Thursday, March 28, 2024

Muốn mua vũ khí Mỹ, Việt Nam phải cải thiện nhân quyền

 


BANGKOK (NV) Việt Nam có thể được Mỹ bán cho nhiều thứ trang bị quốc phòng theo một danh sách dài họ đề nghị nhưng tùy thuộc vào cải thiện nhân quyền, một điều kiện rất khó nuốt nếu muốn duy trì quyền lực độc tài đảng trị tại Hà Nội.









Nghị Sĩ John McCain (giữa) phát biểu, Nghị Sĩ Sheldon Whitehouse (bên phải) và Nghị Sĩ Joseph Lieberman (bên trái) lắng nghe khi phái đoàn của họ mở họp báo ở Hà Nội ngày 19 tháng 1, 2012 trước khi đáp máy bay đi Bangkok. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Trên đường từ Việt Nam đến Miến Ðiện, phái đoàn 4 nghị sĩ Mỹ đã ghé lại Bangkok, Thái Lan, và tiếp xúc với báo chí.


“Có một số hệ thống võ khí mà Việt Nam muốn mua của Mỹ hay nhận được từ chúng tôi và chúng tôi có thể chuyển cho họ những hệ thống đó.” Nghị Sĩ Joseph Lieberman nói với báo chí ở Bangkok ngày Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012. “Tuy nhiên, nó sẽ không xảy ra trừ phi họ (Việt Nam) cải thiện tình trạng nhân quyền.”


Những lời nói của các nhân vật lập pháp có ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ lập lại những phát biểu của nhiều viên chức ngoại giao gồm cả bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton chứng tỏ cả hai phía Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ đều đồng thuận với nhau trong chính sách đối với Việt Nam.


Hiện nay, việc bán võ khí cho Việt Nam đang bị cản trở bởi đạo luật cấm vận quân sự có hiệu lực từ năm 1984. Nếu đạo luật này được gỡ bỏ sẽ là dấu hiệu cải thiện thật sự mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước khi những căng thẳng về tranh chấp biển Ðông đang bận tâm tất cả mọi người ở Việt Nam cần đối phó với một đối thủ không cân sức.


Một nước Trung Quốc trỗi dậy “chắc chắn ở trong đầu các lãnh đạo của Việt Nam và Philippines.” Ông Lieberman nói trong cuộc họp báo. “Hoa Kỳ có những quan ngại đối với các lời tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Ðông, đặc biệt liên quan đến quyền tự do hải hành ở khu vực.”


Khi còn ở Hà Nội ngày 20 tháng 1, 2012, Nghị Sĩ John McCain nói với ba nhân vật vận động dân chủ ở Việt Nam là “Việt Nam rất cần Hoa Kỳ và Hoa Kỳ cũng cần Việt Nam để giữ hòa bình và ổn định trên biển Ðông.”


Tại Bangkok, Nghị Sĩ McCain cho hay phái đoàn của ông đã “nêu rõ cho phía Việt Nam biết rằng mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước bị tác động trực tiếp bởi các vấn đề nhân quyền.”


Ông McCain từng là phi công của Hải Quân Hoa Kỳ bị bắn rơi máy bay khi ném bom ở Việt Nam và từng bị cầm tù ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, từ 1966 đến 1973.


“Không có tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam, thậm chí lại còn thụt lùi.” Ông nói.


Khi ở Hà Nội ông cho hay ông Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng được phái đoàn nghị sĩ Mỹ đưa vấn đề nhân quyền ra nói thì đã gạt đi và nói chuyện nhân quyền được bàn trong các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước, mỗi năm họp hai lần.


Ngày 19 tháng 1, 2012 khi phái đoàn nghị sĩ Mỹ gặp các lãnh tụ Hà Nội, phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Ðông Nam Á Kurt Campbell tuyên bố ở Hoa Thịnh Ðốn là “Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa về nhân quyền để Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ việc mở rộng quan hệ giữa hai nước.”


Cũng trong tuần qua, Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo trong khi Hà Nội xưa nay không hề nhìn nhận giam giữ ai vì bất đồng chính kiến hay lý do tôn giáo.


Trong khi phái đoàn 4 nghị sĩ Mỹ ghé tới Bangkok trước khi đi Rangoon, thủ đô Miến, báo Mainichi ở Nhật tiết lộ rằng Tập Cận Bình (phó chủ tịch Trung Quốc dự trù lên ghế chủ tịch từ cuối năm nay) khi đến Việt Nam hồi giữa tháng trước đã cảnh cáo đám lãnh tụ Hà Nội là không được đi với Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Ðông. Lời cảnh cáo này được nói với cả 3 người nắm giữ những chức vụ cao nhất trong Ðảng và Nhà nước CSVN là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, và Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, ở những cuộc tiếp xúc riêng biệt vào các ngày từ 20 đến 22 tháng 12, 2011.


Các viên chức Lập pháp và Hành pháp Hoa Kỳ đều khuyến cáo Việt Nam cũng như cả khối ASEAN nên đoàn kết thành một khối để đối phó với Trung Quốc bên cạnh sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các cường quốc khác trong khu vực. (TN)

MỚI CẬP NHẬT