Friday, April 26, 2024

Từ Lê Tất Ðiều tới Cao Tần

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Bây giờ, chẳng một người yêu thơ nào, không biết Cao Tần là một bút hiệu khác của nhà văn Lê Tất Ðiều. Nhưng khi tiếng thơ Cao Tần xuất hiện lần đầu trên báo Bút Lửa (1977), thì câu hỏi “Cao Tần là ai?” đã được nhiều người hỏi nhau.
Ghi nhận về hiện tượng thơ Cao Tần, những ngày đầu, ký giả Mặc Lâm đài phát thanh RFA viết:

“…Tập thơ Cao Tần nhanh chóng được độc giả hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vào những ngày đầu tiên của người Việt tha hương, đặc biệt là những người từng phục vụ trong quân đội. Trong Cao Tần, người đọc thấm thía nỗi buồn của những kẻ chiến bại. Tâm lý thua cuộc là một tâm lý bi thảm nhất sau chiến tranh. Nỗi buồn đeo đuổi như bị ma ám cộng với đời sống mới lạ lẫm đã kéo người ta lại với nhau như một yếu tố khởi đầu của tính bầy đàn. Ngồi lại để chia sẻ mọi thứ, từ kỷ niệm cho đến buồn phiền. Từ đời sống thường nhật bấp bênh cho đến những ước ao hoang tưởng…” (Nđd)

“Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

“Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

“Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?

Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao…

“Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la…

“Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Ðời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

“Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
(Trích “Ta làm gì cho hết nửa đời sau” thơ Cao Tần)

Cõi-giới thơ Cao Tần không chỉ đặc biệt dành cho những người lính miền Nam trong tâm bão của cuộc đổi đời tháng 4, 1975 mà, thơ ông còn như những đợt sóng lớn, tỏa rộng, bao trùm thân phận của đa số người Việt tỵ nạn, đầu tiên. Ðặc biệt, ông giễu cợt, hài hước chính ông, một trong những người tỵ nạn đầu tiên, phải lìa xa đất nước; làm lại cuộc đời từ số không:

“Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mầy qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li.
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió,
Ðêm về nằm vùi nước mắt chứa chan.
Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ…”
(Trích “Mai Mốt Anh Về,” thơ Cao Tần)

Hoặc:
Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng sớn sác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ.
(Trích “Cảm Khái” thơ Cao Tần)

Ðó là dăm bài thơ phản ảnh phong cách (chữ, nghĩa) hay “võ công thượng thừa,” đã được ấn chứng của Kiều Phong/Lê Tất Ðiều qua những bài phiếm của họ Lê thời trước 1975 ở quê nhà, cũng như sau đó, ở hải ngoại. (6)
Vì Cao Tần hay Kiều Phong là hai khía cạnh tài hoa khác của khác của một Lê Tất Ðiều, nhà văn. Lê Tất Ðiều, nhà văn những của thương yêu, tình cảm thao thiết chân thật, nên, trong cõi-giới thơ Cao Tần, cũng có những bài thơ in đậm chân dung Lê Tất Ðiều. Thí dụ bài “Thư quê nhà”:

“Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
(Nuôi một bầy con cuối đời vẫn lạnh)
Cho anh hôn ơn nặng một thời xa…

Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở…

Và gửi cho anh một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Ðể anh đọc: Mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa…

Hoặc:

Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay
Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

Chú có biết yêu thương vài nụ hồng
Ðã thắm tươi trên giàn che cổng gỗ
Những giọt trong veo từ cõi vô cùng
Vỗ rộn ràng vui trên từng lá nhỏ

Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?
(Trích “Chú Nào Nghe Mái Tôn Mưa,” thơ Cao Tần)

Ðời sống vốn là dòng sông chảy xiết, nên sau hơn 40 năm ở xứ người, tình cảnh người tỵ nạn Việt Nam, đã khác xưa. Nhưng, mỗi khi nhìn lại lịch sử tỵ nạn, thời kỳ đầu thì, thơ Cao Tần chính là ký ức, là tấm gương phản chiếu đời sống, tâm tư… của giai đoạn khó khăn, nhọc nhằn đó, vậy.

(California, tháng 9, 2016)


Chú thích:

(6) Nhà văn Lê Tất Ðiều từng cho biết, Kiều Phong là bút hiệu chung của nhiều người, thời ông cộng tác với một tờ báo của thi sĩ Trần Dạ Từ. Nhưng những ai theo dõi hành trình văn chương, báo chí của họ Lê đều nhận ra rằng, bút hiệu Kiều Phong cũng được ông dùng cho những bài phiếm ở những tờ báo khác mà, ông từng cộng tác ở trong nước, cũng như hải ngoại. Ðiều này cho thấy, tuy tuyên bố như trên, nhưng họ Lê là người duy nhất sử dụng bút hiệu lấy tên một nhân vật trong truyện chưởng của Kim Dung. Ðiều này cho thấy, tuy tuyên bố như trên, nhưng họ Lê là người duy nhất sử dụng bút hiệu lấy tên một nhân vật trong truyện chưởng của Kim Dung.

Xem thêm phóng sự: Thăm đồng bào người Việt tại Campuchia

MỚI CẬP NHẬT