc liệt, nhất là năm 1968, cuộc tổng tấn công và nổi dậy của Cộng Sản Bắc Việt tràn khắp miền Nam nên những sinh viên chúng tôi không còn ngồi yên trên ghế nhà trường nữa, mà đều bị động viên vào lính.

Mãi những năm sau này, khi đã vào quân đội, tôi mới biết Nguyễn Đức Hiệp vào Sài Gòn học ở Đại Học Văn Khoa, và anh đã tốt nghiệp cử nhân triết.

Anh làm thơ, lấy bút danh là Huy Tưởng.

Đọc thơ Huy Tưởng tôi ngẩn ngơ, thơ anh rất hay, nhưng luôn như mang những âm thanh buồn bã, vang vọng từ cõi âm về. Đọc thơ Huy Tưởng như thấy có một nỗi buồn bát ngát, khói sương, hòa trộn trong thân phận con người. Nó lung linh, mơ hồ, huyền ảo như lời kinh lời kinh Bát Nhã “sắc bất thị không, không bất thị sắc.”

Sau 30 Tháng Tư, 1975, tôi phải vào “trại cải tạo.” Đến khi ra tù, về lại Sài Gòn, nghe tin Huy Tưởng mở quán cà phê ở đường Bà Lê Chân, Tân Định.

Tôi có lúc cùng Trần Thanh Ngọc (nhà thơ Triều Giang), hay cùng nhà thơ Hà Nguyên Thạch tới quán Huy Tưởng uống cà phê. Huy Tưởng gặp tôi rất vui. Nhìn Huy Tưởng ngồi đập đá bỏ vào ly cà phê cho khách mà thương, nhưng Huy Tưởng đã vui vẻ cười nói, cứ coi như mình đang gõ mõ tụng kinh vậy.

Ở quán ca phê số 11 đường Bà Lê Chân của Huy Tưởng thu hút một số anh em văn nghệ tới uống để gặp nhau, hỏi han nhau, trong số đó tôi biết có nhà thơ Trần Dzạ Lữ, nhà thơ Hà Nguyên Thạch thường “đóng đô” ở đây.

Sau đó, Huy Tưởng thay đổi việc làm ăn, anh chuyển qua mở quán bán đồ ăn lấy tên là quán Faifo Phố Hoài, cũng ở vùng Tân Định. Cho đến ngày anh đi định cư ở Úc.

Định cư ở Úc, dù xa Hoa Kỳ, nhưng anh vẫn liên lạc với các bạn văn ở Mỹ, lên Facebook trao đổi thường xuyên.

“Đêm Vang Hình Tiếng Chuông,” tập thơ trình bày đẹp. Khổ vuông. Bìa sau là thủ bút Huy Tưởng.

“Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” gồm 197 bài thơ lục bát ngắn, mỗi bài được trình bày giữa trang giấy.

Nhà thơ Phan Tấn Hải viết về tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” của Huy Tưởng như sau: “Tất cả đều là lục bát. Đa số trong tập là lục bát bốn dòng, có khi ngắt dòng câu lục hay câu bát để thành các dòng hai chữ với bốn chữ. Và xen trong các dòng thơ, thỉnh thoảng là các dấu chấm. Đối với thói quen làm thơ của Huy Tưởng, các dấu chấm là mới, nhưng thơ lục bát ngắt dòng giữa câu lục hay câu bát là bút pháp anh đã từng dùng nhiều thập niên trước; thí dụ, bài thơ hơn nửa thế kỷ trước, nhan đề ‘Con Đường’ viết tại Đà Lạt năm 1971 cũng là lục bát, cũng ngắt dòng để có dòng 2 chữ, có dòng 4 chữ.”

Tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” của nhà thơ Huy Tưởng do Văn Học Press xuất bản, dày 160 trang, 8.5” x 8.5”, sách in màu, gồm 197 bài thơ của nhà thơ Huy Tưởng, và 10 họa phẩm của họa sĩ Trương Đình Uyên. (Hình: Van Hoc Press)

“Air thơ” độc đáo

Tôi xin trích một đoạn bài thơ lục bát của Huy Tưởng, viết từ những năm 1971, đến nay đã 50 năm:

Con Đường
Này em ta dắt nhau về
Vang vang dưới núi
Chiều tê lạnh rồi
Con ong cái kiến
Qua đồi
Và trăng xanh nữa im lời nước mây
Bước chầm chậm dưới hàng cây
Đừng rung em nhé
Sợ ngày rụng theo.”

Và nay (2020), trong tập thơ mới “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” cũng những bài lục bát như thế, có thể phá cách, hay chấm giữa câu, xuống dòng, nhưng nhìn chung, ý thơ Huy Tưởng xuyên suốt từ “Mưa Trong Vườn Chiêm Bao” đến “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông.”

“01
Tiếng Biệt Tăm
đêm. tôi khản giọng tru trăng
cuồng nư cắn vỡ miếng rằm. chưa lên
đất trời cuồn cuộn. mông mênh
tôi nghe vang tiếng biệt tăm. đáy chiều…

02
Dốc Ngược Suối Khe
mai theo mùa gặt
về trời
tầm dương giục giã. ngước lời sương tan
này cơn gió núi trên ngàn
làm sao dốc ngược trăng vàng. dưới khe

07
Trăm Nỗi Quê Nhà
ngựa cuồng. hí lộng đồi xanh
vó câu hổ phách. nhánh cành nức hoa
tư hương. trăm nỗi quê nhà
chiều buông sầm sập bóng tà. nhịu lam…”

Những từ như “khản giọng tru trăng, cuồng nư cắn vỡ, miếng rằm, tiếng biệt tăm, tầm dương giục giã, dốc ngược trăng vàng…” là những từ mới, rất riêng của Huy Tưởng.

Với các tác giả, như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Lương Vỵ, Du Tử Lê, Thành Tôn… mỗi người đều có một “air thơ.” Đọc một bài thơ, người “sính” thơ có thể biết bài thơ đó (có thể) là của tác giả nào.

Với Huy Tưởng cũng thế, tôi nghĩ, với “air thơ” của anh, hay nói khác hơn là ngôn ngữ thơ Huy Tưởng có những nét rất độc đáo, đọc lên, nếu tinh ý sẽ biết đó là thơ Huy Tưởng.

Từ “Mưa Trong Vườn Chiêm Bao” (1968) đến “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” (2020), Huy Tưởng vẫn giữ “air thơ” riêng của mình.

Chúc vui đến Huy Tưởng. [qd]

MỚI CẬP NHẬT