Tuesday, March 19, 2024

Tuyển Tập 100 Năm Thơ Việt

Viên Linh

Trước đây sáu bảy năm trang Văn Học Nghệ Thuật có gợi ý việc soạn thảo một tuyển tập non một thế kỷ thơ, hôm nay đề nghị cụ thể hơn, đó là Tuyển Tập 100 Năm Thơ Việt Nam, khởi sự bằng một bài thơ quốc ngữ. Bài đó xuất hiện lần đầu năm 1922, chỉ còn 4 năm nữa nó trở thành bài thơ xuất hiện và tồn tại từ 100 năm trước: Thề Non Nước của Tản Đà.

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời hẹn nước thề non
Nước đi ra biển non còn đứng trông…

Bài Thề Non Nước in trong truyện ngắn cùng nhan đề vào năm 1922, tới nay vẫn là một bài thơ giữ nguyên ý nghĩa và giá trị, và tác giả của nó vẫn là một thi bá trong làng thơ, sau bao nhiêu vận hành của thời thế, và thời thế văn học Việt Nam. Niên kỷ 1922-2022, 100 năm thơ Việt và thơ lục bát Việt, người viết bài này nghĩ rằng từ bây giờ 2018, trong vòng 4 năm nữa là tới 2022 các thi sĩ Việt Nam ở khắp nơi cũng nên tạo dịp để họp mặt, một là để vinh danh thơ, cùng lúc tạo dịp hội ngộ thơ và những người yêu thơ làm thơ đọc thơ có cơ hội gặp nhau, trao đổi thi phẩm, và đi đến việc tổ chức Giải Thi Ca Việt Nam hàng năm. Là một người làm thơ, yêu thơ, phụ trách viết về thơ trên một số báo chí hiện nay, chúng tôi tin rằng và mong rằng đề nghị trên sẽ được quí bạn đọc, quí thi sĩ không phân biệt tuổi tác khuynh hướng địa phương góp ý kiến và cùng tham dự. Thư góp ý ngoài phong bì xin ghi ở góc trái phía dưới: “100 năm thơ.”

Đề nghị này của người phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật Thứ Năm, nhưng hy vọng được đón nhận rộng rãi. Chúng tôi cảm ơn sự đón nhận của quí bạn đọc và của quí vị yêu thơ.

Nhà thơ Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 Tháng Năm, 1889, tại Sơn Tây, mất ngày 7 Tháng Sáu, 1939, hưởng dương 50 tuổi. Trong quãng đời ngắn ngủi ấy, trải qua những ngày tháng phong trần, vào Nam ra Bắc để làm báo, thơ ông lồng lộng nắng gió, mênh mông núi sông, ngào ngạt mùi vị rau ngải, rau tần, và những lúc lắng đọng, người ta nghe ông ngâm thơ về non nước, như lời kể lại của một nhà phê bình:

Dưới bóng trăng tròn, tán lá xanh,
Nhớ chăng? Chăng nhớ? Hỡi cô mình?
Trăm năm ghi nguyện cùng non nước
Nước biếc non xanh một chữ tình!
(Tản Đà, Lửa Tình)

Kìa bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
(Vịnh Bức Dư Đồ Rách)

Mơ màng đâu đó bao dân chúng
Tô điểm nào ai với núi sông?
(Đêm Tối)

Lo nước thương đời đêm chẳng ngủ
(Tháng Ba Không Mưa)

Còn non còn nước còn trăng gió
Còn có thơ ca bán phố phường
(Đề Khối Tình Con Thứ Nhất)

Bốn mặt non sông một mái chèo
(Sông Cái, Chiếc Thuyền Nan – đề báo An Nam tạp chí số 1)

Mặt nước khói tan chìm vía cá
Đầu non sương phủ dạn thân tùng
(Hủ Nho Lo Mùa Đông)

Ai rằng nam bắc cách đôi nơi
Cũng một non sông một giống nòi
(Thơ tặng tờ Phụ Nữ Tân Văn xuất bản ở Sài Gòn)

Mặt nước sông Đà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ
(Ngày Xuân Thơ Rượu)

Không đưa ra những lời tuyên bố trịnh trọng, Tản Đà vẫn được coi là một nhà thơ yêu đất nước quê hương thắm thiết, là do những câu thơ rải rác như thế. Tản Đà để lại dấu vết đây đó trong cuộc hành trình làm báo làm thơ một cách tự nhiên, đương nhiên. Dấu vết cuộc hành trình ấy để lại nhiều nhất là trong tờ báo của chính ông, An Nam tạp chí. Nghiên cứu về ông cần nhiều công phu, đời ông quá nhiều giai thoại, nhất là những giai thoại liên hệ tới độc giả, như Tản Đà và nghệ thuật uống rượu, Tản Đà và nghề bói toán, Tản Đà làm báo, v.v…

Bài này đưa ý kiến nếu thực hiện một cuốn sách về 100 năm thơ Việt Nam, người viết bài này sẽ chọn Tản Đà làm người mở đầu, và bài mở đầu sẽ là bài thơ Thề Non Nước. Cắt rời hẳn với dòng thơ Hán Việt trở về trước, đi thẳng vào thế kỷ hai mươi.

Tản Ðà có nhiều thi phẩm được xuất bản, Giấc Mộng Lớn, Giấc Mộng Con,… trả lời một câu hỏi về tác phẩm ưa thích nhất của mình, ông cho biết đó là một bài thơ in trong cuốn Giấc Mộng Con. Trước mặt người hỏi là nhà phê bình Trương Tửu, thi sĩ đã ngâm lên bài ấy:

Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước non như vẽ bức tranh tình
Non nước tan tành
Giọt lụy tràn năm canh.
Đêm năm canh
Lụy năm canh
Nỗi niềm non nước
Đố ai quên cho đành

Quên sao đành
Nhớ sao đành
Trần hoàn xa cách
Bồng lai non nước xanh xanh! (Viên Linh)
(II.2018)

Mời độc giả xem chương trình “Quê người quê nhà” với đề tài “Lời cuối cho một câu chuyện quá buồn”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT