Thursday, April 18, 2024

Chuyện thu phí xe gắn máy ở Việt Nam


Chuyện vỉa hè

 

 

 

Phùng Thức

 

Ðầu năm 2012, sau sự kiện tiếng bom Tiên Lãng, việc người Sài Gòn và cả tầng lớp lao động Việt Nam quan tâm nhất đó là vấn đề thu thuế xe gắn máy. Tất nhiên việc tận thu này chỉ mới là đề xuất của Bộ Giao Thông Vận Tải nhưng người ta tin rằng trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế hiện nay, cách dễ nhất để chế độ Hà Nội có hàng ngàn tỉ đồng chi xài và tham nhũng là móc túi người nghèo.

Nạn kẹt xe liên miên ở Sài Gòn vì quá nhiều xe gắn máy. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Vì sao việc thu thuế xe gắn máy lại hứa hẹn thành cú sốc trong đời sống người nghèo Việt Nam. Trước tiên vì xe gắn máy là phương tiện đi lại gần như là duy nhất trong mọi gia đình từ thành thị tới nông thôn. Ngày nay ở Sài Gòn-Hà Nội không gia đình nào có dưới 2 chiếc xe gắn máy.

Một người chạy xe ôm ở quận Tân Bình nói rành rẽ. “Ông cũng có xe chắc dư biết, như chiếc xe cà tàng câu cơm của tui đây hiện đang chịu bao nhiêu phí không. Nào là phí trước bạ, phí môi trường, phí bảo trì đường và giờ chúng nó lại bóp cổ, đòi thu thêm phí lưu hành năm trăm ngàn một năm.”

Với trường hợp của một gia đình lao động ở quận 11 thì thảm hơn. Cả đại gia đình gồm 10 người lớn sống trong một căn nhà chỉ có 30m2. Trừ hai người già không có xe, 8 người còn lại cùng thay nhau sử dụng 6 chiếc xe. Có người nói nhà đó có 6 chiếc xe thì nghèo cái nỗi gì, nhưng sự thật là cả 6 chiếc xe gắn máy Trung Quốc đó trị giá chưa bằng một chiếc xe Nhật loại thông thường. Một thành viên trong gia đình làm nghề bảo vệ trường học cho biết. “Nếu nhà nước thu thuế thì nhà tôi mất mỗi năm cả ba triệu bạc. Tính ra mỗi tháng một chiếc xe gánh gần năm chục ngàn thì phải đội trên đầu thêm ba trăm ngàn. Những lao động chính ở nhà tôi chưa ai làm lương quá ba triệu một tháng, mất ba trăm ngàn đóng thuế xe gắn máy. Ba trăm ngàn với người giàu, với cán bộ chỉ là tiền lẻ, còn đối với gia đình tôi coi như mất một phần sự sống. Cái thứ thuế này bất công, khốn nạn quá!”

Nhưng ông Ðinh La Thăng, bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải lại phát ngôn rằng: Thu phí xe gắn máy là để bảo đảm sự công bằng. Rồi ông đưa ra những bài học từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Singagpore để hù người dân về lẽ công bằng trong việc thu phí nhằm mục đích cải tạo, nâng cấp cầu đường và hạn chế phương tiện cá nhân để hết nạn kẹt xe.

Người lao động Việt Nam hôm nay không lạ gì khi nghe những cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp múa mép nói dóc. Họ chỉ nhìn vào thực trạng giao thông hiện nay ở Việt Nam là tự có câu trả lời cho mình. Ai cũng biết là chất lượng xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam không thể sánh bằng chất lượng tham nhũng, ai cũng biết nạn kẹt xe và tai nạn giao thông được coi là môi trường tốt nhất để công an giao thông và các lực lượng thanh tra giao thông ăn hối lộ.

Ở thuật ngữ mà chế độ gọi là chính sách vĩ mô về giao thông, người ta được biết là trong năm 2012, hãng xe máy hiệu Honda của Nhật ở Việt Nam sẽ cho xuất xưởng thêm 2.7 triệu chiếc, Yamaha 1.5 triệu chiếc, đó là chưa kể đến xe Ý, Ðài Loan, Trung Quốc… Như vậy ý đồ thu thuế lưu hành xe gắn máy của nhà nước thực chất là móc túi người tiêu dùng để làm đường, làm cầu, thỏa mãn những tập đoàn tư bản và tìm thêm cơ hội rút ruột các công trình giao thông, gia tăng tài sản của quan chức cán bộ tham nhũng.

MỚI CẬP NHẬT