Friday, April 26, 2024

Văn, thơ ‘mùa’ đại dịch

Trần Doãn Nho/Người Việt

Đầu năm 2020, trong khi cả nhân loại đang hăm hở bước vào một mùa Xuân mới – Xuân Tây và Xuân Ta – thì bỗng nhiên từ một xó xỉnh vô danh nào đó, con virus Corona xuất hiện, làm rúng động toàn hành tinh, biến ngay cả những thành phố hạnh phúc nhất, giàu có nhất, phồn vinh nhất trong một xứ sở có nền y khoa cao cấp nhất thành những nơi tang tóc.

“tháng ba u ám rã rời
hai vì sao sáng trên trời bỏ đi
bao trùm dịch bệnh co vi
khắp nơi tang tóc lấy gì cho nhau”
(Tháng Ba/ Huỳnh Minh Lệ)

Nhân loại lâm vào một cuộc chiến tranh toàn diện và thầm lặng: bảy tỷ rưỡi người chống lại hàng tỷ tỷ và tỷ tỷ con siêu vi trùng! Thực mà như ảo: kẻ thù hoàn toàn vô hình (invisible enemy), theo cách nói của Tổng Thống Mỹ Donald Trump.

Trong thời chiến tranh trước đây, bom đạn và chết chóc làm người ta khủng khiếp, nhưng mọi quan hệ vẫn là quan hệ bình thường. Không ai lây cái gì cho ai. Người ta vẫn sống với nhau, đến với nhau, che chở cho nhau.

Cơn dịch này, ngược lại, làm đảo lộn tất cả mọi hình thức sinh hoạt và quan hệ của loài người, từ cá nhân, gia đình, xã hội, đến nhà nước và quốc tế. Người sợ gặp người, người không dám nói chuyện với người, người không bắt tay người, người không ôm người. Sợ người sống đã đành, còn sợ người chết; sợ người lạ đã đành, còn sợ người quen, sợ cả thân nhân mình và thậm chí sợ cả chính mình: tay không dám đụng mặt.

Bằng những hình ảnh hiện thực mang mang ẩn dụ, Hoàng Xuân Sơn dựng nên một khung cảnh quan hệ nhân sinh khá lạ lùng:

“người đụng người bịt mặt
màu không gian đặc quánh
thời gian trét miệng mồm
màu quan tài hiển lộng

(…) Chim đừng ăn vi khuẩn
người đừng thở vi khuẩn
lửa đốt cháy lò thiêu
làm sao mình lý sự

(…) Cuối cùng một chấm hỏi
về đâu những mùa than
cây bạch dương thầm lặng
rơi khẩu nghiệp bên đàng”
(Lũng Cú)

Những biểu lộ tình yên tha thiết như “ôm, hôn, kề vai, chung chăn gối, dìu nhau, đưa em, vuốt tóc”… đột nhiên trở thành những chữ và nhóm chữ phản cảm, không những thế, độc hại. Thay vào đó, phát sinh ra một tình yêu kiểu mới: tình-yêu-giấy-vệ-sinh (tạm dịch: toilet paper love). Phạm Hạ Mỵ Châu vẽ ra một hiện thực ngọt ngào pha chút giễu cợt mà lại nghe chua chua:

“Hôm qua anh đến nhà em
Tay ôm bó giấy để đem làm quà
Lòng em rộn rã nở hoa
Niềm đau chôn giấu đã ba hôm rồi
Cảm ơn anh dạ bồi hồi…”
(Quà Tặng Chân Tình)

Dù sao, đó vẫn còn là chuyện tình đẹp.

Một chuyện tình khác, cũng đẹp không kém: tình-yêu-khẩu-trang (tạm dịch: face-mask love), nhưng than ôi, đẹp tái đẹp tê! Đặng Thơ Thơ kể:

“Ngày hôm nay.

Nàng gọi: Anh còn khẩu trang không? Em hết sạch rồi!

Chàng: Anh nhớ em còn một cái mà. Ai cũng phải còn một cái!

Nàng: Cái của em bị rách! Là hàng giả đấy anh! Hàng thật họ đã xuất khẩu, tiền bạc họ đã bỏ túi, gia đình họ đã lên phi cơ bay sang đảo riêng ở hết rồi!

Chàng còn đúng một cái khẩu trang cuối cùng, chưa dùng. Trên đường đến nhà nàng, chàng phải đi qua bệnh viện người chết la liệt và những tụ điểm đầy vi trùng. Chàng quyết tâm hy sinh cho tình yêu.

Chàng nhắn tin qua điện thoại: Khẩu trang anh để trong túi treo ở cửa, em xuống lấy. Anh không dám trao tận tay sợ em bị lây. Mong em sống được đến ngày mốt. Vĩnh biệt em.

Khi chàng chết, nàng không dự đám tang. Nàng phải đi chích ngừa. Trong túi nàng vẫn còn một số khẩu trang dự trữ” (Chuyện Tình Trước Ngày Tận Thế).

Quả là một thứ tình “platonic” (*) bi thảm!

Nhà thiết kế thời trang Hà Nội, Đỗ Quyên Hoa (giữa) tạo ra những chiếc khẩu trang được trang trí bằng các đường thêu hoa, động vật, côn trùng và nhiều thứ khác, không chỉ chống virus Corona mà còn trở thành một thứ phụ kiện xinh đẹp của phụ nữ. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Một trong những biểu hiện rất phổ biến của cơn dịch: ho. Ho trở thành một âm thanh khủng bố. Trong truyện ngắn “Lệch Cán Cân Đời,” Hoàng Chính đã nêu bật một khía cạnh khá bất ngờ về ảnh hưởng của cơn dịch bệnh đối với luật pháp: nhờ cơn ho mà một tên tội phạm được tha bổng về cái tội say rượu lái xe gây tai nạn, nhưng lại do cơn ho mà hắn ta lại bị kết tội mưu sát vì (có thể) đã mang con siêu vi vào phòng xử án. Trích đoạn sau đây mô tả tác động khủng khiếp của tiếng ho trong phòng xử án:

“Kẻ nào đó vẫn ho thúng thắng. Phòng xử tương đối nhỏ. Người ngồi chật ních mấy hàng ghế. Giữa cơn đại dịch, luật pháp cấm tụ tập quá hai chục người, tuy nhiên ở tòa người ta xí xóa. Không khí ngột ngạt và ngây ngấy hơi người. Tiếng ho lẻ loi nhưng vang động của kẻ nào đó chắc hẳn làm mọi người bứt rứt vì khi bước vào cửa phòng xử, người cảnh sát đã yêu cầu mọi người tháo bỏ khẩu trang vì ‘lý do an ninh’ và để bày tỏ sự ‘tôn trọng tòa án.’

(…) Chợt một tiếng ho vang lên. Không! Hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, rồi tám, chín tiếng ho. Rồi một tràng tiếng ho. Tôi không còn đếm nhẩm được nữa. Trời đất! Hệt như tràng súng liên thanh. Mọi người trong phòng xử lao xao. Tràng tiếng ho gây chấn động hệt như khi có đứa vác khẩu súng máy xả một tràng vung vãi vào đám đông.

Những cái cổ rụt lại. Những con mắt trợn trừng. Những bàn tay che lên mặt, bóp hai cánh mũi, chặn lên mắt, bịt chặt môi miệng. Tiếng động lao xao. My God! My God! Tôi cũng nín thở. Rồi tôi luống cuống thọc tay vào túi áo, túi quần. Tìm cái gì không biết nữa. Nhưng cứ tìm; hoảng hốt tìm. Như kẻ đứng trước con cọp dữ, hai chân liệt bại vì sợ hãi, chỉ biết đưa hai tay lên che khuôn mặt, cứ như bàn tay yếu đuối sẽ che chở cho mình khỏi móng vuốt loài thú dữ.”

Cơn dịch còn biến mọi người thành những tù nhân bất đắc dĩ. Phạm Xuân Đài so sánh những ngày sống cách ly tại gia (stay-at-home order) với thời tù cải tạo mấy chục năm trước:

“Hơn 40 năm trước tôi ở trong trại cải tạo, bây giờ tôi bị giam tại gia. Khi ở trại cải tạo, tôi được gia đình thăm nuôi, hôm nay tôi được cả bạn bè lẫn gia đình thăm nuôi. Buổi sáng Vũ lớn mang xôi với tôm thịt rim, tôi ra hiên để lấy vô để ăn sáng thì Vũ đã đi mất dạng. Buổi trưa có điện thoại của một cô cháu báo tin: ‘Con để ở trước cửa nhà chú một hộp cơm thịt nướng, một túi trái cây, có cả mấy cái khẩu trang và găng tay bằng cao su. Chú mang cơm vào ăn trưa đi.’ Hỏi: ‘Con còn ở trước nhà chú không?’ – ‘Không, con đã ra tới đường Bolsa rồi.’ Buổi chiều Xuân Thục từ Irvine gọi: ‘Nửa tiếng nữa con tới nhà bố.’ Con gái mua nhiều đồ quá, chất đầy cả hai túi lớn. Kiểu này phải ăn cả vài tuần mới hết. Có cô cháu ngoại Léa đòi đi theo để thăm ông ngoại, nhưng ngồi yên trong xe chứ không dám xuống. Ông cháu chỉ nói dăm ba câu qua cửa kính thôi. Ít ra cảnh Ở TÙ VÀ THĂM NUÔI lại tái diễn trong ngày hôm nay, tại đất Mỹ” (trích từ email riêng).

Chưa hết! Con virus Corona còn táo tợn hơn nhiều. Nó làm rời rã ngay cả đến mối quan hệ thiết thân và đẹp nhất của con người: vợ chồng. Trần Mộng Tú viết:

“Hai vợ chồng luống tuổi, giờ giấc thức ngủ khác nhau. Người thức khuya đọc sách, người dậy sớm đi nhà thờ nên mỗi người một buồng, một cái khung điện toán riêng. Mấy lúc này cả thế giới chao đảo về dịch virus, mỗi ngày một trầm trọng. Chồng tôi không sợ hãi bằng tôi, anh vẫn thỉnh thoảng chạy ra chợ mua trái cây, thức uống. Anh lại có bổn phận đi bộ với người bạn thân đang bị cancer và anh không muốn bạn buồn vì sự cách ly này. Khi chồng tôi ra ngoài về, bước vào cửa là tôi phát hoảng như gặp phải con virus khổng lồ đang tới gần, tôi xua xua tay, chỉ anh vào ngay buồng tắm làm vệ sinh quần áo và rửa tay rửa mặt. Chúng tôi bây giờ không đứng gần nhau khi nói chuyện, không còn thỉnh thoảng ấm áp ôm ngang vai nhau nữa, đứng xa nhau và ngồi cũng xa nhau. Tôi có đưa nước đưa trái cây cho anh cũng để ở đâu đó trên bàn làm việc hay bàn bếp rồi nói cho anh biết chứ không đến gần đưa tận tay như trước nữa. Khi ăn cơm thì hai người cũng không ngồi gần nhau, dù là cái bàn tròn, mỗi người ngồi một phía đối diện nhau, bỗng nhớ câu thơ cổ Trung Hoa: ‘Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy.’ Còn mình bây giờ được nhìn thấy nhau nhưng: ‘Chàng ở bên kia bàn/ Thiếp ở bên này bàn/ Cùng ăn chung một mâm/ Nhìn nhau mà ngập ngừng’” (Những Đoạn Ngắn Mùa Corona Virus).

Huỳnh Minh Lệ gọi giai đoạn này là “mùa dịch.” Nếu là mùa thì phải có cuối mùa, hết mùa, sang mùa. Chả thế mà tác giả mơ ước:

“gặp nhau sau mùa dịch
không ai nhận ra nhau
tất cả đều một mặt
một bộ mặt buồn rầu”
(Sau Mùa Dịch)

Thì buồn! Sau bao nhiêu ngày chịu đựng cơn dịch bệnh tàn khốc, chắc chắn là buồn. Mà buồn cũng được, nhưng phải qua đi mùa dịch. Để được gặp, được chào, được ôm hôn, được cười nói hả hê và được cả… sờ mười ngón tay lên bộ mặt thân yêu của mình.

Sau mùa dịch, chao ơi, sau mùa dịch!
Tôi: “Hẹn em sau mùa dịch. Nhé em!”
Em: “Nhưng…lúc nào hả anh?”

Lúc nào nhỉ? (Trần Doãn Nho) [qd]

—–

Chú thích:

(*) Platonic: yêu bằng tinh thần, lý tưởng, không có quan hệ thân xác.

(**) Những trích đoạn văn và thơ trong bài viết lấy từ các trang mạng văn chương Da Màu (damau.org), Văn Việt (https://vandoanviet.blogspot.com).

MỚI CẬP NHẬT