Thursday, April 18, 2024

26 hội đoàn, tổ chức yêu cầu EU hoãn thông qua Hiệp Định Thương Mại với Việt Nam

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng nên 26 hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước thúc giục Liên Âu (EU) hoãn thông qua Hiệp Định Thương Mại với Việt Nam.

Một bức thư ngỏ của 26 hội đoàn, tổ chức bảo vệ nhân quyền trong và ngoài Việt Nam gồm Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ủy Ban Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Việt Nam, Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do cùng nhiều tổ chức khác, kêu gọi EU hoãn thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại (EVFTA) với Việt Nam cho tới khi Hà Nội thỏa mãn các đòi hỏi bảo vệ nhân quyền “cụ thể và kiểm chứng được.”

Ngày 21 Tháng Giêng, 2020, vừa qua, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (INTA) của EU đã bỏ phiếu thông qua đề nghị Quốc Hội Liên Âu bỏ phiếu chuẩn thuận Hiệp Định Tự Do Thương Mại (EVFTA) với Việt Nam, từng được hai bên ký từ Tháng Sáu, 2019, bất chấp các khuyến nghị dựa trên những bằng chứng cho thấy CSVN ngày càng đàn áp nhân quyền trầm trọng hơn.

Bức thư ngỏ nói trên cho hay EU từng từ chối không ký Hiệp Định Thương Mại với Turkmenistan vì nước này không chịu cải thiện nhân quyền, áp dụng đúng luật lệ như quy định. Đến Tháng Ba, năm 2019, EU còn ra nghị quyết lập lại quyết định đó.

“Quốc Hội Liên Âu nên hành động tương tự với Việt Nam, giữ lại Hiệp Định và đồng thời chấp thuận một nghị quyết song song đặt các điều kiện nhân quyền mà CSVN phải thỏa mãn để Quốc Hội EU chuẩn thuận EVFTA,” bức thư ngỏ viết.

Các điều kiện tối thiểu về nhân quyền mà các tổ chức, hội đoàn nói trên kêu gọi Quốc Hội EU đòi hỏi CSVN phải thực hiện gồm công khai đưa ra cam kết và lịch trình điều chỉnh hoặc bãi bỏ những điều luật hình sự độc đoán như các điều 109, 116, 117, 331, 338 thường xuyên dùng để kết án các người bảo vệ nhân quyền bằng các hành động ôn hòa, các nhà báo, luật sư, lãnh tụ tôn giáo và các người bất đồng chính kiến; Trả tự do cho các tù nhân chính trị và những người đang bị giam cầm chưa có án, trong đó gồm cả nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giam vì khuyến cáo Quốc Hội EU về Hiệp Định EVFTA.

Quốc Hội EU nên đòi CSVN cam kết một lịch trình chi tiết về thời hạn thông qua Công Ước Quốc Tế số 87 (Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Tự Do Hội Họp) trễ nhất là năm 2021. Đồng thời, liên quan đến hiệp định EVFTA, cần phải thành lập một cơ chế độc lập để theo dõi các khiếu nại từ những người bị tổn hại gây ra bởi hiệp định và đền bù hiệu quả cho họ, bức thư ngỏ viết.

Ông Châu Văn Khảm, Việt kiều Úc, một nhà hoạt động nhân quyền bị CSVN cáo buộc tội “khủng bố,” ra tòa ngày 11 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)

“Sự lựa chọn dành cho các nghị viên Quốc Hội Liên Âu khi bỏ phiếu vào ngày 11 Tháng Hai tới đây là một lựa chọn giản dị: Hoặc trì hoãn thông qua Hiệp Định và gửi cho Hà Nội một thông điệp rõ ràng rằng EU rất nghiêm chỉnh về các lời kêu gọi cải thiện nhân quyền của họ, hoặc chuẩn thuận dù thiếu sự cải thiện nhân quyền” tức là gửi thông điệp ngược lại cho CSVN.

Các tổ chức, hội đoàn bảo vệ nhân quyền Việt Nam nói trên “hy vọng các nghị viên EU đưa ra quyết định lựa chọn đúng.”

Theo các tổ chức nói trên, chỉ riêng trong năm 2019, CSVN đã bắt giam hoặc kết án tù ít nhất 30 người cho dù người ta chỉ phát biểu một cách ôn hòa quan điểm cá nhân, nâng tổng số tù nhân lương tâm bị giam cầm tại Việt Nam lên 144 người.

Khuynh hướng đàn áp nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền CSVN càng ngày càng tệ hại hơn trước bất chấp các khuyến nghị, khuyến cáo quốc tế, gồm cả Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Giữa Tháng Giêng vừa qua, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) công bố bản phúc trình toàn cầu cho hay chế độ Hà Nội hạn chế gắt gao mọi quyền chính trị và dân sự cơ bản, và cấm mọi hoạt động bị Đảng Cộng Sản cầm quyền coi là mối nguy đối với vị thế độc tôn quyền lực của mình.

Đặc biệt là các nhà hoạt động và blogger phải chịu theo dõi, cấm đi lại, hành hung, thẩm vấn và bắt giữ, bị các tòa án kết tội và áp các mức án tù nhiều năm.

“2019 là một năm khốc hại đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam,” ông Brad Adams, giám đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền phát biểu.

“Nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố rằng người dân Việt Nam được hưởng quyền tự do ngôn luận, nhưng ‘quyền tự do’ này biến mất khi được vận dụng để kêu gọi dân chủ hay phê phán Đảng Cộng Sản cầm quyền.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT