Monday, March 18, 2024

Tự Do, tờ báo chia sẻ suy tư cảm xúc

Viên Linh

Không hiểu vì sao ngay từ những ngày đầu tiên đọc tờ nhật báo Tự Do, tôi đã nhớ ngay tên năm người chủ trương tờ báo, là Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu.

1-Thông thường độc giả không quan tâm đến chuyện thành phần nhân sự của một tờ báo, trong khi một độc giả trẻ tuổi lại ghi nhớ tên tuổi từng người, theo đúng thứ tự in trên mặt báo.

Thói quen ấy có lẽ vì hồi còn ở Hà Nội, tôi sống chung một tòa nhà với một thư sinh, lại là một ông chú họ chỉ hơn tôi khoảng 5 hay 6 tuổi, lúc nào cũng đọc cũng viết, đó là chú Sĩ, con trai ông Tổng Ba người làng tôi.

Cầm một tờ báo lên đọc, trước hết ta cần biết báo ấy do ai làm, tông tích và xu hướng của nó… Điều này giúp ta có căn cứ ngay từ đầu một khi cần suy xét điều gì từ sự việc ta vừa đọc thấy.

Cái tên Tổng Ba thành hình vì tại làng Đổng Kính vùng châu thổ Sông Nhị có một họ Nguyễn gồm ba anh em trai được người trong họ gọi bằng ba cái tên xưng, là cụ Chỉ, cụ Tú, ông Tổng Ba.

Nhà cụ Chỉ chiếm riêng một con ngõ bên trái nếu ta đi từ hướng Bắc, là hướng từ Hà Nội đi xuống bằng quốc lộ số 1. Dùng con dốc chính, xa xa phía trước mặt là bóng núi Hương Tích, là chùa Hương; con ngõ vào nhà cụ Chỉ sẽ nằm phía tay trái gần cuối làng. Ít ai dám đi hết con ngõ vì cơ ngơi trong cùng nuôi nhiều chó dữ, cả đàn, chỉ nghe tiếng chúng sủa người ta đã vội lùi lại.

Xéo khu này về phía bên phải có hai con ngõ cách nhau một cái ao bèo sum suê, ngõ trong cùng cách đường làng một quãng trống là nhà ông Tổng Ba, ngõ ngoài gần phía quốc lộ là nhà cụ Tú, là người thứ hai trong ba anh em nhà họ Nguyễn đã chiếm ba con ngõ gần nhau ở phía cuối làng Đổng Kính. Địa thế ấy, mặc dù có xen kẽ một hai căn nhà nhỏ lụp xụp, vẫn thấy họ Nguyễn làng này khá cô lập.

Ngay từ lúc mồ côi cha ở với ông nội là cụ Tú, tôi đã cảm thấy điều gì đó xa cách giữa dân làng Đổng Kính và ba nhánh gia đình dòng họ Nguyễn.

Mãi sau này ở Hoa Kỳ, cuốn Gia Phả Nguyễn Tộc từ quê hương được ông anh cả gửi cho tôi, khoảng hai chục năm nay, tôi mới giật mình khi đọc hiểu một chi tiết: đại ý nói “cụ tổ ta hồi kinh thành Thăng Long biến loạn, đã cùng con trai thoát thân về một ngôi làng phía Nam kinh thành, đêm khuya chôn gươm ngoài đồng cỏ, mai danh ẩn tích đổi họ từ Lê ra Nguyễn, nhập tịch làng Đổng Kính, sau tục huyền với một phụ nữ họ Nguyễn người làng, lấy họ vợ làm họ của mình…”

2-Ông chú Sĩ của tôi là chú họ, lại rất thân với ông chú ruột của tôi tên Các, nên trong khi tôi phải giữ lễ chú cháu với ông Các (“chú cũng như cha, nhất là khi cha đã không còn…”), thì lại vui vẻ thân mật với chú Sĩ. Cũng do một nhu cầu riêng của ông Sĩ, ông hay nhờ tôi đưa thư tay cho một “nữ sĩ” ở đường Huyền Trân Công Chúa, và ông thường nói “cháu có xe đạp, vèo mật cái chứ mấy, đưa giùm chú cái thư này cho cô nữ sĩ Dư Anh.” Trên phong bì có sẵn số nhà đường phố, đạp xe đi về chỉ mất năm mười phút một lượt.

Về sau tôi biết chú Sĩ và cô nữ sĩ đều viết bài gửi đăng báo Cải Tạo, nhưng phải nói là rất hiếm khi. Có một thời gian ông mang về nhà cả xấp báo đủ loại, tôi đọc qua hết, thấy những tờ như Tia Sáng, Giang Sơn, Giác Ngộ, Tin Điển (? Thay vì Điện), Sinh Lực, Thế Kỷ, Tiếng Dân… Thế và một khi đã thích tờ báo nào, người đọc giữ ngay lấy tờ báo đó, cất riêng một chỗ cho riêng mình, đặng có khi còn có mà đọc lại. Lâu dần tôi có một thùng báo riêng – vốn là cái thùng gỗ đựng sữa Guigoz, khá cao, song vẫn đẩy lọt vào trong gầm giường, người không để ý không thể biết.

3-Trong suốt thời gian tờ nhật báo Tự Do hiện diện, tôi không quen một ai trong đó, nhưng quen thân với em ruột họa sĩ Phạm Tăng, là người đã trình bày tờ báo, kẻ các kiểu chữ cho tên tờ báo, và nhất là vẽ tranh cho báo Tết, vẽ biếm họa chính trị trên trang nhất.

Cung cách của tờ báo và tên tuổi các tác giả cộng tác, có thể nói, không một tờ náo khác có thể vượt qua. Còn nhớ những Vũ Hoàng Chương, Cô Thần, Hiếu Chân, Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân, Đỗ Đức Thu, Đỗ Thúc Vịnh, Mai Xuyên, Phùng Tất Đắc, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Bàng Bá Lân, Lý Thắng, Như Phong, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc, Mai Nguyệt… Còn nhiều tên tuổi khác hiện không có đủ tài dưới tay, tôi không dám kể ra và không thể kể ra hết.

4-Nhật báo Tự Do cũng là tờ báo mà mục chính kiến là mục ăn khách nhất, so với vài tờ khác, mục ăn khách của họ là diễm tình, là thị phi, là điều tra phóng sự có tính gợi dục hay tố giác và tung tin đàm tiếu.

Nhiều tờ, vào đúng giai đoạn phân ly của đất nước, các vấn đề và sự việc kỳ thị Nam Trung Bắc, vốn đang bị cả thực dân lẫn Cộng Sản, cả tay sai Pháp-Mỹ lẫn cán bộ Nga-Tàu và Việt Minh hoạt đầu hay đón gió thao túng lợi dụng, cho nên những người làm một tờ báo như thế phải là những người vừa ý thức vừa can đảm, cầm bút trong tự trọng, tâm thức bất khuất và sáng suốt không ngừng, hay trong phạm vi và mức độ cao nhất mà họ có thể.

Nhiều người làm báo cũng để tiến thân trong quyền lực và danh lợi, như thói thường; song với tâm tình tôi lúc ấy, những năm 1954-1955-1956, đọc Tự Do, sống trong niềm thương nỗi nhớ chia ly tha hương, cùng bạn bè trang lứa làm thơ viết văn những bước đầu, Tự Do là tờ báo chúng tôi đã đọc hằng ngày và cùng nhau chia sẻ suy tư cảm xúc.

Trên đây dù sao là những cảm xúc chung chung. Còn theo những bài viết của nhà biên khảo lý luận Nguyễn Tà Cúc – người đã phỏng vấn nhà văn Mặc Đỗ, cột trụ của tờ Tự Do từ những số đầu – thì Mặc Đỗ là người đã lèo lái và gây dựng tờ báo, còn ký giả Tam Lang lúc ấy đã có tuổi, được đưa lên đầu theo nền nếp tôn trọng trưởng thượng của những người chung một tập thể chung một mục đích.

Tờ Tự Do đưa ra tên tuổi năm người trong ban chủ trương – Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu. Nhưng người chịu trách nhiệm pháp lý (ghi trên tờ báo) lại là một cái tên ít ai biết, ông Dậu, hình như họ Nguyễn. (Viên Linh)

Video: Quê Nhà Quê Người Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT