Tuesday, March 19, 2024

Vĩnh Quyền, nhà văn vượt trên chính mình

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Có người hỏi tôi, đâu là lý do đưa tôi tới cụm từ (thậm xưng): Vĩnh Quyền một “tín đồ sẵn sàng ‘tử đạo’ chữ nghĩa?”

Tôi trả lời, tôi đồng ý cụm từ tôi chọn để nói về nhà văn Vĩnh Quyền, một tên tuổi chưa quen thuộc lắm với độc giả Việt Nam có phần nào mang tính thậm xưng. Nhưng mặt khác, chỉ với cụm từ đó, nó mới phản ảnh được những cảm nhận của tôi sau khi đọc truyện ngắn của Vĩnh Quyền.

Xin được nói ngay rằng, không có trong tay nhiều lắm, truyện ngắn Vĩnh Quyền; nhưng truyện nào đọc qua, chúng cũng đều mang lại cho tôi, cảm giác bất ngờ. Ngây ngất.

Với riêng tôi thì, Vĩnh Quyền đã chủ tâm (can đảm) chọn cho ông “cửa hẹp,” là khuynh hướng văn chương mới, biến thân từ phong trào “Tiểu tuyết mới/ Nouveau Roman.” Khởi xướng bởi nhà văn Alain Robbe Grillet và bằng hữu của ông vào khoảng giữa thập niên 1950 ở Paris (1).

Tôi mượn hình ảnh “cửa hẹp” để nhấn mạnh tới sự kiện: Nhiều độc giả Việt Nam vẫn còn quen với loại truyện có cốt truyện; nhất là khía cạnh phân tích tâm lý, giải mã những trường hợp tình cảm éo le, khúc mắc, phức tạp… vốn cho họ cảm tưởng gần gũi, hoặc thấy như họ đã phần nào hiện diện trong truyện. Nhưng khuynh hướng văn chương mới thì, ngược lại. Chẳng những nó không dành chiếc ghế “chủ vị” cho cốt truyện và tâm lý nhân vật; mà, vai trò nhà văn cũng bị buộc phải bước khỏi ngôi vị “thượng đế” nắm trọn quyền sinh sát nhân vật, tô mầu, thêm thắt cho sự vật, thiên nhiên nữa.

Nói cách khác, tính lạnh lùng, khách quan của dòng văn chương mới hiện nay của thế giới, đã cho truyện kể một chân dung khác. Nó tựa như muốn thiết lập một rào cản, một khoảng cách giữa nhà văn hôm nay và người đọc quá khứ!? Sự thực, không phải thế.

Sự thực nhan sắc hay cái đẹp hôm nay của văn chương, được hình thành từ một quy chuẩn khác. Cũng tựa như trước đây, một phụ nữ được coi là đẹp chuẩn với da trắng, tóc dài, khuôn mặt trái xoan, nụ cười răng khểnh… Nhưng những tiêu chí này đã bị thời gian thay đổi dần bằng những tiêu chí mới mẻ, khác.

Tôi nghĩ nhà văn Vĩnh Quyền, hơn ai hết, biết rõ ông đã chọn cho ông những tiêu chí văn học mới… Nhưng chính chọn lựa bước vào “cửa hẹp” kia mà, truyện ngắn Vĩnh Quyền, theo tôi, đã bắt kịp, đã… “hợp dòng” được với trào lưu văn chương thế giới hôm nay.

Ngay từ nhan đề một trong những truyện đầu tiên của ông, tôi đọc được là bút ký “Đường Về Cổ Tích” (2), cũng đã tiên báo một tách thoát, một lên đường khác, dẫn tới một chân trời văn chương khác.

Câu chuyện nếu phải tóm tắt, thì, đó là chuyện một người cậu (Vĩnh Quyền) ở Việt Nam, nhận lời đón và, hướng dẫn một cô cháu tên Aiko, xa quê hương đã lâu, trở về, viếng thăm cố đô Huế, nơi lưu giữ thời con gái của mẹ cô.

Câu chuyện cũng được xây dựng trên ký ức (nhưng là ký ức có phần đã bị “hiện đại hóa”) của nhân vật người cậu dọc lộ trình đường bộ về Huế. Vĩnh Quyền viết:

“…Từ hướng Đà Nẵng ra tôi rẽ phải vào sân bay Phú Bài. Tất cả đã đổi thay sau những lần nâng cấp chuẩn quốc tế. Lâng lâng vui và không ngạc nhiên trước cái mới hiển nhiên nhưng vẫn thoáng ngậm ngùi khối kiến trúc đồ sộ chồng lấp cực đoan lên hình ảnh một sân bay nhỏ xinh những năm bảy mươi còn sót trong tôi.

(…)

“Cách trung tâm thành phố tám cây số, tôi rẽ trái lên núi Tam Thai, nói cậu sẽ đưa cháu viếng lăng các vua Nguyễn, nhưng đầu tiên phải là lăng vị vua không lăng cho đến mùa thu năm năm trước. Không hỏi nhưng ánh mắt Aiko là câu hỏi ngỡ ngàng thậm chí không hiểu. Với nụ cười kẻ tự cho phép kiêu hãnh trước việc làm không tưởng của mình, tôi tiếp: Là thời điểm cậu hoàn thành công trình xây lăng vua…”

Tới đây, chuyện kể của Vĩnh Quyền đã bước qua phần ba bút ký rồi; nhưng người đọc vẫn chưa thấy hé mở một dự báo bất ngờ, hấp dẫn nào mà, người Cậu, “hướng dẫn viên” trong chuyện sẽ mang lại cho cô cháu. Người con gái ở quê người, hai mươi năm sau mới trở về, mơ ước tìm lại phần đời đã qua của người mẹ mình. Truyện của Vĩnh Quyền vẫn “thong thả” nhẩn nha kể lại kỷ niệm mà tác giả có với người mẹ (thời thiếu nữ) của Aiko.

Kỷ niệm, trong dòng văn chương cũ là “chìa khóa vàng” của truyện kể. Nhưng trong truyện của Vĩnh Quyền, nó lại hiện ra như những chấm phá, hay chỉ là cái cớ, để ông gửi gấm một điều gì khác. Thí dụ thời gian là sát nhân hung bạo nhất của ký ức(?)

“Điều gì khác” trong chuyện kể của Vĩnh Quyền, có dễ là nguyên nhân chính khiến Aiko, không khỏi “ngỡ ngàng thậm chí không hiểu”!!

Và, tôi nghĩ, Aiko sẽ còn “ngỡ ngàng thậm chí không hiểu” hơn nữa, khi tác giả ra khỏi truyện kể của mình, bằng kết thúc tôi tin không ai có thể đoán trước (theo đúng phong cách văn chương mới):

“… Tiệc tẩy trần dài theo những mẩu chuyện như không bao giờ kết thúc cho đến khi trở chiều. Trong lúc tôi châm thuốc lá Aiko bảo cậu ơi chúng ta đi thăm mẹ nhé.

“Tôi khẽ lắc đầu nhìn khói thuốc tan nhanh trước mặt. Ngôi nhà xưa ấy không còn nữa cháu à.”

Vĩnh Quyền cho tôi cảm tưởng, có thể Aiko bị ngợp trong vòng xoáy ngỡ ngàng, nên cô đã bất ngờ, thêm một “ngỡ ngàng” khác, trước khi câu chuyện được hoàn toàn chấm dứt:

“Aiko ngậm ngùi nhưng không thất vọng như tôi đã lo lắng, lại là người nói ra lời an ủi: Vẫn còn trong cậu đó thôi. Cám ơn cậu đã truyền ký ức về mẹ cho cháu…”

Cũng thế, với truyện “Sói Hoàng Hôn” (3) được nhiều nhà xuất bản ngoại quốc chú ý, cũng như được một số nhà phê bình Mỹ đề cập… Vĩnh Quyền vẫn cho thấy những bứt phá, tách thoát khỏi trói buộc của nền nếp văn chương cũ, bằng những tiêu chí nhận diện như:

-Trả lại khách quan tối đa cho sự việc – Xóa bỏ hẳn vai trò nhà văn là…”thượng đế” qua những phân tích tâm lý – Nội dung áp đặt… Dẫn tới kết luận đã được nhà văn định trước…

Nhờ những tiêu chí vừa nêu mà, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Mọi sự việc chỉ là cái cớ để văn chương thực sự là văn chương, nằm ngoài mọi toan tính, chủ quan của nhà văn trong quá khứ.

Phải chăng, chính vì chọn lựa bước vào “cửa hẹp” mà, Vĩnh Quyền, cùng một số nhà văn hôm nay đã, đến được mặt-bằng của văn chương thế giới?

Nói cách khác, theo tôi, Vĩnh Quyền nhà văn đã vượt trên chính mình. Điều không dễ với khá nhiều người cầm bút, còn lại.

Du Tử Lê,

(Garden Grove, Tháng Hai, 2019)


Chú thích:

(1)Theo nhà văn R.M-Albérès một trong những chủ biên của cuốn “Văn Học Thế Giới Hiện Đại,” viết về hiện tượng “Tiểu thuyết mới” thì ngay tự những năm 1925, Adré Gide khi viết cuốn “Bọn làm bạc giả” đã đi ngược lại mọi truyền thông truyện kể và, cuốn “Ulysse của James Joyce cũng đã cho thấy khuynh hướng giữ nguyên trạng của sự vật, hay sự đòi hỏi tính khách quan tối đa nơi nhà văn. Vẫn theo R.M-Albérès thì trước thế chiến văn nữ Nathalie Sarraute đã sớm cho thấy bà bị ảnh hưởng của phong cách văn chương James Joyce. Theo ghi nhận của một số nhà văn Phái thì chính tinh cực đoan của phong trào “Tiểu thuyết mới” khiến nhiều người cầm bút không thể đáp ứng và độc giả cũng khó bước vào… Vì thế, sau khoảng hơn một thập niên, phong trào “Tiểu thuyết mới” đã biến thái thành dòng “văn chương mới,” như ta thấy hôm nay.

Tác phẩm “Văn Học Thế Giới Hiện Đại,” bản dịch tiếng Việt của Bửu Ý, do nhà An Tiêm xb tại Sài Gòn, 1973 – Được nhà xuất bản Xuân Thu, Hoa Kỳ chụp lại, in ra tại Hoa Kỳ, sau 1975, không ghi nguồn gốc, nơi chốn và thời gian…

(2), (3) Nguồn: Website dutule.com

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT