Friday, April 26, 2024

Trần Quốc Bảo, tấm gương lớn của lòng tử tế

Du Tử Lê/Người Việt

Thành công cả về vật chất lẫn tinh thần của đại nhạc hội chủ đề “Chút Tình Trao Nhau” vào dịp Tết năm 1996, do Trần Quốc Bảo và nữ danh ca Thanh Thúy chủ xướng, với sự tham dự, tiếp tay của hàng trăm ca, nhạc sĩ hải ngoại.

Kết quả cụ thể là trên 70 nghệ sĩ còn kẹt ở quê nhà, nhận được sự giúp đỡ thiết thực, đầy tình tương thân, tương ái giữa các nghệ sĩ thuộc mọi thành phần, tuổi tác, như chúng tôi đã ghi lại trong những kỳ báo trước.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa, theo tôi, là tiếng vang của việc làm đầy chân tình, ý nghĩa này, chẳng những không nhạt, phai theo thời gian, mà ngược lại, nó còn khơi dậy nhiều triều sóng niềm tin, trông cậy của những nghệ sĩ không may, rơi vào tình cảnh ngặt nghèo, nơi quê nhà.

Để đáp ứng được nhu cầu giúp đỡ khẩn cấp một số nghệ sĩ kém may mắn, Trần Quốc Bảo đề nghị với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế thành lập quỹ tương trợ, gọi là quỹ “Vòng Tay Nghệ Sĩ.” Mà, thủ quỹ phụ trách việc chi tiêu là nữ ca sĩ có tấm lòng đáng ca ngợi Phương Hồng Quế. Việc ghi sổ sách, chứng từ nhận tiền, báo cáo, công bố từng chi tiết nhỏ, thì ông nhận lãnh, với phương tiện là tờ “Thế Giới Nghệ Sĩ” của mình.

Tiếng vang hay sức dội âm thầm nhưng mãnh liệt, bền bỉ của tinh thần “lá lành dùm lá rách,” còn dẫn tới những trái tim nhân ái khác. Bất kể trở ngại, khó khăn, làm chiếc gạch nối, để thông tin kịp thời cho hai nghệ sĩ hải ngoại, đại diện quỹ “Vòng Tay Nghệ Sĩ.”

Nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ, cho biết những trường hợp bất hạnh, khẩn cấp, ở quê nhà, ngày một nhiều; nên, nếu không có người ở Việt Nam, tự nguyện đóng vai người… “báo động” thì “chị em Trần Quốc Bảo” có lòng mấy, cũng “bó tay” thôi.

Tiêu biểu cho tinh thần tự nguyện làm chiếc gạch nối, hay đường dây báo động khẩn cấp cho nghệ sĩ hải ngoại, là nữ nghệ sĩ Giang Kim. Theo tác giả “Hát Trên Đường Lưu Vong” thì trước Tháng Tư, 1975, Giang Kim đã được nhiều người biết tới, như một nghệ sĩ nặng tình với sân khấu, điện ảnh.

Trần Quốc Bảo kể, xuất thân nhà nghèo, năm 1967, còn đang đi học, Giang Kim đã phải xin vào đoàn Cải Lương Kim Chung 1. Cô được tuyển dụng; được đóng vai… Phật Bà.

“Mỗi tối, đúng giờ, Giang Kim ngồi trong một chiếc thúng, chung quanh gắn hoa sen, do mấy người phụ trách hậu cảnh kéo lên cao, trong ánh đèn chớp, tắt liên tục. Cảnh này chỉ diễn ra trong vòng một phút! Cứ như thế, mãi ba tháng sau, Giang Kim mới được giao vai diễn mới.”

Trần Quốc Bảo lược kể về bước khởi đầu sự nghiệp trình diễn của người chị tinh thần mà ông rất quý trọng.

Sau một thời gian, nghệ sĩ Hùng Cường và Lệ Thủy nhận thấy Giang Kim không có tương lai ở đoàn Kim Chung 1, đã giới thiệu Giang Kim vào làm nhân viên của Tiểu Đoàn 20 CTCT; cộng tác thêm với chương trình Truyền Hình Quân Đội.

Chính ở lãnh vực truyền hình này mà Giang Kim hai lần được chọn làm diễn viên xuất sắc nhất qua hai vai kịch ở Tiểu Đoàn 20 và 40 CTCT. Từ đấy, Giang Kim được mời đóng nhiều vai quan trọng trong các vở kịch của thầy Nguyễn Phương; bên cạnh những tên tuổi lớn thời đó, như Huỳnh Thanh Trà, Kim Tuyến, Tú Trinh… Năm 1971, Giang Kim còn được ca sĩ kiêm nhà sản xuất Jo Marcel mời tham gia phim ca nhạc “Thế Giới Nhạc Trẻ”…

Nhưng, sau biến cố Tháng Tư, 1975, như hầu hết nghệ sĩ miền Nam, Giang Kim bị thất nghiệp. Tới năm 1977, cô được vợ chồng nhạc sĩ Nhật Trường mời hợp tác với đoàn Nhật Trường. Kế tiếp Giang Kim cộng tác với nhiều đoàn khác; như nhóm kịch Thẩm Thúy Hằng, đoàn kịch Mây Trắng, nhận diễn hài cho nhóm Mỹ Chi, và đoàn Duy Phương…

Nói về đóng góp cấp thời, quan trọng của Giang Kim ở trong nước với nhóm “Vòng Tay Nghệ Sĩ” ở hải ngoại, Trần Quốc Bảo nêu thí dụ gần nhất: Mới cách đây nửa năm là trường hợp ca sĩ, MC Tiến Dũng, con trai cố nhà báo Lê Văn-Vũ Bắc Tiến và nữ nghệ sĩ Thu Nhi của đoàn Kim Chung. Tiến Dũng bị ung thư lưỡi, giai đoạn cuối, không ăn uống gì được đã cả năm…

Tưởng cũng nên nói thêm, Tiến Dũng sinh năm 1961, tham gia sinh hoạt âm nhạc rất sớm. Dũng từng đứng chung sân khấu với các ca sĩ Anh Khoa, Họa Mi, Hồng Vân, Thanh Lan, Lê Hựu Hà, Trang Thanh Lan… Lớp trẻ hơn có Cẩm Vân, Nhã Phương, Bảo Yến, Ngọc Bích…

Trần Quốc Bảo kể, đúng ngày mồng Một Tết vừa qua, khi đang trên đường bay qua tiểu bang Iowa, thì ông nhận tin của nghệ sĩ Giang Kim. Chị viết: “Em ơi, hôm nay báo tin này thì thật không phải, nhưng em ở bên Mỹ đón năm mới theo lịch Tây, với lại em là nhà báo, chắc không kiêng cử nhiều, nên chị mới mạnh dạn báo tin cho em biết MC Tiến Dũng đã ra đi tối hôm qua. Gia đình Dũng không có tiền lo hậu sự. Chị bên này có bà nhôm Inok Kim Hằng sẵn sàng lo từ A tới Z cho những người nghèo không có tiền. Nhưng là ngày đầu năm, chị không dám xin cho Dũng…”

Trần Quốc Bảo tâm sự, anh từng thấy nhiều người sống và chết rất cô đơn trong mấy ngày đầu năm Âm Lịch. Như họa sĩ Hải Vân, hỏa thiêu ngày mồng Hai Tết, không có người tham dự… Nay tới phiên MC Tiến Dũng! Trần Quốc Bảo đã điện thoại về Việt Nam, gặp chị ruột của Tiến Dũng tên Thu. Chị Thu nói: “Dũng mất ngày mồng Một Tết nên không dám báo cho ai. Phải đợi mồng Hai Tết mới dám gọi chị Giang Kim… Ngày chị vĩnh biệt em chị, chẳng ai hay, để tham dự…”

Trước tình cảnh này, cực chẳng đã, Trần Quốc Bảo đành phải thông báo cho Thanh Thúy, Phương Hồng Quế và Hồng Vũ Lan Nhi. Thâu được một số tiền nhỏ là $250, ông đã gửi ngay về Việt Nam, phụ với gia đình người quá cố, lo tang lễ…

Từ đường dây khẩn cấp Giang Kim, trước đó, cô cũng là người đầu tiên báo cho Trần Quốc Bảo và Phương Hồng Quế, tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả ca khúc “Về Đây Nghe Em” (thơ A Khuê) lâm trọng bệnh (ung thư?), tình hình tài chánh không khả quan…

Chủ nhiệm báo Thế Giới Nghệ Sĩ cùng một số bằng hữu lại nỗ lực quyên góp từ những nghệ sĩ thân thiết trước nhất; sau đó, tới thân hữu và những người ái mộ Trần Quang Lộc… Cuối cùng đạt được con số $1,000, Trần Quốc Bảo nhờ Giang Kim đem vào tận bệnh viện, trao cho Trần Quang Lộc ngày 2 Tháng Mười Hai, 2017. Ba ngày sau, tức ngày 5 Tháng Mười Hai, quỹ “Vòng Tay Nghệ Sĩ” lại quyên thêm được $1,700 từ một số ca sĩ, trung tâm băng nhạc từng hát, thu nhạc Trần Quang Lộc… Và, người trao tiền tận tay Trần Quang Lộc, ở bệnh viện, vẫn không ai khác hơn Giang Kim…

***

Tôi nghĩ, có thể một số người trong chúng ta không tin các ca, nhạc sĩ thực sự yêu thương, đùm bọc nhau, vì thành kiến “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ.” Nhưng người trẻ tuổi Trần Quốc Bảo, tác giả “Hát Trên Đường Lưu Vong,” bằng vào tấm lòng hiếm thấy, từ mấy chục năm qua, đã cho chứng minh điều ngược lại.

Cá nhân, tôi rất trân trọng những việc làm của ông, với niềm tin: Những việc làm ấy, sẽ là tấm gương lớn cho những thế hệ trẻ, mai sau, ở quê người, noi theo. (Du Tử Lê)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT